18.3.12

Bạc Hy Lai bị thất sủng vì chống mafia ?



Bạc Hy Lai
Bạc Hy Lai
REUTERS/Jason Lee

Lê Phước
Sự kiện ông Bạc Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh, bị cách chức tiếp tục thu hút sự chú ý của báo giới Pháp. Nhật báo Libération tiếp tục mổ xẻ sự kiện này với bài viết : « Bộ chính trị Trung Quốc không còn chịu đựng nổi họ Bạc ».

Lệnh cách chức ông Bạc Hy Lai được Tân Hoa Xã thông báo ngắn gọn ngày 15/03/2012  mà không hề nêu ra một lí do nào. Tuy nhiên cách chức một nhân vật có nhiều khả năng vào thường vụ bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là chuyện đơn giản.
Libération nhấn mạnh : « Trong một đất nước mà ổn định và đoàn kết trong đảng là nguyên tắc tối cao, thì sự thanh trừng này quả là một cơn địa chấn ».
Đi vào nguyên nhân vụ việc, tờ báo cho rằng, đó là do sách lược đi lên của ông Bạc Hy Lai phạm nhiều sai lầm. Trước tiên, ông này đã sử dụng một đường lối quản lý kết hợp sự ca ngợi thời đại Mao Trạch Đông, chính sách xã hội, chủ nghĩa dân túy và sự trấn áp tội phạm.
Trên cương vị bí thư thành ủy Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai đã cho triển khai phong trào hát những bài cách mạng ca ngợi thời đại cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng (1966-1976), trong khi đó ông lại quên rằng giai đoạn này có nhiều quan chức, ngay cả một số ủy viên bộ chính trị đã bị loại trừ.
Sự « thờ ơ » này của ông Bạc đương nhiên gây mất lòng nhiều quan chức thuộc dòng chính kiến khác, và sự mất lòng đó có thể được thấy qua lời phát biểu của thủ tướng sắp mãn nhiệm Ôn Giả Bảo : « Toàn thể nhân dân Trung Quốc đã hiểu được rằng…cần phải rút ra những bài học từ trong lịch sử ».
Một sai lầm khác nghiêm trọng hơn đó chính là ông Bạc Hy Lai đã chủ xướng chiến dịch thanh trừng mafia tại Trùng Khánh. Trong chiến dịch này có đến 9 000 người đã bị điều tra, trong đó có rất nhiều cán bộ cao cấp, quan chức công an và tòa án, 13 người đã bị tuyên án tử hình. Các cuộc điều tra này bị cho là đã lạm dụng việc tra tấn ép cung.
Thế là, chiến dịch của ông Bạc dù làm vui lòng dân chúng, nhưng tai hại cho ông là nó gây mất lòng chóp bu của đảng, bởi chiến dịch đã vén lên một bức màn khá nhạy cảm : hiện tượng quan chức cấp cao cấu kết với mafia, tức gây mất lòng tin của đảng. Hơn nữa, chiến dịch cũng đặt nghi ngờ là hai bí thư tiền nhiệm của ông Bạc chính họ cũng liên can. Trong khi đó cả hai người này đều là người dưới trướng của ông Hồ Cẩm Đào : một người là ông Uông Dương, hiện là bí thư tỉnh ủy Quảng Đông ; người kia là ông Hạ Quốc Cường, hiện là bí thư ủy ban kiểm tra trung ương kiêm trưởng ban tổ chức trung ương đảng cộng sản Trung Quốc.
Theo Libération, chính trị Trung Quốc càng ngày càng mập mờ, bởi thế trong một sự việc động trời như vậy thật khó lòng mà hiểu hết chân tơ kẽ tóc. Thế nhưng, tờ báo cho hay, theo một vài thông tin rò rỉ, kịch bản thanh trừng Bạc Hy Lai đã được dàn dựng có bài bản : ông Hạ Quốc Cường đã cho điều tra tham nhũng đối với ông Vương Lập Quân, cánh tay phải của họ Bạc.
« Chiêu thức này » rất hiểm, vì theo một nhà báo tại Trùng Khánh, ở Trung Quốc, chính quyền tham nhũng ở mọi cấp đều có tham nhũng ít nhiều, bởi vậy hể điều tra thì tất có tham nhũng, do đó tham những chính là cái cớ để các nhà chính trị nước này thanh trừng lẫn nhau. Mục tiêu điều tra ông Vương là để làm mất uy tín họ Bạc và buộc họ Bạc phải tình nguyện về hưu non. Trong bối cảnh đó, họ Vương mất định hướng, đã bất chợt chạy đến trú ẩn tại lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô và đã ở đó suốt 24 tiếng đồng hồ.
Họ Vương đã tiết lộ gì với Hoa Kỳ để đến mức mà chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho rằng ông này « phản bội » đất nước. Sự việc đến hiện tại vẫn còn mờ mịt. Thế nhưng, có một chuyện đã có vẻ rõ ràng, đó là ông Bạc Hy Lai đã phạm sai lầm khi toan đi lên bằng một sách lược gây hại đến những « đồng liêu » có quyền lực hơn mình, vì vậy ông Bạc đã phải lãnh hậu quả đó là : lối vào ban thường vụ bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc của ông đã khép lại.
Bắc Triều Tiên lại phóng tên lửa
Đến với bán đảo Triều Tiên, Le Figaro có bài thông tin: « Bắc Triều Tiên sắp phóng tên lửa ». Ngày 16/3/2012, Bắc Triều Tiên thông báo tháng tới sẽ cho phóng tên lửa để chào mừng sinh nhật lần thứ 100 của người sáng lập chế độ Kim Nhật Thành. Bình Nhưỡng khẳng định mục tiêu đã để đưa lên quĩ đạo một vệ tinh quan sát mặt đất tên Kwang-myongsong 3 bằng tên lửa Unha 3.
Thông báo đã làm rộ lên phản ứng từ nhiều phía. Hàn Quốc lập tức lên tiếng cho rằng đó là một động thái « khiêu khích », đe dọa đến hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và khu vực, đã vi phạm nghị quyết 1874 của Liên Hiệp Quốc về việc cấm miền Bắc thử tên lửa.
Thông báo cũng có nguy cơ khiến những bước tiến gần đây trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên bị biến thành mây khói. Một chuyên gia tại Hàn Quốc nhận định, thông báo này sẽ giết chết tiến trình tái khởi động đàm phán, sẽ khiến chính phủ Obama không hỗ trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên như đã hứa.
Tờ báo cho rằng, việc mượn cớ phóng vệ tinh để thử tên lửa là một chiêu bài của Bắc Triều Tiên để « lách » những cấm cản của nghị quyết Liên Hiệp Quốc. Tờ báo nhắc lại, hồi năm 2009, Bắc Triều Tiên cũng đã bắn thử tên lửa đạn đạo tầm xa Taepodong 2 cũng dưới lốp vỏ phóng vệ tinh. Khi ấy, tên lửa được phóng đã bay đến 3 000 cây số và rơi xuống Thái Bình Dương.
Còn tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, chuyên gia Hàn Quốc nói trên nhận định, thông bào này sẽ tiếp tục gây chia rẻ hội đồng, bởi Trung Quốc và Nga luôn tìm cách giúp tân lãnh đạo Kim Jong-un tạo dấu ấn trong cũng như ngoài nước.
Bầu cử tổng thống Pháp : cánh tả chiếm thế thượng phong ?
Trong đợt bầu cử tổng thống Pháp lần này, cánh tả có vẻ đang chiếm thế thượng phong. Điều đó không những được biểu hiện qua ứng viên sáng giá nhất hiện tại, ông François Hollande thuộc đảng Xã Hội, mà còn qua hiện tượng đi lên của một ứng viên cánh tả khác, ông Jean-Luc Mélanchon thuộc Liên minh Mật trận cánh tả bao gồm bảy đảng cánh tả trong đó có đảng Cộng sản, được thành lập vào năm 2009.
Ngày mai, 18/3/2012, ông Jean-Luc Mélanchon sẽ có buổi mít ting dự kiến huy động đến 30 000 người tại Paris, khi ấy ông sẽ đọc một bài diễn văn quan trọng. Đó là một trong những minh chứng cho những bước tiến đáng kể của ứng viên này. Tờ báo nhắc lại, kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử hồi cuối tháng sáu 2011ông Mélanchon ngày càng thu hút được nhiều cử tri. Thăm dò cho thấy, ông được hơn 10% phiếu ủng hộ.
Sự ủng hộ nặng ký đầu tiên đến từ đảng Cộng sản. Cách đây 1 năm, khi ông Mélanchon ứng cử vị trí đại diện Liên Minh ra tranh cử tổng thống, trong nội bộ đảng cộng sản, có nhiều người phản đối ông hay nghi ngờ ông. Thế nhưng, cũng như lãnh đạo đảng Cộng sản thừa nhận, ngày càng có nhiều người cộng sản ủng hộ Mélanchon, ngay cả người được xem là khó tính nhất.
Bên cạnh đó, ông Mélanchon cũng đã bắt đầu thu hút nhiều người thuộc đảng Xã Hội, ngay cả trong cơ quan nhà nước hay các công nhân. Như vậy, một bộ phận những ngưởi ủng hộ đảng Xã Hội đang hướng về ông, trong đó nổi cộm nhất là những người từng ủng hộ cách làm chính trị của bà Ségolène Royal, ứng viên tổng thống 2007, giờ đây họ hướng về Mélanchon vì cho rằng giữa hai người có nhiều điểm tương đồng.
Một thành phần không nhỏ khác cũng bắt đầu hướng về Mélanchon : những người ủng hộ Đảng Sinh thái Châu Âu. Họ ủng hộ trước hết là vì những lời hứa của ông này về việc tăng lương và nhất là về ý định cho tiến hành trưng cầu dân ý về hồ sơ hạt nhân của Pháp.
Thêm vào đó, ở phía cực tả, giới trẻ cũng bắt đầu chú ý đến Mélanchon, bởi đa số họ lâm cảnh có việc làm không ổn định, nên bị thu hút bởi lời hứa tăng lương của ông này.
Cuối cùng, ông Mélanchon có thể khai thác một bộ phận những người thuộc diện ít quan tâm chính trị. Theo thăm dò, có 30% sẽ bỏ phiếu cho cánh hữu, 30% cho cánh tả, như vậy còn lại 40% là những người đang do dự, những người không còn mặn mà với kiểu làm chính trị phân luồng tả - hữu. Bộ phận đang là một lợi thế cho ông François Hollande, và cũng có thể cho ông Mélanchon, bởi vì trong bối cảnh kinh tế khó khăn, và nhất là vào thời hậu Fufushima, thì lời hứa tăng lương và thái độ kiên quyết phản đối hạt nhân của ông Mélanchon thật sự thu hút họ.
Tuy vậy, dù sao đi nữa, thì mục tiêu của ông Mélanchon cũng không phải là bước vào điện L’Elysée, mà có lẽ trước nhất là để củng cố từng bước mật trận cánh tả cho một mục tiêu dài hạn. Điều đó cũng được chính ông Mélanchon thừa nhận khi cho rằng : « Tầm nhìn của chúng ta không phải chỉ ở một hay hai cuộc bầu cử ».
TAGS: CHÍNH TRỊ - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: