Các giới chức chính phủ và lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản hôm nay có mặt tại Hongkong để phát biểu trước hội nghị hàng năm của Diễn đàn tài chính Á Châu. 

Thông điệp mà họ lập lại là thông điệp của một quốc gia trên đường hồi phục sau khi bị tàn phá bởi ba thảm hoạ liên tiếp là động đất, sóng thần và cuộc khủng hoảng hạt nhân xảy ra sau đó khiến cho nước Nhật lâm tình trạng khốn đốn bắt đầu vào ngày 11 tháng ba năm ngoái. 

Ông Akimitsu Ashida, Chủ tịch tập đoàn vận tải Mitsui O.S.K., cho biết: "Những cơ sở hạ tầng chính yếu bị thiệt hại nặng nề đã được phục hoạt rất nhanh. Các hoạt động doanh thương cũng đã phục hồi. Thí dụ vào cuối năm 2011 chỉ số chung của ngành sản xuất đã tăng tới mức chỉ thấp hơn 5% so với năm trước."

Công cuộc tái thiết của Nhật Bản, theo dự kiến, sẽ phải mất hơn một thập niên. Nhưng những hạt mầm phục hồi đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái toàn cầu và tình trạng đồng yen có giá trị mạnh làm giảm bớt sự tăng trưởng về xuất khẩu. Nợ công cũng đang gia tăng, và chính phủ ước tính việc tái thiết các tỉnh phía đông bị tàn phá cần tới một ngân khoản chừng 230 tỉ đôla.

Kết quả là Phó quốc vụ khanh đặc trách tái thiết, bà Kazuko Koori, phải tìm thêm sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế để xúc tiến nỗ lực phục hồi. 

Bà Kazuko cho biết như sau qua lời một thông dịch viên: "Tôi muốn đưa ra một yêu cầu rõ ràng. Thực ra tôi có ba yêu cầu. Thứ nhất là gia tăng số khách đến thăm nước Nhật, kể cả du khách. Thứ nhì là bãi bỏ các hạn chế đối với hàng nhập khẩu từ Nhật bản và yêu cầu thứ ba là có thêm các dự án đầu tư trực tiếp vào nước Nhật."

Trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đã trợ giúp cho Nhật Bản từ khi xảy ra vụ động đất mạnh 9 độ trên địa chấn kế Richter. Dân chúng Nhật đã chứng tỏ mong muốn tài trợ cho công cuộc tái thiết. Hồi tháng 12, người dân ở đây đã ồ ạt rủ nhau mua công khố phiếu tái thiết. Mặc dù lãi suất tương dối thấp, đợt bán công trái này cũng đem lại gần 10 tỉ đôla cho nỗ lực tái thiết.

Giám đốc điều hành cấp cao của Viện Nghiên cứu Daiwa, ông Yusuke Kawamura, cho biết có một điều trớ trêu là ít nhất một phần của công cuộâc phục hồi nước Nhật sẽ được xây dựng trên sự khắc khổ của hai thập niên trước, thời gian được gọi là “những năm mất mát”, khi nước Nhật bị nhiều người chỉ trích về sự dè xẻn và thói quen tiết kiệm.

Ông Yusuke nói: "So với Trung Quốc, một nước Trung Quốc đang phát triển, một châu Á đang phát triển, thì Nhật Bản đang bị đình trệ, đang trong tình trạng lão hóa. 20 năm qua có thể nói là 20 năm bị mất đi. Tuy nhiên, theo một nghĩa khác thì đó là thời gian chuẩn bị cho một sự khai sinh mới. Đó là cảm nghĩ của tôi."

Trong quá khứ, Nhật Bản đã chứng tỏ họ có thể tự xây dựng lại đất nước. Nhưng vào lúc thế giới chuẩn bị đánh dấu kỷ niệm năm thứ nhất của biến cố đã làm 15.000 người thiệt mạng, rõ ràng là Nhật Bản vẫn còn rất nhiều thách thức trước mắt.