Gia Minh, biên tập viên RFA
2012-03-24
Vấn đề thu hồi đất của chừng 100 hộ giáo dân tại xứ đạo Cồn Dầu, Đà Nẵng vẫn còn dằng dai khiến cho đời sống của nhiều người trong cuộc tiếp tục bất ổn.
Photo courtesy of Nữ Vương Công Lý
Hàng trăm ngôi mộ sẽ bị Nhà cầm quyền Đà Nẵng coi là vô chủ tại nghĩa trang Cồn Dầu.
Gia Minh theo dõi và trình bày.
Khủng bố tinh thần
Một số hộ tại xứ đạo Cồn Dầu hồi trung tuần tháng ba vừa qua đã nhận được thông báo do ông chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận Cẩm Lệ, Võ Văn Thương ký. Theo chính những người nhận thông báo cho biết thì sau khi nhận được văn bản đó 15 ngày sau biện pháp cưỡng chế sẽ được thực hiện.
Ngoài ra như thông báo của linh mục chính xứ với giáo dân Cồn Dầu trong thánh lễ hồi chủ nhật ngày 11 tháng 3 vừa qua, thì chính quyền cũng yêu cầu cha xứ ký giấy bàn giao đất nghĩa trang và trước mắt sẽ tiến hành tháo giỡ Thánh Giá, bàn thờ và tường rào tại nghĩa trang giáo xứ. Nhưng rồi từ đó đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì thêm.
Trong khi đó thì hoạt động kiểm tra và đến làm việc vẫn được tiếp diễn liên tục với gia đình các giáo dân kiên quyết không nhận tiền đền bù để giao đất cho dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.
Một điểm được các giáo dân cho biết là các công an cũng như viên chức chính quyền đến làm việc từng nhà vào ban đêm. Và tại một gia đình chỉ có người mẹ và cô con gái đang học cấp ba, chuyện đến làm việc như thế khiến cho bà mẹ ngất xỉu. Người dân cho rằng đó là cách làm không ‘quang minh, chính đại’, mang tính chất khủng bố tinh thần của họ. Họ đặt vấn đề tại sao công an và các viên chức chính quyền không làm việc theo giờ hành chính mà cứ để đến tối mới đến gõ cửa từng nhà, dù rằng người dân đã ‘cửa đóng, then cài’ chặt chẽ.
Tương lai mờ mịt
Đất bao vây những gia đình còn sót lại ở giáo xứ Cồn Dầu. Photo courtesy of Nữ Vương Công Lý.
Một giáo dân nhận giấy thông báo lệnh cưỡng chế hồi trung tuần tháng ba cho biết lại nguyện vọng từ bao lâu nay của gia đình và lý do không thể rời đi. Đơn giản nhất là vì số tiền bồi thường với một mảnh đất tại khu tái định cư như hiện nay họ không thể nào có thể xây dựng lại nhà để ở.
Thứ đến, công tác tìm công ăn việc làm cho người dân khi đến khu tái định cư cũng bị ‘thả nổi’, và chắc chắn họ trở nên thất nghiệp phải đi làm thuê, làm mướn.
Thực tế của một số gia đình đã nhận tiền đền bù của dự án cho thấy nhiều người trong số họ hiện phải thuê nhà để ở với giá cao, công ăn việc làm bấp bênh, không ổn định...
Vấn đề mà những giáo dân xứ đạo Cồn Dầu còn lại cho biết đã được nêu ra với ông Võ Văn Thương, bí thư kiêm chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cẩm Lệ, nơi quản lý trực tiếp phường Hòa Xuân, địa phương có xứ đạo Cồn Dầu. Ông này đưa ra hình ảnh của khu tái định cư mới như sau:
“Bây giờ những hộ dân ở địa phương Cồn Dầu lên đó làm nhà mới rất nhiều. Trên 100 hộ đã có nhà mới, nhà ở của họ rất khang trang, cuộc sống họ đã ổn định. Nếu có dịp ông đến đó xem.
Hầu hết phần lớn những hộ trong dự án, không riêng gì bà con Cồn Dầu, sau khi giải tỏa đều có điều kiện làm nhà mới hết. Còn đối với những người có khó khăn tiền hỗ trợ đền bù, tiền đền bù thấp thì chính quyền thành phố ủng hộ thêm để đảm bảo làm nhà và cuộc sống, hầu hết đều có nhà cửa khang trang hết. Tùy hoàn cảnh của mỗi hộ có hộ nhận 10 triệu, có hộ 20 triệu, có hộ 30 triệu, 40 triệu...”
Đào tạo nghề đã có hội chợ việc làm lần thứ nhất tuyển chừng hơn 300 con em của họ đào tạo nghề làm việc vùng dự án. Sắp đến đây chúng tôi có hội chợ việc làm lần thứ hai.
Ô. Võ Văn Thương
Còn đối với ý kiến không được giúp về cơ hội công ăn, việc làm để có thể ổn định cuộc sống khi chấp nhận giao đất cho dự án để vào khu tái định cư, thì ông Võ Văn Thương giải thích:
“Đào tạo nghề đã có hội chợ việc làm lần thứ nhất tuyển chừng hơn 300 con em của họ đào tạo nghề làm việc vùng dự án. Sắp đến đây chúng tôi có hội chợ việc làm lần thứ hai. Còn dịch vụ việc làm trong dịch vụ phát triển đô thị cũng đang phát triển nên họ có cơ hội có công ăn việc làm ổn định không chỉ cho con em họ, mà bản thân họ cũng được hưởng lợi từ dự án đó.”
Qua giải thích của ông chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận Cẩm Lệ chỉ với vài Hội chợ việc làm như thế thì chắc chắn những người nông dân không có khả năng gì khác ngoài công việc đồng áng, và nhất là những người lớn tuổi nhưng đang còn sức lao động thì chắc chắn lo ngại của họ về chuyện công ăn việc làm là có cơ sở.
Người dân nhắc lại chỉ thị của thủ tướng chính phủ ra từ năm 2006 yêu cầu các tỉnh, thành phố không được tháo giỡ nhà của người dân khi những người này chưa có đất và nhà ở. Đồng thời phải ưu tiên tái định cư tại chỗ giúp bảo đảm cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất... Một nguyên tắc được nhắc đến nhiều lần là đời sống của người dân sau khi bị thu hồi đất phải khá hơn trước khi thu hồi.
Tuy vậy, thực tế ngay tại địa bàn Cồn Dầu và nhiều nơi khác, khi dự án chưa triển khai, người dân chưa được tái định cư thì việc cưỡng chế vẫn diễn ra và cuộc sống của những người buộc phải rời khỏi mảnh đất từ bao đời cư trú làm ăn trở nên vất vả khó khăn bội phần.
Theo dòng thời sự:
Cồn Dầu căng thẳng trở lại
Người dân tìm mọi cách để nói lên sự bất công
Bao giờ mới hết những vụ cưỡng chế trái luật
Hàng trăm người dân tập trung khiếu nại dự án Ecopark
Dân đâm cán bộ vì bị giải toả đất
Hàng trăm dân oan kêu cứu Quốc hội
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
In bản tin này Email bản tin này
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét