15.1.12

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đứng trước nhiệm kỳ thứ hai nhiều thử thách



Tổng thống Đài Loan tái đắc cử Mã Anh Cửu, ngày 15/01/2012
Tổng thống Đài Loan tái đắc cử Mã Anh Cửu, ngày 15/01/2012
REUTERS

Tú Anh
Sự kiện một vị tổng thống Đài Loan có chủ trương cải thiện quan hệ với Hoa Lục tái đắc cử làm cho cả Bắc Kinh và Washington hài lòng. Tuy nhiên, với tỷ lệ 51,60% số phiếu thuận, nhiệm kỳ thứ hai của ông Mã Anh Cửu sẽ gặp nhiều khó khăn giữa một bên là sự mong chờ từ phía Hoa Lục, một bên là nguyện vọng muốn bảo vệ độc lập của người dân Đài Loan.

Hôm nay 15/01/2012, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, Tân Hoa xã của Trung Quốc cho rằng chiến thắng của ứng cử viên Quốc Dân đảng Mã Anh Cửu có thể « mở ra nhiều vận hội mới để phát triển hòa bình những quan hệ qua eo biển » Đài Loan.
Hoa Kỳ cũng chúc mừng tổng thống tái đắc cử và hậu thuẫn ông Mã Anh Cửu trong chính sách thân thiện với Bắc Kinh. Bản tuyên bố của Nhà Trắng nhận định: « Hòa bình, ổn định và cải thiện quan hệ giữa hai bờ eo biển, trong môi trường không dọa nạt nhau là điều mà Hoa Kỳ xem là rất quan trọng ».
Tuy nhiên thực tế rất có thể sẽ rất trắc trở trong nhiệm kỳ hai của ông Mã Anh Cửu.
Theo AFP, chuyên gia quan hệ quốc tế Chu Thư Long của đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, nhận định kết quả bầu cử hôm thứ Bẩy tại Đài Loan là « kịch bản hay nhất » trong quan hệ song phương. Chiến thắng của ông Mã Anh Cửu cho phép « hai bên tiếp tục phát triển mối quan hệ đã được xây dựng từ 4 năm qua ».
Trong nhiệm kỳ đầu, tổng thống Mã Anh Cửu từng bước hâm nóng quan hệ Bắc Kinh-Đài Bắc bị căng thẳng suốt 8 năm lãnh đạo của đảng Dân Tiến của cựu tổng thống Trần Thủy Biển. Kết quả là vào năm 2010, hai bên ký hiệp định khung về hợp tác kinh tế, mở giao thương trực tiếp hàng hải và hàng không.
Nhưng bên cạnh lãnh vực kinh tế, tổng thống Mã Anh Cửu, một người được đào tạo tại Hoa Kỳ, luôn luôn giữ cảnh giác đối với đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông vẫn thường xuyên trấn an dân chúng là ưu tiên hàng đầu của ông là bảo đảm chủ quyền của Đài Loan. Thái độ thận trọng này đối với Hoa Lục đã giúp ông tái đắc cử.
Chuyên gia về Đài Loan, Clayton Dube, đại học Nam California nhận định là Đài Bắc không cần một chính sách hấp tấp. Chiến lược tiếp cận với Hoa Lục một cách thận trọng, phối hợp với quyết tâm bảo vệ nền tự chủ rất được lòng dân Đài Loan.
Vấn đề đặt ra là liệu Bắc Kinh có chấp nhận nhịp độ hiện nay hay là muốn thúc giục Đài Bắc phải tăng tốc, ký kết một hiệp ước hòa bình ?
Từ 1949 đến nay, chính quyền Hoa Lục vẫn xem Đài Loan là một tỉnh nổi loạn. Do vậy, theo giáo sư Joseph Ngô, một nhà phân tích chính trị tại Đài Bắc dự báo rằng tình hình sẽ khá tế nhị cho tổng thống Mã Anh Cửu trong vài tháng tới đây. Ban lãnh đạo Trung Quốc sắp phải nhường ghế cho người khác và không tránh khỏi trường hợp ông Hồ Cẩm Đào sẽ gia tăng áp lực vì muốn để lại « dấu ấn lịch sử » trước khi về hưu.
Vị chuyên gia từng đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong quan hệ với Bắc Kinh thời tổng thống Trần Thủy Biển cho rằng « ông Mã Anh Cửu rất có thể không đủ vững chắc đối phó với sức ép của Hoa Lục, bảo vệ chủ quyền Đài Loan ».
Trái lại, chuyên gia Mỹ John Ciorciari, đại học Michigan tỏ ra lạc quan hơn vì nền dân chủ của Đài Loan. Ông tin rằng chính quyền Bắc Kinh tuy có hài lòng với kết quả bầu cử tại Đài Loan, nhưng cùng lúc đã hiểu ra thế nào là « nội lực » của Trung Hoa Dân Quốc.
Do vậy, dù có thúc giục Mã Anh Cửu phải « tiến thêm », nhưng Bắc Kinh sẽ không dám gây sức ép đến mức làm người dân Đài Loan « chướng mắt » đưa đến hậu quả là cử tri sẽ đưa một nhân vật của đảng Dân Tiến lên làm tổng thống vào năm 2016.
Kết quả khá cao của ứng cử viên đối lập Thái Anh Văn và sự kiện ông Mã Anh Cửu mất 7 điểm, Quốc Dân đảng mất 17 ghế trong Quốc hội so với lần bầu cử trước cũng là một tiếng chuông cảnh báo Bắc Kinh và Quốc Dân đảng tại Đài Loan.
Kịch bản hay nhất là trong 4 năm tới , hai bên sẽ phát triển thương mại và đầu tư nhưng tránh mọi động thái có thể bị xem là « tiến thêm một bước tới thống nhất ».
Về phần nhân vật chính, ông Mã Anh Cửu nhận định rằng bầu cử tại Đài Loan sẽ có tác động «dân chủ » tại Trung Quốc. Khoảng 1000 sinh viên Hoa Lục đang du học tại Đài Loan đã có dịp chứng kiến sinh hoạt chính trị tự do mà họ chưa từng chứng kiến tại Hoa Lục.
Bình luận về bầu cử Đài Loan, một blogger tại Trung Quốc ghi rằng :Lúc nhỏ tôi mơ Đài Loan «trở về » Hoa Lục, bây giờ tôi mong Hoa Lục « thống nhất » với Đài Loan.
TAGS: BẦU CỬ - CHÂU Á - CHÍNH TRỊ - PHÂN TÍCH - ĐÀI LOAN

Không có nhận xét nào: