Ngay đầu năm Nhâm Thìn, tình hình nhân quyền Việt Nam một lần nữa bị quốc tế chú ý với hàng loạt những lời lên án mạnh mẽ. Mở đầu là Phúc trình Toàn cầu 2012 của tổ chức Human Rights Watch, tố cáo Việt Nam trong năm qua vi phạm nhân quyền có hệ thống. Phái đoàn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam thì tuyên bố rằng không thấy tiến bộ mà ngược lại còn có sự tụt hậu về nhân quyền. Những chỉ trích cũng xuất hiện ở Hạ viện Mỹ, với phát biểu của dân biểu Jim McGovern, đồng Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc quốc hội Mỹ, rằng “Không thể nào biện minh việc Việt Nam tấn công các công dân của nước mình, những người chỉ hành xử các quyền chính trị và tôn giáo một cách ôn hòa.” Trong khi đó, hai dân biểu Chris Smith và Ed Royce đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần quan tâm về tự do tôn giáo CPC.
Một trong những vụ vi phạm nhân quyền được nhắc tới nhiều nhất là trường hợp của chị Bùi Thị Minh Hằng bị đưa vào giam 2 năm tại trại cải tạo Thanh Hà ở Vĩnh Phúc, sau khi chị tích cực tham gia các cuộc tuần hành chống Trung Quốc xâm lấn chủ quyền trong năm qua. Trong khi giới bảo vệ nhân quyền quốc tế và tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho rằng vụ việc này đi ngược lại cam kết của Hà Nội với Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền về giam người không qua xét xử, Việt Nam khẳng định đã xử lý đúng pháp luật, theo điều 3, nghị định 125 năm 2008 quy định về biện pháp đưa người vào cơ sở giáo dục. Ý kiến của giới trẻ về trường hợp đi biểu tình bị vào trại phục hồi nhân phẩm này như thế nào? Tạp chí Thanh Niên ghi nhận qua cuộc trao đổi hôm nay với 3 bạn trẻ trong nước.
Duy: Tôi là Khánh Duy ở Sài Gòn.
Dũng: Tôi tên Nguyễn Văn Dũng, ở Việt Trì, Phú Thọ.
Tân: Tôi là Tân, ở Sài Gòn.
Trà Mi: Với những luận điểm chính quyền Việt Nam đưa ra và những quan điểm quốc tế lên tiếng, là những người quan tâm đến trường hợp của chị Minh Hằng, ý kiến các bạn như thế nào?
Duy: Chúng ta dễ dàng nhận thấy nguyên nhân chính khiến chị Hằng bị bắt là do biểu tình chống Trung Quốc. Chị bị gán ghép tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’. Việc bắt giam chị áp dụng pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính về đưa người vô cơ sở giáo dục. Chính điều khoản này đã bị coi là vi hiến và trái với công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 mà Việt Nam đã tham gia ký kết năm 1982. Việc bắt giữ người không qua xét xử thể hiện tính tùy tiện.
Tân: Mình hoàn toàn phản đối việc chính phủ Việt Nam bắt người giam giữ mà không thông qua xét xử. Tuy bất bình, nhưng mình không lạ gì điều này vì Việt Nam mình đã làm từ rất lâu rồi. Trại cải tạo, nhưng thật ra là trại giam không cần xét xử, chứ không phải trại phục hồi nhân phẩm theo đúng nghĩa của nó. Đây chỉ là cái cớ cho họ bắt người.
Dũng: Trong trường hợp của chị Hằng, người ta đã làm sai pháp luật. Họ đã áp dụng những luật vi hiến, vi phạm ngay điều 71 Hiến pháp Việt Nam quy định không ai bị giam giữ khi chưa có kết luận của tòa án và vi phạm điều 9 Công ước nhân quyền quốc tế. Thực tế, tôi đã đi thăm chị Hằng 2 lần. Tôi thấy trại giam đó không khác gì trại tù, thậm chí còn nguy hiểm hơn trại tù. Trong nhà tù, tỷ lệ những người bị giam chung phòng bị mắc các căn bệnh xã hội như HIV/AIDS có khi còn ít hơn. Trại này có tường xây cao bao quanh một phạm vi rất nhỏ, có các chòi canh, không khác gì trại tù, chả mang tính chất gì gọi là giáo dục cả. Chỉ duy nhất con trai của chị được vào thăm. Bạn bè không được nhìn mặt. Thư người ta không chuyển.
Trà Mi: Anh đã trực tiếp vào trại thăm chị Hằng 2 lần. Tuy không gặp mặt, nhưng anh có nghe con trai chị cho biết trong đó chị được đối đãi thế nào, tình trạng chị ra sao không?
Dũng: Con trai chị cho biết chị đã tuyệt thực phản đối việc đưa chị vào trại trái pháp luật. Người ta không để tâm, để mặc chị. Sau thời gian tuyệt thực, chị không ăn được cơm, đề nghị ăn cháo, nhưng họ cũng không cho. Do điều kiện vệ sinh trại kém, bây giờ chị bị phát ban. Chị đề nghị được y tế của trại chăm sóc. Khi họ tiêm thuốc, chị đề nghị được biết tên thuốc. Trại cũng không cho chị biết. Tôi chẳng thấy có chút giáo dục nào trong đấy cả.
Trà Mi: Cảm ơn anh Dũng chia sẻ những thông tin ghi nhận được qua người thân của chị Hằng. Tựu chung ý kiến các bạn ở đây, các bạn không đồng ý với việc giam giữ chị Hằng. Vì sao các bạn ủng hộ chị Hằng và phản đối quyết định của chính quyền trong khi chính quyền tuyên bố rằng chị đã lặp đi lặp lại nhiều lần hành vi ‘gây rối trật tự công cộng’ dù đã có lệnh cấm. Chính quyền nói vì thái độ và hành động bất chấp của chị, họ mới có biện pháp xử lý, cải tạo, giáo dục.
Duy: Việc chị Hằng đi biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc mà bị quy là ‘gây rối trật tự công cộng’thì rất vô lý. Môi trường chúng ta đang sống có nhiều cái bất ổn hơn nhiều, nhưng đâu có ai bị giam giữ một cách khuất tất như vậy. Mình ủng hộ chị Hằng vì trong phong trào biểu tình chống Trung Quốc năm qua, chị đã cùng với thanh niên yêu nước đứng lên thể hiện tinh thần yêu nước, phản đối việc làm của Trung Quốc. Không ít hơn 4 lần chị đã bị bắt.
Trà Mi: Vì sao bạn cho là hành động của chị Hằng là đúng, không vi phạm pháp luật Việt Nam, trong khi bao nhiêu người cũng đi biểu tình chống Trung Quốc như chị nhưng đâu có ai bị đưa vào cơ sở giáo dục đến 2 năm như chị? Phải chăng chị cũng đã có những hành động nào đó thách thức, chống đối đến mức không thể chấp nhận đối với chính quyền Việt Nam nên mới bị xử lý như vậy?
Tân: Là một người đã tham gia biểu tình chống Trung Quốc, có những vấn đề tôi hiểu rất rõ. Không khí rất hào hứng, nhưng mọi người rất trật tự, không hề gây rối trật tự. Hơn nữa, việc đi biểu tình là chuyện rất bình thường trên thế giới. Chỉ riêng ở Việt Nam, do họ chưa có những quy định rõ ràng, nên họ mới làm như thế. Sở dĩ chị Hằng là tâm điểm chú ý là vì trong những lần chính quyền mạnh tay khống chế người biểu tình, những người đầy nhiệt huyết như chị Hằng đã tạo ra một hình ảnh lớn, một tinh thần rất lớn cho những người xung quanh. Có thể họ để ý chị vì những lý do đó.
Trà Mi: Không gây rối trật tự công cộng, nhưng một hành động mang tính chống đối, thách thức lặp đi lặp lại mà được dung túng thì liệu chăng sẽ phát sinh ra nhiều trường hợp như thế nữa, làm sao chính quyền bảo đảm được an ninh, quản lý xã hội, và bảo vệ trị an? Ý kiến Dũng thế nào?
Dũng: Chị Hằng không thể hiện chút gì gọi là chống đối chính quyền cả. Chị ấy chỉ thể hiện trách nhiệm công dân khi Trung Quốc có hành động và âm mưu đối với tổ quốc mình.
Trà Mi: Thế nhưng theo cáo buộc của chính quyền Việt Nam, hành động của chị Hằng lặp lại rất nhiều lần, mặc dù chính quyền đã chính thức có lệnh cấm.
Dũng: Bản thân lệnh cấm của chính quyền đã là vi hiến. Lệnh không có người ký thì cũng vô giá trị. Thật ra, sau khi những cuộc biểu tình bị dẹp, chị Hằng cũng chẳng phải là đi biểu tình nữa, mà vào chủ nhật, chị đội nón ghi chữ ‘Hoàng Sa-Trường Sa’, mặc áo dài hay áo NO-U, đi dạo, chụp ảnh, thế thôi. Không thể gọi là đi biểu tình. Chúng tôi là những người yêu nước. Chính quyền rất lo ngại vì không muốn có biểu tình chống Trung Quốc. Thậm chí, cứ vào chủ nhật là họ cho cắm an ninh trước nhà những người từng tham gia biểu tình. Sự mạnh mẽ, kiên quyết của chị Hằng trong việc phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo Việt Nam biến chị thành một biểu tượng. Người ta sợ tái diễn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nên họ bắt chị Hằng để răn đe những người khác.
Trà Mi: Nếu vì để đảm bảo không xảy ra biểu tình nữa, để trấn an, giữ gìn trật tự xã hội, nên chính quyền bắt chị Hằng, thì các bạn có đồng ý với lý do này không?
Duy: Nguyên do chính là họ muốn dập tắt mọi nguy cơ diễn ra phong trào biểu tình chống Trung Quốc lần nữa, răn đe tinh thần những người biểu tình. Chứ nếu nói nguyên do là để ổn định trật tự xã hội thì mình cho là vô lý. Hiện tình trạng cướp giựt trong xã hội rất nhiều. Nếu muốn ổn định xã hội, nên giải quyết những vấn đề đó trước hơn là đối phó với những người biểu tình ôn hòa như chị Hằng.
Tân: Họ đưa chị Hằng vô trại cải tạo vì họ không muốn các phong trào biểu tình thành thói quen, thành thông lệ. Trước đây ở Việt Nam chưa từng có biểu tình. Vì vậy, họ tìm cách kiềm chân những người mạnh mẽ nhất.
Trà Mi: Các bạn cho rằng kiềm chân những người mạnh mẽ nhất để khống chế biểu tình không phải vì mục đích an ninh xã hội mà vì một mục đích chính trị. Vụ việc này, theo các bạn, có hiệu ứng thế nào đối với xã hội, với người trẻ?
Duy: Việc bắt giữ tùy tiện như vậy thoạt đầu mang tác dụng răn đe những người nhiệt huyết với đất nước, nhưng sâu xa, nó tạo ra một sự khủng hoảng và bất ổn rất lớn. Khi người dân không còn tin vào pháp luật nữa, người ta sẽ vượt qua ranh giới của sự sợ hãi và sự cấm đoán. Lúc đó, tinh thần còn mạnh mẽ hơn nữa. Việc bắt giam này là lợi bất cập hại, tạo ra hình ảnh rất xấu về tình hình tôn trọng các quyền tự do của con người ở Việt Nam.
Dũng: Tôi cảm thấy chính quyền càng ngày càng sợ hãi. Thứ nhất, họ sợ Trung Quốc. Thứ hai, họ sợ người dân.
Tân: Họ đang lộ ra những điểm yếu. Khi họ không còn lý do nào để bắt người thì họ đưa vào trại giáo dục. Tính chính đáng của việc làm này cũng không có.
Duy: Xét về bình diện xã hội và chính trị, vụ của chị Hằng cho thấy khi pháp luật không còn là một thiết chế hữu hiệu để ổn định xã hội, hậu quả lâu dài rất khó lường. Hiện Việt Nam đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế, bất ổn xã hội, dân khủng hoảng niềm tin. Mình đang sống trong cảnh không biết sẽ bị bắt lúc nào nếu dám bày tỏ chính kiến, dám nói lên những sai trái, khuất tất với mục đích xây dựng, chứ không phải chống đối.
Trà Mi: Trong các ý kiến chúng tôi ghi nhận được trên trang web của đài VOA về vụ việc của chị Hằng, có người cho rằng tự do bày tỏ ý kiến, tự do dân chủ phải có trật tự và đúng lúc, đúng nơi. Không thể tự do theo kiểu ăn vạ, kích động quần chúng, xáo trộn xã hội. Các bạn nghĩ sao?
Dũng: Đúng là không thể tự do làm các việc có hại cho xã hội, nhưng các việc làm tốt cho xã hội phải được tự do chứ.
Trà Mi: Các bạn cho rằng các cuộc biểu tình có tác dụng tốt cho xã hội, nhưng chính quyền ngờ rằng các cuộc biểu tình này sẽ tạo làn sóng chống đối, khuấy động trật tự xã hội, nên phải có biện pháp ngăn chặn.
Dũng: Các biện pháp ngăn chặn không thể nào đi ngược lại hiến pháp, phải dựa trên hiến pháp-pháp luật. Người dân thể hiện ý kiến ôn hòa, phản đối Trung Quốc để Trung Quốc biết là dân chúng ta đoàn kết và họ đừng hòng thôn tính được Việt Nam. Thế thôi, chứ họ có làm gì gây mất ổn định nọ kia.
Tân: Mong rằng qua vụ việc này, nhờ các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế và các tổ chức bảo vệ nhân quyền bênh vực cho những người bị giam giữ không thông qua tòa án.
Trà Mi: Nhiều người ví von biện pháp chính quyền đang áp dụng với chị Hằng là biện pháp ‘cai biểu tình’. Liệu nó có cai được biểu tình đối với chị Hằng, nói riêng, và đối với những người khác quan tâm, nói chung?
Duy: Mình nghĩ là không đâu.
Trà Mi: Nhưng trên thực tế, các cuộc biểu tình đã lắng dịu, không còn xuất hiện nữa.
Dũng: Tôi không đồng ý dùng từ ‘cai biểu tình’ vì những người xuống đường biểu tình như tôi không nghiện biểu tình. Đi biểu tình là hành động nhỏ thể hiện trách nhiệm đối với đất nước. Không có gì là nghiện biểu tình cả. Biểu tình nguy hiểm như thế  thì cũng chả sung sướng gì mà đi nghiện biểu tình. Không phải là người ta sợ, mà người ta chỉ tạm nằm im. Khi một người nghĩ tới đất nước, họ sợ gì mấy trò vớ vẫn của nhà nước.
Trà Mi: Các bạn phản đối việc bắt giữ chị Hằng, các bạn có cách nào bảo vệ chị hay không? Không đồng ý với việc làm của chính quyền, các bạn bảo vệ chính nghĩa bằng cách nào?
Tân: Mỗi người chúng ta khi thấy việc mình làm đúng, nên mạnh dạn làm, nhưng phải lựa chọn phương pháp phù hợp với thực tế luật pháp và mức độ tự do ở Việt Nam để tránh khỏi rắc rối. Tuy nhiên, đừng quá sợ hãi vì xu thế bây giờ phải là tự do.
Dũng: Tôi chia sẻ ý kiến với bạn bè, anh em trên các trang blog và Facebook về các vấn đề chính trị-xã hội của đất nước. Tôi cũng đã ký tên vào thư ngỏ gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đề nghị trả tự do ngay cho chị Hằng, chấm dứt các hành vi ngăn cản, đe dọa công dân bày tỏ quan tâm tới hiện tình đất nước, bãi bỏ tất cả các văn bản nhà nước vi phạm công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký tham gia, đặc biệt là việc áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở giáo dục.
Duy: Người trẻ khi thấy sai trái vẫn cứ phải lên tiếng. Hy vọng chính quyền sẽ biết lắng nghe nhiều hơn. Trường hợp của chị Hằng, mình có thể ủng hộ chị bằng nhiều cách, đơn giản như viết một dòng Status trên Facebook biểu thị sự quan tâm hay viết thư gửi các tổ chức theo dõi nhân quyền. Mình mong chính quyền sẽ trả tự do cho chị Hằng, đơn giản vì chị không vi phạm điều gì, cũng không hề gây bất ổn xã hội. Chị ấy chỉ thể hiện tinh thần dân tộc và lòng yêu nước, chống lại sự xâm lăng của ngoại bang.
Trà Mi thân mời các bạn nghe đài tham gia thảo luận các chủ đề trên Tạp chí Thanh Niên. Các bạn muốn góp tiếng với chương trình, xin hãy gửi số phone về vietnamese@voanews.com. Tạp chí Thanh Niên hân hạnh được đón tiếp quý vị và các bạn hằng tuần trên làn sóng phát thanh của đài VOA và trên trang web voatiengviet.com, trong phần Chuyên mục đặc biệt, ngay trang chính.
Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một câu chuyện mới vào giờ này, tuần sau.