12.2.12

Lãnh đạo Tiên Lãng bị đình chỉ 15 ngày


Cập nhật: 13:36 GMT - chủ nhật, 12 tháng 2, 2012

Đất đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn (ảnh của VnExpress)
Hai lãnh đạo của UBND huyện Tiên Lãng vừa nhận quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày,
trong khi chính quyền Hải Phòng giao cho một phó chủ tịch có phát ngôn gây tranh cãi làm tổ trưởng tổ xử lý vụ việc này.
Sau cuộc họp 'triển khai kết luận của Thủ tướng về việc cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng' của UBND TP Hải Phòng sáng thứ Bảy 11/2, giới chức địa phương tại Tiên Lãng đã có phiên họp mà báo chí trong nước mô tả là chóng vánh vào đầu giờ tối để đọc quyết định đình chỉ chức vụ của hai nhân vật đứng đầu huyện.
Theo đó, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch huyện, và ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch, bị đình chỉ chức vụ trong 15 ngày kể từ ngày 9/2 để 'kiểm điểm'.
Ông Hiền còn bị đình chỉ chức vụ Phó Bí thư huyện ủy.
Điều hành UBND huyện trong thời gian này là ông Lương Hữu Huyền, một phó chủ tịch huyện khác.
Ông Lê Văn Hiền được dẫn lời phát biểu tại cuộc họp rằng ông sẽ "kiểm điểm nghiêm túc theo kết luận của Thủ tướng và chỉ đạo của Thành ủy, UBND Hải Phòng".
Không rõ công việc "kiểm điểm nghiêm túc" chi tiết như thế nào.
Trong cuộc họp 'triển khai kết luận' sáng thứ Bảy, UBND TP Hải Phòng đã công bố việc thành lập tổ công tác xử lý vụ Tiên Lãng tuy nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền nhưng do Phó Chủ tịch UBND Đỗ Trung Thoại làm tổ trưởng.
Ông Đỗ Trung Thoại chính là người đã phát ngôn câu "người dân bất bình phá nhà ông [Đoàn Văn] Quý, chứ không phải lực lượng chức năng" trong một cuộc họp giao ban báo chí tháng trước, khiến dư luận bất bình.
Ông Thoại sau đó đã thanh minh và chỉ trích báo chí 'ghi sai' câu nói của ông.

Khẩn trương điều tra

Vào Chủ nhật 12/2, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền đã ban hành kế hoạch triển khai chỉ đạo của Thủ tướng đưa ra hôm thứ Sáu tuần trước.
Huyện Tiên Lãng phải thu hồi các quyết định thu hồi, cưỡng chế đất đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn trước ngày 20/2, đồng thời phải xem xét, triển khai thủ tục cho ông Vươn sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai 2003 trước 31/3.
Vì kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp 10/2 là quyết định ngày 9/4/1997 giao bổ
sung 19,3 ha đất cho ông Đoàn Văn Vươn vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản là không đúng luật, nên chưa rõ sau khi xem xét và triển khai thủ tục cho ông Vươn sử dụng đất theo đúng quy định của luật pháp thì gia đình ông sẽ được sử dụng bao nhiêu đất và quy chế như thế nào.
Công an Hải Phòng được giao điều tra, kết luận vụ án phá nhà coi đầm cũng như việc đánh bắt thủy sản trong đầm để xử lý.
Tuy nhiên, theo các thông tin cập nhật cho tới nay, việc khởi tố vụ án phá nhà cấp bốn của ông Đoàn Văn Quý đã được thực hiện, còn về cáo buộc thủy sản bị đánh bắt trộm trong đầm nhà ông Vươn thì cơ quan công an báo cáo với Thủ tướng rằng "ông Đoàn Văn Vươn đã thuê người khai thác đánh bắt thủy sản trong đầm của mình trước khi bị cưỡng chế".
Ông Lê Văn Hiền
Ông Lê Văn Hiền nói sẽ "kiểm điểm nghiêm túc"
Đặc biệt, Công an TP Hải Phòng được giao trách nhiệm "khẩn trương hoàn thành kết luận điều tra vụ án Giết người và Chống người thi hành công vụ" đối với ông Đoàn Văn Vươn và các thân nhân khác "để truy tố, xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong kết luận hôm 10/2 yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng "xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng", nhưng không thay đổi tội danh vụ án.
Giới bình luận cho rằng như vậy, hai anh em ông Đoàn Văn Vươn - Đoàn Văn Quý cùng hai người khác trong gia đình sẽ chỉ được xem xét một số tình tiết giảm nhẹ chứ khó có thể tránh tội danh Giết người, vốn đi kèm hình phạt nặng.
Tuy nhiên, hai bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý), hiện đang tại ngoại với tội danh Chống người thi hành công vụ, thì được cho là có khả năng sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.

Khen Thủ tướng

Truyền thông Việt Nam nhanh chóng đăng tải nhiều ý kiến của dư luận trong nước ca ngợi điều được cho là "chỉ đạo thấu tình đạt lý của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng" trong vụ Tiên Lãng.
Trang web của Chính phủ Việt Nam hôm 11/2 chạy phỏng vấn với Đại tướng Lê Đức Anh.
Vị cựu chủ tịch nước là người đã trả lời phỏng vấn nhiều báo đài trước khi có kết luận của thủ tướng, thu hút khá nhiều chú ý vào vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng.
Tướng Lê Đức Anh được dẫn lời nói: "Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc như vậy tôi thấy yên tâm và vui mừng cho đất nước, tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng".
Tuy nhiên, ông Lê Đức Anh cũng nói rằng ông còn một nỗi "lo không nhỏ".
"Vụ việc này không được kịp thời xử lý và nghiêm minh thì hậu quả sẽ thật khó lường."
Ông cảnh báo: "Nếu không xử lý nghiêm minh nó sẽ lan tỏa ra cả nước, cho nên sự phản ứng ở Tiên Lãng là một báo hiệu của người dân không thể coi nhẹ".
Mới đây Đại tướng Lê Đức Anh cũng đã lên tiếng phản đối việc điều động quân đội trong vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, nói đây là "sai lầm lịch sử nước ta chưa từng có".
Phát biểu của ông khẳng định không có sự ủng hộ của quân đội trong chủ đề tranh chấp đất đai hiện đang vô cùng nhạy cảm, chiếm tới 70% các vụ khiếu kiện dân sự trong cả nước.

Góp Ý

Không có nhận xét nào: