7.1.12

Nga : Phong trào chống Putin tìm kiếm một tiếng nói chung



Một người biểu tình tại Nga hôm 24/12/2011 giơ cao tấm biển có hình Putin và hàng chữ "Cút đi".
Một người biểu tình tại Nga hôm 24/12/2011 giơ cao tấm biển có hình Putin và hàng chữ "Cút đi".
REUTERS/Sergei Karpukhin

Thanh Hà
Đoàn kết để đẩy bật Putin ra khỏi cơ quan quyền lực và tìm kiếm một chiến lược để tiếp tục phong trào : đó là mực tiêu hàng đầu của những thành phần bài Putin ở Nga đã được thông tín viên báo Le Figaro từ Matxcơva ghi nhận. Thách thức lớn nhất đối với người biểu tình tại Nga có lẽ là tới nay, tất cả các thành phần chưa đồng ý về những mục tiêu chung

« Một tháng trôi qua kể từ khi phong trào phản kháng dấy lên tại Nga, không một đòi hỏi nào của người biểu tình được Matxcơva thỏa mãn. Chính quyền phớt lờ trước tiếng nói của người dân với hy vọng làn sóng phẫn nộ tự dập tắt » Lãnh đạo Mặt trận Cánh Tả của Nga Serguei Oudaltsov tóm tắt về tình hình tại Nga như trên với phóng viên của báo Le Figaro.

Thách thức lớn nhất đối với người biểu tình tại Nga có lẽ là tới nay, tất cả các thành phần chưa đồng ý về những mục tiêu chung nên ông Oudaltsov lo ngại, Matxcơva sẽ khai thác sự thiếu đoàn kết ấy để gây chia rẽ theo kiểu « chia để trị ». Do vậy, để thành công, phong trào phản kháng tại Nga phải nhanh chóng trở thành một tổ chức có cùng một tiếng nói và cùng một mục tiêu. Tổ chức đó có trách nhiệm biến phong trào phản kháng của đường phố thành một phong trào chính trị có thể đấu tranh một cách lâu dài.

Hiện tại những thành phần xuống đường mới chỉ cảm thấy họ bị « sỉ nhục » qua cuộc bầu cử Quốc hội ngày 04/12/2011. Câu hỏi đặt ra là phong trào chống Putin có cương lĩnh hành động như thế nào hai tháng trước cuộc bầu cử tổng thống ?

Trước mắt người viết blog Alexei Navalny, một trong những gương mặt hàng đầu của đợt nổi dậy lần này, thì chủ trương coi đợt tuyển cử sắp tới là bất hợp pháp. Một số khác thì lại muốn là mọi người phải « nhập cuộc » mới phá vỡ tham vọng trở lại chức vụ tổng thống của ông Vladimir Putin.

Một thanh niên thuộc phong trào Solidarnosk tại Matxcơva nói với phóng viên báo Le Figaro : «Chúng tôi khao khát tự do, nhưng chưa tìm thấy con đường để hướng tới mục tiêu đó. Việc chúng tôi cọ sát tư tưởng để tìm đến với tự do và dân chủ là điều bình thường. Xã hội nào rốt cuộc cũng tìm ra đồng thuận. Người Nga rồi cũng tìm ra được đồng thuận đó »

Có một điều chắc chắn : là con đường đấu tranh của dân tộc Nga sẽ còn dài. Tác giả mượn lời một bà cụ già 84 tuổi để kết luận bài báo : « Năm 1991, người Nga cũng đã tưởng rằng trong một sớm một chiều họ có thể sang trang thời đại Xô Viết để được sống trong một quốc gia mới ». Hai mươi năm sau nhìn lại, « người Nga đã hiểu là đường còn dài, nhưng họ sãn sàng cho một cuộc đấu tranh trường kỳ ». Bà lão hy vọng được nhìn thấy ngày tàn của Putin như đã từng được chứng kiến sự sụp đổ của Liên Xô 2 thập niên về trước.


Kinh tế Mỹ bắt đầu khởi sắc ?

Thời sự kinh tế hôm nay chiếm nhiều trang trên các tờ báo : Les Echos nói đến những dấu hiệu khả quan báo trước đà phục hồi của kinh tế Hoa Kỳ. Trong tháng 12 vừa qua khu vực kinh tế tư nhân tạo thêm 325 000 việc làm. Con số này cao gấp đôi so với mong đợi của các chuyên gia. Cùng lúc số người bị mất việc trong tháng đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2008. Nhưng để đạt được chỉ tiêu kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 8, 6 % thị trường lao động Mỹ còn phải được cải thiện nhiều hơn nữa.

Bên cạnh chỉ số thất nghiệp, khu vực công nghiệp và dịch vụ trong tháng qua cũng đã được khởi sắc trở lại và nhất là chỉ số tiêu thụ của người Mỹ : không biết có phải do người dân mạnh dạn mua sắm hơn hay không vào dịp lễ Giáng sinh và cuối năm, nhưng chỉ số bán lẻ tại Hoa Kỳ tăng 4,5 % trong tháng qua và đây là thành tích cao nhất từ 5 tháng trở lại đây.

Nhưng theo báo Les Echos thì hãy còn quá sớm để cho là kinh tế Mỹ đang hồi phục. Để ông Barack Obama có thể mạnh dạn lao vào cuộc vận động tranh cử cho một nhiệm kỳ thứ hai, thất nghiệp cần phải được tiếp tục giảm xuống, trong lúc các hoạt động kinh tế cần phải được củng cố thêm trong quý đầu 2012. Một yếu tố khác quan trọng không kém đó là mức độ tin tưởng của người tiêu dùng : theo lời một chuyên gia Mỹ thì để đảo ngược hiện tượng « mancession » chỉ cần lĩnh vực địa ốc bùng lên và đem lại niềm tin cho mọi nhà !

Trung Quốc : Thời kỳ tăng trưởng thần kỳ đã đi qua

Trong khi đó thì Trung Quốc đang trên đà « cân bằng hóa » cán cân thương mại. Xuất khẩu của Trung Quốc chựng lại do khó khăn kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó kim ngạch nhập khẩu vào nước đông dân nhất địa cầu trong năm qua đã gia tăng. Điều này chứng tỏ là sức mua của người dân tại đây ngày càng lớn.

Một cách cụ thể : đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 30 % nhưng đến cuối năm thì tỷ lệ tăng trưởng đó chỉ còn là 13,8 %. Riêng trong tháng 11 vừa qua, xuất khẩu sang châu Âu chỉ còn tăng 5 % và sang Hoa Kỳ là 17 %. Ngược lại chỉ số nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 vừa qua vẫn tương đương với mức nhập khẩu hồi đầy năm. Les Echos lưu ý : Trung Quốc từng bước cân bằng hóa cán cân thương mại, một phần là nhờ mức lương tối thiểu tại quốc gia này đã được nâng lên. Chỉ riêng có các doanh nghiệp nước ngoài là bắt đầu « nhăn mặt » khi không còn trông đợi nhiều vào lợi thế khai thác nhân công rẻ của Trung Quốc!


Đất đai Ethiopie đang trở thành mục tiêu đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế

Hiện tượng các tập đoàn lương thực, thực phẩm quốc tế « mướn đất » của nước ngoài canh tác không còn mới lạ. Nhưng đối với một quốc gia mà nạn đói luôn hành hành như Ethiopia thì dư luận ngày càng ít có thể chấp nhận chính sách cho thuê đất canh tác kiểu này. Bài báo « Đổ xô đi tìm đất Ethiopia » trên Le Monde nói về trường hợp của Kuruturi : tập đoàn cung cấp hoa hồng số một trên thị trường thế giới, Kuruturi thuộc về Ấn Độ, cách nay hai năm đã ký hợp đồng với nhà nước Ethiopia để thuê 100 000 hecta đất

Vùng Gambela, miền nam Ethiopia, được mệnh danh là Karuturiland, vì ruộng đồng do tập đoàn Karuturi khai thác thẳng cánh cò bay, trải dài ra đến tận chân trời : hàng trăm ngàn hecta đất được dành cho các công ty ngoại quốc thuê và khai thác với giá rẻ mạt. Tập đoàn Kuruturi của Ấn Độ đã về đây hoạt động từ vài năm nay và chủ nhân cơ ngơi hơn 20 000 hecta trồng bắp và 80 km đường đê khẳng định là nhờ tập đoàn Ấn Độ này đã góp phần phát triển một vùng đất của Ethiopia. Trong khi đó dân cư tại chỗ ngày càng phẫn nộ khi thấy rừng của họ bị tàn phá để lấy đất canh tác. Các « ông chủ » người ngoại quốc không mảy may quan tâm đến những người không có củi để đốt, không còn rừng để săn bắt thú sống qua ngày.

Kuruturi không phải là một trường hợp riêng lẻ. Các nhà đầu tư Ấn Độ, Trung Quốc Ả Rập và kể cả châu Âu đang tìm cách thuê đất với giá rẻ của Ethiopia. Chính phủ nước châu Phi nghèo đói này ước tính hiện có khoảng 74 triệu hecta đất canh tác, trong số đó mới có 15 triệu được trồng trọt. Không cần dài dòng cũng đủ biết là lĩnh vực nông nghiệp đang là con gà đẻ trứng vàng của Ethiopia. Thế nhưng những người dân khi phải trực diện với khó khăn hàng ngày, với tình trạng ô nhiễm, hay thảm họa về môi trường thì không bao giờ có được tiếng nói hay có quyền định đoạt về chính tương lại họ.

Jeanne d’Arc, nhân vật nổi bật trong ngày

Về thời sự nước Pháp, La Croix chú ý đến nữ thánh Jeanne d’Arc nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh người từng đuổi quân ngoại xâm ra khỏi bờ cõi năm 1429, tổng thống Nicolas Sarkozy hôm nay viếng thăm làng Domrémy ở vừng núi Vosges, miền đông bắc nước Pháp nơi Jeanne d’Arc chào đời và sau đó ông Sarkozy sẽ đến Vaucouleurs ở vùng Meuse nơi Jeanne khởi động chiến dịch đánh đuổi ngoại xâm. Ngày mai đến lượt nữ ứng cử viên của đảng cựu hữu bà Marine Le Pen đến nghiêng mình trước bức tượng Jeanne d’Arc tại quảng trường Pyramide, Paris.

Trong lịch sử nước Pháp Jeanne d’Arc là một vị nữ anh hùng. Có người coi bà là nữ thánh. La Croix nhắc lại từ nhiều năm nay đảng cựu hữu luôn xem bà như là biểu tượng của phong trào bài ngoại mà đảng này muốn phát huy. Nhưng theo tờ báo thì không phải tình cờ mà tổng thống Nicolas Sarkozy trịnh trọng nhắc đến nữ tướng Jeanne d’Arc vào thời điểm sắp lao vào cuộc vận động tranh cử cho một nhiệm kỳ thứ hai : thứ nhất ông muốn chinh phục cảm tình của tầng lớp cử tri theo đạo công giáo truyền thống và thứ hai là muốn chiêu dụ cử tri vốn trung thành với đảng Cựu hữu của gia đình Le Pen.
TAGS: CHÂU ÂU - DÂN CHỦ - HOA KỲ (MỸ) - NGA - PHÁP - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: