Nhan đề của bài này, “Không nên gây hấn hay nhục mạ Công An”, rất có thể làm cho nhiều người khó hiểu, không vui thậm chí phẫn nộ bởi đã có rất nhiều công an Việt Nam đã và đang hành xử rất ngang ngược, bất nhẫn, tàn bạo với dân, đặc biệt là công an lại đang là lực lượng trực tiếp gây hấn, sách nhiễu, bắt bớ, đánh đập những người đấu tranh dân chủ. Nhưng chúng ta chớ quên, công an chỉ là lực lượng tay chân, lực lượng làm công ăn lương, lực lượng chỉ đâu đánh đấy của chế độ độc tài.
Nói một cách khác công an không phải là gốc của vấn đề, công an không phải là lực lượng sinh ra chế độ độc tài. Như vậy sự tàn bạo, bất nhân, vô đạo đức hiện nay của lực lượng công an cũng chỉ là hậu quả, là nạn nhân của chế độ độc tài hiện nay. Vì thế về mặt triết lý sâu xa, lực lượng công an hiện nay cũng hoàn toàn ở cùng phía với lực lượng đang đấu tranh dân chủ - những nạn nhân của chế độ độc tài. Điều khác biệt duy nhất chỉ là lực lượng công an đang phải phục vụ những kẻ cầm quyền, bảo vệ chế độ, còn người đấu tranh khước từ sự phục vụ đó và chống lại chế độ đó. Do đó, nếu chúng ta đã xác định phải dùng phương pháp đấu tranh bất bạo động để giải thể chế độ độc tài hiện nay thì chúng ta phải làm cho lực lượng công an trở thành ủng hộ chúng ta bằng cách thức tỉnh lý trí và đánh thức trở lại lương tâm của lực lượng công an để ít nhất lực lượng công an không có tâm lý đối địch với chúng ta. Để thức tỉnh lý trí hay đánh động lương tâm của bất kỳ ai thì sự gây hấn và nhục mạ luôn là điều tối kỵ.
Đại Úy Công an PHẠM HẢI MINH đạp vào mặt
Anh NGUYỄN CHÍ ĐỨC, một người yêu nước
biểu tình chống Trung quốc xâm lược ngày
17.7.2011 tại Hà Nội
Chúng ta phải tỉnh táo nhớ rằng dù một nhân viên công an có ngang ngược, tàn bạo với bản thân ta đến mấy thì đó chỉ là do nhân viên công an đó đã được bảo lãnh, bảo kê bởi kẻ lãnh đạo độc tài hay rộng hơn là bởi cả một thể chế chính trị không dựa trên nền tảng pháp luật. Vì vậy sự đối đầu, xung đột với lực lượng công an là một sai lầm. Lập luận này có thể dễ bị nhầm với sự dung túng cái ác, mặc kệ sự tàn ác. Nhưng hoàn toàn không phải thế. Đó chỉ là nguyên tắc xác định nguyên nhân để hướng đến những hành động đúng đắn, tránh mắc phải cái bẫy của kẻ độc tài. Cái bẫy của kẻ độc tài là chúng muốn hướng hết sự phẫn uất, căm hờn vào lực lượng công an, muốn gây ra sự xung đột giữa nhân dân (người đấu tranh) với công an – để tiêu tốn sức lực của nhân dân (người đấu tranh) và biến công an và nhân dân trở thành kẻ thù của nhau. Đương nhiên kẻ hưởng lợi sẽ chỉ là kẻ độc tài.
Trước một hành vi tàn bạo hay bất chấp pháp luật của công an, chúng ta vẫn cần phải tố cáo, lên án, thậm chí phải kiện và đòi hỏi trừng phạt theo pháp luật hay chúng ta phải tự vệ trước sự hung hãn của công an để giảm thiểu thiệt hại cho bản thân. Nhưng chúng ta tuyệt đối không được tấn công trở lại công an và không nên có những hành vi, lời nói có tính gây hấn hay nhục mạ công an. Mọi sự tấn công, gây hấn với lực lượng công an sẽ chỉ làm cho công an hung hãn hơn và gắn chặt thêm với kẻ cầm quyền độc tài. Còn sự nhục mạ sẽ chỉ làm cho lực lượng công an không thể nhận ra được lẽ phải và không thể tin được vào lòng khoan dung của những người đấu tranh dân chủ. Do đó, nếu có thể và tốt nhất là chúng ta cần tận dụng mọi cơ hội, mọi trường hợp, kể cả khi bị công an sách nhiễu, đánh đập để phân tích, thông cảm, vận động lương tâm, thức tỉnh lý trí của các cá nhân công an liên đới và những đồng sự của họ về lẽ phải và nguồn gốc sâu xa của sự vụ. Chỉ có như thế những người đấu tranh dân chủ mới có thể vừa tránh được những va chạm, thù ghét cá nhân, vừa tăng cường được sức mạnh tinh thần, sự tin cậy cho bản thân nói riêng và công cuộc đấu tranh dân chủ nói chung và lại tạo ra được một sự khâm phục, thiện cảm, yêu mến ngầm trong chính lực lượng công an – những người được sinh ra từ nhân dân và được nhân dân nuôi sống. Khi đó cái bẫy xung đột giữa nhân dân-công an do kẻ cầm quyền độc tài muốn tạo ra cũng sẽ trở nên vô hiệu.
Chế độ độc tài do những người theo chủ thuyết cộng sản dựng lên tại Việt Nam hiện đang đi vào thời kỳ khánh tận. Chắc chắn lực lượng công an sẽ bị những kẻ độc tài ngoan cố sử dụng làm tên lính xung kích chống lại nhân dân, làm lá chắn che đỡ cho gia đình và thân hữu của chúng. Để hóa giải thủ đoạn này những người đấu tranh bất bạo động không còn giải pháp nào tốt hơn là phải chỉ cho lực lượng công an thấy âm mưu xảo quyệt của kẻ độc tài và tuyệt đối tránh mọi hành vi, lời nói, hành động có thể biến cuộc đấu tranh với chế độ độc tài trở thành cuộc đấu tranh, xung đột với lực lượng công an.
Công an, bọn côn đồ do công an thuê hay do chính công an thực hiện, “quần chúng tự phát” hay lực lượng dân phòng, quân đội của kẻ độc tài cũng thế. Chúng ta tuyệt đối không nên gây hấn hay nhục mạ họ.
Đứng lên bằng cách nào?
Sự kiện gia đình nông dân họ Đoàn tại Tiên Lãng, Hải Phòng, ngày 05/01/2012, đứng lên cầm súng bắn thẳng vào người của nhà nước là một dấu chỉ đậm cho thấy sự cấp thiết toàn dân phải đứng lên chống lại sự bạo ngược, phản động của nhà nước hiện hành.
Nhưng đứng lên bằng cách nào? Có cách nào huy động được toàn dân cùng đứng lên?
Chống trả bằng vũ khí nóng thô sơ như gia đình họ Đoàn vừa mới làm hay tổ chức các cuộc nổi dậy, đốt phá, uy hiếp các viên chức nhà nước như ở Thái Bình năm xưa? Có cách nào khác tốt hơn không? Chắc chắn đây đều là những câu hỏi đang xâm chiếm suy nghĩ của nhiều người Việt Nam.
Để góp một phần nhỏ vào việc giải đáp những câu hỏi ở trên và những băn khoăn tương tự, Đối Thoại xin trân trọng giới thiệu chuyên mục “Đấu tranh Bất bạo động để Cứu nước”, sẽ khởi sự từ ngày 03 tháng 03 năm 2012.
“Đấu tranh Bất bạo động để Cứu nước” sẽ cung cấp, chia sẻ với độc giả những kiến thức, quan điểm, kinh nghiệm và các nghiên cứu liên quan tới phương thức Đấu tranh Bất bạo động – một phương thức đã chứng tỏ được tính hiệu quả, ưu việt và văn minh trong sự đối đầu, bãi bỏ những thể chế độc tài lỳ lợm nhất của loài người.
Đối Thoại hy vọng sẽ nhận được thêm giúp đỡ, góp ý của độc giả, các nghiên cứu gia cho chuyên mục này và Đối Thoại xin cảm ơn trước sự tiếp tay của các trang nhà trong việc chia sẻ, truyền tải nội dung của “Đấu tranh Bất bạo động để Cứu nước” tới quảng đại quần chúng.
Trân trọng
Đối Thoại
Đấu tranh bất bạo động (1) (2) (3)
Góp Ý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét