Thanh Trúc, phóng viên RFA
2012-01-07
Chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, mà Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa, một vấn đề thời sự được người Việt trong và ngoài nước chú ý suốt thời gian qua.
Tự chọn đề tài biển Đông và hải đảo Việt Nam làm hướng nghiên cứu của riêng mình, ông Đinh Kim Phúc, tác giả cuốn sách nghiên cứu Hoàng Sa- Trường Sa : Luận Cứ & Sự Kiện vừa được xuất bản, trình bày những điểm chính trong tác phẩm nhằm minh chứng Việt Nam đã có chủ quyền lâu đời trên hai quần đảo này.
Công trình nghiên cứu mới
Trả lời câu hỏi đầu tiên là căn nguyên và hoàn cảnh nào dẫn đưa ông đến việc chuyên tâm nghiên cứu về biển Đông, ông Đinh Kim Phúc trình bày:Ông Đinh Kim Phúc: Đầu năm 1974, khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tôi đã cùng hàng ngàn học sinh ở Vĩnh Long xuống đường biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc với khẩu hiệu của trường chúng tôi:
“Thủ Khoa Huân ta nhắn về phương Bắc
Đừng ngông cuồng mưu nhổ vảy rồng Nam”
Đừng ngông cuồng mưu nhổ vảy rồng Nam”
Những hình ảnh ngày ấy cho đến hôm nay tôi không bao giờ quên được. Rồi lịch sử lại sang trang, chiến tranh ở biên giới Tây Nam xảy ra, tôi vào bộ đội khi mới mười tám tuổi. Từng đặt chân trên đất nước Campuchia, tôi hiểu như thế nào là tội ác diệt chủng của Pôn Pốt – Iêngxari mà đằng sau chúng là tập đoàn phản động Bắc Kinh.
Năm 1980, tôi chuyển ngành về học tại Khoa Sử Địa trường Đại Học Cần Thơ và năm 1984 tốt nghiệp được giữ lại Khoa làm cán bộ giảng dạy. Năm 1986 tôi thi đậu và theo học cao học tại Khoa Lịch Sử Đại Học Sư Phạm Hà Nội Một. Trong thời gian này tôi đã được học với nhiều giáo sư hàng đầu như giáo sư Trần Văn Trị, giáo sư Phan Ngọc Liên, giáo sư Phạm Gia Hải vân vân…
Đặc biệt may mắn tôi tiếp thu được ba chuyên đề của giáo sư Trần Bá Đệ: Từ Chiến Lược Toàn Cầu Của Mỹ Cho Đến Chiến Tranh Xâm Lược Việt Nam, Từ Chủ Nghĩa Bá Quyền Sô-Vanh Đại Hán Cho Đến Chiến Tranh Xâm Lược Việt Nam năm 1979, và Hoàng Sa-Trường Sa Là Của Việt Nam. Từ đây tôi đã chọn hướng nghiên cứu cho riêng mình: Biển Đông và hải đảo Việt Nam.
Nhiều tài liệu mới xác lập chủ quyền của VN
Thanh Trúc: Thưa ông Đinh Kim Phúc, được biết ông có nhiều công trình nghiên cứu đã xuất bản, như vậy trong quyển sách: Hoàng Sa –Trường Sa: Luận Cứ & Và Sự Kiện, do nhà xuất bản Thời Đại ấn hành, có vấn đề và tư liệu gì mới so với các công trình đã được công bố?Ông Đinh Kim Phúc: Trong quyển sách Hoàng Sa-Trường Sa: Luận Cứ & Sự Kiện, có nhiều tài liệu mới phát hiện đã củng cố thêm chứng cứ về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa cũng như góp phần phản biện quan điểm của các học giả Trung Quốc.
Thí dụ như tấm bản đồ thế giới có tuổi đời hơn 400 năm, đã được trưng bày tại thư viện Quốc hội Mỹ vào đầu năm 2010 do Matteo Ricci, một nhà truyền giáo người Ý, vẽ tấm bản đồ vào năm 1602 theo yêu cầu của vua Minh Thần Tông.
Điểm thứ nhất chúng ta cần đặc biệt chú ý, Ricci đã sáng tác tấm bản đồ thế giới đầu tiên bằng chữ Hán theo bản đồ được vẽ ở Châu Âu. Hiện nay tấm bản đồ nầy đã thất lạc, viên quan nhà Minh tên là Lý Chi Tảo đã dày công vẽ lại thành “phiên bản Lý Chi Tảo” với tên gọi là “Khôn Dư Vạn Quốc Toàn Đồ”.
Điểm thứ hai, trong bản của Lý Chi Tảo vẽ lại bản gốc của Matteo Ricci không có bốn chữ “Vạn Lý Trường Sa” là điều nên lưu ý hơn cả, chứng tỏ thời nhà Minh đã không nhận thức được quần đảo nầy là thuộc về mình hoặc không xem chúng thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc thời bấy giờ.
Mặt khác, theo bản đồ của Ricci (phiên bản do Nhật Bản vẽ lại) vùng biển dọc theo bờ của lục địa Trung Quốc, nằm dưới dãy đảo nước Nhật Bản được ghi là “Đại Minh Hải” chứ không phải là biển Trung Hoa hay Nam Trung Hoa, và trong“Đại Minh Hải” nầy không bao gồm vùng biển Đông ngày nay và những hòn đảo trong khu vực này, chứng tỏ nhà Minh lúc bấy giờ đã không xem biển Đông và những đảo ấy là của mình. Sự thật nầy là bằng chứng bác bỏ mọi lập luận khiên cưỡng của các học giả Trung Quốc trong việc chứng minh những dãy đảo trên biển Đông là thuộc về chủ quyền“không có thể tranh cãi” của nước nầy, rằng đã được xác lập từ các đời nhà Hán, Đường, Tống, Minh …
Trong bản của Lý Chi Tảo vẽ lại bản gốc của Matteo Ricci không có bốn chữ“Vạn Lý Trường Sa” là điều nên lưu ý hơn cả, chứng tỏ thời nhà Minh đã không nhận thức được quần đảo nầy là thuộc về mình hoặc không xem chúng thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc thời bấy giờ.Ô. Đinh Kim Phúc
Một thí dụ khác, như Giáo sư Li Jinmin, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Đại học Hạ Môn, trong bài viết Nguồn Gốc Và Sự Tranh Cãi Đang Diễn Ra Về Vấn Đề Biển Đông, đăng trên Beijing Review ngày 1 tháng Tám 2011, đã nhận xét rằng :“Pháp đã không kiểm soát quần đảo Nam Sa sau Chiến Tranh Thế Giới thứ II. Hơn nữa, không có tài liệu chứng minh việc chuyển giao giữa Pháp và Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam thừa nhận quần đảo Nam Sa và quần đảo Tây Sa là lãnh thổ Trung Quốc trong quá khứ. Vì vậy, dựa trên nguyên tắc estoppels (promissory estoppel:sự ngăn chận việc làm trái với lời hứa) của luật pháp quốc tế, chính phủ Việt Nam hiện nay nên tuân theo ghi nhận trước đó”.
Thanh Trúc: Thưa từ những luận cứ đó ý ông muốn nói rằng lý lẽ Trung Quốc đưa ra về chủ quyền của họ trên biển Đông là không đúng?
Ông Đinh Kim Phúc: Sự thật thì không phải như những gì mà các học giả lẫn chính phủ Trung Quốc thường rêu rao. Một số tư liệu mà tôi mới phát hiện gần đây như báo Le Journal ngày 21tháng Tám năm 1938, đã đưa tin: “Paris, 20 tháng Tám 1938, theo một công bố của Bộ Ngoại Giao Pháp chiều hôm qua, chính phủ Nhật Bản đã chấp nhận quan điểm của Pháp về việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của quân đội Pháp. Công bố cũng nhắc lại rằng Nhật Bản đã từng tranh cãi về quyền chiếm hữu quần đảo này, một vị trí có tầm quan trọng trên tuyến đường biển giữa Trung Hoa và Đông Dương.
Quyết định của chính phủ Nhật đã được đón nhận tốt đẹp ở Paris và công bố cũng nói rằng với thiện chí song phương , tất cả những khác biệt về chính trị có thể sẽ được giải quyết – Transocean.
Hoặc như học giả Samuels đã nhận xét sự leo thang về thời gian trong việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông: “Những tuyên bố của Trung Quốc trên các quần đảo Trường Sa bị suy yếu bởi một báo cáo 1928 của Ủy ban chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cho biết các quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc” (thay vì đảo Hải Nam như trước đây?!) và “điều này ít ra cũng đã cho thấy rằng quần đảo Trường Sa không được xem như là lãnh thổ Trung Quốc tại thời điểm đó”.
Chúng tôi thấy rằng nhận xét của Samuels hoàn toàn phù hợp với bản đồ của Chính phủ Trung Quốc xuất bản năm 1925. Rất nhiều tài liệu mới được trình bày trong quyển sách này đã làm phong phú thêm nhiều sự kiện liên quan đếng Hoàng Sa-Trường Sa trong giai đoạn 1909-1945 cũng như trước đó.
Những tài liệu mới phát hiện được đã góp phần chứng minh một sự thật là chính quyền bảo hộ của Pháp ở Đông Dương đã tái xác lập chủ quyền của Việt Nam (để bảo vệ quyền lợi chính trị lẫn kinh tế của chính sách thực dân như trên đã có đề cập) trong thời kỳ đô hộ, đấu tranh bác bỏ lập luận của phía Trung Quốc, trước đây là Trung Hoa Dân Quốc của Quốc Dân Đảng, trong âm mưu bành trướng lâu dài của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán mà lãnh hải hình lưỡi bò xuất hiện vào năm 1947 là một minh chứng hùng hồn nhất.
Khó khăn – thuận lợi
Thanh Trúc: Thưa ông Đinh Kim Phúc, những thuận lợi trong quá trình nghiên cứu của ông?
Ông Đinh Kim Phúc: Thuận lợi là lãnh đạo nhà trường nơi tôi đang công tác đã tạo mọi điều kiện cho tôi nghiên cứu về biển Đông. Tôi đã có hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường đã được nghiệm thu và hiện nay tôi đang thực hiện đề tài thứ ba: “Phản Biện Quan Điểm Của Một Số Học Giả Trung Quốc Về Biển Đông”.
Hạn chế của tôi là ngoại ngữ nhưng tôi đã được sự giúp đỡ của nhiều học giả trong và ngoài nước cũng như nguồn tư liệu quý báu từ Thư viện Quốc Hội Mỹ, từ các kho lưu trữ ở Pháp, Nhật… mà các em bên Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa cung cấp.
Thanh Trúc: Thế thì bên cạnh đó ông có gặp sự khó khăn nào không?
Ông Đinh Kim Phúc: Khó khăn thì cũng không tránh khỏi. Khi tôi xin phép để đi dự Hội Thảo Hè ở Mỹ hồi năm 2010, một cán bộ an ninh đã hỏi lãnh đạo của tôi rằng “ông Phúc có bị bệnh tâm thần hoang tưởng hay không?”. Và hiện nay tôi thường được mời uống cà phê mà không phải tốn tiền.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông Đinh Kim Phúc, tác giả cuốn sách nghiên cứu Hoàng Sa-Trường Sa : Luận Cứ & Sự Kiện.
Theo dòng thời sự:
- TS Đinh Kim Phúc gửi kiến nghị cho CT Nguyễn Sinh Hùng
- Nên nghiên cứu Biển đông như thế nào?
- Nên nghiên cứu Biển đông như thế nào? (phần 2)
- Các nhà sử học Việt Nam nghĩ gì về phát biểu của Vương Hàn Lĩnh? (Phần 1)
- Các nhà sử học Việt Nam nghĩ gì về phát biểu của Vương Hàn Lĩnh? (Phần 2)
- Quan điểm gây tranh cãi của học giả Trung Quốc về Việt Nam
- VN phản đối bản đồ TQ về Hoàng Sa, Trường Sa
- Tuyên truyền thua Trung Quốc
Ý kiến của Bạn