Nam Nguyên, RFA
Khởi từ số báo xuân đầu tiên năm Mậu Ngọ 1918 của Nam Phong tạp chí thì làng báo Việt Nam đã có gần 1 thế kỷ mà số báo xuân truyền thống mỗi năm là sự kiện không thể thiếu vắng.
Một thế kỷ báo xuân
Theo báo Tuổi Trẻ cuối tuần, số xuân Nam Phong tạp chí có 126 trang, bìa màu có hình vẽ hai ông Thọ cầm biển Đinh Tỵ và Mậu Ngọ chào nhau. Trong số xuân này, học giả Phạm Quỳnh có đôi lời phi lộ chúng tôi xin được tóm tắt từ nguyên bản: “Nam Phong tạp chí bình thường không chú ý tới lối văn chương tiêu khiển, nhưng để khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai nhịp với khúc đàn chung của xã hội trong buổi đầu năm xuân mới, trời ấm khí hòa lòng người hớn hở, nên tòa soạn in riêng một tập ngày Tết để cùng quốc dân góp phần vào cuộc vui chung cũng như để tặng bạn đọc một món quà hợp với cảnh năm mới.”
Như thế ngay từ thời Pháp thuộc, cụ thể từ 1918 các nhà báo Việt Nam đã có sáng kiến làm báo xuân. Trong những thời kỳ khác nhau của Việt Nam, quốc gia, xã hội chủ nghĩa hay tỵ nạn dung thân ở hải ngoại, các nhà báo Việt Nam vẫn tiếp tục truyền thống làm báo xuân, mỗi báo mỗi nơi mỗi vẻ nhưng vẫn phải là báo xuân.Ông Uyên Thao 79 tuổi cư ngụ ở Virginia Hoa Kỳ, một nhà báo kỳ cựu, nguyên Tổng thư ký nhật báo Sóng Thần ấn hành ở Saigon trong những năm 1970, góp ý về sự kiện báo xuân là điều không thể thiếu của làng báo Việt. Ông nói:
“Có thể do tâm lý chung của dân tộc mình đối với dịp Tết, mình trân trọng với những bước chuyển của thời gian, mình muốn ghi dấu một cái gì đó trong bước chuyển của thời gian. Những người khác người ta có thể vẫn ghi nhận nhịp bước thời gian đó nhưng người ta không đặt nặng như dân tộc mình thế thôi.”
Ở thế hệ làm báo ở hải ngoại, nhà báo trẻ Thiện Giao chủ bút Nhật báo Người Việt ở Quận Cam California Hoa Kỳ, tờ báo phát hành số đầu tiên từ năm 1978 gắn liền với lịch sử của cộng đồng Việt Nam tỵ nạn, trình bày ý kiến của mình:
“Tôi nghĩ rằng làm báo Xuân thì đó là một truyền thống của người Việt mình mà người Tây Phương thì không có. Người Việt Nam làm báo Xuân rất nhiều. Tôi không biết là các nền báo chí khác của Châu Á thì có làm báo Xuân tương tự như người Việt Nam hay không, nhưng mà theo chỗ chúng tôi được biết thì báo Xuân của người Việt Nam có từ thập niên 1920.
Từ đó mọi người tiếp tục làm báo Xuân cho tới ngày hôm nay, kể cả những người đã đi ra hải ngoại vẫn giữ thói quen là làm tờ báo Xuân mỗi khi Mùa Xuân về.
Và bên cạnh tờ báo Xuân thì đến ngày đầu năm lại có một số nữa gọi là số Tân Niên để nhìn lại tất cả những sự kiện của năm vừa qua, rồi sau đó đặt ra những kỳ vọng cho năm mới. Tôi nghĩ rằng đây là một nét rất đặc trưng của nền báo chí Việt Nam cả trong và ngoài nước.”
Nếu chỉ tính thời gian gần 4 thập niên, thì báo xuân của làng báo Việt có những thời kỳ khác nhau, giai đoạn đất nước phân ly, thống nhất sau chiến tranh và sự hình thành của cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Ông Nguyễn Quốc Thái một nhà báo ở trong nước, nguyên Tổng Thư Ký báo Doanh Nghiệp hiện cư ngụ ở Saigon nhận định về sự thay đổi theo thời gian của tờ báo xuân:
“Theo ý kiến cá nhân của tôi, mỗi năm tôi đều được đọc một số các báo xuân của hải ngoại và hầu như tất cả những tờ báo xuân được phát hành tại Việt Nam.
Tôi thấy hiện nay báo xuân ở hải ngoại cũng như ở Việt Nam phong phú hơn báo xuân trước năm 75 nhiều lắm. Anh có thể mở lại một số tờ báo xuân trước năm 75 ở Saigon và đối chiếu với những tờ báo xuân ở hải ngoại và Việt Nam hiện nay thì anh thấy tôi không nói sai đâu.
Thứ nhất là về mặt hình thức, vấn đề kỹ thuật hiện nay so với cách đây mấy chục năm thì chúng ta không cần phải bàn. Về nội dung bài vở thì tôi thấy báo xuân hiện nay phong phú và đa dạng hơn nhiều lắm.
Có thể có những vấn đề báo xuân ở Miền Nam trước đây được nói đến mà báo xuân ở Việt Nam hiện nay không được nói đến. Nhưng nói chung về chất lượng bài vở thì hiện nay phong phú đa dạng hơn nhiều so với những tờ báo xuân trước năm 1975.”
Báo Xuân thắng lớn
Năm nay ở Việt Nam lượng giai phẩm Xuân Nhâm Thìn được cho là rất nhiều, riêng trong cuộc thi bìa báo xuân đẹp năm 2012 tổ chức ở TP.HCM cũng đã có sự tham dự của 91 ấn phẩm xuân xuất bản trong cả nước.
Bìa giai phẩm xuân báo Tuổi Trẻ đoạt giải nhất, tờ báo đã trình bày trang bìa với gương mặt ba cô gái vàng của thể thao Việt Nam tại đấu trường Sea Games 26 là Ngân thương bộ môn thể dục dụng cụ, Mai Phương Wushu và Thu Hà aerobicm, với hậu cảnh là cánh cổng sơn mài vẽ hình tượng rồng trong Văn miếu-Quốc tử giám Hà Nội.
Hội đồng tuyển chọn đánh giá là bìa Xuân Tuổi Trẻ thể hiện được thành tựu của năm, định hướng phát triển tương lai, đồng thời biểu cảm được tinh thần xuân dân tộc trong một bố cục đẹp.
Thông tin cho biết giai phẩm xuân của các tờ báo lớn bán rất chạy. Ông Trần Thanh Quyền một nhà kinh doanh ở TP.HCM phát biểu:
“Đẹp lắm, màu sắc rõ ràng, đẹp lắm, khổ báo xuân bao giờ cũng to rườm rà và nặng, quảng cáo rất nhiều. Bây giờ ăn quảng cáo nhiều. Bán chạy lắm. Nói chung tờ báo xuân đối với túi tiền người ta cũng không phải là lớn lắm thành ra ai cũng mua được. Nói nhiều là nhiều ở thành thị thôi chứ nông thôn ít ai có, nông thôn vẫn còn khổ lắm”
Cô Nguyễn Thị Hòa gia đình trung lưu ở Bình Thạnh TP.HCM đón nhận những tờ báo xuân đa dạng bày bán trên các sạp báo khắp thành phố theo cách riêng của mình. Cô Hòa ví von người ta mua báo xuân cũng như ngày Tết phải có cành mai, chậu tắc vậy:
“Người Việt Nam có truyền thống là Tết phải có báo xuân để trong nhà. Nhà tôi báo xuân nhiều lắm. Trong năm đọc báo nào thì cuối năm mua báo xuân báo đó….”
Nếu như Nam Phong Tạp Chí số xuân Mậu Ngọ 1918 với 126 trang thì ngày nay các giai phẩm xuân có thể lên tới vài trăm trang, theo cách nào đấy, thì đây có thể là số báo lớn nhất trong năm của một tờ báo. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái ở TP.HCM nhận định:
“Tờ báo xuân là một tờ báo phong phú nhất đặc sắc nhất, đa dạng nhất trong năm của một tờ báo, theo tôi. Anh có thể cầm bất cứ tờ báo xuân nào cũng có thể thấy về chất lượng bài vở, về những vấn đề được nêu ra trong số báo đó, về những cộng tác viên và những trang quảng cáo được in trong số báo xuân đó tương đương với số trang bài thì thấy rằng cả về mặt tài chính cả về mặt nội dung, trong năm không thấy số báo nào đặc sắc và phong phú hơn số báo xuân đâu”
Nhà báo Nguyễn Quốc Thái, trong số hiếm hoi những người từ trong nước gởi bài tham gia giai phẩm Xuân Nhâm Thìn của tờ Việt Báo ấn hành ở Nam California Hoa Kỳ, phát biểu:“Năm nay cũng vậy tôi có một bài thơ in trên Việt Báo là bài ‘Chúng ta chưa mất hết tự do yêu dấu’, nếu lúc nào rảnh rỗi xin đọc và sẽ thấy bài thơ đó có một phần nào cuộc đời của chúng ta chăng?
Và nỗi khao khát tự do của tôi luôn âm ỉ ràng buộc với tôi từ nhiều năm nay. Nỗi khao khát đó cũng như xương thịt tôi mà không thể tách rời ra được và bất cứ lúc nào cần lên tiếng thì tôi cũng không thể nào khước từ nói lên sự khao khát và mơ ước đó của tôi cả”
Khởi từ Nam Phong Tạp Chí số xuân Mậu Ngọ 1918, làng báo Việt Nam đã tiếp tục truyền thống làm báo xuân mỗi năm, đến nay đã được 93 năm.
Có thể nói báo xuân là một nét văn hóa riêng của nghề báo Việt Nam, là món ăn tinh thần hay một thứ thân quen không thể thiếu trong ngày Tết Việt Nam. Vậy thì dưới bất cứ không gian nào, chế độ chính trị nào, ở đâu có làng báo Việt hay chỉ cần có một tờ báo Việt thì ở đó có báo xuân.
Ý kiến của Bạn