Những người Tây Tạng tuyệt thực trên xe lăn trước trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, ngày 21/03/2012.
REUTERS/Mike Segar
Thanh Hà
Sau một tháng tuyệt thực để yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp, ba người Tây Tạng đã ngưng hình thức đấu tranh bất bạo động này sau khi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cam kết phái đặc sứ đến điều tra về tình hình nhân quyền tại Tây Tạng.
Ngày 22/03/2012 ba người Tây Tạng đã ngưng tuyệt thực sau một tháng dùng hình thức này để đánh động dư luận quốc tế và yêu cầu Liên Hiệp Quốc điều đặc sứ đến quan sát tình hình nhân quyền tại Tây Tạng. Một trong ba người nói trên đã phải nhập viện. Tin trên do một thành viên của phong trào cung cấp.
Theo lời một đại diện của phong trào thanh niên Tây Tạng, Tsewang Rigzin, ba nhà đấu tranh kể trên đã quyết định ngưng tuyệt thực sau khi Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc bà Navi Pillay cam kết sẽ « chỉ định đặc phái viên theo dõi tình hình Tây Tạng ». Đó là nội dung chính của bức thư mà bà Navi Pillay đã gửi đến những người này. Đại diện của phong trào thanh niên Tây Tạng coi đây là một « thắng lợi nhỏ » đối với những nhà tranh đấu Tây Tạng. Liên Hiệp Quốc không tiết lộ nội dung bức thư của Cao ủy nhân quyền Navi Pillay.
Từ ngày 22/02/2012 ba người Tây Tạng là các ông Dorjee Gyalpo, Yeshi Tenzing và Shingza Rimpoche đã bắt đầu tuyệt thực ngay tại khu vực đối diện với trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York. Trong một lá thơ thỉnh nguyện họ yêu cầu Liên Hiệp Quốc điều một phái bộ điều tra về tình trạng nhân quyền trên quê hương của Đức Đạt Lai Lạt Ma và gia tăng sức ép với Trung Quốc để chấm dứt tình trạng « thiết quân luật » đang hiện hành tại vùng đất này.
Ngày 19/03/2012 ông Rimpoche, 69 tuổi, đã phải nhập viện vì kiệt sức nhưng ông vẫn kiên quyết tuyệt thực. Tổng thư ký Ban Ki Moon từng tỏ ra « rất quan ngại » về tình trạng của ba người Tây Tạng nói trên.
TAGS: CHÂU Á - LIÊN HIỆP QUỐC - NHÂN QUYỀN - TÂY TẠNG - TRUNG QUỐC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét