25.12.11

Quán cơm từ thiện thu phí 2 ngàn


2011-12-24
Hiện nay, bữa cơm luôn là nỗi lo toan với đa số người dân trong xã hội. Lại đang thời bão giá, đảm bảo được chất lượng ăn uống hàng ngày càng trở nên một gánh nặng với nhiều người lao động bình thường.
Nguồn: Người Tôi Cưu Mang
Bữa cơm giá chỉ 2.000 đồng nhưng đầy đủ món mặn, tráng miệng... của Quán cơm 2.000 đồng giữa lòng Sài Gòn.
Trong bối cảnh như vậy, sự xuất hiện các quán cơm từ thiện thu phí 2 ngàn là sự kiện không nhỏ tại các thành phố lớn; nơi đây việc mua bán một suất ăn đang diễn ra như thế nào.

Đến với người nghèo

Hành trình đến với người nghèo không đơn giản, bằng nhiều cách, người có lòng giúp người nghèo theo sức của mình. Đối với các quán cơm từ thiện xuất hiện mấy lúc gần đây có thể tạo một niềm tin mới cho người nghèo rằng dù sao thì họ vẫn còn một nơi dựa vào lúc đói lòng.
Thoạt trông mọi việc diễn ra tại các quán cơm này như một cuộc mua bán bình thường giống các quán ăn khác, người mua tự bỏ tiền vào thùng hoặc mua phiếu và nhận một suất cơm kèm theo một phần trái cây tráng miệng. Đặc điểm chung của các quán này là thực khách chỉ trả có 2 ngàn đồng cho suất ăn của mình, trong khi thời giá bên ngoài tối thiểu là không dưới 10 ngàn cho một phần ăn tương tự. Sau khi ăn xong, thực khách tự dọn dẹp khay cơm đem đến cho nhân viên rửa, đội ngũ phục vụ là những người thiện nguyện.
Các quán cơm từ thiện thu phí này không phân biệt đối tượng tiếp đãi, chỉ quy định chung là người gặp khó khăn và sinh viên nghèo. Người ta dễ thấy thực khách đến quán ngoài các sinh viên trẻ, còn có các em bé bán vé số, đánh giày, những người chạy xe xích lô, bệnh nhân ở tỉnh lên thành phố chữa trị, những kẻ lỡ đường… Trừ Câu lạc bộ từ thiện ở Đà Nẵng đi đặt các suất cơm với giá 15 ngàn thì các quán cơm từ thiện khác đều tự nấu lấy.

Ai là mạnh thường quân?

quan-com-2000-250.jpg
Các thiện nguyện viên đang sửa soạn bữa cơm tại Quán cơm 2.000 đồng. Nguồn: Người Tôi Cưu Mang.
Thành phần thiện nguyện viên là những người trong xã hội đến với nhau cách tự phát, hoặc như nhóm mang tên“Người tôi cưu mang”thì các thiện nguyện viên sinh hoạt chung trong một trang web. Quán cơm 2 ngàn đầu tiên của nhóm này có mặt ở Sài gòn giữa năm 2009, đến nay nhóm này đã khai trương đến quán thứ ba.
Trả lời cho câu hỏi ai là mạnh thường quân của các quán cơm từ thiện 2 ngàn và trong quá trình hoạt động từ thiện như vậy, có bao giờ Ban Quản lý rơi vào tình trạng bị thiếu hụt về tài chính không, anh Nguyễn Hồng Ánh (banbe6x), người quản lý và trực tiếp điều hành quán cơm từ thiện 2 ngàn của nhóm “Người tôi cưu mang” cho Đài Á Châu Tự do biết như sau:
“Các thành viên của diễn đàn là người thành lập và cũng là mạnh thường quân. Ngoài ra cũng có thêm một số bạn thành viên ngoài diễn đàn là những người quen, các bạn bè anh em của những thành viên diễn đàn qua sự giới thiệu thì cũng chung tay với các hoạt động của quán cơm.
Các thành viên của diễn đàn là người thành lập và cũng là mạnh thường quân. Ngoài ra cũng có thêm một số bạn thành viên ngoài diễn đàn là những người quen, các bạn bè anh em của những thành viên diễn đàn qua sự giới thiệu thì cũng chung tay với các hoạt động của quán cơm.
Anh Nguyễn Hồng Ánh
Trong quá trình hoạt động của mình, quán cơm 2 ngàn đồng ở Sài Gòn cũng như Đà Lạt có sự chuẩn bị tốt với một kế hoạch cụ thể và chi tiết cho nên đâm ra mình chưa rơi vào cái tình trạng bị thiếu về tài chính. Bởi vì các thứ đưa công khai minh bạch ở trên mạng hết; toàn bộ vấn đề chi tiêu ủng hộ, mình đưa lên trên mạng cho bất kỳ ai có thể coi. Nếu như anh ở một nơi nào đó có mạng internet anh đều có thể coi được. Cho nên các bạn thành viên ở diễn đàn coi vào đó để ủng hộ, để duy trì.
Duy chỉ có quán cơm 2 ngàn đồng ở Cần Thơ thì tài chính ủng hộ hơi yếu, nhưng việc yếu đó được sự chi viện của các anh em mạnh thường quân thành viên diễn đàn tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh hoặc một số ở vùng khác chung tay ủng hộ.”
Về công việc thường nhật của các thành viên và bản thân, anh Nguyễn Hồng Ánh cũng cho biết:
“Các thành viên của diễn đàn Nguoitoicuumang.com là những người thuộc nhiều ngành nghề. Có những người ở công tác quản lý, có người chủ doanh nghiệp, có người buôn bán nhỏ, có người bán thịt, bán đồ tạp hóa. Rồi có công nhân, có viên chức nhà nước… rất là đa dạng ngành nghề. Em cũng có một công việc tư doanh thôi. Rồi cũng còn nhiều các bạn khác là sinh viên, còn đi học nhưng đóng góp bằng công sức những thời gian rảnh rỗi của mình.”

Lan tỏa tình thương

quan-com-2000-3-250.jpg
Những người khuyết tật được ưu tiên phục vụ cơm tận nơi bên lề đường. Nguồn: Người Tôi Cưu Mang.
Hoạt động từ thiện của những người dân bình thường này có quy mô không lớn nhưng sức lan tỏa của chúng khá mạnh. Tính từ năm 2008, với lòng hảo tâm của các tu sĩ giáo xứ Tân Phước, quán cơm từ thiện thu phí 2 ngàn đầu tiên được mở là ở cư xá Lữ Gia. Sau đó hình thức quán cơm từ thiện thu phí xuất hiện ở Huế và Cần Thơ; gần đây có mặt thêm ở Đà Lạt và Đà Nẵng.
Thường là các quán cơm từ thiện 2 ngàn mở vào buổi trưa, vào ba ngày chẵn hoặc lẻ trong tuần. Riêng ở Sài gòn, thời gian mở cửa của các quán cơm từ thiện đủ cho một người khó khăn giáp bữa gần suốt một tuần.
Sự cho và nhận lấp lánh qua hình thức bán các phần ăn với giá siêu rẻ đã tương tác con người lớn hơn từ cả hai phía. Trên bức tường của quán từ thiện ở cư xá Lữ Gia ghi rằng:“Chúng tôi phục vụ các bạn, khi thành công xin các bạn hãy nhớ đến anh em còn khó khăn”, hoặc trả lời như một sáng lập viên kiêm quản trị diễn đàn “Người tôi cưu mang” về mục đích duy nhất của diễn đàn là lan tỏa tình thương vì chúng ta tin vào lòng nhân ái.
Vì không muốn thực khách có cảm giác mắc nợ người khác, nên mỗi phần ăn được định giá là 2 ngàn trong nhiều năm qua. Ở quán cơm từ thiện chỗ cư xá Lữ Gia, số tiền này chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà, còn lại mỗi tháng quán phải bù vào vài chục triệu đồng. Hay với Câu lạc bộ từ thiện ở Đà Nẵng thì khoản tiền thu bán cơm là vừa khớp với chi phí tổ chức chương trình từ thiện.

Nhiều ngày, nhiều khu vực

quan-com-2000-2-250.jpg
Quán cơm 2.000 đồng trên đường Ngô Quyền, quận 10, TP HCM phục vụ sinh viên nghèo và người nghèo vào mỗi buổi trưa thứ 3, 5, 7. Nguồn: Người Tôi Cưu Mang.
Bây giờ đang vào thời điểm cuối năm, khi được hỏi về kế hoạch dự tính sắp tới của Câu lạc bộ Cuộc sống sẻ chia, ngoài việc cho biết chương trình cơm từ thiện 2 ngàn vẫn duy trì vào ngày 30 cuối năm 2011 này, anh Hồ Hoàng Nam, phó chủ nhiệm câu lạc bộ còn cho Đài Á Châu Tự do biết thêm như sau:
“Câu lạc bộ Sharingthelife sắp tới sẽ tổ chức chương trình bánh chưng Tết cho người nghèo, những người có thu nhập thấp. Chương trình này là một chương trình mới của Câu lạc bộ vào cuối năm 2011 này, sẽ giúp cho bà con, những cô bán vé số, những chú đánh giày, bán báo, những người không về quê ăn Tết được sẽ có một không khí Tết ngay tại thành phố Đà Nẵng. 
Câu lạc bộ sẽ thực hiện khoảng 1.000 cái bánh chưng Tết, chương trình sẽ bắt đầu khoảng ngày 23 âm lịch. Bánh chưng, bánh dày thì mình dự định sẽ phát free cho người nghèo tại vì đây là dịp Tết. Câu lạc bộ chỉ có một nhà mạnh thường quân cho chương trình cơm 2.000 thôi còn chương trình bánh chưng Tết cho người nghèo thì mình vẫn đang huy động.”
Có thể có nhiều mạnh thường quân hơn thì chương trình cơm 2.000 hoặc những chương trình sau, mình sẽ trải đều ra tất cả các ngày, tất cả các khu vực. Tại vì những anh chị bán vé số, bán báo thì không thể tới một địa điểm ngồi mãi đó được.
Anh Hồ Hoàng Nam
Riêng với câu hỏi, nếu được tài trợ nhiều hơn thì Câu lạc bộ sẽ có kế hoạch làm việc như thế nào, anh Nam đã đưa ra dự định của mình:
“Có thể có nhiều mạnh thường quân hơn thì chương trình cơm 2.000 hoặc những chương trình sau, mình sẽ trải đều ra tất cả các ngày, tất cả các khu vực. Tại vì những anh chị bán vé số, bán báo thì không thể tới một địa điểm ngồi mãi đó được.
Có nghĩa là ngày nào người nghèo cũng có một sự lựa chọn và sự giúp đỡ của cộng đồng, sẽ san sẻ được số tiền mà bây giờ vật giá lên cao và người ta có một bữa cơm như vậy. Mình muốn trải rộng ra nhiều ngày hơn nữa, chớ không phải chỉ ngày 15 và ngày 30 thôi.”
Trong lúc chưa thể đưa ra được một cái cần câu thì hành động biếu một con cá là đáng quý, đạo đức không thể chỉ là những nguyên tắc dùng để nói suông. Thông qua các hoạt động từ thiện, một mặt nào đó xã hội dân sự đang lớn dần ở Việt Nam. Sự lan tỏa của các quán cơm từ thiện thu phí như một lời lên án của cộng đồng trước tình trạng đói nghèo, bất công và nhiều vô cảm trong xã hội hiện nay.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: