24.3.12

Mohamed Merah, hành trình một "chiến binh Hồi giáo"





Tên sát nhân Mohamed Merah trong một đoạn video phát trên đài truyền hình France 2.
REUTERS/France 2 Television/Handout
Minh Anh
Tất cả các tờ báo Pháp hôm nay 23/03/2012, đều đưa lên trang nhất vụ đặc nhiệm Pháp đã bắn chết thủ phạm ba vụ giết người ở Toulouse và Montauban.

Trên nền bức ảnh chụp lực lượng đặc nhiệm chuẩn bị rời hiện trường, Le Figaro chạy tựa « Hoàn thành nhiệm vụ ». Tờ báo dành trang 2 và 3 lược thuật lại những sự kiện chính xẩy ra trong hơn 30 giờ bao vây hung thủ Mohamed Merah. Kẻ này mặc áo chống đạn, cố thủ trong căn hộ ở tầng trệt và đã hơn 30 lần nhả đạn vào phía lực lượng đặc nhiệm. Khi bị tấn công, Merah đã chống trả quyết liệt, nhẩy qua cửa sổ và đã bị bắn trúng đầu.

Việc lực lượng đặc nhiệm Pháp, với đầy đủ các phương tiện, đã bỏ ra hơn 30 giờ thuyết phục không được Merah và cuối cùng phải đọ súng trong vòng 5 phút, mới hạ được hung thủ, cố thủ một mình trong căn hộ ở ngay tầng trệt, cũng gây tranh luận.

Libération đưa lên trang nhất « Những vùng tối » và đặt ra một loạt câu hỏi : Ngay sau vụ Merah bắn chết một quân nhân Pháp, ngày 11/3, cuộc điều tra có được mở ra một cách nhanh chóng hay không ? Phải chăng việc truy tìm, xác định thủ phạm qua sàng lọc các địa chỉ IP của máy tính bị chậm trễ ? Hung thủ nằm trong danh sách đen của cơ quan phản gián Pháp, vì sao trong thời gian qua, nhân vật này không bị theo dõi nữa ? Vì sao không bắt sống được mà phải bắn chết hung thủ ?

Trong khi đó, Le Monde phác họa chân dung kẻ giết người với bài « Mohamed Merah, hành trình một chiến binh Hồi giáo », từ chỗ là một thanh niên sinh ra và lớn lên ở khu ngoại ô bình dân Toulouse, chỉ trong vòng có một tuần, Merah đã trở thành kẻ thù số một của nước Pháp.

Merah sinh năm 1988, bố mẹ là người Algérie, có năm anh chị em. Hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly dị, không ai quan tâm, đã biến Merah thành một kẻ trộm cắp. Lớn lên, sau hơn một chục lần bị bắt, có tiền án, tiền sự, Merah xin gia nhập quân đội không được. Sau đó Merah định xin vào lính lê dương nhưng rốt cuộc lại đổi ý.

Thất vọng, bế tắc, Merah có sang Pakistan và Afghanistan, gặp gỡ một số kẻ dụ dỗ theo thánh chiến. Thế nhưng, theo lời luật sư của Merah thì, chính trong nhà tù, việc tiếp xúc với những phạm nhân khác, đã làm cho Merah có những tư tưởng cực đoan.

Tối 20/03, trước lúc bị đặc nhiệm RAID bao vây, Merah đã tâm sự với một nhà báo của đài truyền hình France 24 rằng y có quan hệ với Al Qaeda, muốn trả thù việc nước Pháp ra luật cấm khăn trùm Hồi giáo. Bắn chết các lính Pháp là trả thù việc quân đội Pháp tham chiến tại Afghanistan. Còn việc hạ sát bốn người Do Thái, y nói là để trả thù cho các trẻ em Palestine bị giết hại.

Tại Toulouse, cuộc điều tra vẫn tiếp tục

Vẫn theo hướng này, báo La Croix có bài : «Tại Toulouse, cuộc điều tra vẫn tiếp tục », để có thể hiểu được vì sao một thanh niên trẻ ngoại ô lại có tư tưởng cực đoan, giết người một cách lạnh lùng như vậy không ghê tay.

Trong lúc bị bao vây, Merah tuyên bố là muốn chết trong tư thế tay vẫn cầm súng và tự nhận là một chiến binh Hồi giáo. Câu hỏi mà La Croix đặt ra là Merah có nằm trong một nhóm khủng bố có tổ chức, hay chỉ là con sói hoạt động đơn lẻ.

Chưởng lý Paris François Molins cho rằng Merah không thuộc một tổ chức cụ thể nào cả. Tuy nhiên, anh trai của y đã từng bị nghi ngờ có quan hệ với một nhóm Hồi giáo cực đoan ở Toulouse và tổ chức này đã bị phá vỡ năm 2006-2007. Vậy qua người anh trai, Merah có tiếp xúc với những kẻ Hồi giáo cực đoan hay không ? Ông Mathieu Guidère, chuyên gia về Hồi giáo, đại học Toulouse - Mirail nhận định là không. Đó chỉ là một kẻ trộm cắp tỉnh lẻ, tự cho mình có sứ mạng tham gia thánh chiến.

Quan sát viên nước ngoài theo dõi bầu cử tại Miến Điện

Các nước phương Tây hiện nay đang theo dõi sát tình hình bầu cử bán phần tại Miến Điện. Đây được xem như là đợt bầu cử tụ do đầu tiên kể từ sau khi quân đội nắm quyền vào năm 1962. Liên quan đến chủ đề này, báo Le Monde cho biết « sẽ có nhiều nhà quan sát viên nước ngoài theo dõi bầu cử tại Miến Điện ».

Ngày Chủ nhật 01/04 sắp đến, Miến Điện sẽ cho bầu lại 48 trong tổng số 664 ghế tại Thượng viện. Le Monde nhận định rằng, « đợt bỏ phiếu lần này sẽ chẳng làm thay đổi được ưu thế của đảng cầm quyền, nhưng đấy được xem như là một phép thử cho chính sách cải cách theo như lời cam kết của Tổng thống Thein Sein đưa ra từ một năm nay ».

Hôm thứ Tư vừa qua, 21/03/2012, chính quyền Miến Điện tuyên bố sẽ mời các quan sát viên nước ngoài bao gồm các nước Hoa Kỳ, châu Âu và chín nước thuộc khối Hiệp hội các nước Đông Nam Á mà Miến Điện cũng là thành viên, đến quan sát tiến trình bầu cử.

Le Monde cho rằng đây là lần đầu tiên chính phủ Miến Điện cho mời các quan sát viên độc lập. Trong các đợt bầu cử trước đó, chỉ có một vài quan sát viên nước ngoài là được mời đến, chẳng hạn như là Bắc Triều Tiên.

Theo Le Monde, thông báo mời quan sát viên nước ngoài là nhằm chứng tỏ rằng Miến Điện khẳng định sẽ tổ chức bầu cử tự do và không gian lận, do lần bầu cử lập pháp vào tháng 11 năm 2010 đã bị các nước trên thế giới xem như là một « trò hề ».

Le Monde cho rằng, bất chấp tiến trình mở cửa chính trị chưa từng có kể từ sau cuộc đảo chính của quân đội vào năm 1962, Miến Điện vẫn tiếp tục nằm dưới sự điều khiển của quân đội. Dù những người tham gia chính quyền đã trút bỏ quân phục để tham gia chính quyền dân sự nhưng họ vẫn chiếm đến 25% ghế trong Thượng viện.

Nga và Trung Quốc ủng hộ kế hoạch do ông Kofi Annan đề ra

Liên quan đến tình hình bất ổn tại Syria, báo Le Monde hôm nay đã nói về một tia hy vọng cho việc giải quyết khủng hoảng. Bài báo cho biết « Nga và Trung Quốc ủng hộ kế hoạch do ông Kofi Annan đề ra ».

Le Monde nhận định « đây là một đòn nặng cho Damas ». Lần đầu tiên kể từ một năm nay, Trung Quốc và Nga chống lại chế độ Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Thứ Tư 21/03/2012 vừa qua, cả 15 nước thành viên đã thông qua một tuyên bố kêu gọi Tổng thống Bachar Al Assad và phe đối lập Syria phải « thực tâm hợp tác » với đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập. Bản đề xuất này cũng kêu gọi các bên phải « áp dụng toàn bộ và ngay lập tức » kế hoạch ra khỏi khủng hoảng gồm 6 điểm do cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Kofi Annan đề xuất.

Một trong sáu nội dung đề xuất là « đề nghị chấm dứt ngay lập tức mọi hình thức bạo lực vũ trang giữa các bên » dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Theo đó, bản tuyên bố cũng đề nghị chính phủ Syria phải cho rút lực lượng an ninh ra khỏi các thành phố, đồng thời chấm dứt sử dụng các loại « vũ khí hạng nặng » trong và xung quanh khu vực đông dân cư.

Bản tuyên bố còn đề xuất một « chương trình cứu trợ nhân đạo ở tất cả những khu vực bị ảnh hưởng », yêu cầu « trả tự do cho các tù nhân bị bắt giữ tùy tiện » và một « tiến trình mở cửa chính trị do nhân dân Syria điều hành ».

Theo nhận xét của đại sứ Pháp, thì « bản tuyên bố này là bước đầu cho một hướng đi đúng ». Tuy nhiên, ông này cũng nhấn mạnh rằng « Pháp sẽ không từ bỏ ý tưởng thông qua một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an ».

Le Monde giải thích, khác với Nghị quyết, bản tuyên bố tuy không thông qua bỏ phiếu, nhưng được thông qua nhờ sự đồng thuận và như vậy sẽ không là đối tượng cho hành động phủ quyết. Đương nhiên là tác động chính trị sẽ thấp hơn nhưng với việc đạt được nhiều ý kiến ngoại giao kết hợp với sự đồng thuận của Nga và Trung Quốc thì bản đề xuất này cũng có « một trọng lượng đáng kể » đối với chính quyền Damas.

Khối BRICS vỡ vụn

« Khối Brics vỡ vụn » là nhận định của một chuyên gia kinh tế, được báo Les Echos hôm nay đăng tải. Theo ông Eric Le Boucher, tác giả bài viết thì nền kinh tế thế giới là sự phụ thuộc lẫn nhau. Khủng hoảng ảnh hưởng đến mọi nước và không một nước nào có thể thoát được việc phải thực hiện cải cách kinh tế và chính trị sâu rộng.

Trong khi các nước châu Âu còn đang vật vã trong việc giải quyết khủng hoảng thì giờ đây đến lượt các quốc gia mới trỗi dậy thuộc khối BRIC (chữ viết tắt của bốn nước Brazil, Russia - Nga, Inde - Ấn Độ và China – Trung Quốc) phải trực diện với khủng hoảng của chính mình.

Tác giả cho rằng có một sự trùng hợp không thể nào tin được đang diễn ra : khối BRIC vỡ vụn. Mặc dù, mức tăng trưởng của họ vẫn còn khiến nhiều quốc gia phải thèm muốn, nhưng vì các lý do kinh tế và chính trị, bốn nước này đang bị xáo trộn mạnh.

Trước tiên là Trung Quốc. Sự thất sủng của ông Bạc Hy Lai, nhân vật số một của tỉnh Trùng Khánh đã làm lộ rõ một sự đấu đá âm thầm ngay trong lòng Tử Cấm Thành giữa những người ủng hộ cải cách và phe chủ trương bảo thủ. Ông Eric Le Boucher cho rằng, tuy là một cuộc tranh luận ngầm, mà cho đến giờ người ta vẫn chưa hiểu rõ vấn đề chủ chốt, nhưng nó lại xảy ra vào đúng thời điểm mà Trung Quốc không còn là một quốc gia với « giá nhân công rẻ mạt » nữa.

Từ 30 năm nay, mô hình trọng xuất khẩu mà Bắc Kinh theo đuổi đã đạt nhiều hiệu quả, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc luôn ở mức 10%/năm. Nhưng giờ đây, Trung Quốc phải từ bỏ mô hình này để quay về hướng phát triển tiêu thụ nội địa.

Nhưng tác giả nhận định rằng đây sẽ là một chính sách cực kỳ nguy hiểm bởi lẽ chính quyền trung ương khó có thể mà kiểm soát được các quan chức địa phương, và Bắc Kinh ngày càng khó có thể ngăn chặn được đòi hỏi dân chủ ngày càng tăng của người dân.

Hiện tại, xuất khẩu đã bị tụt giảm khiến cho tăng trưởng giảm xuống còn có 7%/năm. Một ngưỡng tiền định, bởi vì nếu tụt xuống dưới mức này, chính phủ khó có thể chặn đứng được các yêu sách của xã hội. Trung Quốc cần phải nhanh chóng đầu tư vào các khoản chính sách xã hội như hệ thống chăm sóc y tế, quỹ hưu bổng, cùng lúc đó phải tăng năng suất lao động. Nếu như vậy, tương lai sắp đến hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, những vị lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ phải đảm nhiệm một nhiệm vụ cũng gian nan như là ông Đặng Tiểu Bình trước đây : không có gì là đảm bảo là họ sẽ đương đầu với tình hình.

Trong khi đó, tình hình ở Ấn Độ lại ngược với Trung Quốc. Nếu như người dân Trung Hoa khao khát tự do dân chủ, thì tại Ấn Độ, chính nền dân chủ lại là tác nhân của khủng hoảng. Các đảng chính trị theo chủ nghĩa dân túy trong chính phủ liên minh cầm quyền lại cản trở mọi cải cách cần thiết. Họ muốn duy trì bằng mọi giá các hình thức trợ cấp từ lương thực, giao thông, năng lượng mà theo tác giả nhận định, dù xấu hay tốt cũng bảo tồn được vấn đề an sinh xã hội. Thế nhưng, các biện pháp này lại làm nảy sinh vấn đề lạm phát và cản trở công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế đất nước. Như vậy, trong tương lai, Ấn Độ cũng giống như Trung Quốc cũng cần phải xem lại các vấn đề: thâm hụt ngân sách, chính sách bảo hộ và chính sách bảo thủ trong hệ thống tài chính.

Về phần Brazil, là nạn nhân của sự thành công của ông Lula, vị Tổng thống tiền nhiệm đã phải khó khăn tìm ra lối thoát cho khủng hoảng tiền tệ. Hậu quả là tăng trưởng giảm mạnh. Trong khi đó, lạm phát vẫn cao và Ngân hàng Trung ương phải vật vã đấu tranh để duy trì mức lãi suất cao, tạo mức hấp dẫn thu hút đầu tư vào Brazil. Bà Dilma Rousseff, Tổng thống đương nhiệm bực bội với Mỹ và Liên hiệp Châu Âu khi cho rằng các quốc gia này đang hạ giá đồng tiền của mình. Và chính các nước này cũng đã cáo buộc Trung Quốc đã cố tình đánh giá thấp đồng nhân dân tệ.

Sau cùng là nước Nga. Tác giả cho rằng ông Putin may mắn thắng cử trong một đất nước mà phe đối lập chưa được xây dựng tốt. Và đất nước sống phụ thuộc hòan toàn vào dầu hỏa. Tác giả cho rằng, liệu một ngày nào đó nếu như vàng đen không bơm lên được nữa thì lúc đó nước Nga của ông Putin sẽ bước vào giai đoạn bất ổn lớn.

Tuy nhiên, sau khi điểm qua tình hình kinh tế - chính trị của bốn nước vừa nêu trên, tác giả kết luận rằng phương Tây cũng chẳng được lợi lộc gì từ việc khối BRIC gặp khó khăn. Khủng hoảng ảnh hưởng đến mọi nước và không một nước nào có thể thoát được việc phải thực hiện cải cách kinh tế và chính trị sâu rộng.

TAGS: AL QAIDA - KHỦNG BỐ - PHÁP - XÃ HỘI - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: