14.1.12

Hungary nhượng bộ Liên Hiệp Châu Âu về việc cải tổ quy chế Ngân hàng trung ương



Thủ tướng Hungary Viktor Orban 09/12/2012 (REUTERS)
Thủ tướng Hungary Viktor Orban 09/12/2012 (REUTERS)

Thanh Hà
Ngày 11/01/2012, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã mạnh mẽ đòi Budapest rút lại hai đạo luật mới được phê chuẩn trong tháng 12/2011. Các đạo luật đó bị coi là đe dọa đến tính độc lập của ngành tư pháp và của ngân hàng trung ương Hungary. Nội các của thủ tướng Orban phải nhượng bộ vì đang cần trợ giúp của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và của EU.


Thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest
 
13/01/2012
by Thanh Hà
 
 
Ðây là sự chỉ trích nặng nề nhất của Châu Âu trong vòng 20 năm qua đối với Hungary, đúng vào lúc nước này đang rất cần ít nhất 15 tỉ Euro từ IMF để trang trải những khoản chi tiêu, và hơn 1 tỉ Euro trợ cấp từ EU. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán với IMF đã gián đoạn từ một tháng nay và quan hệ của Hungary với Liên hiệp Châu Âu cũng xấu hơn bao giờ hết, vì những đạo luật bị coi là phi dân chủ mà Quốc hội nước này vừa thông qua.
Trong phiên họp sáng thứ Tư, Ủy ban Châu Âu quyết định cho chính phủ Hungary 1 tuần để “tự đưa đất nước trở lại con đường dân chủ”, theo cách diễn đạt của báo chí nước này. Nếu phía Hungary không có được hồi âm thích hợp, tuần tới, vào ngày 17-1, EU sẽ tiến hành thủ tục xử lý vì “vi phạm các bổn phận” trong ít nhất là ba vụ việc.
Thời điểm 17-1 được coi là quan trọng đối với phía Hung, vì nước này nhận được thời điểm tái đàm phán với IMF vào 20-1, và những điều kiện để có được cuộc đàm phán ấy sẽ được công bố vào 18-1, khi Chính phủ Hungary đã nắm bắt được những phản đối cụ thể của Ủy ban Châu Âu. Trước mắt, EU bày tỏ hy vọng Hungary hợp tác để giải quyết vấn đề bằng những giải pháp nhanh chóng, và không cần đến những thủ tục “dài dòng và nặng nề”, theo diễn đạt của phát ngôn viên Ủy ban Châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barroso cũng chọn cách nói rất cứng cỏi, khi tuyên bố rằng cơ quan hành pháp của EU sẽ sử dụng mọi quyền lực của mình để Hungary phải theo những nguyên lý và giá trị của EU. Theo ông, Ủy ban Châu Âu có thể hành xử trên tư cách một tòa án và nhắc lại chuyện tháng 12 năm ngoái, ông đã gửi 2 thư hàm chứa những quan ngại về các đạo luật Hungary, nhưng Chính phủ Hung đã bỏ qua sự nhắc nhở này.
Báo chí Hungary bình luận rằng bản thân những thủ tục mang tính trừng phạt của EU đối với một thành viên thì chưa phải là điều gì quá bất thường, nhưng đáng chú ý trong trường hợp này là Hungary còn bị cảnh cáo về việc tuân thủ các luật chơi dân chủ nói chung. Ðây là điều hiếm khi xảy ra.
Ủy ban Châu Âu nhấn mạnh: “Các quốc gia thành viên cần chấp nhận và tôn trọng những nguyên tắc chủ đạo của EU. Nhà nước pháp quyền, những nguyên tắc dân chủ, sự đảm bảo những quyền cơ bản là những phương tiện nghiêm túc nhất để duy trì niềm tin của các nhà đầu tư và các công dân”. Như vậy, đáng để tâm là Ủy ban Châu Âu đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng: Hungary suy sụp về kinh tế như hiện tại là do nền dân chủ bị xâm phạm trầm trọng.
Những chỉ trích của Châu Âu chủ yếu nhằm vào ba đạo luật mà Quốc hội Hungary mới thông qua vào cuối năm qua: đạo luật về ngân hàng nhà nước, đạo luật buộc giới thẩm phán phải về hưu sớm (giảm độ tuổi làm việc từ 70 xuống 62) và đạo luật đình chỉ sự hoạt động của nhân viên chuyên trách của Quốc hội về bảo vệ dữ liệu.
Cả ba đạo luật này là hệ quả của bản Hiến pháp mới, được đưa vào thực thi từ đầu năm nay, và bị chỉ trích là hạn chế nhiều quyền tự do, dân chủ. Hơn thế nữa, chúng được liệt vào hàng những đạo luật căn bản (sarkalatos), tức là khi sửa đổi hoặc thông qua cần hai phần ba số phiếu trong Quốc hội. Giới bình luận cho rằng, đó là nỗ lực “bê-tông hóa quyền lực” của liên minh cầm quyền và vô hiệu hóa phe đối lập.
Ngay từ khi được “cài” vào bản Hiến pháp mới (tháng 4 năm ngoái), những dụng ý của chính quyền đã bị giới quan sát và truyền thông mổ xẻ và lên tiếng. Theo họ, ba đạo luật trên cho phép liên minh cầm quyền thay thế giới lãnh đạo tư pháp và ngân hàng, đưa vào đó những người thân cận với chính phủ, khiến sự độc lập của Ngân hàng Quốc gia, cũng như của các tòa án bị xâm phạm.
Trong cả ba trường hợp, các quan chức EU đã tỏ ra quan ngại từ rất sớm và trong năm ngoái, họ đã nhiều lần trao đổi thư từ nêu rõ quan điểm của mình với Chính phủ Hungary. Tuy nhiên, phía Hung luôn giữ một lập trường nhất quán, cho rằng những âu lo của EU là vô cơ sở. Trong phiên họp thứ Tư vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã phải khẳng định rằng “những quan ngại của EU là rất có căn cứ và rất đáng kể”, và EU cho Hungary 1 tuần là để nước này tự hành động, chứ không phải Châu Âu chưa đủ những lý lẽ để buộc tội Hungary.
“Giờ, trái bóng đã thuộc về phía Hung!”, theo cách diễn đạt của Phát ngôn viên Ủy ban Châu Âu.
Tuy nhiên, không chỉ vì những quyết sách phi dân chủ, mà Hungary còn bị chỉ trích vì đã không thực hiện được những bổn phận kinh tế mà Hội đồng Châu Âu quy định. Do đó, trong khuôn khổ một biện pháp xử lý được áp dụng cho những nước thường xuyên có mức thâm hụt ngân sách quốc gia cao, kể từ đầu năm 2013 trở đi, Hungary có thể sẽ bị cắt khoản hỗ trợ từ Quỹ Gắn kết.
Ủy ban Châu Âu nêu rõ: kể từ khi gia nhập EU năm 2004, chưa bao giờ Hungary đạt được sự chờ đợi của EU, là kìm giữ mức thâm hụt ngân sách dưới 3% một cách bền vững, ổn định và do đó, luôn luôn bị vào tầm ngắm của Hội đồng Châu Âu vì sự kém cỏi này. Năm 2011 vừa qua, sở dĩ Budapest đạt được về mặt hình thức chỉ số 3% chỉ vì nước này quốc hữu hóa khoản tiền nằm trong các quỹ bảo hiểm tư nhân - chiếm tới 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - và Ủy ban Châu Âu cho rằng, trong năm 2012, mức thâm hụt ngân sách vẫn tiếp tục vượt 3%.
Ðể tránh được thủ tục của EU dẫn đến sự trừng phạt về tài chính, Hungary cần chứng tỏ rằng không chỉ trong 1-2 năm, mà nước này có khả năng điều tiết sự thâm hụt ngân sách quốc gia dưới 3% liên tục trong một thời gian dài (mức trung hạn). Nếu từ giờ đến tháng 3, chính phủ Hung không đưa ra được một chương trình khả dĩ, nhiều khả năng là nước này sẽ mất nguồn tài trợ dành cho các quốc gia thành viên nghèo nhất của EU để giảm thiểu sự chênh lệch về mức độ phát triển.
Trong thời gian 2000-2006, Hungary đã nhận được 1,122 tỉ Euro từ Quỹ Gắn kết cho những dự án về giao thông, năng lượng và môi trường. Từ 2007 tới 2013, khoản tiền mà Hungary có thể được nhận là 8,3 tỉ Euro - nếu bị EU cắt giảm, mọi dự án đầu tư lớn về giao thông, ngước ngọt, nước thải, rác thải, chống lũ lụt và năng lượng tái tạo sẽ bị đình trệ, trong đó, đáng kể là dự án xây dựng tuyên metro thứ 4 của Budapest, vốn đã chậm trễ nhiều năm so với kế hoạch ban đầu.
Trong lịch sử Liên hiệp Châu Âu, chưa quốc gia nào bị trừng phạt nghiêm khắc như vậy vì thâm hụt ngân sách kéo dài. Cũng chưa có nước nào như Hungary, trong thời gian dài luôn nằm trong tầm ngắm của Hội đồng Châu Âu - đây cũng là lý do khiến liên minh cầm quyền hiện tại cho rằng, lỗi thuộc về nội các xã hội trong 8 năm qua, và rằng lẽ ra EU phải có biện pháp xử lý ngay từ khi đó.
Liên quan đến vấn đề kinh tế, tài chính, Ủy ban Châu Âu chưa hề muốn nhắc đến khoản tín dụng mà Chính phủ Hungary cầu cứu EU (và IMF) từ tháng 11 năm ngoái, chừng nào đạo luật về ngân hàng quốc gia chưa được sửa đổi một cách thích hợp !
Sau khi nhận được “tối hậu thư”, Chính phủ Hungary đã lập tức phải hạ giọng và tỏ ra mềm mỏng trước Châu Âu. Văn phòng Phát ngôn viên Chính phủ nước này ra thông cáo, nói Hungary sẵn sàng đàm phán và tìm kiếm các giải pháp để thỏa mãn những đòi hỏi của Ủy ban Châu Âu. Ngoại trưởng Martonyi János thì khẳng định: thay vì ra tòa, Hungary muốn bàn bạc để đến thống nhất trong thời gian nhanh nhất, và toàn thể nội các Hung đều đồng lòng về chuyện này.
Ngoại trưởng Hungary cũng khẳng định rằng hoàn toàn có thể loại trừ khả năng Hungary bị phá sản quốc gia và cho dù tỉ lệ nợ công của nước này đã vượt quá 81%, về trung hạn, Hungary sẽ ra khỏi khủng hoảng. “Chúng tôi sẽ quan tâm một cách hết sức nghiêm túc đến sự phân tích và những kết luận của Ủy ban Châu Âu - Ủy ban nói gì đi nữa, chúng tôi cũng nỗ lực tìm kiếm giải pháp” - ông Martonyi phát biểu, tỏ rõ một sự nhượng bộ chưa từng thấy của Hungary trước những cảnh báo của EU.
Tại Nghị viện Châu Âu, các dân biểu thuộc phe cầm quyền của Hungary cũng dịu giọng và thừa nhận rằng, trong thời gian qua, Quốc hội nước này đã thông qua tổng cộng 230 đạo luật, trong đó có 30 đạo luật được coi là căn bản, và “ngần ấy công việc trong ngần ấy thời gian không thể tránh được sai lầm” (lời nghị sĩ Châu Âu Szájer József, một lãnh tụ đảng FIDESZ).
Giới phân tích cho rằng Hungary cũng sẽ theo kịch bản như trong hồ sơ Ðạo luật Truyền thông đầu năm ngoái, tức là sẽ tu chính một số điểm trong luật bị EU chỉ trích, nhưng không từ bỏ những gì mà chính phủ này theo đuổi. Trong ván bài giữa Hungary và EU, bản chất sự việc được cho là vấn đề tài chính: những chính sách kinh tế đặc thù của nội các bảo thủ Hungary đã ảnh hưởng đến lợi ích của các tập đoàn thương mại Châu Âu và đây là một lý do khiến EU có những động thái chỉ trích rất mạnh mẽ Hungary.
Những chủ trương như bắt các ngân hàng và doanh nghiệp lớn phải trả khoản thuế đặc biệt để hỗ trợ ngân sách quốc gia, bắt các nhà băng phải chấp nhận để cư dân có thể hoàn trả tín dụng theo tỉ giá mà nhà nước quy định, v.v... bị EU cho là vừa độc đoán, vừa ảnh hưởng đến các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều quyết sách phi dân chủ của nội các Orbán càng khiến sự bất ổn xã hội và căng thẳng trên chính trường Hungary gia tăng, sự khủng hoảng lòng tin đối với Hungary tăng mạnh.
Thừa hưởng một di sản nặng nề từ phe xã hội sau 8 năm cầm quyền, nội các Orbán hiện tại, dù đã được toàn quyền trong mọi quyết định với hơn 2/3 số ghế trong Quốc hội, vẫn tỏ ra bất lực trong việc mang lại sinh khí mới cho nền kinh tế Hungary khỏi cảnh khủng hoảng trầm trọng. Thêm vào đó, bản Hiến pháp mới cùng những đạo luật mang tính hạn chế các quyền tự do, dân chủ - thể hiện mong muốn nắm giữ quyền lực bằng mọi giá, và coi đó là trên hết - khiến nền kinh tế Hungary, dù trong thực tế không đến nỗi khá trầm trọng, vẫn tụt dài và lụn bại trong hơn 1 năm qua...
TAGS: CHÂU ÂU - HUNGARY - PHỎNG VẤN - QUỐC TẾ

Không có nhận xét nào: