Sự nguy hiểm của truyền thống
Đã mười chín năm trôi qua, những hụt hẫng và thương tổn trong lòng tôi dần lắng xuống. Tôi không muốn nhớ lại những ngày ấy nhưng họ vẫn tiếp tục hành động như thể cố tình khiến những đau khổ mà họ đã gây ra cho gia đình tôi sẽ tiếp tục đi theo tôi mãi.
Dù tất cả những bất hạnh của tuổi thơ, tôi đã lớn lên mạnh mẽ và những tổn thương không thể lấy đi trong tôi niềm yêu đời, yêu người và cả một hoài bão. Dù những ngày tháng đã qua đối với ba chị em tôi là quá nhiều vất vả và mất mát, chúng tôi –mỗi đứa đã lớn lên như những mầm non vượt qua những vùi dập để trở nên xanh tươi không kém bao cái cây khác.Tôi từng nhủ thầm rằng mình phải sống với lòng nhân ái và tinh thần đạo đức. Tôi đã cố gắng không để quá khứ biến tôi thành một kẻ thiếu lòng vị tha và nhân bản. Cho đến hôm nay, tôi tin là mình làm được như thế. Thật vậy, trong tất cả những gì tôi viết, rất hiếm khi tôi kể cụ thể về hoàn cảnh gia đình mình; về những đàn áp, sách nhiều mà người ta đã làm đối với gia đình tôi, mà chỉ viết về những thối nát từ hệ thống của chế độ, để phần nào chứng minh rằng những gì tôi viết là thiện chí và rằng tôi là chính tôi ngày hôm nay-một người trẻ hăng hái cổ vũ cho tự do, không phải vì người ta đã bắt ba tôi, mang đến nhiều gian khổ cho gia đình tôi, mà bởi vì tôi mong muốn mình và con cháu mình được sống trong một Việt Nam đáng tự hào hơn. Tự bản thân mình, tôi hiểu rằng hoa Dân chủ tự do sẽ không thể nở không cánh đồng hận thù và hẹp hòi.
Có lẽ kể cả những người đã quan tâm, yêu thương tôi, lẫn những kẻ đang sách nhiễu tôi để bảo vệ cho ngai vàng chế độ họ, luôn nghĩ rằng một con bé con trở nên một cô gái trẻ luôn miệng nói những điều ”già” hơn tuổi mình vì tôi có một “truyền thống” gia đình. Không, tôi là người muốn học hỏi truyền thống nhưng không muốn những gì gọi là “truyền thống” đè nặng tâm hồn và trí tuệ mình. Bởi lẽ, một tâm hồn và trí tuệ lệ thuộc vào những giá trị của quá khứ lâu dần sẽ trở nên xơ cứng, thiếu sức sống và thiếu năng lực vận động. Tôi không muốn mình như vậy. Thật lòng những việc làm của ba tôi chính xác chỉ tạo cho tôi một cảm hứng để tìm hiểu về giá trị tự do và một cơ hội sống động để nhận thấy rõ nét những điều tệ hại trong thế chế này- thể chế của cái gọi là “xã hội chủ nghĩa”. Mà cái bóng ma của nó (XHCN) vẫn đang còn ám ảnh một vài quốc gia còn rơi rớt lại trên Hoàn cầu.
Tôi cho rằng truyền thống cũng có những cái nguy hiểm của nó, mà trong một bài đã viết xong, tôi có nói về sự nguy hiểm này. Nhưng bản thảo của bài viết đó đã bị tịch thu ngày 8 tháng 11 vừa qua trong đợt khám xét và tịch thu đồ đạc và “tài liệu” của an ninh tỉnh Quảng Nam. Tôi cảm nhận được cái truyền thống (bất kể bản chất tốt xấu, phạm vi, lĩnh vực) đang ám ảnh khá nhiều người Việt Nam chúng ta và gây ra những hệ quả không thể coi thường. Bởi vậy, tôi muốn bàn lại đề tài đó trong bài viết này.
Truyền thống là một khái niệm khá rộng, nó bao hàm những giá trị tư tưởng, văn hóa và lối sống của những thời quá khứ được lưu giữ và truyền thừa qua nhiều thế hệ. Lâu nay chúng ta có xu hướng nhìn nhận truyền thống trong nhãn quan tích cực. Tôi không có ý định phân tích cặn kẽ mặt tốt của truyền thống vì điều này thường được nhận biết khá dễ dàng. Quả tình, cũng như tất cả các giá trị nhân sinh khác, truyền thống có mặt tiêu cực của nó. Việc học hỏi những tinh hoa truyền thống sẽ giúp mỗi con người chúng ta lĩnh hội những giá trị tốt đẹp của cha ông, làm giàu thêm cho cuộc sống và nhân sinh quan của mình. Nhưng sự bám víu vào truyền thống, như tôi đã nói khiến chúng ta bỏ lỡ những cơ hội để sáng tạo giá trị mới, hoặc có thể mắc sai lầm khó tháo gỡ.
Thực sự, truyền thống là thứ bám rễ sâu chắc trong tâm thức và lối sống mỗi con người chúng ta. Có khi nó trở thành những thứ gần như là giáo điều trong đời sống của một số người. Mà lối sống, lối tư duy giáo điều, lệ thuộc quá khứ không phải là mảnh đất tốt cho tự do, cũng như sáng tạo. Vì thế truyền thống trong nhiều trường hợp là cái rào cản lớn cho sự đột phá của tri thức và hành động. Đó chính là sự nguy hiểm của truyền thống mà tôi muốn nói đến. Mỗi chúng ta đều có thể tìm thấy những minh chứng sống động và không kém hùng hồn cho nguy cơ ấy. Là một người ngưỡng mộ Tiến sĩ họ Cù và hay lý luận. Tuy thế, tôi không thể có lời nào để phủ nhận một cách hiệu quả khi một số người cho rằng ông mắc ‘hội chứng con cưng chế độ” và thần tượng Hồ Chí Minh. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy rằng mỗi người muốn dứt khỏi những ràng buộc của quá khứ, của truyền thống gia đình để đạt được tiến bộ thì phải đối mặt với những trở ngại (tuy vô hình) nhưng vô cùng to lớn, mà một tầm vóc trí tuệ cao cũng không đảm bảo chắc chắn khả năng thoát khỏi nó.
Trên đây là những gì tôi đã suy nghĩ và viết ra trong bản thảo đã mất. Tâm trạng tôi không tốt chút nào khi viết lên những điều đó. Nếu những người dân Việt Nam có “gốc gác cộng sản” cứ bám giữ truyền thống ấy thì công cuộc cuộc dân chủ hóa Việt Nam sẽ rất khó khăn. Thế nhưng những ngày vừa qua, tôi đã có một cái nhìn khác, mới mẻ và lạc quan hơn. Nhiều chú bác tự nhận là công chức hưu trí, là đảng viên cộng sản“hình thức” đã gọi điện, viết thư hỏi thăm tôi. Lâu nay, tôi tự hiểu rằng, những quan điểm thể hiện trong các bài viết của mình khá ”cực đoan” và bị nhiều người cho rằng không phù hợp với cách nhìn của người trong nước. Tôi buồn và hay nghĩ ngợi về điều đó, vì thực ra tôi viết là để cổ vũ người Việt trong nước chứ không phải dành cho người Việt trong các xứ sở tự do-những người có cơ hội trải nghiệm thực tế nền dân chủ tự do. Nhưng hôm nay, trong niềm hân hoan, tôi được biết nhiều cô chú bác, anh chị em trong nước đọc bài tôi và đồng cảm với tôi. Đối với tôi, điều đó có nghĩa là, đã có rất nhiều người “cộng sản gộc” dũng mãnh từ bỏ cái truyền thống của gia đình và bản thân đã bám rễ lâu ngày để hướng đến tư duy mới, vận hội mới của dân tộc. Đó là một tín hiệu tốt cho con đường dân chủ hóa Việt Nam. Tự do dân chủ chỉ có thể được xây dựng vững chắc từ thành phần cơ bản nhất của xã hội-đó là mỗi cá nhân. Vì thế, tư duy của mỗi người dân càng tiến bộ, công cuộc dân chủ càng sáng sủa.
Trở lại chuyện về gia đình tôi, báo chí “chính thống” của Nhà cầm quyền đã đưa tin rằng: ba tôi sau khi ra tù còn tiếp tục viết và “xúi giục” hai chị em tôi viết bài “chống phá Nhà nước”. Tôi nghĩ mình không có gì phải bàn về chuyện quý vị chính quyền cho là chúng tôi “chống phá Nhà nước”. Tôi chỉ muốn nói một chút về chuyện “xúi giục”. Tôi có thể khẳng định với quý vị rằng, không hề có sự “xúi giục” nào ở đây. Ba tôi hầu như chỉ viết những bài phân tích tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Trong khi những bài viết của tôi thiên về lý luận và thường đề cập đến những đề tài mang tính lý thuyết, tư tưởng để cổ vũ tự do trên bình diện tổng quan. Thiết nghĩ, chẳng có kẻ bị “xúi giục” nào hăng hái như tôi. Bởi những hành động của tôi xuất phát từ ý thức và sự vận động tự thân, không phụ thuộc vào cái gọi là “truyền thống” của gia đình.Tôi cho rằng chỉ những kẻ thiếu tri thức và sự tự tin mới dễ dàng bị người khác xúi giục. Trong khi tôi nhận thức khá sâu sắc về những việc mình nói và làm, và có khả năng tự chịu trách nhiệm. Những người bị truyền thống trói buộc sẽ mãi mãi chỉ quanh quẩn trong hào quang le lói của quá khứ mà không thể tạo lập cho mình một lập trường độc lập và một giá trị mới mẻ. Vì thế tôi chỉ là tôi, một người trẻ vì lòng khao khát tự do mà luôn tranh thủ mọi cơ hội để ngợi ca nó.
Mặt dù cuộc đột nhập, khám xét, tịch thu vừa qua làm tái hiện trong tâm trí tôi những hình ảnh đáng sợ về những hành động khủng bố của chính quyền khi bắt ba tôi mười chín năm trước (xin lỗi vì tôi không thể tìm được từ ngữ nào chính xác hơn để mô tả hành động của quý vị ngoài từ ”khủng bố”), nhưng quả thật trong lòng tôi chưa khi nào dấy lên sự hận thù quý vị. Quý vị là kẻ làm ác và việc tố cáo tội ác của quý vị không đồng nghĩa với sự hiện diện lòng thù hận trong tôi. Quý vị đã sai lầm từ hệ thống, từ cốt lõi, quý vị phải biết điều đó. Và tôi nghĩ tôi chỉ có thể cổ súy hiệu quả cho các giá trị mà tôi tôn vinh khi không bị bất cứ ai xúi giục và cũng không để tâm trí mình bị vẩn đục bởi cái quá khứ gia đình đã bị quý vị chà đạp. Tôi tin vào luật nhân quả, vì thế điều quan trọng nhất với tôi hôm nay duy chỉ là sự trao dồi đạo đức và tri thức chứ không nuôi dưỡng thù hận.
Tôi là người không hay mang hoàn cảnh gia đình mình để làm minh chứng cho tội lỗi của Nhà cầm quyền, bởi quý vị có những sai lầm to lớn hơn nhiều cần phải bị vạch trần. Nói lên cái sai lầm cốt lõi thuộc về bản chất của quý vị là điều làm tôi thỏa mãn hơn cả. Nhưng nếu Nhà cầm quyền liên tiếp phạm sai lầm, chà đạp nhân quyền và tự do của những con người đã lên tiếng vì lương tri và trách nhiệm với cộng đồng thì tất cả hành động ấy của quý vị tự thân chúng nói lên một cách sinh động bản chất của quý vị.
Tam Kỳ ngày 30 tháng 11 năm 2011
Huỳnh Thục Vy
Con đường cháu đi là con đường cả toàn dân tộc đang muốn hướng tới, sá gì một nhóm phản động vì lợi quyền của bản thân và gia đình chúng.
Chúng sẽ bị nghiền nát như bọn đôc tài ở Iran, Lybia,…
Dù cháu không hận thù bọn gây ra tội ác, nhưng pháp luật và nhân dân sẽ phải trừng trị chúng, vì chính những tội ác ngút trời mà chúng đã gây ra trong 8 thập niên qua trên đất nước thân yêu này.
Thương chúc cháu và gia đình vững bước. chân cứng đá mềm. Nhân dân trong và ngoài nước đang theo dõi và ủng hộ tích cực từng bước chân của cháu và gia đình.
Cám ơn Thục vi và gia đình cháu ,,, cháu không cô đơn đâu ,,,, mọi người Việt dù ở trong hay ngoài nước đều hướng về gia đình cháu ,,,,