18.12.11

Bị áp lực trong nước, chính quyền Nga thay đổi đối sách ngoại giao


Bị áp lực trong nước, chính quyền Nga thay đổi đối sách ngoại giao

Tổng thống Medvedev tại thượng đỉnh Nga -LHCÂ
Tổng thống Medvedev tại thượng đỉnh Nga -LHCÂ
Reuters

Trọng Thành
Nước Nga vừa có hai quyết định bất ngờ : hứa hẹn trợ giúp tài chính cho khu vực đồng euro và đề nghị Hội đồng Bảo an trừng phạt Syria. Le Monde phân tích về sự thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao này của Matxcơva.

Hai bài báo trên Le Monde mang tựa đề :« Sự thay đổi đột ngột của Nga trong hồ sơ Syria » và « Chính quyền bị phản đối tại Matxcơva, tìm cách sang sửa hình ảnh bên ngoài ».
Dự thảo nghị quyết của Nga đưa ra Hội đồng Bảo An, mà Nga đang làm chủ tịch luân phiên trong tháng này, lên án « việc sử dụng bạo lực một cách quá đáng của chính quyền Syria » và khuyến cáo « Syria ngưng đàn áp những người đòi quyền tự do ngôn luận ». Đây là một thay đổi thái độ hết sức lớn so với lập trường bênh vực của Nga đối với Syria từ trước đến nay. Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, cử chỉ này cho thấy chính quyền Matxcơva đang muốn thoát ra khỏi thế cô lập về ngoại giao.
Đề nghị kể trên của Nga đã được đưa ra ngay trước phiên họp của Liên đoàn Ả Rập, được tổ chức vào ngày 17/12. Mặc dù không có ý định bỏ rơi hoàn toàn đồng minh Syria, Nga cũng không muốn đánh mất quan hệ với Liên đoàn Ả Rập.
Le Monde bình luận, chế độ của Vladimir Putin dường như đang tìm cách thay đổi các quan hệ với bên ngoài để hóa giải tác động tiêu cực của phong trào phản kháng mạnh ở trong nước. Với dự thảo nghị quyết chống lại chính quyền Damas, Matxcơva muốn cải thiện vị thế của mình trong bối cảnh có nhiều bất đồng với phương Tây, đặc biệt trong hồ sơ hệ thống lá chắn chống tên lửa của NATO. Còn với quyết định trợ giúp khu vực euro 20 tỷ euro, thông qua FMI, Nga muốn chứng tỏ rằng Châu Âu ở vào thế yếu, khi phê phán các hành xử độc đoán của Matxcơva trong các quan hệ đối nội.
Hiện tại, các chuyên gia Châu Âu đã bắt đầu nghiên cứu các khả năng sửa đổi dự thảo nghị quyết về Syria do Nga đề xuất. Phương Tây muốn nghị quyết của Hội đồng Bảo an sẽ lên án đích danh các lực lượng của chính quyền Damas, cấm vận vũ khí và ủng hộ sáng kiến hòa bình của Liên đoàn Ả Rập.
Trung Quốc : Sự nổi giận của những người dân chân chất làng Ô Khảm – Quảng Đông
Về tình hình Trung Quốc, Le Monde có bài : « Trung Quốc : Sự nổi giận của những người dân chân chất làng Ô Khảm ». Cuộc biểu tình chống lại chính quyền địa phương tham nhũng và độc đoán tại Quảng Đông, tiếp theo cái chết oan ức của ông Tiết Kim Ba, mới đầu chỉ có một làng Ô Khảm tham gia, ngày hôm qua đã được sự hưởng ứng của làng Long Thủ kế cận.
Le Monde mô tả cuộc phản kháng tại Ô Khảm, tại một làng đông dân thuộc huyện duyên hải Sán Vĩ, (tỉnh Quảng Đông) với hàng ngàn người tham gia, đã kéo dài từ nhiều ngày nay. Thông tin về cuộc phản kháng tràn ngập các mạng xã hội. Theo Le Monde, do truyền thông chính thức không đưa tin về sự biến này, cộng với việc kiểm duyệt đối với các trang blog cá nhân được xiết chặt, bình luận về cuộc phản kháng tại Ô Khảm ngày càng trở nên quyết liệt, thách thức và mang tính chính trị hơn.
Ngày 15/12, trên mạng Weibo, xuất hiện hàng chữ « Ngày hôm nay, chúng ta quỳ gối và chúng ta nói bằng ngòi bút. Ngày mai, chúng ta sẽ đứng dậy và chúng ta sẽ thể hiện quan điểm bằng súng đạn ». Và để phản đối quan điểm chính thống cho rằng các dân làng bị các thế lực ngoại bang thao túng, là lời chất vấn và kêu gọi : « Ngoại bang nào ? Dân chủ là xu thế ! Hãy trả Trung Quốc lại cho nhân dân, và hãy cút ra khỏi Trung Quốc, ngoại bang duy nhất chính là chính quyền cộng sản ! ».
Cuộc phản kháng tại Ô Khảm thể hiện sự mất lòng tin hoàn toàn của người dân đối với chính quyền Trung Quốc. Tình trạng tại làng Ô Khảm cũng giống như rất nhiều nơi khác ở Trung Quốc : ruộng đất bị tịch thu để bán lại với giá bèo, ô nhiễm, tiền bị giới có chức quyền biển thủ và quyền lực bị các lãnh đạo đảng nắm chặt từ hàng thập kỷ nay.
Vào tháng 9/2011 sau nhiều năm kiến nghị phản đối không thành công, dân làng Ô Khảm đã biểu tình đòi công lý. Công an đã đàn áp. Đoàn biểu tình đã trả đũa bằng cách đập phá ủy ban chính quyền và đốt cháy xe công an. Đến tháng 11 , hàng ngàn dân làng đã biểu tình trước ủy ban huyện, giơ cao khẩu hiệu đòi thành lập lực lượng giữ gìn trật tự riêng. Trước sức ép của dân chúng, chủ tịch huyện này đã phải hứa sẽ tiến hành điều tra các vụ tham nhũng và gây ô nhiễm. Dân làng đã cử ra 13 đại diện để thương thuyết với chính quyền. Tuy nhiên, cách đây một tuần, tất cả những người này đã bị bắt. Và ngày thứ Ba vừa qua, một trong số 13 đại diện kể trên của Ô Khảm đã bị chết tại nơi giam giữ. Dù chính quyền ngay sau đó, đã tổ chức thực hiện một chương trình truyền hình mô tả đời sống bình an của những người bị giam giữ, những người dân làng Ô Khảm vẫn không thể tin tưởng và nhất mực nghĩ rằng người thân của họ đã bị tra tấn. Đây chính là lý do khiến những người dân làng Ô Khảm tiếp tục cuộc phản kháng.
Căng thẳng Anh – Pháp khiến Châu Âu lo ngại
Về thời sự Châu Âu, quan hệ Anh – Pháp vừa mới trở nên căng thẳng sau một số lời qua tiếng lại là chủ đề được Le Figaro chú ý đến qua bài viết : « Căng thẳng Anh – Pháp khiến Châu Âu lo ngại ».
Như chúng ta biết, sau khi quyết định không tham gia vào Hiệp ước mới giữa các chính phủ Châu Âu, Anh Quốc ở vào vị thế bị cô lập. Ngày hôm qua, Bộ trưởng Tài chính và Công nghiệp Pháp François Baroin đưa ra nhận định, đáng nhẽ nước phải bị mất điểm AAA là Anh chứ không phải là Pháp. Ông François Baroin khẳng định : « Tình trạng kinh tế của Anh Quốc hiện nay rất đáng ngại, vào thời điểm này, người ta thích là công dân Pháp hơn Anh ». Ngay lập tức, phó thủ tướng Anh Nick Clegg, vốn được coi là một người rất gắn bó với Châu Âu, trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại với thủ tướng Pháp Fillon đưa ra nhận xét, cho rằng những lời lẽ kể trên là « không thể chấp nhận được ». Cũng liên quan đến diễn biến này, Le Figaro dẫn lời tờ Canard Enchainé – tuần báo trào phúng Pháp, theo đó tổng thống Pháp Sarkozy đã gọi thủ tướng Cameron là « thằng bé cứng đầu », khi để cho Anh Quốc ở vào vị trí đơn độc trong khối.
Động thái căng thẳng Anh – Pháp mới này khiến một bộ trưởng Châu Âu lo ngại rằng, các lời lẽ kể trên của Pháp sẽ thổi dầu vào lửa, trong bối cảnh Paris cố gạt Luân Đôn sang một bên, như một chướng ngại cho việc thành lập « một chính phủ kinh tế của khu vực đồng euro ». Đan Mạch – sắp đảm nhiệm cương vị chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Châu Âu – mong muốn tìm lại sự đoàn kết giữa những nước Châu Âu trong và ngoài khu vực đồng euro. Đây cũng là nỗ lực của chủ tịch Ủy ban Châu Âu Herman Van Rompuy.
Thực tế là, Luân Đôn không muốn bị gạt ra ngoài. Le Figaro bình luận, Anh Quốc, sau khi đã từ chối tham gia vào quá trình cải cách các hiệp định Châu Âu bằng cửa chính, nay « đã cố gắng trở lại bằng đường cửa sổ ». Ngày hôm qua, Luân Đôn đã được chấp nhận tham gia, với tư cách gần như là quan sát viên, vào cuộc đàm phán giữa các nước Châu Âu, sẽ bắt đầu vào thứ Ba tới, về một hiệp định mà nước này đã từ chối cách đây 8 ngày.
Văn bản dự thảo hiệp định, đã được gửi đến các nước thành viên ngày hôm qua, dự kiến hiệp định sẽ có hiệu lực khi nào được 9 nước thuộc khu vực đồng euro phê chuẩn.
Hội chợ Noel Strasbourg : rất nhiều hoạt động cho trẻ em
Ngày Giáng Sinh sắp đến gần. Tại Strasbourg - thủ phủ của vùng Alsace, nằm ở trung tâm của Châu Âu, hội chợ Noel kéo dài trong suốt tuần lễ cuối cùng của năm (từ ngày 26/12-31/12/2011) là một sự kiện được đón đợi. Vốn đã từng là nơi diễn ra một trong các hội chợ Noel cổ xưa nhất Châu Âu, Strasbourg đã nối lại với truyền thống này, kể từ năm 1991 đến nay.
Ba năm trở lại đây, hội chợ Noel Strasbourg đặc biệt nổi tiếng với các hoạt động dành cho trẻ em, bên cạnh các không gian dành cho các hoạt động từ thiện và nhân đạo. Các gia đình có thể đưa con em của mình đến trượt băng trước nhà thờ lớn, nghe những bài hát Noel cổ truyền do các ca đoàn của vùng Alsace trình diễn dưới chân cây thông Noel cao 30 thước ở quảng trường Kleber hay tham gia vào cuộc chơi tìm kiếm các dấu vết của những truyền thống Noel trong lịch sử tại khu Petite France. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến chuyến đi thăm có người hướng dẫn về lịch sử của hội chợ Noel, các lời kể có đệm nhạc về sự tích Chúa Giê Su giáng sinh và rất nhiều các cuộc biểu diễn kể chuyện trên khắp thành phố.
Trên trang nhất các báo Pháp ... 
Việc Nga thay đổi hoàn toàn thái độ đối với Syria, với việc trình lên Hội đồng Bảo an một dự thảo nghị quyết mới là chủ đề được nhiều báo Pháp quan tâm.
« Khủng hoảng euro. Cuộc đấu khẩu giữa Paris và Luân Đôn » là tựa đề trên trang nhất Le Figaro. Libération thì chú ý đến thời sự nước Pháp qua hồ sơ phân tích ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đối với cuộc bầu cử tổng thống Pháp, với câu hỏi : « Tình trạng kinh tế trì trệ hiện nay sẽ có lợi cho những ứng cử viên nào trong cuộc tranh cử 2012 ? »
Trang nhất La Croix hôm nay chạy tựa « Mỗi ngày, một địa điểm : Những ''chiến binh'' của bệnh viện Garches ». Phóng sự của La Croix đưa bạn đọc tới thăm một nơi trị liệu phục hồi cho các bệnh nhân, sau các tai biến thần kinh nghiêm trọng, như chấn thương sọ não hay tai biến mạch máu não.
 
TAGS: CHÂU ÂU - NGA - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: