18.2.12

Việt Khang: Bước Chân làm thành Con Đường



Nhà văn Lỗ Tấn viết: “mặt đất làm gì có đường, chỉ bước chân đi mãi mà thành đường”. Trong ký ức tuổi thơ của mỗi người, có ai không nhớ những con đường làm bằng bước chân ấy. Con đường đất dẫn đến trường có chỗ lồi, chỗ lõm, có những dây gai lắm lúc mẹ phải dừng lại dắt tay mình bước qua.
Và cái đôi chân be bé xinh xinh kia chỉ biết nhảy chân sáo, cái bàn tay bụ bẫm kia với ra hái nụ hoa dại, cái đôi mắt trong veo đó ngó theo những cánh bướm chập chờn. Chỉ khi lớn lên một chút, chúng ta mới biết rằng cái con đường đất đơn sơ đó trước kia là những cánh rừng.
Để rồi khi ta bị ức hiếp, ta bị sỉ nhục, ta biết đau thương, … ta mới chợt nhận ra rằng có những con đường mang trên mình cả một lịch sử máu xương của dân tộc. Khi viết hai bài hát “Anh Là Ai ?”và “Việt Nam Tôi Đâu!” là lúc người nhạc sĩ trẻ Việt Khang vừa đặt bước chân của anh trên con đường gian nan này:
Tôi không thể ngồi yên
Khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng
Dân tộc tôi sắp phải đắm chìm
Một ngàn năm hay triền miên tăm tối
Tôi không thể ngồi yên
Để đời sau con cháu tôi làm người
Cội nguồn ở đâu?
Khi thế giới này không còn Việt Nam
(Anh Là Ai?)
Anh tên thật là Võ Minh Trí, Khang là tên đứa con trai nhỏ bốn tuổi của anh. Anh ghép tên con vào tên đất nước và dùng nghệ danh này khi sáng tác hai bài hát trên. Việt Khang sinh ra trong một gia đình nghèo, học phổ thông Trung Học ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Anh yêu thích âm nhạc, sinh sống bằng nghề hoà nhạc và chơi trống trong các ban nhạc ở thành phố nhỏ nơi anh lớn lên. Ban đầu, người ta biết đến anh qua tên thật của anh là nhạc sĩ Minh Trí với hai bài nhạc khá thành công là “Bạn Thân” và “Bà má miền Tây”. Việt Khang yêu mẹ, chúng ta có thể đoán vậy vì anh lớn lên trong gia đình lao động, cha mẹ anh làm ăn lam lũ để nuôi con. Người ta đọc được tình yêu anh dành cho mẹ qua ca khúc “Bà má miền Tây’. Anh có một đời sống yên lành bên vợ con, làm chủ một cơ sở làm ăn nhỏ, với một số nhạc cụ để hòa nhạc và thu âm kiếm sống.
Chuyện Việt Khang bị bắt vì hai bài nhạc anh sáng tác làm người ta chợt nhận ra số phận nghiệt ngã của dân tộc mình. Kẻ cầm quyền đang muốn huỷ diệt ý thức, nhân phẩm con người bằng sự sợ hãi. Trong một chừng mực nào đó họ đã thành công! Để được sống yên lành, nói như Bùi Chát: con người phải tự đánh mất đi ký ức, mất đi tiếng nói bản thân, mất đi những cái thuộc về giá trị để chỉ còn sở hữu duy nhất một điều: Nỗi Sợ. Bùi Chát tự mô tả chính mình trong cái thế giới mà anh và Việt Khang đang sống:
Rồi tôi nhận ra tiếng nói từ bầy súc vật
Mơ hành vi của những con người.

(Rồi, tôi)
Nếu lịch sử được đặt tên, thì sự thờ ơ của con người đang viết lên những trang ô nhục của lịch sử. Chúng ta ở đâu khi bãi Tục Lãm, thác Bản Giốc không còn nằm phía trong những cột mốc của quê hương? Chúng ta ở đâu khi Điếu Cày, Phạm Thanh Nghiên bị bức hại? Hình ảnh một Nguyễn Cao rút ruột trước mặt quân thù là chuyện của một ngày rất xưa. Ngày nay phải biết sợ để được sống còn, Nguyễn Tuân bảo vậy!?
Nhưng Việt Khang không muốn thế, anh muốn đứa trẻ tên Khang bốn tuổi, anh muốn các thế hệ con cháu của anh phải được đứng thẳng làm người. Anh gia nhập Tuổi Trẻ Yêu Nước, một tập hợp gồm những sinh viên, thanh niên, những nghệ sĩ trẻ. Họ xuống đường khi người biểu tình bị vây bắt, bị đạp vào mặt, bị bắt bỏ vào trại giáo dục. Có lẽ đây là giờ khắc Việt Khang nhận rõ những con người đang có mặt trên đoạn đường anh vừa bước vào. Mười bảy thanh niên công giáo, từng người một, bị bắt đi mất tích vào những ngày cuối năm, họ đều trẻ như anh, nhiệt thành yêu nước, nhiệt thành trong các công tác xã hội. Những câu hỏi ray rức của Việt Khang vang lên ở thời điểm này làm nhức nhối trái tim rất nhiều người:
Xin hỏi anh là ai – Sao bắt tôi, tôi làm điều gì sai?
Xin hỏi anh là ai – Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay!
Xin hỏi anh là ai – Không cho tôi xuống đường để tỏ bày
Tình yêu quê hương này, dân tộc này, đã quá nhiều đắng cay

(Anh Là Ai)
Trước khi bị bắt, Việt Khang đang sống cùng vợ là chị Cao thị Lan và con trai tại thành phố Mỹ Tho. Trước giáng sinh hai ngày, ngày 23/12/2011 bốn mươi công an đã được điều động tới nhà để bắt công dân Việt Khang. Căn nhà nhỏ của anh bây giờ bỏ trống. Người vợ nhớ thương chồng đã không dám quay về cái tổ ấm của chị, bởi đâu đâu chị cũng nhìn thấy hình ảnh của chồng. Về lại nhà, đứa con trai nhỏ cứ hỏi mãi về anh nên chị đành đem cháu về bên ngoại cho hai mẹ con đỡ hiu quạnh.
Tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước” lại được ghép cho Việt Khang; như đã từng được ghép cho những thanh niên đi làm công tác bảo vệ sự sống, đi cứu trợ đồng bào nghèo khổ. Những con người tha thiết với tha nhân đã bị bắt và đang tiếp tục bị bắt. Cái ác đang lộng hành, nó sẵn sàng đổ ập tai họa xuống đầu bất cứ một công dân bình thường nào, dù họ là những người sống lương thiện và muốn sống tốt lành. Edmond Burke, một chính khách người Anh bảo rằng: “Điều duy nhất giúp cái ác chiến thắng là những người tốt không làm gì cả”.
Việt Khang muốn chấm dứt cái Ác; khi lương tâm con người lên tiếng, họ sẽ nhận được sự hồi đáp. Từ nửa vòng trái đất, bắt đầu bằng câu nói chân thành của nhạc sĩ Trúc Hồ – những người tốt đang hành động. Họ đang có mặt khắp nơi cho Việt Khang, cho những ước mơ của anh. Nhạc sĩ Trúc Hồ bảo: “anh sẽ dùng tất cả những gì anh có được, ngay cả sinh mạng mình để tranh đấu cho sự tự do của Việt Khang”. Nhạc sĩ Trúc Hồ khởi xướng một chiến dịch lấy chữ ký gửi thẳng trực tiếp vào trang mạng của Toà Bạch Ốc. Chiến dịch nhằm vận động tổng thống Hoa Kỳ tạo áp lực để Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm đang bị bắt giữ. Trong vòng ba mươi ngày, nếu con số chữ ký đạt được là hai mươi lăm ngàn, tổng thống Obama sẽ phải đích thân cứu xét và hồi đáp thỉnh nguyện thư. Một điều lạ lùng đã xảy ra: chiến dịch chỉ mới bắt đầu vào lúc 0 giờ ngày 8/2/2012, nhưng chỉ bốn ngày sau đó, đúng vào lúc 5 giờ chiều ngày 11/2/2012 con số cần thiết đã đạt được. Có người gọi đây là thước đo lòng ái quốc của người Việt tị nạn. Riêng tôi, tôi nhìn thấy bước chân nhập dòng của Việt Khang đã nối tiếp làm thành con đường.
Con đường đất ngày xưa khi bạn và tôi đặt đôi chân nhỏ bé của mình đã từng là một cánh rừng. Không ai trong chúng ta đã không từng được bước những bước chân vững chãi tự hào khi vừa chớm có trí khôn. Những gian nan mà Việt Khang và biết bao người khác đang gánh chịu ngày hôm nay nhắc nhở tôi những chặng đường thăng trầm của lịch sử. Và lạ lùng thay, tôi lại nhìn thấy niềm hạnh phúc của riêng anh, niềm hạnh phúc có thể làm rơi nước mắt của bất cứ người Việt Nam nào khi đặt bước chân của mình trên con đường ấy. Việt Khang đã tìm được niềm tự hào mà dân tộc tôi đánh mất từ rất lâu, bước chân của anh đã ném lại đàng sau mọi tủi nhục.
Bạn đã nghe Việt Khang hát chưa? Tiếng hát của anh là tiếng lòng của biết bao người trong bóng tối của nhà giam đêm nay, và tiếng hát ấy đang nối những tấm lòng khắp nơi. Cám ơn Việt Khang, cám ơn nhạc sĩ Trúc Hồ, cám ơn những con người đang góp mặt.
Dân tôi đang cùng Việt Khang đặt bước chân mình trên con đường dẫn tới những ngày vinh quang cho quê mẹ./.
Nguyệt Quỳnh

3 RESPONSES TO VIỆT KHANG: BƯỚC CHÂN LÀM THÀNH CON ĐƯỜNG

  1. Không còn nghi ngờ gì nữa; Việt Cộng (VC) là tay sai của Trung Cộng (TC) .Do đó muốn chống TC là phải triệt hạ VC trước.
    Trong khi VC và tay sai của chúng đang ở cùng khắp đất nước VN và hải ngoại; chúng đang vểnh tai, lỏ mắt và ghìm tay súng để theo dỏi động tỉnh ở mọi nơi, mọi lúc. Còn chúng ta bao gồm người Việt trong và ngoài nước đang phát động đấu tranh để VC thả những người tù chính trị và thực thi nhân quyền (nên nhớ dùng phong trào này làm áp lực để lật đổ chế độ ). Mà một trong những ngươi tù đó là Việt Khang (VK)
    Việt Khang gần đây đã soạn và hát hai bản nhạc: “Anh là ai?” và “Việt Nam tôi đâu?”, sọan và hát hai bản nhạc trên tức là VK đã tự ký tên ngồi tù để đánh thức mọi người Việt Nạm, quả thực tiếng hát của anh đã đánh động lòng người.
    Cơ trời đã tạo nên vận nước, giờ đây lòng người VN đang sôi sục cùng hướng tới cuộc đấu tranh chung để thay đổi chế độ. Điều chúng ta cần là giử mãi sự sôi sục đó, để lan tỏa cho bằng được trong lòng mọi người trên toàn cỏi nước VN. Điều chúng tôi muốn nói bây giờ là “chúng ta phải tiếp tục đấu tranh thật bền bỉ, vượt cả không và thời gian (mỗi ngày một đông hơn) mà lòng thì mong VC sẽ KHÔNG thả VK, nghĩa là VK sẽ phải tiếp tục hi sinh ngồi tù”. Tại sao? Tại vì nếu thả VK là VC đã dằn được phong trào, và chúng ta chỉ thắng nhất thời, không vạn đai.
    Chúng tôi đưa một ví dụ như chúng ta đang nấu một nồi canh,(toàn dân là nước trong nồi, VC là lửa đang đun nồi canh đó) lửa đã tạo ra áp suất trong nồi, VK là nhân tố của áp suất đã đẩy cái nấp nồi lên cho nước tràn ra. Nếu VC thả VK tức là hành động vở nấp nồi hoặc hạ lửa, thì áp suất ngay tức thì sẽ hạ theo. Do đó VK phải tiếp tục ở đó để đẩy cái nấp nồi lên cho nước tiếp tục tràn ra, đến khi nào nước kia dập tắt hoàn toàn ngọn lửa(VC). Cũng có nghĩa là làm sao để VC giử VK ở trong tù, để nhờ VK làm lá bài cho chúng ta cổ vỏ phong trào đấu tranh. Chúng ta có thể dùng chiến thuật “dương đông kích tây” để tìm kết quả ngược: Vừa phát động phong trào đòi trả tự do cho VK, vừa tung tin “VC đã sợ và sắp thả VK rồi”, kết quả đến là VK vẫn ở đó.
    Độc tài CS là độc tài tập đoàn, có bài bản, chúng dùng mọi thủ đoạn tàn độc từ lừa mị đến lấp liếm, tráo trở, hù dọa, trấn áp, khảo tra, thủ tiêu …vv… để cai trị. Chúng thay đổi như màu da con tăc kè, nên chiến thắng chúng không dể dàng như thắng độc tài gia đình kiểu Bắc Phi. Mà chúng ta phải sẳn sàng dày công hơn, bền bỉ hơn và cũng có thể trả giá đắt hơn, dù lòng vẫn muốn thành công đến sớm hơn bằng sự trả giá tối thiểu. Mong hồn thiên sông núi sẽ dẫn lối đưa đường.
    Tóm lại thời cơ đã đến để triệt hạ VC, muốn làm được điều đó chúng ta phải nổ lực và bền bỉ phát động mạnh phong trào;” thức tỉnh lòng yêu nước và gạt bỏ nổi sợ để cùng vấn thân” của toàn dân, mới mong triệt hạ được VC bằng chiến thuật “NHU THẮNG CƯƠNG”. Lúc đó chân trời mới sẽ hiện ra, kỹ nguyên mới sẽ về trên toàn cỏi nước Việt, lo gì không có ngày vinh quang cho quê mẹ.
     
    0
     
    0
     
    Rate This
    • KHÔNG HIỂU NỔI
      Tui không hiểu nổi lập luận Việt Khang phải tiếp tục ngồi tù của ông TN để lật đổ CS. Trong khi đó thì phong trào ký thỉnh nguyện thư được phát động để yêu cầu VC thả các nhà tranh đấu đang bị VC giam tù, trong đó có Việt Khang. Chắc ông TN nghĩ là ở tù VC cũng như đi nghỉ hè?
       
      0
       
      0
       
      Rate This
  2. Việt Khang! Việt Khang!
    “Anh là ai?”, ” Việt Nam tôi đâu?”
    Lừng lững tiến vào thế giới âm nhạc
    Khí thiêng sông núi kết thành nét nhạc
    Đưa tiếng ca Việt Khang đi vào
    Thanh sử ngàn năm đất Việt!

Không có nhận xét nào: