19.2.12

Trung Quốc: Cuộc Chiến Quyền Lực Giữa Các Phe Phái Trở Nên Quyết Liệt



Thông Tấn Xã Việt Nam - Basamnews
Tài liệu tham khảo đặc biệt -TTXVN (Pari 10/2)
Việc Vương Lập Quân, cánh tay đắc lực của Bạc Hy Lai, Bí thư thành ủy Trùng Khánh, một nhân vật đang nổi lên tại Trung Quốc, được cho đi “điều dưỡng vì căng thẳng do làm việc quá sức” sau thông tin cho là đã đến Lãnh sự Mỹ tại Thành Đô xin tị nạn, cho thấy dấu hiệu đấu đá giữa các phe phái trong ban lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu. Theo đánh giá của tạp chí La Tribune (Pháp) ngày 9/2, có vẻ như nội bộ lãnh đạo Trung Quốc đã có sự thay đổi sâu sắc từ vài tháng nay.

Tuần giữa tháng hai này sẽ là thời điểm “tôn phong” trên trường quốc tế của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người được cho là chắc chắn kế nhiệm ông Hồ cẩm Đào. Nhân vật số hai của Trung Quốc có chuyến thăm chính thức Mỹ trong sự theo dõi chặt chẽ của giới báo chí thế giới. Theo lịch trình, ông Tập Cận Bình có chuyến thăm trở lại Muscatine, một thành phố nhỏ thuộc bang Iowa, nơi ông đã từng dẫn đầu một phái đoàn nông nghiệp tới thăm vào năm 1985. Chuyến thăm này được coi là dịp để Tập Cận Bình “nâng cao hiểu biết về đảng Cộng hòa, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biđen và gặp gỡ Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Nói tóm lại, chuyến thăm một nước chủ chốt đối với Trung Quốc sẽ giúp Tập Cận Bình nâng cao được danh tiếng trong dư luận quốc tế.
Tuy nhiên, sự việc không bình thường liên quan đến Vương Lập Quân có nguy cơ gây hệ lụy đến chuyến thăm của Tập Cận Bình. Từ một ngôi sao đang lên tại Trùng Khánh, nổi tiếng về thành tích chống tội phạm có tổ chức, Vương bỗng nhiên được cho đi “nghỉ ngơi” vì lý do sức khỏe. Kỳ lạ hơn nữa, Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô vừa khẳng định đã tiếp đón Vương vào đầu tuần vì những lý do không được công khai. Tuy nhiên, dư luận tại Trung Quốc và Mỹ đã lập tức xì xào về khả năng đào tẩu của nhân vật này.
Vụ việc liên quan đến Vương Lập Quân rất đáng được quan tâm, bởi đây là cộng sự thân cận nhất của Bạc Hy Lai, “ông chủ” của Trùng Khánh, một thành phố có 32 triệu dân. Dù không hấp dẫn như các thành phố duyên hải Quảng Đông hay Thượng Hải, nhưng với sự năng động và lòng nhiệt tình của Bạc Hy Lai, Trùng Khánh đã trở nên nổi tiếng hơn. Với những phẩm chất đã được chứng minh thời còn làm Thị trưởng Đại Liên, Bạc Hy Lai đã đưa Trùng Khánh trở thành một “thủ đô” kinh tế thực sự của vùng miên Tây rộng lớn, trong đó năm 2010, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định thành lập một đặc khu kinh tế rộng 1.200 km2, tức là gấp gần 4 lần so với diện tích thành phố Thâm Quyến.
Kể từ đó, Trùng Khánh trở thành một “thành phố kiểu mẫu” nằm dưới sự giám sát trực tiếp của Đảng Cộng sản Trung Quổc. Thành công này đã khiến Bắc Kinh để mắt tới Bạc Hy Lai, và bản thân nhân vật này cũng rất biết cách vận động theo kiểu làm sống lại hình ảnh Mao Trạch Đông, chủ nghĩa Mao và các bài ca cách mạng để thăng tiến. Theo chiều hướng thuận, Bạc Hy Lai đã tiến tới mức có tên trong danh sách những nhân vật được đưa vào ủy ban thường vụ Bộ chính trị gồm 9 người và đứng đầu sẽ là Tập Cận Bình. Nhằm vào người phụ tá để làm hại một lãnh đạo là chiến thuật không có gì lạ tại Trung Quốc, nhất là vào thời kỳ nước này phát động Đại cách mạng văn hóa. Vì vậy, có khả năng Vương Lập Quân sẽ được “mời đi nghỉ dài dài” như một cách phá hoại các cơ hội tiến tới vị trí chính trị cao hơn của Bạc Hy Lai.
Cần lưu ý rằng giữa Tập Cận Bình và Bạc Hy Lai ít nhất cũng có một điểm chung: cả hai đều là con của các nhà đại cách mạng lão thành từng phục vụ Mao Trạch Đông. Cha của Tập Cận Bình hoạt động cách mạng từ những năm 1930, trở thành Phó Thủ tướng những năm 1950, bị cách chức năm 1962, bị cầm tù và được Mao Trạch Đông khôi phục danh dự vào cuối những năm 1970. Cha của Bạc Hy Lai cũng từng là bạn chiến đấu của Mao Trạch Đông, từng là Phó Thủ tướng và trở thành nạn nhân của các cuộc thanh trừng Maoít thời kỳ những năm 1960. Cũng nên biết rằng tầng lớp “thái tử” này thường đối lập với các nhóm khác trong chính giới Trung Quốc, trong đó có nhóm tập hợp các cựu lãnh đạo của Đoàn thanh niên Cộng sản vốn chủ yếu xuất thân từ các vùng nông thôn nghèo khó. Xung đột “giai cấp” này được thể hiện khá rõ trong lịch sử chính trị Trung Quốc kể từ hai chục năm nay.
Hiện tại vẫn khó rút ra kết luận cụ thể về vụ việc, chỉ biết Bạc Hy Lai là người đầy tham vọng chính trị và quyết không từ bỏ tham vọng của mình. Từ vài tháng nay, tại Trung Quốc có nhiều tin đồn về việc những thay đổi nhân sự dự kiến vào mùa Thu tới sẽ không cấp tiến như dư luận vẫn nghĩ, thậm chí một bộ phận trong ban chấp hành, đặc biệt là Hồ cấm Đào, có thể vẫn tiếp tục nắm quyền. Điều này chỉ nói lên một vấn đề: cuộc đấu đá quyền lực đang trở nên quyết liệt và kể từ bây giờ, mọi động thái trong ban lãnh đạo Trung Quốc đều sẽ được dư luận đưa ra mổ xẻ./.

Góp Ý

Không có nhận xét nào: