3.12.11

Vì sao ông Dũng nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa?

Nguoiviet
 
Vì sao ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, Thứ Sáu vừa rồi, 25 tháng 11, đã phải nhắc đến ba lần đích danh “Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa” khi trả lời hai đại biểu Quốc Hội ở Hà nội về vấn đề chủ quyền của VN trên biển Ðông?
Làm việc này, có người cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đã tiến bộ rất lớn so với 3.6 triệu người đồng đảng của ông trong hơn 36 năm qua kể từ khi CS miền Bắc cưỡng chiếm xong miền Nam vào tháng 4, 1975. Ðể hiểu vấn đề, ta nên nhớ lại là khi CS mới vào Sài Gòn, họ hoàn toàn phủ nhận chính quyền miền Nam và gọi đó là “ngụy quân, ngụy quyền.” Cho đến khi Nguyễn Văn Linh quyết định về chính sách Ðổi Mới (1986) thì mới có quyết định tránh dùng hai chữ “ngụy quân, ngụy quyền” mặc dầu thỉnh thoảng rơi rớt, các sách báo Hà Nội và các cơ quan tuyên truyền của Hà Nội vẫn vô tình hay cố ý dùng hai chữ miệt thị này. Nhưng ngày nào Hà Nội còn không công nhận chỗ đứng chính danh của chính quyền miền Nam, một quốc gia được 60 quốc gia khác trên thế giới công nhận trong một thời gian dài (từ 1948 đến 1975), thì ngày đó Hà Nội không giẫy được ra cái nghịch lý này:
Một là Phạm Văn Ðồng, bằng công hàm ngày 14 tháng 9, 1958, đã (a) hoặc là “bán da gấu” cho Chu Ân Lai khi công nhận định nghĩa chủ quyền của Trung Cộng 10 ngày trước đó, nghĩa là bán một vật mà không thuộc quyền sở hữu của Hà Nội lúc bấy giờ; (b) hoặc là đã trắng trợn dối trá, không nói sự thật, tóm lại là đã “bất tín” đối với Bắc Kinh khi biết rõ là mình viết một tờ giấy lộn. Cả hai thái độ đều không thể chấp nhận được trong đời sống quốc tế và cũng chính vì thế mà Bắc Kinh đã nắm đầu được Hà Nội từ bấy lâu nay vào trong một cái vòng kim cô không thể gỡ ra nổi. (Cũng chính vì thế mà ông Lưu Văn Lợi, khi đã bỏ thời giờ ra viết nguyên một cuốn sách về chuyện này, vẫn không gỡ tội được cho ông Phạm Văn Ðồng, và chúng ta cũng phải hiểu là cho ông Hồ Chí Minh bởi không thể nào ông Phạm Văn Ðồng có thể tự ý mà viết được cái công hàm “đưa đầu vào thòng lọng” kia.)
Nhưng khi công nhận một sự thật hiển nhiên như ông Nguyễn Tấn Dũng vừa làm hôm Thứ Sáu vừa qua thì mọi sự sáng tỏ. Tuy lời phát biểu long trọng của ông trước Quốc Hội CS ở Ba Ðình là một đòn trời giáng vào một vị tiền nhiệm của ông, nó ít nhất gỡ được VN ra khỏi cái vòng kim cô mà bấy lâu nay ông và các “đồng chí” của ông không cục cựa ra khỏi được!
Nó cũng ít nhiều chứng tỏ là ông có bản lĩnh hơn các cấp lãnh đạo đồng đảng của ông (dù cũng như nhiều phát biểu của ông trước đây, nó cũng tỏ ra ông có thể là một con người bất nhất - tựa như lời tuyên bố của ông chống tham nhũng khi ông mới ngồi vào ghế thủ tướng). Bất nhất nhưng biết sửa cái sai trước đây thì vẫn là một thái độ can đảm, can đảm hơn 3.6 triệu con cừu trong đảng của ông!
Cái được
Cái được thứ nhất là ông chứng tỏ ông cao hơn các đồng ủy viên Chính Trị Bộ của ông một cái đầu. Song cái đó chỉ là một cái được cá nhân, nó chưa ý nghĩa gì lắm khi, như ông Bùi Tín đã có hơn một dịp nhắc, cả cái Bộ Chính Trị ở Hà nội là một đám người lùn!
Cái được hơn là qua lời phát biểu của ông, ông đã trả lại được danh dự cho một chế độ tưởng đã chết. Không những chế độ đó đã không chết, nó còn đang cần phải dựng lại để đem chính nghĩa về cho Việt Nam, để đảm bảo sự liên tục chủ quyền lịch sử của VN từ thế kỷ thứ XVII (dưới thời các chúa Nguyễn, như chính ông Dũng cũng đã xác nhận) qua thời thuộc Pháp sang đến thời Quốc Gia VN của ông Bảo Ðại (Hội nghị San Francisco năm 1951), thời Ðệ Nhất Cộng Hòa của ông Ngô Ðình Diệm và thời Ðệ Nhị Cộng Hòa kế thừa đất nước từ chính phủ Ngô Ðình Diệm. Có thế tháng 1, 1974, Hải Quân VNCH mới dám chống trả (anh dũng) tàu xâm lăng của Trung Cộng vào Hoàng Sa và có thế ta mới tin tưởng đủ ở chính nghĩa của ta để xin đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc. Xin nhắc lại ngay lời của ông Dũng ở đây: “Ðến năm 1974 cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, chính quyền VNCH đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp.”
Nói như ông Dũng tuy là gan cùng mình song chính thật cũng là chỉ đi theo dân mà thôi. Bởi chính người dân thường ở ngay Hà Nội, qua nhiều Chủ Nhật trong tháng 6 tháng 7 năm nay, đã trưng tên và cả hình ảnh của các chiến sĩ Hải Quân VNCH chết trong trận hải chiến Hoàng Sa vào tháng 1, 1974 để gọi họ là anh hùng. Tóm lại, nói như ông Dũng chẳng qua chỉ là đi theo người dân để mua lại, vớt vát chút niềm tin mà người dân đã mất từ lâu vào đảng CS của ông!
Vì sao?
Thiết tưởng trả lời câu hỏi này cũng không khó. Ông Nguyễn Tấn Dũng có thể mù mờ nhiều chuyện (như chuyện bauxit, chuyện PMU 18, chuyện Vinashin...) song ông chắc chắn là một con người chính trị, nhìn ra được những nguy cơ sắp đổ vào đầu chế độ của ông - và thế cũng có nghĩa là vào đầu ông.
Một, chuyện Mùa Xuân Ả Rập đã từ tháng 2 năm nay đánh sập các chế độ chuyên quyền tưởng vững như bàn thạch ở Tunisie, Ai cập, Lybia, sắp tới là Yemen (ông Saleh đã bằng lòng từ chức), và có lẽ không bao lâu nữa sẽ đến lượt Syria của ông Bashar al Assad (Liên Ðoàn Ả Rập cấm vận chế độ của ông, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi ông từ chức).
Hai, Miến Ðiện đã ngưng dự án đập Myitsore do Trung Cộng tài trợ, thả trên 300 tù nhân chính trị, sửa cả Hiến Pháp để cho bà Aung San Suu Kyi có thể ra tranh cử trở lại mặc dù bà đã là một “tù nhân” chính trị trong hơn 20 năm. Dựa vào những bước đầu ý nghĩa này, bà Ngoại Trưởng Hoa kỳ Hilary Clinton sắp sang Miến Ðiện gặp cả phe chính quyền lẫn linh hồn của phe đối lập là bà Suu Kyi.
Ba, tình hình kinh tế VN hôm nay vô cùng bi đát, đầu tư ngoại quốc cạn dần, thị trường chứng khoán thì coi như không có, lạm phát ở mức trên 20 phần trăm (và cao hơn nhiều nữa trong nhiều mặt nhu yếu phẩm), hệ thống ngân hàng phải tái cơ cấu vì có nguy cơ sụp đổ ngày một ngày hai và chính quyền đang chuẩn bị cho một đợt ăn cắp vàng và đô la của dân... nghĩa là tuyệt vọng!
Trong khi đó thì Trung Cộng đang ép cho đến tắt thở!
Chưa đủ
Trong thế này, ông Dũng đang tìm cách gỡ bí. (Ta không nên tin những nguồn tin cho rằng giữa các ông Dũng và ông Sang, ông Trọng đang có những chia rẽ trầm trọng!) Song cũng phải nói ngay là một lời tuyên bố như của ông hôm rồi vẫn chưa đủ - dù như sự tương đối yên lặng của Bắc Kinh trước lời tuyên bố đó cũng chứng tỏ là nước bước mới của ông đang có hiệu ứng, làm cho Trung Cộng khá lúng túng, chưa biết trả lời làm sao.
Ðiều cần làm hơn nữa là để có hậu thuẫn từ người dân, ông và những “đồng chí” của ông cần bắt chước Miến điện để mà nới lỏng dần chế độ, đưa 90 triệu dân sớm đến một chế độ dân chủ thực sự, có nhân quyền, có tự do báo chí và ngôn luận, có tự do hội họp và quyền thành lập hội đoàn, đoàn thể, công đoàn để có thể đi đến một chế độ dân cử đích thực trong đó người dân, trong vài ba năm, có thể có được những cuộc bầu cử lương thiện nhằm chọn những đại diện xứng đáng cho 90 triệu dân đưa đất nước vào một con đường xán lạn.

Không có nhận xét nào: