18.1.12

Nghề chăm người ốm ở bệnh viện



2012-01-17
Tại Việt Nam, phụ nữ ngoại tỉnh di cư vào thành phố kiếm sống ngày một nhiều. Họ làm nhiều nghề khác nhau từ công nhân ở các khu công nghiệp đến giúp việc nhà.
AFP photo
Y tá đang chăm sóc bệnh nhân, ảnh minh họa.
Có một nghề đang trở nên rất phổ biến hiện nay tại Hà Nội và được chị em phụ nữ coi là khá dễ kiếm tiền, đó là nghề trông người ốm tại các bệnh viện. Cuộc sống của những chị em làm nghề này ra sao, họ có suy nghĩ gì khi tết sắp đến? 

Thu nhập cao

Đã từ nhiều năm nay, người dân Hà Nội quen với hình ảnh những phụ nữ ngoại tỉnh làm osin giúp việc nhà. Trong khoảng vài năm trở lại đây, người Hà Nội lại thấy xuất hiện một nghề mới là nghề osin trông người ốm ở bệnh viện. Những người làm nghề này cũng chủ yếu là các chị em phụ nữ đến từ ngoại tỉnh.
Chị Mai, 30 tuổi, quê ở Phú Thọ, là một trong những người có thâm niên trông người ốm ở Hà Nội khá lâu, chị cho biết:
"Em nói chung cũng vì hoàn cảnh gia đình, chồng mất sớm, em nuôi một con nhỏ, em gửi bà ngoại trông hộ, em ra đây làm từ năm 2006."
Thu nhập cao ở Hà Nội đã khiến ngày càng nhiều các chị em phụ nữ ở các quê ra tỉnh thành tìm việc. Một nghiên cứu gần đây của Học viện Phụ nữ Việt Nam, thuộc Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho thấy tình trạng lao động nữ di cư còn nhiều hơn nam giới với tỷ lệ tương ứng là 57% và 43%. Nghiên cứu cho thấy 70% lý do di cư là vì kinh tế, như chi tiêu, tiền thuốc chữa bệnh, học hành cho con cái, hay thiếu đất canh tác.
Với chị Mai, từ khi chồng mất cách đây hơn 5 năm, gánh nặng chi tiêu trong gia đình dồn hết lên vai chị. Việc đồng áng, bán hàng không đủ giúp chị chi trả những khoản chi tiêu trong gia đình. Căn nhà nhỏ tường gạch cũ kỹ dưới quê không còn chắc chắn cho mẹ con chị. Vì thế mà chị đã quyết định rời xa con, lên thành phố kiếm tiền nuôi con, chắt chiu dành dụm để xây lại căn nhà. Chị Mai cho biết thu nhập từ nghề trông người ốm ở bệnh viện gấp rất nhiều lần so với thu nhập làm ruộng ở dưới quê.
"1 tháng em làm 7 triệu rưỡi, 250.000 đồng một ngày, ăn uống, chi tiêu thì còn 6 triệu, so với ở quê thì thu nhập ở đây hơn nhiều. Ở quê bọn em chả có ruộng đâu, mỗi khẩu mỗi người có 13 thước ruộng thôi. 13 thước ruộng này thì còn đầu tư, thuê cày bừa rồi phân thì thu hoặc mỗi sào được 2 tạ thóc mà 2 tạ thóc đấy thì cũng không được thu tất, vì còn bỏ đầu tư ra, mà ba tháng thì mới được thu hoạch. 
1 tháng em làm 7 triệu rưỡi, 250.000 đồng một ngày, ăn uống, chi tiêu thì còn 6 triệu, so với ở quê thì thu nhập ở đây hơn nhiều. 
Chị Mai, quê Phú Thọ
Thu hoạch thì cũng chỉ đủ ăn chứ không để ra, muốn chi tiêu thì không có khoản gì chi tiêu. Còn chăn nuôi lợn gà thì có lúc chăn nuôi được xuất bán thì nó lại rẻ, có lúc không chăn nuôi được thì giá cả đắt. Em đi làm thế này thì bỏ hết công việc gia đình. Làm thế này thì xa gia đình con cái nhưng thu nhập vẫn hơn là ở gia đình mình."
Không biết từ bao giờ, như đã có sự phân công ngầm định sẵn, cứ nói đến nghề trông người ốm tại các bệnh viện ở Hà Nội là người ta nói đến các chị quê Phú Thọ, hay khi nói đến nghề đồng nát, mua bán phế liệu thì người ta lại nghĩ đến các chị em quê Nam Định. 
Ở xã Đồng Lương của chị Mai, người trong xã cứ lũ lượt kéo nhau lên Hà Nội làm nghề trông người ốm. Người này đi làm có thu nhập khá, lại rủ người khác lên theo. Có những gia đình cả vợ cả chồng gửi con lại cho ông bà hai bên trông hộ để cùng lên Hà Nội trông người ốm. Các chị em phụ nữ làm nghề này cũng bao gồm đủ mọi lứa tuổi, trẻ ngoài hai mươi cũng có mà trên 40 cũng có. Người đã có chồng có con, người còn độc thân. 

Nghề dạy nghề

1276585927-osin3-250.jpg
Cảnh thuê người chăm bệnh trong khuôn viên một bệnh viện ở Hà Nội. Photo courtesy of xaluan.com
Những bệnh viện có đông đội ngũ những chị em làm nghề này nhất là các bệnh viện như Việt Xô, bệnh viện K chuyên điều trị ung thư, bệnh viện 108, và bệnh viện Bạch Mai.
Với những gia đình ở thành thị, việc cắt cử người trông người thân ở bệnh viện gần như là không thể. Phần lớn các gia đình có điều kiện, đều tìm cách thuê những osin trông bệnh nhân. Chị Phương, một người có bố đang nằm viện cho biết tầm quan trọng của những người làm nghề trông bệnh nhân:
"Quan trọng chứ, nếu không thì mệt lắm, ban ngày mình đi làm, tối thì sức đâu trông như thế. Cái này mình không chuyên nữa, người ta chuyên thì người ta biết lúc nào phải chăm, lúc nào không. Cũng trong tình trạng là mình phải chạy cái này cái kia, ví dụ mình ngồi một lúc thì hết bình truyền rất nguy hiểm nếu mình không trông kịp."
Chị Phương cho biết, tại hầu hết các bệnh viện, dù có đội ngũ y tá nhưng họ không làm các công việc chăm sóc bệnh nhân thường xuyên như mong muốn của gia đình. Vì vậy mà các gia đình có người ốm đều phải tự trông hoặc nếu có điều kiện tài chính thì thuê bên ngoài. 
Công việc hàng ngày của những osin trông bệnh nhân cũng không khác nhiều lắm so với những y tá. Các chị hàng ngày phải lo tắm rửa vệ sinh cho người bệnh, cho ăn, thay bao dịch truyền cho người bệnh. Chỉ trừ có tiêm cho người bệnh là các chị không thể làm được. Chị Mai trông người ốm rất thành thạo, chủ yếu là do kinh nghiệm làm 6 năm qua, vì đã theo dõi các y tá bác sĩ làm mà học theo, chứ không theo một lớp đào tạo y tá chính quy nào:
"Em làm nghề này em không học gì cả, em không qua trường lớp nào, em không học về lý thuyết, nhưng về thực hành bọn em làm ở đây nên bọn em biết. Em đến em thấy bác sĩ làm thì mình nhìn mình làm. Mới đầu mình không hiểu, mình đi làm ở các khoa, khoa nào cũng làm, bệnh nào cũng biết, thấy bác sĩ làm các bệnh thì mình để ý thấy tương tự như thế thì mình cũng áp dụng như thế thì thấy bác sĩ bảo mình làm tốt. Cái truyền tiêm thì mình không được phép." 
Đối với những người làm nghề trông người ốm, công việc ở bệnh viện dù phải thức đêm hôm để trông bệnh nhân, nhưng vẫn đỡ vất vả hơn rất nhiều so với nghề nông. Chị Mai cho biết:
"Công việc thì không nặng nhọc cho bản thân lắm nhưng thời gian thì nhiều vì ngày đêm 24/24 bọn em phải ở chung bệnh nhân, thay con cái gia đình người ta. Người nhà người ta lúc nào có thời gian thì vào thăm thôi còn công việc thì mình làm hết. Mình trông nom một người bệnh nhân, gánh vác như một người cha thôi. Thời gian thì dài hơn nhưng nắng mưa cũng không đến người. Thời gian thì không được như ý muốn, cho nên ngủ thì cũng không được như ý muốn lắm."
Chị Mai xác định sẽ làm nghề này cho đến khi tích cóp đủ tiền về xây nhà cho con. Chị cũng biết đến những nghề khác ở Hà nội như dọn dẹp nhà cửa hay làm công nhân nhà máy, nhưng chị cho rằng nghề trông bệnh nhân là thích hợp nhất đối với chị vì thu nhập khá hơn cả, đồng thời vẫn có thời gian cho chị về quê thăm con thường xuyên hơn.
Em làm nghề này em không học gì cả, em không qua trường lớp nào, em không học về lý thuyết, nhưng về thực hành bọn em làm ở đây nên bọn em biết. Em đến em thấy bác sĩ làm thì mình nhìn mình làm.
Chị Mai, quê Phú Thọ
Đôi lúc chị cũng sợ những bệnh truyền nhiễm trong bệnh viện, nhưng chị nghĩ đã xa gia đình, vất vả thì phải ráng mà làm. Thế là chị lại chép miệng cho qua những nỗi lo để tiếp tục công việc của mình:
"Bây giờ thì tất cả vì điều kiện…. nhiều lúc mình nghĩ đồng tiền có giá của nó. Mình đi làm thế này lương tuy cao thật nhưng mình còn ít tuổi thì sức khỏe có thể át được, sau này có thể 5 hay 10 năm sau thì sức khỏe không được nữa thì mình có thể phải về làm ruộng, bây giờ con nhỏ, mình còn thiếu thốn thì mình ráng đi làm. Sau này sức khỏe mình kém thì mình không làm cái này mãi. 
Trong gia đình mình còn phải làm nhà cửa, mình cố đi làm thế này vì thu nhập nhanh hơn làm ruộng. Mình làm thế này tất cả là vì điều kiện thôi chứ nếu mình có điều kiện mình cũng không làm nghề này, mình muốn làm nghề tự do…. Có điều kiện thì trở về làm ăn ở quê chứ không xác định đi làm mãi vì cái này cũng nan giải, có thể bệnh tật lây truyền, mình biết nhưng nói chung cuộc sống (chép miệng) phải chấp nhận."

Chỉ làm tạm thời 

dan-tri.com-250.jpg
Một người giúp việc đang chăm sóc bệnh nhân nặng tại bệnh viện Bạch Mai. Photo courtesy of dantri.com
Cũng có những chị làm nghề trông bệnh nhân không thường xuyên như trường hợp của chị Sinh, quê ở Nam Định. Chị trông bệnh nhân khi có người gọi. Phần lớn thời gian lao động ở Hà Nội, chị đi quét dọn nhà cửa và đi mua đồng nát. Chị nói mỗi nghề có cái vất vả của riêng nó:
"Nghề chăm bệnh nhân có cái vất vả của chăm bệnh nhân, còn đi làm các nghề kia thì có cái vất vả là ban ngày thì lao động từ sáng tới tối, đêm thì mình được ngủ. Chăm bệnh nhân không vất vả lắm, ngày có người nhà ra vào thì không vất vả lắm, nhưng đêm thì phải thức."
Chị Sinh đang trông một người ốm ở bệnh viện Việt Xô được hơn 2 tháng nay. Người bệnh cũng là người đã từng thuê chị dọn dẹp nhà cửa cho ông khi ông còn khỏe mạnh. Giờ khi ông nằm liệt giường, con cái trong nhà lại thuê chị trông ông. Chị bảo vì tình nghĩa đã làm cho ông nhiều năm, nay chị lại ráng trông ông cho đến khi ông khuất, nhưng chị không có ý định sẽ nhận việc trông người bệnh thường xuyên:
"Chị lại quay về nghề của chị thôi vì đi vào bệnh viện có lắm ô nhiễm hơn là nghề đi làm tự do,… nói chung vào bệnh viện có nhiều bệnh khác nhau lắm, mình không sợ lây nhưng mình cũng không phù hợp lắm với bệnh viện."
Chị lại quay về nghề của chị thôi vì đi vào bệnh viện có lắm ô nhiễm hơn là nghề đi làm tự do,… nói chung vào bệnh viện có nhiều bệnh khác nhau lắm, mình không sợ lây nhưng mình cũng không phù hợp lắm với bệnh viện."
Chị Sinh, quê Nam Định

Tết nguyên đán đang đến gần, rất nhiều các gia đình có người ốm trong bệnh viện đang lo lắng vì thiếu người trông bệnh nhân. Các chị ở tỉnh xa đi làm cả năm, giờ này đều mong muốn được tranh thủ về quê ăn tết với gia đình. Vì thế đây cũng là thời gian thu nhập cao cho những ai chịu khó ở lại làm kiếm thêm chút tiền. Thu nhập 10 ngày tết được tính tương đương bằng cả tháng lương nên từ nhiều năm nay, năm nào chị Mai cũng ở lại ăn tết tại bệnh viện. Chị nói đôi lúc cũng buồn, cũng nhớ thương con nhưng rồi chị nghĩ đến căn nhà rét mướt cũ kỹ dưới quê, chị lại cố làm thêm để sớm có tiền sửa nhà cho con. 
Còn với chị Sinh, tết này là tết đầu tiên chị không về nhà thăm con. Nhưng lý do chị ở lại không phải vì tiền. Chị bảo ông cũng không còn sống được bao lâu nữa. Bác sĩ nói người bệnh chỉ còn sống được vài tuần nữa, nên chị ráng ở lại trông ông, bởi chị bảo sau này khi ông đi rồi, dù có muốn trông ông thì chị cũng không còn cơ hội nữa.
Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: