Những qui luật tài khóa mạnh bạo hơn, trừng phạt những quốc gia vi phạm và xét lại toàn bộ một hiệp ước đang chi phối châu Âu; đó là những điểm chính đã được Thủ tướng Angela Merkel đưa ra để chỉnh sửa những khó khăn của 17 quốc gia khu vực đồng euro.

Nói chuyện trước Quốc hội Đức, bà Merkel cho biết không có những giải pháp đơn giản hay nhanh chóng cho vấn đề nợ đang lan rộng tại châu Âu hay những vấn đề của các ngân hàng. Tuy nhiên bà cũng bác bỏ những khuyến nghị là các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ còn một cơ hội chót để giải quyết vấn đề khi gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới.

Bà Merkel nói cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro không phải là một cuộc khủng hoảng về trạng thái mà là một cuộc khủng hoảng về lòng tin, khi các nhà đầu tư tránh xa thị trường trái phiếu khu vực đồng euro, ngân hàng gạt bỏ những món nợ của chính phủ, và có thêm nghi ngờ về sự tồn tại của khu vực đồng euro.

Đức là quốc gia mạnh nhất của khu vực đồng euro, do đó diễn văn của bà Merkel được theo dõi một cách chặt chẽ bên trong cũng như bên ngoài nước Đức. 

Thủ tướng Đức hôm thứ Hai gặp Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ nhì tại châu Âu. 

Hai nhà lãnh đạo hy vọng đưa ra được một kế hoạch tiếp cứu chung trước hội nghị thượng đỉnh châu Âu vào ngày thứ Năm tới.

Trong một bài diễn văn đọc tối thứ Năm, ông Sarkozy cũng cảnh báo về một con đường dài và khó khăn trước mắt đối với khu vực đồng euro. 

Tổng thống Sarkozy nói Pháp và Đức muốn có một hiệp ước mới về khu vực đồng euro và những cải cách về hiệp ước đòi hỏi nhiều kỷ luật, nhiều đoàn kết và nhiều trách nhiệm hơn đối với người dân châu Âu.

Tuy nhiên các nhà phân tách nói những biện pháp ngắn hạn cũng quan trọng để khôi phục lòng tin và giúp những thành viên yếu kém của khu vực đồng euro-cùng với những biện pháp dài hạn mà hai nhà lãnh đạo đang đề nghị. 

Bài diễn văn của Tổng thống Sarkozy được đưa ra vào lúc Pháp sắp bầu lại tổng thống. Đảng Xã hội, một đảng đối lập quan trọng, ngay lập tức chỉ trích tổng thống, họ nói ông đã từ bỏ chủ quyền của Pháp đối với những vấn đề tài khóa và đi theo các lệnh tiến quân của Đức.