Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2012-01-20
Nhiều vụ xe máy nổ cháy, xảy ra gần đây khiến dư luận thắc mắc về việc gian thương vì ham tiền mà bán rẻ lương tâm, xem nhẹ mạng sống con người.
Dân lãnh đủ
Bao nhiêu thắc mắc được người dân nêu lên, phải chăng vì doanh nghiệp pha trộn quá nhiều chất methanol hay acetone, được xem là một cách “rút ruột xăng dầu”, gây ra những tai họa ấy, ngành chức năng có cách nào xử lý việc chế biến và bày bán xăng dỏm?
Theo giới tiêu thụ thì nếu cố tình sử dụng xăng A 83, rồi pha trộn với các nhiên liệu rẻ tiền khác, sau đó bán ra với giá của xăng A 92 thì mỗi cây xăng có thể kiếm thêm dễ dàng từ 10 đến 15 triệu đồng, mỗi ngày. Như vậy, nếu pha chất methanol, lợi nhuận thu về còn cao gấp bội, có nghĩa là các chủ cây xăng làm ăn không ngay thẳng thu về lợi nhuận hàng tháng từ 300 tới 400 trăm triệu đồng.
Được biết, Methanol là chất không màu, bốc hơi nhanh, khả năng cháy cao, làm nồng độ xăng tăng cao, phù hợp cho việc sản xuất nhiên liệu cho động cơ. Ngày nay, các hãng xe Âu, Mỹ, Ý, Nhật đã quyết định ngăn ngừa việc sử dụng methanol trong nhiên liệu.
Methanol có tính độc hại rất cao, với từ một đến hai ml trên mỗi kg trọng lượng trong cơ thể con người, có thể dẫn đến tử vong. Đối với các loại xe thì Methanol có thể làm hỏng lớp sơn thùng xăng, hỏng đường ống cao su dẫn xăng, gây hoen rỉ bình xăng.
Qua câu chuyện với nhà báo, các doanh nghiệp đầu mối ngành xăng dầu đều giải thích rằng, chất lượng xăng dầu do họ bán ra đều đạt tiêu chuẩn do nhà nước quy định, nếu có chuyện làm ăn gian đối, pha trộn xăng dỏm là do mưu chước của các cửa hàng bán lẻ tư nhân.
Từ Saigon, ông Trần Bá Tước, chuyên gia kinh tế, tài chánh, nói lên quan điểm của ông về những vụ hỏa hoạn xảy ra nơi các loại xe gắn máy, mà người ta nghi là do xăng dỏm:
“Trên một cái tỷ lệ nào đó thì con số đó cũng không phải là lớn lắm, nhưng dĩ nhiên chắc chắn là phải có vấn đề, tôi cũng đang xem xét, theo dõi, chứ không thể có kết luận nào rõ ràng.”
VNExpress đưa tin, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu 4 bộ truy tìm nguyên nhân cháy xe, các sở khoa học và công nghệ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, được giao công tác thanh, kiểm tra các cơ sở xăng dầu, lấy mẫu xăng, mang đi kiểm định, báo cáo kết quả và xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận thương mại.
Chuyên gia kinh tế Trần Bá Tước cho biết ý kiến của ông về thông tin này:
“Đó là vai trò của nhà nước, để nhà nước lo và sẽ thông báo kết quả cho người dân biết. Hiện nay, xăng nhớt ở Việt Nam đâu phải do cùng một nguồn mà ra đâu? Xăng mà người là gọi là “cọc cạch” thì người ta đâu biết nó là gì? Giá xăng đó lại rẻ hơn xăng mua từ cây xăng, thì rõ ràng nó phải có vấn đề và làm cho người dân bức xúc, nhưng hiện nay chưa có gì rõ ràng, bởi vì nếu nói là pha xăng dỏm, thì bao nhiêu người đổ mà nó chỉ cháy từng đó xe, thì đúng là có cái gì đó mà người ta chưa giải thích được.”
Ai chịu trách nhiệm?
Kỹ sư Trọng Thắng, một người dân Hà Nội quan tâm đến chuyện xăng dỏm, cho rằng có nhiều nguyên nhân khác gây ra xe nổ cháy, tuy nhiên cho dù âu lo thì cũng rất khó tránh, một khi tai họa xảy đến bất chợt:“Thật ra thì bây giờ người ta mới nói đến nhiều chứ trước đây đã có những vụ cháy xe bình thường như thế rồi, khi nghe nói tới nhiều thì người dân đâm ra lo, vì Tết nhất đến nơi rồi. Cũng có thể là do xăng, cho nên người ta mang xăng dầu đi kiểm tra, nhưng không chắc hoàn toàn là do xăng đâu. Có khi là do thù oán cá nhân, hay do chuột cắn dây điện xe máy. Nhà nước cần phải kiểm tra nhiều hơn, vì lo thì người ta vẫn lo, nhưng rồi ai cũng cần phải dùng xe mà.”
Dư luận thì cho rằng, giá xăng dầu ngày cứ một nhích lên hoài là gánh nặng của người dân lao động, thấp cổ bé miệng, trong khi đó gian thương thì vẫn xoay đủ mọi cách để rút ruột từ những công trình xây dựng, cầu đường đến xăng dầu, ai phải chịu trách nhiệm trước những vụ xe máy cháy liên miên? Người dân có đặt tin tưởng vào hiệu lực của các cơ quan chức năng hay không?
Ông Tấn Tài, một người trong giới tiêu thụ ở Cần Thơ nói với RFA là người dân không tin là mình được bảo vệ:
“Dù có thanh tra, kiểm tra hay gì đi nữa thì mọi việc cũng bình thường, khắc phục cái gì, khắc phục sao đây? Đó là chuyện phải làm, hay làm cho có làm, cũng có thể đem vài con cá nhỏ làm chốt để thí vậy thôi, chả có tác dụng gì đâu. Người ta có tìm ra một số nguyên nhân gây cháy, như những chiếc xe ráp trong nước, có lỗi kỹ thuật, rồi dùng xăng kém chất lượng, có nhiều thứ, chứ không phải chỉ một thứ. Nhưng nguyên do quan trọng nhất vẫn là do xăng gây ra, đối với người tiêu dùng thì nói vậy thôi, chứ biết ai bảo vệ cho ai.”
Báo điện tử của chánh phủ loan tin cho hay từ ngày 16 tháng giêng đến ngày 31 tháng 3, 2012, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ thực hiện việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp trong lãnh vực này. Người dân trông chờ để sớm biết rõ sự thật quanh những vụ xe bốc cháy, nhưng không biết đến bao giờ và sự thật ra sao?
Theo dòng thời sự:
- Cháy Nổ Xe: Người Tiêu Dùng Cần Làm Gì
- Cháy nổ xe - Ai sẽ bảo vệ người tiêu dùng?
- Những phương tiện chữa cháy cỡ nhỏ chế tạo tại Việt Nam
- Nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2012
- Hai vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam
- Xăng dầu sẽ tăng giá nếu cuộc Cách mạng Hoa Lài lan tới Ả Rập Xê Út
- Giá cước vận tải chạy theo giá xăng dầu
- Những tác động của tăng giá xăng dầu đến xã hội
Ý kiến của Bạn