21.1.12

Nuôi Trai lấy ngọc



2012-01-20
Những bước thử nghiệm đầu tiên trong lãnh vực nuôi cấy trai lấy ngọc trong nước đã có cách đây gần 20 năm, nhiều năm sau đó, các trang sức gắn ngọc trai có nguồn gốc nội địa xuất hiện lác đác trên thị trường.
AFP photo
Một viên ngọc trai đen vừa được tách khỏi vỏ
Đến nay, nuôi trai lấy ngọc vẫn là một nghề khiêm tốn nép mình tại vài địa phương trên cả nước. Đâu là nguyên nhân khiến công việc siêu lợi nhuận này không trở thành một ngành công nghiệp xứng tầm với tiềm năng vốn có của một quốc gia có bờ biển dài hơn 3 ngàn cây số?

Một nghề hấp dẫn

Ngày nay gần như đa số ngọc trai trang sức là ngọc trai nuôi. Thử ngọc như thử vàng, qua lửa mà vẫn sáng bóng bình thường thì đúng là ngọc thật. Ngọc trai thật cũng không bị tác động bởi mỹ phẩm, mồ hôi, các tác động hoá học khác của tự nhiên.
Nếu nuôi và cấy đúng kỹ thuật, tỷ lệ trai cho ngọc chiếm đến 80%, tùy theo chất lượng, màu sắc, hình dạng, giá từng viên có thể từ vài chục đến vài ngàn đô la Mỹ. Trong điều kiện thuận lợi về thiên nhiên vốn có, một thị trường xuất khẩu lớn với những sản phẩm lên đến hàng ngàn đôla Mỹ đã mở ra cho ngư dân vùng biển.
Người trong nước đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật nuôi trai cấy ngọc, chẳng hạn như ông Hồ Phi Thủy, chủ doanh nghiệp Ngọc Hiền ở Phú Quốc. Ngoài cơ sở tại Phú Quốc, ông còn có cổ phần trong một công ty ngọc trai khác ngoài Bắc, ông Thủy cũng chính là người mua lại Công ty Ngọc trai Côn Đảo của Nhật. Tại cơ sở nuôi cấy ở Phú Quốc, ông Hồ Phi Thủy nuôi được tất cả các loại trai sinh ngọc phổ biến trên thế giới, kể cả loại trai sinh ngọc đen. Trả lời cho câu hỏi về lợi ích của nghề nuôi trai lấy ngọc trong nước, ông Thủy biết:
Doanh nghiệp chúng tôi không cần vốn của nhà nước, bởi vì nghề này rất hấp dẫn, chúng tôi sẵn sàng thuê tiền vẫn làm được, bởi vì trong nghề nên chúng tôi rất biết cái lợi nhuận của nó.
Ô. Hồ Phi Thủy, chủ DN Ngọc Hiền
"Tôi nghĩ cái nghề nuôi ngọc trai là một cái nghề của nước ngoài, nhưng mà nếu mình có một cái hiệp hội, một cái cộng đồng có tiếng nói chung đầu tư thì tôi nghĩ ngành nghề này rất chi là lý tưởng. Vì môi trường của Việt Nam mình chưa ô nhiễm gì cả, làm ra được những sản phẩm mà Nhật bản là một thị trường rất khó tính nhưng rất chịu mua ngọc trai của Phú Quốc, chấp nhận mắc."  
Ngọc trai biển được con người nuôi cấy là thành quả kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên; nuôi ngọc trai cần những vùng biển sạch, lặng gió, độ mặn thích hợp, ít ô nhiễm. Các vùng biển nổi tiếng nuôi trai lấy ngọc như Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong không phải là những địa điểm duy nhất có điều kiện thích ứng phát triển nghề này.

Chưa có chính sách rõ ràng

Theo những tổ chức kiểm định ngọc trai hàng đầu thế giới, xét về giá trị, gần như ngọc trai đen đứng ở vị trí cao nhất, nếu không tính đến ngọc trai Nam Hải. Ở Việt Nam, người ta thấy loài trai tạo ngọc Nam Hải sống trong tự nhiên phân bố từ phía Bắc đảo Cô Tô Quảng Ninh tới biên giới Campuchia gần đảo Phú Quốc, hiện nay loại trai này được nuôi công nghiệp ở Khánh Hòa và Kiên Giang.
Vậy trong bối cảnh nhiều hấp dẫn như thế thì tại sao ngành nuôi trai lấy ngọc không phát triển tại Việt Nam, như bản thân ông Hồ Phi Thủy cũng đang định chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài. Theo ông Hồ Phi Thủy thì vấn đề này có thể lý giải như sau:
"Tiếng nói chung không có cho nên cái quy hoạch mình làm có vẻ vướng mắc nhiều, không thể làm lớn được, tức là làm nhỏ nhỏ 100 công nhân đổ lại. Nhưng mà khai thác hết như chỗ tôi thì phải là 500 công nhân. Còn bây giờ làm thì cứ quy hoạch thì không biết đường nào để làm thì không ai dám đầu tư. 
Sở Nông nghiệp và Sở Khoa học Công nghệ nên kết hợp để tạo ra một chương trình giống như là chương trình phát triển thủy sản ở các vùng miền.
Ô. Lê Nam Trung, GĐ cty Hạ Long
Như chỗ công ty tôi bây giờ, chỉ mong muốn nhà nước có một khu giao cho chúng tôi được xây dựng, được tổ chức và được hoạt động theo một quy mô lớn là đủ. Kể cả doanh nghiệp chúng tôi không cần vốn của nhà nước, bởi vì nghề này rất hấp dẫn, chúng tôi sẵn sàng thuê tiền vẫn làm được, bởi vì trong nghề nên chúng tôi rất biết cái lợi nhuận của nó. Vướng mắc nhất là không có cái mặt biển để ổn định, không có những khu đất để mình xây dựng những trại sinh sản, những phòng cấy thì mình không làm được. 
Hôm nay làm theo kiểu da beo, làm đến đâu thì tính đến đó, chớ không có quy hoạch gì cụ thể. Năm này cấy 5 triệu con thì cứ cấy đại, đến đâu thì hay đến đó chớ không có hướng gì để cho nó rõ ràng cả. Lúc nào cũng có cảm giác mình sắp chuyển đi rồi cho nên mình làm không được."

DN không dám đầu tư

052_01247973-250.jpg
Ngọc trai nuôi tại hồ Biwa, Nhật. AFP photo
Chính trong trạng thái làm việc đầy bấp bênh vì chính sách này đã khiến nhà đầu tư nản lòng, họ luôn cần một khu nuôi trồng thủy sản được quy hoạch rõ ràng và lâu dài. Cốt lõi sự việc hoàn toàn chẳng phải xuất phát từ điều kiện tự nhiên của một quốc gia nổi tiếng có ngọc trai hơn 5 trăm năm trước, thời điểm mà lịch sử từng ghi nhận trong Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi, khi ông ta tố giác quân xâm lược nhà Minh đã buộc dân Việt xuống biển mò ngọc trai cống nộp cho họ.
Thực ra trong bối cảnh hiện tại, viễn cảnh phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc cũng chưa đến nỗi là bế tắc. Nhân việc đề cập đến loại ngọc Mã Thị truyền thống, tưởng cũng nên nhắc đến loài trai sinh ngọc này đang được nuôi tại Công ty cổ phần Ngọc trai Hạ Long. Cùng với ông chủ doanh nghiệp Ngọc Hiền ở Phú Quốc, ông Lê Nam Trung, Giám đốc Công ty Hạ Long là một trong hai chủ doanh nghiệp người Việt hiện nay thực hiện khép kín được từ khâu nuôi cấy trai đến công đoạn cuối cùng là chế tác ngọc. Với câu hỏi là làm thế nào để có thể xây dựng nghề nuôi trai lấy ngọc thành một ngành kinh tế biển mũi nhọn cho nước nhà, ông Lê Nam Trung cho biết:
Tiếng nói chung không có cho nên cái quy hoạch mình làm có vẻ vướng mắc nhiều, không thể làm lớn được, tức là làm nhỏ nhỏ 100 công nhân đổ lại.
Ô. Hồ Phi Thủy, chủ DN Ngọc Hiền
"Trước hết theo tôi nghĩ là mình có thể lựa chọn các địa bàn có khả năng cũng như là phù hợp với các điều kiện tự nhiên địa lý để có thể phát triển được ngành này. Thứ hai là giữa Sở Nông nghiệp và Sở Khoa học Công nghệ nên kết hợp để tạo ra một chương trình giống như là chương trình phát triển thủy sản ở các vùng miền. Có thể là hỗ trợ ban đầu cho các đơn vị công ty này về kỹ thuật, rồi có thể cung cấp các vấn đề về nguyên vật liệu để làm. Ví dụ các lồng chuyên dụng hay các con giống chẳng hạn. Từ đấy trở đi có thể thu mua lại các sản phẩm người ta đã làm được và chương trình này sẽ tạo ra một ngành nghề mà như ở Nhật Bản hay Trung Quốc, như các nước khác thì người dân cũng có thể làm được chứ không phải các công ty, xí nghiệp mới làm được.
Ngành này cũng là cái ngành không phải là khai thác triệt để mà gọi là tái tạo. Nó không chỉ là có lợi cho môi trường. Đánh bắt mà không có tái tạo thì dần dần nó cũng cạn kiệt đi."          
Trong một thế mạnh to lớn về biển, quốc gia không thiếu tiềm năng và cơ hội để cải tiến đời sống của người dân vùng ven biển mà nuôi trai lấy ngọc là một ngành nghề có nhiều tính khả thi. Người dân vùng biển đang cần các hướng đi mới để cải thiện cuộc sống trước những sóng gió đang nhiều lên từ biển cả và thương trường hiện nay.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: