11.2.12

4000 văn bản pháp lý trái pháp luật, cần làm gì?



2012-02-10
Trong số 4,000 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành năm 2011 thì có tới khoảng 30% mang nội dung trái pháp luật. Số còn lại cũng sai luật về hình thức và thẩm quyền ban hành.
ảnh tuoitredoanhnghiepquangbinh.com
Cán cân công lý
Tại hội nghị triển khai công tác năm mới của Bộ Tư Pháp tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành Phố Hồ Chí Minh, Thứ Trưởng Hoàng Thế Liên cho biết trong năm 2011 vừa qua, các sở Tư Pháp kiểm tra gần 44.600 văn bản quy phạm pháp luật. Cuộc kiểm tra tìm ra đến khoảng gần 4000 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình thức, nội dung và thẩm quyền ban hành. Trong đó riêng số có nội dung trái pháp luật chiếm khoảng 1000 văn bản. 
Tỷ lệ văn bản trái pháp luật năm 2007 chiếm 21%, và có dấu hiệu không giảm cho đến năm 2011 là khoảng 30%. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng công tác kiểm tra còn hạn chế, chưa được các bộ ngành và địa phương coi trọng đúng mức, còn nhiều bất cập và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ.   
Toà án Hà Nội- RFA photo
Toà án Hà Nội- RFA photo

Quốc hội lơ là, địa phương yếu kém, tuỳ tiện.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, một chuyên gia về luật pháp, phó chủ tịch Hội Luật Gia TP. HCM, cho biết rằng Luật Ban Hành Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật của Việt Nam ở cấp tỉnh còn nhiều hạn chế. Hệ thống luật này qui định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Quản lý nhà nước ở địa phương và hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự được đặt lên vị trí quan trọng nhất và thiếu việc kiểm tra giám sát đôn đốc của cấp trên.
Vẫn theo nhận xét của luật sư Hậu, có một điều đáng lưu ý là cùng một chính sách pháp luật như nhau nhưng được ban hành ở các địa phương sẽ rất khác nhau. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng văn bản trái luật không giảm trong những năm gần đây. Luật Sư Hậu nói:
“Theo tôi thấy, có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng văn bản pháp luật còn trái luật. Thứ nhất là do thực hiện việc kiểm tra tức là thẩm định những dự thảo, những văn bản pháp luật trước khi được ban hành là thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm, thậm chí còn mang tính hình thức. 
Bên cạnh đó, khi còn ở giai đoạn dự thảo, cơ chế đặt ra là làm sao phát huy trí tuệ của từng nhà chuyên môn cũng như các cơ quan ban hành phải lấy ý kiến đóng góp và phải có sự phản biện của những cơ quan, tổ chức xã hội. Khâu này làm chưa tốt, thậm chí còn cẩu thả. 
Thứ hai là có một sự thiên lệch trong khi cân nhắc lợi ích cục bộ của cá nhân và của cơ quan thi hành công vụ và của cả xã hội. Và thứ ba, tôi cho rằng cũng rất quan trọng, đó là trình độ chuyên môn của những người làm văn bản pháp luật còn hạn chế, thậm chí còn rất yếu”
Theo ý kiến của luật sư Hậu thì Quốc Hội phải cần phải xem xét các biện pháp giám sát như thế nào để việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho tốt. Đồng thời, Quốc Hội phải có biện pháp để kiện toàn bộ máy chuyên trách soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương và phải giám sát để chấm dứt tình trạng ban hành những công văn, thông báo trái luật. Người dân bị bắt buộc phải thực hiện theo những văn bản mà thực chất lại không mang tính chất văn bản. Luật sư Hậu nêu lên ví dụ:
“Vừa rồi cấm công dân cư trú, tức là cấm cản những người địa phương khác cư trú, tại Đà nẵng chẳng hạn, thì điều này lại trái với “Luật Cư Trú” 
Hiến pháp Việt Nam XHCN- ảnh thuvienso.com
Hiến pháp Việt Nam XHCN- ảnh thuvienso.com
Luật sư Hậu cho rằng công tác giám sát đối với lãnh vực này chưa được coi trọng và chưa được hiệu quả. Đây là một yếu tố rất quan trọng để đảm bảo hệ thống pháp luật thống nhất từ trung ương đến cơ sở, giúp các văn bản quy phạm pháp luật phát huy hiệu lực và hiệu quả, cũng như ngăn ngừa những văn bản trái luật và quan trọng hơn là phát hiện ra những điểm bất hợp lý của hệ thống pháp luật và kịp thời sửa đổi.

Cần chế tài cả giới chức ban hành

Trước hiện thực của sự phức tạp, chồng chéo, mâu thuẫn và cả sự vi phạm những qui định của cơ quan cấp trên trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của nhiều địa phương, ngày 19/4/210, báo VNExpress đăng tải một nghị định về “kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật” do Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký. Trong nghị định này có đề cập đến việc cán bộ, công chức vi phạm trong quá trình soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây hiệu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trả lời câu hỏi của đài RFA về việc nghị định này được thực thi một cách có hiệu quả hay không, vì cho đến nay, không có một thông tin nào về kỷ luật nhân viên trong khi số văn bản trái luật được ban hành lại không giảm, luật sư Hậu cho biết ý kiến của mình như sau: 
Tôi nghĩ rằng nếu như chính phủ có quy định này thì tôi nghĩ sẽ thực hiện được. Nhưng để làm được điều này thì luật của Việt nam phải sửa lại “Luật Ban Hành Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật
Ở Việt Nam có luật này và đã qua mấy lần sửa đổi rồi. Nhưng khi chế tài thì Quốc Hội cũng phải sửa lại, tức là chế tài những người ban hành văn bản quy phạm sai. 
Bởi vì khi gọi văn bản quy phạm pháp luật là những nguyên tắc xử sự để điều chỉnh xã hội mà nếu ra sai như vậy thì phải xử lý người ban hành văn bản đó, và thậm chí xử lý những cán bộ công chức công chức làm sai với qui định pháp luật. 
Mà tôi nghĩ nếu nghị định này của Thủ Tướng như vậy sẽ mở ra một trang mới. Và chính vì luật công bằng và minh bạch, có những điều chỉnh và tính pháp chế cao thì sẽ được những người dân ủng hộ rất nhiều”

Vai trò của truyền thông và phản biện

Được hỏi người dân làm thế nào để kiểm chứng được văn bản trái luật và phải làm gì khi phát hiện, Luật sư Hậu nói:
“Khi người dân cho rằng văn bản là trái luật, người ta có thể phản ảnh trên nhiều kênh. Ví dụ người ta phản ảnh qua những chuyên gia, phản ánh qua thông tin truyền thông. Vừa rồi, ở TP. HCM đã phát hiện ra những văn bản thông qua những kênh thông tin này. 
Cho nên kênh thông tin truyền thông là một kênh rất quan trọng để giúp cho nhà nước phản ảnh những văn bản làm sao đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đó là điều tôi cho rằng nếu chúng ta làm được như vậy thì những qui định pháp lý không những tốt mà giúp cho nền kinh tế của Việt Nam phát triển và phù hợp với đời sống của người dân”
Luật sư Hậu nhấn mạnh:
“Để luật đi vào cuộc sống, trước hết là phải có sự đóng góp của những đối tượng bị điều chỉnh. Chi phí qui định pháp lý ở nhiều nước, tôi cho rằng chiếm khoảng 15% GDP, còn ở Việt Nam, tuy chưa tính cụ thể, nhưng có thể thấy rằng chiếm khoảng 25% GDP. 
Đó là chưa kể những chi phí khác như cơ hội kinh doanh bị mất, sáng tạo bị bỏ lỡ…tôi cho rằng trước nhất phải có một chi phí nhất định và phải nghiên cứu một cách nghiêm túc. 
Nhân viên cưỡng hành luật pháp- RFA photo
Nhân viên cưỡng hành luật pháp- RFA photo

Ví dụ như là chính sách về đền bù trong luật đất đai-thu hồi đất thì phải kiếm những điểm nóng để xem người dân góp ý về luật đó như thế nào. Và thông qua góp ý tổng hợp lại đó thì sẽ có những chuyên gia về mặt pháp luật phản biện về luật đó. Chính nhờ qua phản biện soi rọi lại cuộc sống thì tôi nghĩ rằng khi đó Quốc Hội mới thảo luận lại một lần cuối nữa thì luật đó sẽ không có những sai sót.”
Luật sư Hậu và các chuyên gia pháp luật khác của Việt Nam tin rằng để một đạo luật đi vào cuộc sống thì trước hết phải có những chuyên gia am hiểu về lãnh vực và thứ hai phải có phản biện. Luật càng cụ thể, càng chi tiết bao nhiêu thì càng dễ áp dụng vào cuộc sống, và hoạt động lập pháp sẽ được nâng lên ở tầm cao hơn, rõ ràng và minh bạch.

Không có nhận xét nào: