17.12.11

Pháp : Kinh tế bị suy thoái


Pháp : Kinh tế bị suy thoái

Dân Pháp biểu tình trước toà Quốc hội 13/12/2011 (REUTERS)
Dân Pháp biểu tình trước toà Quốc hội 13/12/2011 (REUTERS)

Minh Anh
Khủng hoảng kinh tế vẫn là chủ đề trọng tâm trên nhiều trang báo Pháp hôm nay. Le Figaro và Les Echos cùng chạy trên trang nhất hàng tựa : "Pháp bước vào giai đoạn suy thoái". Theo Viện Thống kê Quốc gia Pháp Insee hôm qua, nước Pháp đã rơi vào giai đoạn suy thoái. Một cách tổng quan, các hoạt động kinh tế trong quý 4 có chiều hướng thu hẹp lại.

Xu hướng này sẽ vẫn còn tiếp diễn trong quý I năm 2012 (dự đoán GDP đạt -0,1%). Le Figaro và Les Echos cùng cho biết, nguyên nhân của sự suy thoái là khủng hoảng nợ công kéo dài và đã lan sang cả lãnh vực tài chính. Nhìn chung, cả hai tờ báo đều nhận định rằng không chỉ riêng nước Pháp, suy thoái có lẽ sẽ còn dài và còn nổi bật hơn tại Ý và tại Tây Ban Nha, riêng tại Đức, tăng trưởng chỉ bị giảm nhẹ trong quý 3 này.
Theo Le Figaro, các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bắt đầu có dấu hiệu chùn xuống. Đầu tư tư nhân đã rơi xuống mức báo động đỏ từ một năm nay. Thái độ chờ thời của các doanh nghiệp chỉ cho phép họ hy vọng một hoạt động cầm chừng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nạn thất nghiệp gia tăng (khoảng 80 ngàn việc làm bị mất trong vòng 3 quý). Kết quả là, tiêu thụ nội địa cũng bị suy giảm theo.
Tuy nhiên, Viện nghiên cứu thống kê cũng dự báo rằng tăng trưởng sẽ tăng nhẹ trở lại kể từ mùa xuân sang năm. Insee cho rằng sẽ không có tăng trưởng kinh tế trong sáu tháng đầu năm 2012 và nếu đúng theo tính toán của cơ quan này, trong sáu tháng còn lại tăng trưởng cũng chỉ đạt ở mức 0,6% (trái với dự đoán của chính phủ là 1%). Như vậy, điều này còn củng cố thêm xác suất cho một chính sách khắc khổ thứ ba, được cho là còn nặng nề hơn so với những lần trước.
Thế nhưng, theo Les Echos, khả năng nước Pháp bị mất 3 điểm A lớn ngày càng lớn. Khi đe dọa hạ điểm nước Pháp, cơ quan thẩm định tài chính Standard and Poor’s rõ ràng muốn ám chỉ rằng đường lối chỉnh đốn nợ công của Pháp đã dựa trên những giả thuyết tăng trưởng quá lạc quan cho năm 2012 và những năm kế tiếp. Đây cũng là một bằng chứng cho thấy khả năng Paris mất AAA là không thể nào tránh được. Một thách thức lớn cho chính bản thân tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và các ứng viên ra tranh cử chức Tổng thống cho năm 2012.
Cuối cùng, Le Figaro và Les Echos cùng chung nhận định cho rằng cần phải có nhiều thời gian để khởi động lại nền kinh tế.
Tự do hóa thương mại thế giới đang chựng lại
Cũng liên quan đến đề tài kinh tế, Le Monde có bài viết đề tựa « Tự do hóa thương mại thế giới đang chựng lại ». Theo bài viết, sau 10 năm đưa ra vòng đàm phán Doha, Tổ chức thương mại Quốc tế (WTO) đang đi vào ngõ cụt. Xu hướng trở lại chế độ bảo hộ mậu dịch đang lên từ Nam chí Bắc.
Kể từ khi đưa ra vòng đàm phán Doha, WTO không thể nào đưa ra quyết định mới hủy bỏ những rào cản trong trao đổi mậu dịch quốc tế. Vì vậy, nhân buổi họp các Bộ trưởng diễn ra tại Genève từ ngày 15 đến 17/12 này, 153 nước thành viên sẽ phải tìm ra những phương cách thương thuyết mới.
Le Monde nhắc lại mục tiêu ban đầu của vòng đàm phán Doha là nhờ vào việc giảm các hàng rào thuế quan và các quy định để nối kết các nước đang phát triển với thương mại quốc tế, cho phép các nước này thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Khác với các vòng đàm phán trước, vòng đàm phán Doha cũng chú ý đến các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp, cũng như các sản phẩm dịch vụ.
Kết quả là, trong nỗi ám ảnh việc làm trong nước bị phá hỏng do sự cạnh tranh về giá nhân công rẻ của những nước mới trỗi dậy, Hoa Kỳ buộc phải xem lại chính sách tự do mậu dịch thuở xưa của mình. Mỹ không muốn tạo điều kiện thương mại thuận lợi cho các nước mà Hoa Kỳ cho là « mới trỗi dậy » và hoàn toàn có khả năng cạnh tranh khi những nước này hạ biểu quan thuế bằng với mức thuế của các nước phát triển. Không có chuyện phải ưu ái Trung Quốc nữa khi mà thị phần của nước này trên thế giới tăng mạnh từ 4% lên 12% trong vòng chỉ có 10 năm.
Dĩ nhiên là 5 nước thuộc khối « BRICS » (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) phải đồng thanh phản ứng cho rằng họ không phải là những nước phát triển và họ cần phải bảo vệ nền công nghiệp vừa sinh thành nhằm tạo điều kiện cho những người dân nghèo nhất của họ có được một nguồn thu nhập tối thiểu.
Ông Pascal Lamy- tổng giám đốc WTO - nhấn mạnh với Le Monde rằng « đây không còn là sự thương thuyết thương mại, mà là địa chính trị ». Ngày nay, với luật chơi mới, vấn đề là không phải là việc thương thuyết cho vài mặt hàng công nghiệp giữa 27 nước giàu nữa, mà phải đạt được sự nhất trí của 153 nước thành viên thảo luận về khoản hai mươi chủ đề được liệt kê trong các danh sách dài dằng dặc về tính linh hoạt, việc miễn trừ, thời hạn áp dụng và những thể thức không rõ ràng trong việc giảm hàng ngàn biểu thuế quan …
Le Monde cho biết, ngày càng có nhiều nước đánh giá rằng trong dài hạn, vòng đàm phán Doha chẳng mang lại nhiều lợi lộc. Mặt khác, chính sách bảo hộ mậu dịch dường đang có xu hướng quay trở lại. Le Monde nhận định nếu xu hướng này vẫn tiếp tục tăng mạnh, thì chiến tranh thương mại có thể bùng nổ, và bằng chứng chính là những xung đột xảy ra năm 1930.
Để tránh cho điều tệ hại nhất có thể xảy ra, tại hội nghị Genève lần này, các bộ trưởng cần phải tìm ra một giải pháp chính trị và kỹ thuật. Bên cạnh đó, WTO cũng cần phải hiện đại hóa phương pháp làm việc. Theo ông Pascal Lamy, « thỏa thuận đa phương về những lãnh vực đặc biệt […] cho phép sẽ không đánh gục được sức lôi cuốn của chính sách song phương hay vùng mà ở đó các nước nhỏ không gây áp lực lên các nước lớn ».
Từ quan điểm này, Le Monde nhận xét, sẽ thật thú vị để xem số phận ngày thứ năm hôm qua, các dự thảo mua sắm mà chính phủ 25 nước phát triển chuẩn bị sao cho sự cạnh tranh không bị biến dạng do nạn tham nhũng và sự thông đồng. Việc điền thêm tên các nước khác vào văn bản này, nhất là các nước mới trỗi dậy sẽ là một tín hiệu cho thấy WTO vẫn còn hành động. Dĩ nhiên dưới một hình thức ít tham vọng hơn như là trong quá khứ.
Cựu tổng thống Pháp bị kết án hai năm tù treo
Về thời sự nước Pháp, sự kiện cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac bị kết án hai năm tù treo là đề tài thời sự nóng bỏng trên nhiều trang báo Pháp hôm nay.
« Chirac bị kết án », « Việc làm khống, một bản án thật sự dành cho cựu tổng thống Jacques Chirac », « Jacques Chirac bị kết án hai năm tù treo » lần lượt là tít trên trang nhất nhật báo công giáo La Croix, nhật báo cộng sản L’Humanité và nhật báo Le Figaro theo phe hữu.
Hầu hết các báo đều cho rằng công lý đã được thực thi. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, một tổng thống thuộc đệ ngũ Cộng hòa bị kết án với các tội danh sử dụng « việc làm khống », « lạm dụng quyền lực » và « biển thủ công quỹ ». Tuy nhiên, các báo cũng nêu rõ phản ứng khác nhau của các đảng chính trị tại Pháp. Đảng UMP của tổng thống đương nhiệm bày tỏ sự « buồn bã » và cho rằng bản án hơi « nghiêm khắc » theo như lời bình phẩm của cô con gái nuôi gốc Việt của Jacques Chirac.
Trong khi đó các phe đối lập lại có những phản ứng rất dè dặt. Theo La Croix, ứng viên tranh chức tổng thống 2012 Francois Hollande cho rằng « Công lý được thực thi và phải được thực thi, để cho cảm giác không có sự trừng phạt không được tồn tại ». Le Figaro thì đưa lời bình luận khá nghiêm khắc của bà Eva Joly, ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Xanh cho rằng « Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Chúng ta cần phải tạo ra niềm tin vào công lý và nền dân chủ ».
"Show diễn truyền hình" của tổng thống Nga
Trong phần thế giới, báo Liberation cho biết như thông lệ hàng năm, ngày hôm qua, thủ tướng Nga Vladimir Putin đã lên vô tuyến truyền hình nói chuyện với người dân và trả lời các câu hỏi của thính giả. Sử dụng cách chơi chữ bằng cách khai thác mẹo đồng âm khác nghĩa, giữa « chaud », tiếng Pháp là nóng và « show » tiếng Anh là trình diễn, báo Liberation chạy tựa « Vladimir Putin chơi trò trình diễn », dùng thành ngữ tiếng Pháp «souffler le chaud et froid», để hàm ý : ông Putin đã tỏ ra lúc thì mềm mỏng, lúc thì rất cứng rắn.
Trong cuộc nói chuyện, thủ tướng Nga đã tìm cách lướt nhanh, bỏ qua sự kiện có hàng chục ngàn người biểu tình tố cáo cuộc bầu cử gian lận, để chuyển sang nói đến những chủ đề mà ông ưa thích, có lợi cho cuộc vận động tranh cử tổng thống. Về việc hôm thứ Bẩy, 11/12, có hàng chục ngàn người biểu tình, trong đó đa số là giới trẻ, thủ tướng Nga dùng những công thức sáo rỗng, như đó là những người trẻ đầy nhiệt tình, cuộc biểu tình là một thông điệp đòi hỏi có thay đổi… và đồng thời, ông lại tỏ thái độ chế giễu, nhạo báng : Ông nói là lúc đầu, khi nhìn khăn ruban trắng, biểu tượng của những người biểu tình, ông cứ tưởng đó là bao cao su. Đến khi có nhiều người vẫn tiếp tục hỏi về cuộc biểu tình, thì thủ tướng Putin tỏ thái độ khó chịu, không kìm nén được và nói thẳng là « các vị đã quấy rầy tôi với cuộc bầu cử đó ». Theo ông, thì phe đối lập không bao giờ bằng lòng cả, nhất là khi họ được Mỹ tài trợ và tuyên bố là sẽ cho lắp đặt camera theo dõi tại mỗi phòng bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.
Cuộc nói chuyện ngày hôm qua cũng là dịp để thủ tướng Putin nhắc lại rằng ông đã lên cầm quyền vào lúc nước Nga đứng bên bờ vực nội chiến và trong một thập niên qua, chính quyền của ông đã gặt hái được những thành công như tăng trưởng kinh tế, giảm thất nghiệp, ổn định dân số, kiểm soát lạm phát, nền kinh tế đối phó tốt với khủng hoảng… Còn một số vấn đề chưa được giải quyết hoặc đã hứa nhưng không được thực hiện, như tình trạng thiếu nhà ở, tham nhũng ở mọi cấp, hệ thống y tế xuống cấp, ông Putin lại trấn an : Chúng tôi sẽ làm, chúng tôi sẽ để ý đến, chúng tôi sẽ thay đổi.
Báo Liberation cho biết, cuộc nói chuyện ngày hôm qua trên truyền hình là dịp cuối cùng để ông Putin giải thích, thuyết phục người dân, trước khi nước Nga bước vào kỳ nghỉ cuối năm và Giáng sinh theo Chính thống giáo cho đến giữa tháng Giêng năm tới. Trong bối cảnh có làn sóng phản đối, để chuẩn bị cho chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Putin đã áp dụng chiến lược mềm mỏng, ôn hòa, không cứng rắn như trước.
Phân tích chiến lược này, báo Liberation có bài « Một sự mở cửa có kiểm soát ».
Theo tờ báo, những người Nga đi biểu tình tuần qua tố cáo sự gian lận trong bầu cử cho rằng từ nay trở đi mọi việc sẽ khác so với trước đây. Thủ tướng Putin, người ra ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 04/03/2012 cũng biết như vậy. Ngaycả tổng thống đương nhiệm Dmitri Medvedev, người đã ký nghị định chấp nhận kết quả cuộc bầu cử nghị viện hồi đầu tháng 12 cũng hiểu rõ điều này. Thế nhưng, cả hai nhân vật này đều không muốn thừa nhận là đã có một sự thay đổi sâu sắc trong xã hội Nga.
Chiến lược đối phó của họ chỉ là thay đổi vài nhân vật trong bộ máy chính quyền, cảnh cáo giới truyền thông và những người sử dụng mạng thông tin toàn cầu internet, tìm cách tranh thủ giới trẻ, đặc biệt ở thành thị và không ngớt lời chỉ trích sự bất đồng trong phe đối lập, tố cáo ý đồ can thiệp của phương Tây, đặc biệt là của Mỹ. Đồng thời, thủ tướng Putin cố gắng tự trấn an và tuyên bố rằng phe đối lập ở nước nào cũng vậy, không bao giờ hài lòng với kết quả bầu cử.
Liberation nhận định, ông Putin đã chuẩn bị cho việc trở lại điện Kremlin. Bằng chứng là việc bổ nhiệm ông Vladislav Sourkov vào chức vụ phụ trách hành chính dinh tổng thống. Nhân vật này được coi là bộ não, cộng sự đắc lực của ông Putin. Chính ông Sourkov đã đề ra khái niệm « dân chủ có lãnh đạo » và là người thành lập ra phong trào giới trẻ ủng hộ Putin. Báo Liberation đặt câu hỏi, phải chăng sự bổ nhiệm này cho thấy là nhiệm kỳ tổng thống Medvedev trên thực tế đã kết thúc ? Và ông Putin đã hành xử như tổng thống chứ không phải với tư cách là một ứng cử viên ?
Cũng trong quá trình chuẩn bị quay lại làm tổng thống, ông Putin đã giữ khoảng cách và không chỉ dựa vào đảng Nước Nga Thống nhất. Hậu thuẫn của ông hiện nay là Mặt trận Nhân dân do chính ông lập ra đầu mùa hè năm nay. Mặt khác, để tranh thủ các tầng lớp người dân, đặc biệt là giới trung lưu, điện Kremlin đã cho phép thành lập các đảng phái nhỏ, như là những tổ chức chính trị chư hầu, không có thực quyền, ví dụ như đảng theo chủ trương tự do kinh tế của cựu bộ trưởng Tài chính Alexei Koudrine. Nhà triệu phú Mikhail Prokhorov lại được phép ra tranh cử tổng thống.
Trong hoàn cảnh hiện nay, ông Putin không áp dụng chính sách công khai đàn áp đối lập. Các cuộc biểu tình hồi cuối tuần trước đã không bị trấn áp. Cuộc biểu tình ngày 24/12 sắp tới chắc cũng sẽ như vậy. Thế nhưng, nhiều lãnh đạo đối lập lại bị bắt giữ, một số tờ báo bị cảnh cáo, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia tuyên bố muốn quản lý internet. Còn bản thân ông Putin thì liên tục tố cáo phe đối lập được Mỹ tài trợ.
TAGS: KINH TẾ - PHÁP - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: