18.12.11

Kết quả đề án 322: vẫn còn phía trước


2011-12-17
Trong hội nghị tổng kết 10 năm Đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài còn được gọi là Đề án 322 vừa được bộ GDĐT tổ chức tại Hà Nội, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho là đáng tự hào khi hàng ngàn cán bộ tốt nghiệp trở về phục vụ tại cơ quan mình với mảnh bằng mới.
Photo courtesy of Hội Người Việt tại LB Nga
Du học sinh Việt Nam tại Đức
Tuy nhiên phía sau niềm tự hào đó là những câu chuyện đáng suy gẫm do bức xúc của nhiều du sinh trở về từ đề án này.
Theo tổng kết của Bộ Giáo Dục và Đào tạo thì sau 10 năm thực hiện đề án 322 các cơ quan của cả nước đã gửi đi đào tạo ở nước ngoài 7.129 người, trong đó tiến sĩ là 3.838 người, thạc sĩ là 2.042 người, với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng. Con số này cho thấy sự quan tâm của những người làm việc trong các cơ quan công quyền mong muốn kiến thức được cập nhật với thế giới là có thực và họ đã bằng mọi cách lặn lội xin cho bằng được xuất học bổng quý giá này.

Ngày trở về

Sau khi hội nghị về đề án 322 chấm dứt hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ trở về từ nhiều nước đã công khai lên tiếng chia sẻ những khó khăn của họ. Những trăn trở này mở ra nhiều dấu lặng trong cộng đồng du học sinh đề án 322. Bên cạnh sự trở về vinh quang ban đầu, tiếp theo sau là vô vàn khó khăn xuất hiện nơi họ làm việc. Những ánh mắt ghen tỵ trong sở, những lo âu mất ghế của lãnh đạo cộng với các tranh cãi từ cách nhìn mới đã khiến người về trở thành ốc đảo bị bao vây do chính những người cộng sự cũ của mình.
Từ quan điểm trì trệ của lãnh đạo đến tư duy bao cấp, cầu an của đồng sự đã là những chiếc rào cản kiên cố không thể vượt qua đối với người vừa trở về từ một vùng đất khác, nơi tri thức được áp dụng tối đa vào không gian làm việc.
Tất cả khó khăn này cộng với tâm lý bị xem thường khi đồng lương trả cho tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ của họ không nhích lên một chút nào so với trước khi ra đi. Đồng lương trả cho tấm bằng tiến sĩ của nước ngoài ngang với một người có bằng cử nhân trong nước đã làm cho họ hụt hẫng. Tâm lý cào bằng cấp giữa trong và ngoài nước đã làm ý chí tiến thân của họ trở nên tàn lụi và không ít người đã rời khỏi cơ quan ra làm việc bên ngoài bất chấp những khó khăn pháp lý có thể chờ đón họ.

Những lãng phí vô hình

000_Del404713-250.jpg
TT Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields cho GS. Ngô Bảo Châu - Trường Đại học Paris-Sud, Pháp ngày 19/8/2010. AFP photo
Theo báo cáo trong hội nghị tổng kết thì lưu học sinh chọn việc trở về nước chiếm tới 95% và đa số trở về cơ quan cũ làm việc. Số 5% còn lại chưa trở về nước vì một lý do nào đó đã được hội nghị đánh giá là lãng phí và thất thoát chất xám khá lớn.
Tuy nhiên có một thực tế khác mà trong hội nghị này không nhắc tới đó là vấn đề lương bổng và sự phân hóa nơi làm việc của người du học sinh trở về. Với 95% con người bị đối xử không công bằng này thì sự bất mãn âm ỉ sẽ làm cho các cống hiến của họ ngày càng nhiều dấu trừ hơn, cho tới một lúc nào đó có một doanh nghiệp ngỏ lời thì ai là người có thể lên tiếng từ chối?
Như vậy có đáng gọi là lãng phí hay không, và khi đã lãng phí tới 95% con người vì sử dụng không đúng chỗ thì lỗi này do ai trách nhiệm?
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một người rất nhiều kinh nghiệm trong vấn đề du học sinh đưa nhận xét về đồng lương trong đề án 322 như sau:
Tất cả những người đấy không có một khâu làm việc ở đầu ra tức là khi đã đạt tiến sĩ rồi, về Việt Nam rồi mà vẫn không có điều kiện thi thố tài năng.
GS Nguyễn Đăng Hưng
“Về vấn đề đào tạo và sử dụng nhân tài, nhất là đối với những người nào đã được đào tạo rồi, ngay cả đào tạo bằng tiền của chính phủ trong đề án 322, tất cả những người đấy không có một khâu làm việc ở đầu ra tức là khi đã đạt tiến sĩ rồi, về Việt Nam rồi mà vẫn không có điều kiện thi thố tài năng. Các nhà lập chính sách Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, về đào tạo nhân tài cho Việt Nam không nhất quán trong chính sách và không có chính sách phù hợp với quyền lợi đất nước.
Tôi nghĩ đây là điều thiếu sót mà bây giờ báo chí bắt đầu nói tới vì có phản ứng của sinh viên ra trường và về lại Việt Nam.”
Đối với Giáo sư Viện sĩ Hoàng Xuân Phú thì đồng lương trả cho du sinh đã nói lên tình hình kinh tế của Việt Nam. Khó mà đòi hỏi một cơ quan nhà nước có đủ ngân sách để chi trả cho viên chức của họ mức lương tương đương với doanh nghiệp bên ngoài, ông nói:
“Thật ra chuyện lương thấp thật đáng tiếc cho nhiều thành phần chứ không riêng gì lực lượng trẻ du học về. Số tiến sĩ học trong nước có nhiều người giỏi nhưng lương thì không cao, chỉ tương tự với số đi học về. Chuyện này tôi nghĩ nó nằm trong câu hỏi lớn hơn về kinh tế. Lấy ví dụ như bản thân con tôi cũng đi học nước ngoài về, có bằng tiến sĩ thì lương cũng như thế. Nói chung thì tôi nghĩ rằng giả sử nếu lương mà cao lên để cho các em nó phát triển tài năng trong công tác thì tốt hơn nhưng mà hiện giờ thì Việt Nam nằm trong bế tắc chung về kinh tế nên tôi cũng chưa biết nên giải quyết thế nào.”

Tiến sĩ khác với giám đốc

Là một tiến sĩ, việc đầu tiên họ cần là tiếp tục nghiên cứu nếu không muốn mảnh bằng bị hạn chế, thậm chí lạc hậu. Nghiên cứu trong hoàn cảnh đại học hiện nay là cả một vấn đề khi hệ thống hạ tầng thiếu thốn, cộng với tâm lý ù lì từ nhiều chục năm của đồng viện đã góp phần làm cho các du sinh tiến sĩ mỗi ngày một xa hơn mục tiêu mà họ được đào tạo. Đây là một hình thức lãng phí vô hình nhưng rất nguy hiểm tuy nhiên chưa có một văn bản nào từ Bộ Giáo dục Đào tạo chính thức thừa nhận.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng do có kinh nghiệm trong việc đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ thông qua kinh phí của vương quốc Bỉ và EU đã phải thừa nhận điều này:
Tôi nghĩ rằng đây quả là một sự lãng phí ghê gớm về chất xám lẫn tài chánh của Việt Nam.
GS Nguyễn Đăng Hưng
“Tôi nghĩ đây là vấn đề phải chờ đợi thôi. Chuyện này không phải là điều sơ sót. Phần lớn chính sách của Việt Nam về mặt giáo dục đào tạo không có chương trình chung không có những bộ óc, tầm nhìn thấy được những việc xảy ra khi tiêu tốn tiền cho việc đào tạo 20 ngàn tiến sĩ thế mà không có chính sách khi có tiến sĩ rồi thì về Việt Nam làm gì và bố trí cho họ làm thế nào… Tôi nghĩ rằng đây quả là một sự lãng phí ghê gớm về chất xám lẫn tài chánh của Việt Nam.”
Bộ Giáo dục Đào tạo không chú ý tới việc lãng phí này nhưng nhiều chức sắc lại thấy vấn đề lãng phí ở chỗ khác, rõ ràng hơn và cũng bức thiết không kém khi người du sinh không chấp nhận đồng lương èo uột và bỏ ra làm ở công ty tư nhân. Biện pháp mà Bộ đề nghị đưa ra là trừng phạt người vi phạm theo đó sẽ chuyển từ cấp học bổng du học sang cho vay học bổng có sự bảo lãnh của gia đình. Người học chỉ được xóa nợ khi về cơ quan cũ công tác trong thời gian gấp 2-3 lần thời gian đi học...

Biện pháp mới nhưng kết quả cũ 

000_Hkg4777306-250.jpg
Sinh viên Việt Nam tại Hội chợ Giáo dục Hoa Kỳ tại Hà Nội vào ngày 08/04/2011. AFP
Kể cả nếu biện pháp này được du sinh chấp nhận như một sự mặc cả thì kết quả cũng không khác gì hiện nay: người trở về tiếp tục trả nợ bằng các hoạt động cầm chừng, thụ động làm việc để chờ hết hạn trả nợ rồi chạy ra bên ngoài. Với tâm lý ù lì như thế thì thời gian làm để trả nợ càng kéo dài thì tính chất lãng phí càng nặng nề hơn.
Giáo sư Viện sĩ Hoàng Xuân Phú cho rằng cách hay nhất là phải xóa tư duy cào bằng trong lương bổng để có chế độ đãi ngộ tương đối chấp nhận được mới mong thay đổi cục diện hiện nay, ông nói:
“Quả thật phải có một chính sách để những người đi du học về người ta yên tâm sống được bằng đồng lương để làm việc. Vấn đề là bây giờ bức phá cái vòng lẩn quẩn ấy như thế nào? Tôi nghĩ ngay cả một số nước khác như Trung Quốc chẳng hạn họ có chính sách cho những người du học về mà thật là giỏi thì chính sách của họ có tính cách bức phá, nghĩa là chấp nhận trả lương cao hơn hẳn so với mặt bằng bình thường.
Quả thật phải có một chính sách để những người đi du học về người ta yên tâm sống được bằng đồng lương để làm việc. Vấn đề là bây giờ bức phá cái vòng lẩn quẩn ấy như thế nào?
GS Viện sĩ Hoàng Xuân Phú
Ở Việt Nam người ta cứ quẩn quanh cho là mặt bằng lương chỉ thế, thì những người du học về cũng không thể cao hơn chẳng hạn. Người ta cứ nghĩ theo cái logic thông thường như thế. Bởi chẳng hạn như chúng tôi là giáo sư thì lương cũng đâu có cao, chỉ bốn năm triệu thôi cho nên chuyện mới đi du học về thì hai ba triệu đâu có phải là thấp so với lương giáo sư? Đấy là cái vòng lẩn quẩn. Để cho những người thật sự giỏi mà trẻ để người ta yên tâm công tác thì buộc phải có những chính sách ngoại lệ chứ không thể theo một mặt bằng chung được. Nếu theo mặt bằng này thì lứa trẻ sẽ không về và bản thân những người cao tuổi như chúng tôi có cách thu xếp khác chứ người trẻ thì mình phải tán thành nhà nước ra chính sách lương ngoại lệ.
Khi người trẻ người ta vừa tốt nghiệp ra, người ta chưa có gì mà mọi cái phải lo từ đầu nên cái gánh nặng ấy nó lớn hơn rất nhiều. Điều quan trọng là trong nước rất khó khăn nếu có chính sách như thế thì họ ở lại còn nếu không thì sẽ không có lực lượng mới phục vụ đất nước.”
Đề án 322 sau 10 năm đã ghi nhận một con số tiến sĩ, thạc sĩ trở về nước khá ấn tượng. Tuy nhiên nếu không chấn chỉnh lại cung cách làm việc tại các cơ quan, cung cấp cho người mới về một không gian làm việc hợp lý, một mục tiêu khả thi và nhất là đồng lương xứng đáng với cống hiến của họ thì có bao nhiêu đề án cũng chỉ là bề ngoài vì tiền thuế người dân đã không được sử dụng đúng mức và hiệu quả.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: