26.3.12

Cam Bốt : chính quyền làm ngơ, dân chúng buộc phải dùng bạo lực





Biểu tình chống cưỡng bức giải tỏa tại Phnom Penh, ngày 24/01/2012
Reuters
Trọng Thành
Tuần báo Le Courrier International chú ý đến các phản ứng dữ dội của dân chúng Cam Bốt trong thời gian gần đây, trước sự đồng lõa của các doanh nhân với giới cầm quyền, qua bài “Các công nhân ngành dệt may Cam Bốt sẵn sàng giáng trả”, được đăng trên tờ The Phnom Penh Post.


Bài báo cho biết, đối mặt với những đe dọa và thái độ làm ngơ của giới chủ, công nhân nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải sử dụng đến các biện pháp phản kháng bạo lực, như : ném đá, gây hỏa hoạn hay bắt cóc con tin. Tại hai tỉnh Svay Rieng và Kampong Cham, các công nhân tấn công nhà máy, đập cửa sổ, để buộc ban lãnh đạo phải ngồi vào bàn đàm phán. Tại Ratanakiri - ở ngã ba Đông Dương, giáp biên giới với tỉnh Kontum - Việt Nam, dân thiểu sổ thuộc sắc tộc Tumpuan đã bắt cóc bốn nhân viên bảo vệ và một người làm công của một doanh nghiệp trồng cao su, nhằm buộc công ty Zhong Ri Cambodia phải ngưng xâm phạm đất đai của làng.

Các sự kiện trên cho thấy, một khi ngành tư pháp và Nhà nước không đứng ra giải quyết các mâu thuẫn, biện pháp duy nhất chỉ còn là bạo lực.

Giải thích về điều này, một công nhân của doanh nghiệp dệt may Medtec ở Kampong Cham cho biết, không ai trong số 2.000 công nhân ở đây muốn dùng đến các biện pháp cực đoan như vậy, nhưng sau bốn ngày chờ đợi mà không thấy doanh nghiệp và chính quyền có phản ứng gì, họ không còn giữ được kiên nhẫn.

Thực tế là, chỉ hai giờ sau khi công nhân phản ứng dữ dội, Medtec đã tỏ chấp nhận đàm phán để cải thiện điều kiện lao động với công nhân. Được biết, với doanh số gần 4 tỷ đô la, dệt may là ngành sản xuất chiếm tới 90% hàng xuất khẩu của Cam Bốt năm 2011.

Các phản ứng bạo lực dữ dội kể trên của công nhân và nông dân biểu hiện cho nỗi thất vọng sâu sắc của một bộ phận dân chúng ở Cam Bốt, thấy mình bị gạt sang bên lề, trong một xã hội thường bị giới lãnh đạo địa phương liên kết với các chủ doanh nghiệp thao túng. Cảm nhận về sự áp bức này càng mạnh mẽ hơn, khi các đòi họ của họ không những không được chú ý, mà các biểu thị bằng biện pháp hòa bình bị đàn áp mạnh. Một ví dụ là, ngày 20/02, cảnh sát bắn vào đoàn biểu tình trong tay không tấc sắt, khiến ba người bị thương, trong đó có một người bị thương nặng, gần nhà máy Kaoway Sports ở Svay Rieng. Doanh nghiệp Kaoway cuối cùng đã phải chấp nhận đáp ứng các đòi hỏi của công nhân, là trả thêm 10 đô la/tháng cho phụ cấp đi lại, và nửa đô la/ngày cho các bữa ăn ca.

Trong hiện tại, chính quyền Cam Bốt không muốn làm xấu đi hình ảnh của mình trước cộng đồng quốc tế, khi mà Cam Bốt đang đảm nhiệm chức chủ tịch Hiệp hội các nước Đông Nam Á Asean, và đang chờ được phê chuẩn vào chiếc ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tháng 10 năm nay. Sau vụ bắn người biểu tình kể trên, Bộ trưởng Nội vụ Cam Bốt đã tỏ thái độ cứng rắn với các cảnh sát bắn vào dân.

Tuy nhiên, theo một nhà hoạt động nhân quyền, tuyên bố kể trên không khiến sự việc bớt nghiêm trọng hơn, và ông khẳng định Nhà nước Cam Bốt phải nhìn nhận một cách nghiêm túc sự việc ngày càng có nhiều người lâm vào cảnh tuyệt vọng, khiến đất nước rơi vào mất ổn định. Mà, giữ ổn định là điều mà tất cả các đảng cầm quyền đều vỗ ngực tự cho là thế mạnh của họ.

Cũng Le Courrier International trích dẫn bài báo từ tờ The Cambodia Daily. Theo đó, tại các tỉnh miền Đông Cam Bốt Kratie và MondolKiri, dân chúng đã tổ chức các cuộc tuần tiễu để tịch thu phương tiện của lâm tặc, chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp, mà chính quyền đã không làm gì thực sự để ngăn chặn.

Một nửa xã hội Việt Nam cùng chung bi kịch với Đoàn Văn Vươn

Cũng trong hồ sơ của Le Courrier International, có trường hợp của Việt Nam, với vụ gia đình ông Đoàn Văn Vươn dùng vũ khí kháng cự lại đoàn cưỡng chế đất. Vụ việc được báo chí Việt Nam vào cuộc quyết liệt buộc thủ tướng Việt Nam phải can thiệp, để ra kết luận về hành động bất hợp pháp của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tờ báo dẫn lại nhận xét của Asia Sentinel, nếu không có một cuộc cải cách sâu sắc luật pháp về đất đai, thì một nửa xã hội Việt Nam cũng chịu chung một số phận bị kịch như trường hợp ông Đoàn Văn Vươn.

Hồng Kông - vùng đất nằm dưới quyền điều khiển của các đại gia

Về Châu Á, Le Courrier International chú ý đến trường hợp Hồng Kông, đúng vào thời điểm các cử tri của đặc khu này bầu lại chức vụ Trưởng đặc khu hành chính. Dưới tựa đề “Hồng Kông có phải là một thiên đường tư bản ? Không, đây chỉ là một vương quốc nằm dưới sự điều khiển của các đại gia”, trích đoạn từ tờ Time Out của Hồng Kông phơi bày thực trạng của một vùng lãnh thổ, vốn vẫn được coi là biểu tượng cho một nền kinh tế thịnh vượng và tự do.

Tiêu điểm của bài báo là lĩnh vực địa ốc, nơi một số các đại gia trở nên giàu có nhanh chóng, trong khi đó giá nhà đất tăng lên chóng mặt và Hồng Kông rơi vào tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng. Đã có một thời các nhà đầu tư địa ốc được người Hồng Kông tôn trọng, thậm chí có người còn coi họ như những anh hùng, vì các nỗ lực xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, tình hình đã hoàn toàn thay đổi vào thời điểm 2009-2010, khi các đại gia địa ốc phối hợp với các quan chức thao túng lĩnh vực này, để làm giàu trên lưng khách hàng.

Theo người viết, các đại gia Hồng Kông không sáng tạo nên một hệ thống gì mới. Đơn giản là họ khai thác một cách triệt để hệ thống sẵn có. Trong hàng thập kỷ, vùng nhượng địa cho Anh Quốc được điều hành theo “một quan niệm mang tính thực dân”, theo đó đầu tư để thỏa mãn nhu cầu của dân chúng là lãng phí. Đầu tư vào các lĩnh vực mang lại lợi nhuận nhiều và nhanh chóng được ưu tiên, các đầu tư vào bất động sản chính là con gà đẻ trứng vàng ấy. Kể từ khi Hồng Kông được Anh trao trả lại cho Trung Quốc, không khó khăn gì mà không hình dung ra rằng, chính quyền Hồng Kông đã nỗ lực thực thi các chỉ thị ngầm từ Bắc Kinh, để bảo vệ lợi ích của các đại gia.

Theo tác giả bài báo, để thay đổi thực tế này, điều thứ nhất là không nên tẩy chay, mà hãy chờ đợi, khi thế hệ con cái của các đại gia hiện nay lên nắm quyền, một bộ phận sẽ không theo nổi cha anh mình, và như vậy hệ thống sẽ tự sụp đổ. Thứ hai là, việc xuống đường để phản đối rất khó xảy ra, nhưng cũng có thể sẽ trở thành một hoạt động thường xuyên trong tương lai, nếu “gió đổi chiều”. Thứ ba là, đừng hy vọng giá nhà đất hạ xuống, bởi phần lớn tầng lớp trung lưu đặt tiền tiết kiệm vào địa ốc, nên họ sẽ không thể nào đồng tình với việc giá nhà hạ, cho dù điều đó có thể khiến con cháu mình không có cơ hội mua được chỗ ở.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của chế độ Trung Hoa cộng sản đến Hồng Kông ngày càng gia tăng, sự thống trị của một nhúm các đại gia ngày càng được củng cố, niềm hy vọng được đặt vào một tầng lớp trung lưu, vừa yêu nước, vừa mong muốn dân chủ. Chính tầng lớp này sẽ là một trong các nhân tố quyết định tương lai của Hồng Kông. Nửa triệu người của tầng lớp ấy đã xuống đường vào mùa hè 2003, để phản đối dự luận “chống lật đổ” mà Bắc Kinh muốn áp đặt.

Cuộc chiến ngầm Iran-Israel

Về thời sự quốc tế, L’Express chú ý đến hồ sơ Iran – Israel với hồ sơ “Iran-Israel. Cuộc chiến trong bóng tối”.

L’Express điểm lại các hoạt động chính của cuộc chiến bí mật mà Israel đã tiến hành để tiêu diệt các nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran : từ việc ám sát các nhà khoa học hạt nhân, tiến hành các vụ khủng bố, cho đến tấn công tin học …, không kể các đe dọa không kích các cơ sở bị nghi là nơi chế tạo vũ khí nguyên tử của Iran.

Ám sát các nhà khoa học hàng đầu của Iran là mục tiêu chính của cơ quan tình báo Israel. Trong hai năm qua, bốn nhà khoa học Iran đã bị ám sát ngay giữa ban ngày tại Teheran. Tác giả trực tiếp của các điệp vụ này không phải là nhân viên của Mossad, mà thường là những người được cơ quan này tuyển lựa tại chỗ, trong hàng ngũ của những lực lượng đối lập với chính quyền, như quân nổi dậy thuộc hệ phái Hồi giáo Sunni hay phong trào Moudjahidine của Nhân dân.

UBS : ngân hàng Thụy Sĩ khiến 600 tỷ euro tiền nộp thuế chạy khỏi Pháp

Về tài chính thế giới, tuần báo Le Nouvel Observateur giới thiệu cuốn sách của nhà báo Antoine Peillon, với nhan đề « Trốn thuế : hệ thống UBS ». Cuốn sách kể lại cuộc điều tra để phanh phui một sự việc động trời. Đó là việc UBS, một ngân hàng lớn của Thụy Sĩ, đã tạo ra cả một hệ thống giúp những người có tài sản lớn trốn nộp thuế.

Theo tác giả cuốn sách, hệ thống do ngân hàng UBS lập ra khiến nước Pháp mất đi gần 600 tỷ đô la tiền thuế. Theo một nhà nghiên cứu của Ecole d’Economie de Paris, khoảng 8% trị giá tài sản của các nhà giàu trên toàn thế giới được đưa ra khỏi biên giới để trốn nộp thuế cho quốc gia mình. Đối với Châu Âu, tỷ lệ này có thể là khoảng 10%. Cũng theo tờ báo, tổng số tiền của các gia đình giàu có tại Pháp được cất giữ ở Thụy Sĩ là khoảng 100 tỷ euro.

Hiện tại ngân hàng UBS từ chối bình luận về các cuộc điều tra đang được tiến hành, và phủ nhận việc có tồn tại một hệ thống trợ giúp cho các hoạt động trốn thuế.

Rừng táo hoang ở Kazakhstan – “vườn địa đàng Eden”

Mặt đất của hành tinh chúng ta hiếm có nơi nào mà con người chưa khám phá. Le Nouvel Observateur tuần này giới thiệu về một nơi như vậy : một chốn địa đàng Eden trên trái đất, nơi chưa bị bàn tay con người chạm tới.

Nằm tại vùng biên giới Kazakhstan và Trung Quốc, ở phía đông của thành phố Almay, hay Alma-Ata (theo tên gọi trước đây, có nghĩa là "nơi có nhiều táo”), khu rừng có thể coi là một thiên đường tại thế này, còn nguyên sơ, vì chưa có một con đường nào đi ngang qua.

Trong khu rừng này, những cây táo hoang xoắn xuýt vào nhau, trĩu xuống vì quá nhiều quả. Táo Malus sieversii là loài cây phổ biến nhất ở đây. Hàng đàn ngựa hoang sinh sống, cùng với gấu. Khoảng 6.000 loại ong chưa hề được biết đến, nhiều loại mơ, nho, nho leo phương Bắc chưa từng có trong danh sách các thực vật được ghi nhận. Tất cả vùng đất này gần như vắng bóng con người.

Một nhà thực vật học, kiêm nhà làm phim thuật lại cảnh các con gấu trèo lên rung cây cho táo rụng để nhặt ăn. Ăn những trái táo ngon nhất, các con gấu không biết rằng, khi cho ra các chất thải sau đó, chúng đã làm công việc chọn lọc tự nhiên để giúp cho trái táo ngày càng ngon hơn.

Theo các nhà khoa học, các cây táo ở vùng Tian Shan đã xuất hiện từ 165 triệu năm trước. Rất có thể những loài khủng long đã từng thưởng thức loại táo này trước cả Adam và Eva.


Không có nhận xét nào: