Phó Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, người được xem sẽ là lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc từ năm sau, sẽ thăm Việt Nam trong ba ngày từ hôm 20/12.
Mặc dù truyền thông cả hai nước đến giờ này đều kiệm lời về chuyến đi, những người quan tâm tình hình Việt Nam xem đây có thể là sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong tháng cuối năm.
Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong tương lai |
Ông Tập Cận Bình, 58 tuổi, cùng các lãnh đạo Việt Nam sẽ xem đây là dịp tìm hiểu và thăm dò lẫn nhau, tạo nền tảng cho quan hệ trong 5 năm tới.
Nhưng chuyến thăm cũng đặt ra cho ông Tập thách thức của một trong những mối quan hệ trắc trở nhất tại khu vực.
Tranh chấp Biển Đông được dự đoán sẽ chi phối nghị trình chuyến thăm, sau một năm nảy sinh căng thẳng.
Nghị trình chuyến thăm
Nói với báo South China Morning Post, giáo sư nghiên cứu Việt Nam, Carl Thayer, cho rằng: "Nếu như ông Tập Cận Bình muốn chứng tỏ ông đảm đương được trọng trách thì ông cũng phải chứng tỏ bản lĩnh trong xử lý quan hệ với Việt Nam".
"Chắc chắn tường thuật chính thống về chuyến thăm sẽ chung chung và tích cực, nhưng sự mặc cả gay gắt cũng sẽ diễn ra."
Hôm 25/11 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trước Quốc hội Việt Nam rằng chủ trương của Việt Nam là đàm phán để đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đoạt hoàn toàn từ năm 1974.
Tiếp sau đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng có chuyến công du các tỉnh biên giới phía Bắc, tới nhiều địa điểm 'nhạy cảm' gắn liền với những năm tháng sóng gió trong quan hệ Việt-Trung như thác Bản Giốc, biên giới Hà Giang và Cột cờ Lũng Cú.
Hôm 12/12 trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh với giới chức ngoại giao 'bài học đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, dân tộc với mục tiêu chiến lược là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ'.
Học giả Ian Storey, từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói thêm với South China Morning Post rằng chuyến thăm sẽ không đem lại đột phá trong tranh chấp Biển Đông.
"Và tôi không nghĩ ông ta sẽ hứa hẹn gì nhiều về viện trợ hay kinh tế - Trung Quốc biết nay họ không thể mua chuộc Việt Nam."
"Chuyến thăm chủ yếu nhằm tạo tiền đề cho những đối phó tương lai của ông ta với Hà Nội."
Bắc Kinh đã quan sát kỹ mối quan hệ đang lên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đặc biệt sau khi chính phủ của Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ thúc đẩy các cam kết chiến lược tại châu Á.
Mới hôm 14/12, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns kết thúc chuyến thăm Việt Nam. Một thông cáo của Mỹ nói các cuộc họp liên quan "quan hệ chiến lược đang phát triển" với Hà Nội.
Sau chuyến thăm Việt Nam, ông Tập Cận Bình sẽ thăm Thái Lan trong ba ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét