Một bờ biển của Somalia bên bờ Ấn Độ Dương.
Reuters
Trọng Nghĩa
Nỗi ấm ức của Hải quân Liên Hiệp Châu Âu được triển khai ở Ấn Độ Dương để chống cướp biển Somalia đã bước đầu được giải tỏa. Cho đến gần đây, khi đuổi bắt hải tặc, họ không có quyền truy kích khi quân cướp thoát được về đất liền. Kể từ nay, sau quyết định được công bố hôm 23/03/2012, họ được phép tấn công vào sào huyệt của hải tặc Somalia dọc theo bờ biển.
Nhân cuộc họp tại Bruxelles hôm qua, các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua quyết định triển hạn chiến dịch chống cướp biển ngoài khơi Somalia và vùng Sừng Châu Phi cho đến tháng 12 năm 2014. Mang tên Atalanta, chiến dịch này đã được tung ra từ năm 2008, huy động từ 5 đến 10 chiến hạm và phi cơ trinh sát tuần tra ngoài khơi vịnh Aden và dọc theo bờ biển Somalia để bảo vệ các chiếc tàu buôn qua lại trên tuyến hàng hải đó.
Tuy nhiên quyết định thu hút sự chú ý của giới quan sát nhiều hơn cả lại là việc Châu Âu bật đèn xanh cho các "biện pháp mạnh mẽ hơn dọc theo vùng duyên hải Somalia" – theo như thông báo của bà Catherine Ashton, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu. Địa bàn hoạt động của hải quân Châu Âu sẽ bao gồm cả bờ biển, vùng nội thủy và hải phận quốc gia của Somalia.
Với quyết định này, kể từ nay, các chiến hạm tham gia chiến dịch Atalanta sẽ có thể « vô hiệu hóa » các cơ sở của hải tặc dọc theo bờ biển và trên các bãi biển, cụ thể là tàu thuyền, xe tải, kho bãi, đặc biệt là kho nhiên liệu. Theo một quan chức châu Âu, để thực hiện điều đó, tàu chiến hoặc phi cơ trực thăng có thể pháo kích vào các cơ sở cướp biển, trong những « điều kiện được xác định rất chặt chẽ », sao cho « không gây vạ lây » cho thường dân vô tội.
Hạn chế khác là trực thăng sẽ không được phép tấn công quá sâu vào bên trong đất liền, tức là không được vượt quá vài trăm mét tính từ bờ biển. Ngoài ra, theo Ngoại trưởng Tây Ban Nha, Jose Manuel Garcia-Margallo, « các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở trên bờ sẽ chỉ được phép khi tàu biển bị tấn công ở ngoài khơi ».
Liên Hiệp Châu Âu sẽ dành ra một ngân sách 14,9 triệu euro (gần 20 triệu đô la) để tài trợ cho các chi phí chung của chiến dịch Atalanta, còn các phí tổn liên quan đến việc triển khai tàu chiến và một lực lượng khoảng 1.400 người thuộc trách nhiệm của các quốc gia đóng góp vào chiến dịch.
Theo Liên Hiệp Châu Âu, từ ngày được khởi động đến nay, ngoài việc bảo vệ được rất nhiều tàu buôn, chiến dịch Atalanta đã cho phép bắt giữ được 117 kẻ bị tình nghi là cướp biển. Riêng trong năm 2011 vừa qua, 27 nhóm hải tặc đã bị phá vỡ.
Xóa bỏ một nghịch lý tồn tại cho đến nay
Theo giới quan sát, việc bật đèn xanh cho hải quân Châu Âu truy kích hải tặc tận đất liền là một bước tiến, vì biện pháp này cho phép xóa bỏ một nghịch lý tồn tại cho đến nay : khi chạy được vào bờ là quân cướp biển thoát nạn, không còn lo ngại gì cả.
Tình trạng đó đã tạo điều kiện cho hải tặc tung hoành, dễ dàng chuẩn bị hành sự từ vô số các căn cứ dọc theo bờ biển Somalia, và điềm nhiên trở về sào huyệt để tận hưởng chiến lợi phẩm mà không sợ bị trừng phạt. Các hang ổ hải tặc này còn có thể là nơi quân cướp biển giam giữ những người bị bắt để đòi tiền chuộc.
Có điều là khả năng tấn công hải tặc ngay trên đất liền cũng hàm chứa nhiều rủi ro, trong đó có nguy cơ gây thương tổn cho thường dân vô tội, một điều khó tránh khỏi vì sào huyệt quân cướp biển thường nằm gần các khu dân cư.
Các nghị sĩ Châu Âu thuộc đảng Xanh tại Đức đã cảnh báo Liên Hiệp Châu Âu về « một bước hướng tới việc quân sự hóa » cuộc chiến chống hải tặc. Theo các nghị sĩ này : « Có một xác suất cao là lực lượng quân sự của Liên Hiệp Châu Âu gây thương tích, thậm chí sát hại lầm thường dân ».
Một nguy cơ thứ hai là phản ứng dữ dội hơn của hải tặc, có thể « giận cá chém thớt » mà nạn nhân sẽ là những người bị bắt làm con tin. Thật vậy, cho đến nay, cướp biển Somalia thường để yên cho thủy thủ đoàn hay những người trên các chiếc tàu bị đánh cướp. Giờ đây, khi bị truy kích, họ có thể trút cơn thịnh nộ xuống đầu các con tin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét