25.3.12

NĂM 1956 THỦ TƯỚNG VIỆT NAM TỪNG THỪA NHẬN CÁC ĐẢO Ở NAM HẢI THUỘC TRUNG QUỐC



Trang mạng về lịch sử của Trung Quốc history.huanqiu.com
Tác giả: Tôn Lực Châu
Người dịch: Quốc Thanh
Vietsuky
Thủ tướng từng thừa nhận thành văn chủ quyền Trung Quốc, sau lại ra văn bản chính thức để lấp liếm
Việt Nam lật lọng về các đảo ở Nam Hải [i]


Năm 1933, Đan Mạch và Na Uy kiện lên Tòa án quốc tế về vấn đề chủ quyền đảo Đông Greenland, cuối cùng Đan Mạch đã thắng. Một trong những căn cứ mà Tòa án quốc tế dựa vào để đưa ra phán quyết là vào năm 1919,
Đại thần ngoại giao Na Uy từng bày tỏ với Công sứ Đan Mạch là không phản đối yêu cầu chủ quyền của Đan Mạch đối với Greenland – vụ án này thể hiện nguyên tắc “cấm phủ nhận” trong luật quốc tế. Về vấn đề tranh chấp Nam Hải suốt mấy chục năm qua giữa hai nước Trung-Việt cũng có những điểm tương tự: Trước năm 1974, bất luận là công hàm (bao gồm cả Công hàm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai), tuyên bố của chính phủ Việt Nam, hay báo chí, bản đồ chính thức của họ, cũng đều thừa nhận các quần đảo Nam Sa [ii], quần đảo Tây Sa [iii] là lãnh thổ của Trung Quốc. Nhưng sau đó, ViệtNam lại lật lọng, không chỉ trực tiếp đưa quân đến chiếm Nam Sa, mà còn chuyển sang thái độ lấp liếm.
Trước thập kỷ 70, Việt-Trung không có tranh chấp đảo

Kể từ sau ngày Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (chỉ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tức Bắc Việt), trong thời gian suốt hơn 20 năm, Việt Nam luôn ủng hộ chủ trương của Trung Quốc đối với các đảo ở Nam Hải. Ngày 15 tháng 6 năm 1956, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Ung Văn Khiêm đã trịnh trọng nói với Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Lý Chí Dân: “Theo tư liệu từ phía Việt Nam, xét về mặt lịch sử, các quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa nên thuộc về lãnh thổ Trung Quốc”. Vụ trưởng Vụ Châu Á Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Lộc có mặt tại đó cũng đã giới thiệu thêm các tư liệu từ phía Việt Nam, nêu rõ “xét về mặt lịch sử, các quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa đã thuộc về Trung Quốc ngay từ thời Tống”.
Ngày 4 tháng 9 năm 1958, chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố độ rộng lãnh hải Trung Quốc là 12 hải lí, đồng thời nói quy định này được áp dụng cho tất cả mọi vùng lãnh thổ của Trung Quốc, bao gồm cả các quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa… Về việc này, báo “Nhân dân” của Việt Nam ngày 7 tháng 9 đã đăng bài bình luận nói tuyên bố của chính phủ Trung Quốc “là hoàn toàn chính đáng”, “nhân dân Việt Nam hoàn toàn tán thành”. Ngày 14 tháng 9, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã gửi công hàm cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định này, đồng thời sẽ chỉ thị cho các cơ quan có trách nhiệm khi có những mối liên hệ trên biển và với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phải tôn trọng nghiêm chỉnh quy định độ rộng lãnh hải Trung Quốc là 12 hải lí”[iv]. Bức thư này do Đại sứ ViệtNam ở Trung Quốc Nguyễn Khang trao cho Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Cơ Bằng Phi.
Bản đồ, báo chí… Việt Nam vào cùng thời kỳ cũng coi Tây Sa,  Nam Sa là lãnh thổ Trung Quốc, chẳng hạn như “Bản đồ thế giới” do Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam vẽ năm 1960 đã chú thích “quần đảo Tây Sa (Trung Hoa)”, “quần đảo Nam Sa (Trung Quốc)”; năm 1962, báo “Nhân dân” Việt Nam có bài viết về quần đảo Tây Sa như sau:  “Ngày 9 tháng 9 năm 1962, một chiếc máy bay U-2 khác đã xâm phạm vùng trời quần đảo Tây Sa thuộc Quảng Đông Trung Quốc, bị giải phóng quân bắn hạ”. Thậm chí sách giáo khoa của Việt Nam năm 1974 vẫn còn viết: “Từ các đảo Tây Sa , Nam Sa đến đảo Hải Nam, đảo Đài Loan, nhóm đảo Bành Hồ, quần đảo Chu Sơn đã tạo thành một bức trường thành bảo vệ đại lục Trung Quốc”.
Vào trước ngày thống nhất, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy quân xâm chiếm 6 đảo ở Nam Sa

Tháng 1 năm 1974, hải quân Trung Quốc đã đánh một trận với hải quân Việt Nam, đuổi hải quân Việt Nam ra khỏi quần đảo Tây Sa. Cũng có nghĩa là kể từ khi ấy, lập trường của Bắc Việt xuất hiện sự chuyển đổi rõ, tranh chấp đảo giữa hai nước bắt đầu từ đó. Trận hải chiến Tây Sa vừa kết thúc, hãng AFP đã dẫn lời của một “người có thẩm quyền” nói, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đối với mọi quốc gia đều là “sự nghiệp thiêng liêng”, nhưng tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua đàm phán. Điều này đối lập rất rõ với thái độ trước đó của Bắc Việt. Tháng 10 cùng năm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam, Tổng biên tập báo “Nhân dân” Hoàng Tùng khi gặp các nhà báo Thái Lan đã nói: “Trung Quốc không phải là quốc gia của khu vực này, không nên có nhiều vùng biển đến thế theo tuyên bố của họ”.
Tháng 4 năm 1975, cùng với sự cận kề vĩ thanh của cuộc chiến tranh thống nhất Việt Nam, nhà lãnh đạo Bắc Việt Võ Nguyên Giáp nhanh chóng chỉ huy quân xâm chiếm Nam Sa. Theo tiết lộ từ đặc san “Về Hoàng Sa và Trường Sa” do Tạp chí “Lịch sử quân sự” thuộc Viện nghiên cứu lịch sử quân sự Bộ quốc phòng Việt Nam xuất bản năm 1988 thì vào đầu năm 1975, Bộ tư lệnh hải quân Việt Nam đã tiến hành công tác chuẩn bị “giải phóng Biển Đông và các đảo ở vùng biển Tây Biển Đông do quân ngụy chiếm giữ”. Ngày 4 tháng 4 năm 1975, Võ Nguyên Giáp đã gửi đến Quân khu 5 và Bộ tư lệnh hải quân một bức điện đặc biệt, yêu cầu nắm chắc kế hoạch tác chiến đã định, để thời cơ đến là kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa. Ngày 14 tháng 3, Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Quân địch (chỉ quân đội Nam Việt) rút khỏi đảo nào, chúng ta liền lập tức chiếm ngay lấy…”.
Trận giành đảo này diễn ra chưa được bao lâu, thì ngày 7 tháng 5, Thông tấn xã Miền Nam Việt Nam liền phát tin “đã giải phóng” quần đảo Nam Sa. Sau đó, trên các báo “Nhân dân”, “Quân đội nhân dân” của Việt Nam đã cho đăng Bản đồ toàn quốc Việt Nam theo bản đã được chỉnh sửa, nhất là ở Bản đồ Việt Nam đăng trên báo “Quân đội nhân dân” lần đầu tiên đã chú thích quần đảo Nam Sa là lãnh thổ Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam chính thức cũng đưa tin, quân đội Việt Nam“đã giải phóng 6 hòn đảo quý của tổ quốc”. Trên Bản đồ quốc gia Việt Nam xuất bản vào tháng 5 cùng năm, phía Việt Nam ngang nhiên đưa các đảo ở Nam Sa vào bản đồ của mình.
Việt Nam công bố văn bản để lấp liếm sự thay đổi lập trường

Thực ra, Trung Quốc và Việt Nam lúc này không còn là mối quan hệ “đồng chí anh em” ở thập niên 50 đã từ lâu, xung đột biên giới trên đất liền, Hoa kiều Việt Nam bị bức hại, tranh chấp vùng biển Vịnh Bắc Bộ … đã làm cho hai nước dần đi vào thế thù địch. Nhưng để bảo vệ đại cục Trung-Việt, trong bản tuyên bố công khai có liên quan, Trung Quốc vẫn tránh nhắc đến Việt Nam, mà sử dụng phương thức giao thiệp bí mật. Tháng 9 năm 1975, nhà lãnh đạo Việt Nam Lê Duẩn dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ đi thăm Trung Quốc, lần đầu tiên chính thức đưa ra yêu cầu chủ quyền đối với các đảo ở Nam Hải. Đặng Tiểu Bình giữ chức Phó thủ tướng khi ấy đã nói với Lê Duẩn, giữa hai nước có sự bất đồng về vấn đề quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa, phía Trung Quốc có đầy đủ bằng chứng để chứng minh Tây Sa và Nam Sa từ xưa đến nay là thuộc về Trung Quốc… Nhưng theo nguyên tắc giải quyết bất đồng thông qua hiệp thương hữu nghị, vấn đề này có thể để lại thảo luận sau.
Tuy nhiên, tranh chấp Trung-Việt sau này lại không ngừng nóng  lên, ngày 6 tháng 5 năm 1977, tờ “Daily Telegraph” của Anh với bài viết có tựa đề “Xung đột lợi ích của các nhà nước cộng sản ở Nam Hải” đã nói, cộng sản Hà Nội Việt Nam với sự giúp sức của Liên Xô, đã xây dựng một sân bay gọn nhẹ trên đảo Mỗ Gia Đức [v] (tức đảo Phí Tín của ta)”. Ngày 12 tháng 5, Việt Nam ra bản “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”, đặc biệt nhắc đến Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ Việt Nam.
Khoảng 1 tháng sau, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng sang thăm Trung Quốc, Phó thủ tướng Lý Tiên Niệm khi gặp mặt ông ta đã nói rõ, phía Việt Nam trước đây từng thừa nhận Nam Sa, Tây Sa là lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng từ sau năm 1974 lập trường lại bắt đầu thay đổi, nhất là năm 1975 đã thừa dịp giải phóng Miền Nam xâm chiếm mất 6 đảo thuộc Nam Sa của chúng tôi, “Liên Xô trước năm 1975 luôn thừa nhận Nam Sa, Tây Sa là lãnh thổ của Trung Quốc, sau khi các anh gây chuyện tranh chấp này, họ cũng lập tức thay đổi thái độ”. Phạm Văn Đồng biện giải: “Trong lúc kháng chiến, đương nhiên là chúng tôi phải đặt chuyện đánh đế quốc Mỹ lên cao hơn tất cả”, “về tuyên bố của chúng tôi, trong đó bao gồm cả những điều đã nói trong bức Công hàm mà tôi đã gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai, cần phải được hiểu như thế nào? Cần phải được hiểu từ hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ”. Lý Tiên Niệm vạch rõ lại luôn, cái kiểu giải thích này không thuyết phục, ứng xử với vấn đề lãnh thổ là phải nghiêm túc thận trọng, không thể nói do nhân tố chiến tranh mà lại có thể có lối giải thích khác được. Vả lại khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai, cuộc đấu tranh chống Mỹ chưa nổ ra.
Sau việc này, quan hệ Trung-Việt lại càng xấu hơn. Năm 1979, Việt Nam công bố Sách trắng, dùng một loạt những điều gọi là “chứng cứ lịch sử” để đòi công bố với thế giới chủ quyền của mình đối với Tây Sa và Nam Sa. Năm 1988, Bộ ngoại giao Việt Nam công bố văn bản thừa nhận trước đây thực tế đã công nhận chủ trương của Trung Quốc, nhưng lại lấp liếm nói, sở dĩ phải làm như vậy là xuất phát từ nhu cầu muốn được Trung Quốc ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của Việt Nam, v.v… và v.v… Ai cũng biết rằng, cuộc đấu tranh chống Mỹ của Việt Nam đến thập niên 60 của thế kỷ trước mới bắt đầu.
Bản tiếng Việt © Quốc Thanh 2012
Bản tiếng Việt © Việt sử ký 2012

Nguồn: trang mạng về lịch sử của Trung Quốc history.huanqiu.com
Tham khảo thêm:
李先念当面质问越南总理 范文同百般狡辩
Lý Tiên Niệm chất vấn ngay tại trận sự lấp liếm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
http://v.ifeng.com/news/world/201107/494df87e-e9f6-4603-be5a-d4185dbc75d3.shtml
[i] Tức Biển Đông.
[ii] Tức Trường Sa.
[iii] Tức Hoàng Sa.
[iv] Nếu đem đối chiếu phần trích dẫn này với nội dung trong Công hàm của Phạm Văn Đồng (bản chụp), thì sẽ thấy có sự sai lệch. –ND.
[v] Tức đảo Bình Nguyên (tên quốc tế: Flat Island, tên Philippines: Patag) –ND
Góp Ý

Không có nhận xét nào: