18.3.12

Những bất ổn trong ngành Than (Phần 1)



2012-03-17
Ngành than là một trong những ngành cung cấp nguyên liệu chính trong lãnh vực năng lượng ở Việt Nam. Hoàn cảnh làm việc của thợ lò và tình hình tai nạn lao động của ngành than hiện nay như thế nào?

AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam
Hình chụp mỏ than ở phía Bắc tỉnh Quảng Ninh ngày 28 tháng 10 năm 2007.
Thông tín viên Nhân Khánh có bài tường trình như sau:

Nặng nhọc, độc hại, vất vả

Than hiện nay phần lớn vẫn được khai thác theo phương pháp thủ công truyền thống, kể cả trong các khâu: khoan, nổ, đào, chống, xúc... Có 2 hình thức khai thác, khai thác than lộ thiên và khai thác hầm lò. Cực nhất có lẽ là thợ lò. Làm việc trong đường hầm rất nóng, dưới lò đi lên, thường ai nấy quần áo ướt sũng mồ hôi. Cụ thể như điều kiện lao động của thợ lò thuộc mỏ Mạo Khê ở Đông Triều, Quảng Ninh; ông Đỗ Quang Thu, Chủ tịch Công đoàn công ty này, cho chúng tôi biết rằng:
“Ở công ty chúng tôi làm, hiện nay ở độ sâu so với mực nước biển là 150m. Đi xuống giếng rồi, thì lại phải xuống sân ga ở cái mức so với mặt nước biển 100m. Phải đi bộ vào 6 cây số nữa, ở dưới đường ngầm. Rồi đến cái vị trí sản xuất. Chúng tôi hiện nay là đương làm ở mức sâu như thế. Làm 3 mức: mức -25, mức -80 và mức -150. Có chỗ là chúng tôi có dùng xe thông moong chở vào, có chỗ chưa có phương tiện xe thông moong thì công nhân phải đi bộ.”
Trong không gian làm việc chật chội, những công nhân mỏ thay nhau 3 ca một ngày. Người lao động phải trực tiếp khuân vác những chiếc cột thủy lực, xà chống rất nặng trong điều kiện tối tăm, trơn trượt.
Số vụ tai nạn lao động và số người thiệt mạng trong ngành than từng chiếm vị trí đầu bảng trong tổng số người chết do tai nạn lao động trong cả nước. Nhận xét về nghề thợ mỏ, ông Đỗ Quang Thu cho biết:
Nó là một cái nghề nặng nhọc, độc hại, vất vả. Bản chất của công việc không thể nào khác được. 
Ô. Đỗ Quang Thu
“Nó là một cái nghề nặng nhọc, độc hại, vất vả. Bản chất của công việc không thể nào khác được. Chúng tôi hiện nay nhập các thiết bị của từ Ucraina, của Ba Lan về. Nó cũng không thể cải thiện, nó vẫn quanh đi quẩn lại, cái nghề khai thác mỏ cũng chỉ có thế thôi. Không phải là nhà nước hay công ty không cải thiện điều kiện làm việc, không cải thiện điều kiện công nghệ. Vẫn là các thiết bị hiện đại ở Trung Quốc đưa về. Thế nhưng vì cái nghề làm thợ mỏ là vẫn phải cái nghề là lao động bằng cơ bắp.”
Khi nguồn than lộ thiên ngày một cạn kiệt, xu hướng chuyển dần xuống khai thác dưới các hầm lò sâu là tất yếu. Việc đưa khoa học công nghệ hiện đại vào khai thác than hầm lò cần những nỗ lực ứng dụng mạnh mẽ hơn.
Tính trong 10 năm gần đây, có gần 3 trăm công nhân khai thác lò thiệt mạng. Nếu như trong năm 2011, tai nạn lao động của ngành than có suy giảm thì từ Tết Nguyên Đán tới nay, tình hình đang diễn biến xấu đi. Cụ thể riêng trên địa bàn Quảng Ninh, đã xảy ra 6 vụ tai nạn lao động, khiến 6 công nhân ngành than thiệt mạng. Trong thực tế, thợ lò chỉ thực sự an toàn, sau khi họ đặt chân lên mặt đất. Về vấn đề này, một viên chức không muốn nêu tên ở Phòng Chính sách thuộc Cục An toàn Lao động có ý kiến rằng:
“Ngành than ở Việt Nam thì chủ yếu tập trung ở Quảng Ninh. Tỷ lệ tai nạn của ngành than là một trong những ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động. Nhưng mà theo tỷ suất, tức là số vụ tai nạn với số người chết trên một triệu tấn than khai thác ra thì Việt Nam so với các nước trên thế giới không phải là cao. Có thể so với ngay cạnh như là Trung Quốc, ta không phải là cao so với họ; chúng ta thấp hơn.
Diễn biến về ngành than, trong năm vừa rồi thì không có những vụ nghiêm trọng như những năm trước."
Cục trưởng Cục An toàn Lao động Hà Tất Thắng cũng từng phát biểu về trường hợp nhiều doanh nghiệp không báo cáo tai nạn lao động theo quy định, nên công tác thống kê gặp khó nhiều khó khăn. Trừ những vụ việc gây chết người, đa phần bị chìm trong im lặng. Chẳng hạn vào giữa tháng trước, vụ hơn 50 công nhân của Xí nghiệp than Cẩm Thành, bị ngạt khí phải nhập viện cấp cứu, đến nay chưa thấy công bố nguyên nhân.
Tuổi nghề người thợ lò ngắn, tối đa trong nghề cũng chỉ chừng 15 năm xuống lò là phải chuyển công việc khác. Vì vậy, so với mặt bằng chung, lương thợ lò mỏ than không thấp. Ông Đỗ Quang Thu cho biết cụ thể là:
“Lương thợ lò, người cao người thấp. Người nào cao nhất thì hơn chục triệu, người nào thấp thì cũng là 6, 7 triệu. Là tổng thu nhập tất cả các khoản; tiền lương, tiền thưởng, tiền nọ tiền kia. Tháng là phải 26 ngày đấy.”

Nan giải bài toán nhân lực

coal-mine-250.jpg
Các công nhân đang di chuyển than trên một chiếc thuyền cập bến tại Sông Cầu ở Bắc Ninh. AFP photo.
Những khoản lương có vẻ hậu hĩnh kia đôi khi không đảm bảo được cuộc sống của người lao động trong ngành này. Vì điều kiện làm việc thường xuyên bụi bặm, thiếu khí thở trong lò sâu khiến số người mắc bệnh bụi phổi silic, bụi phổi than chiếm đa số các loại bệnh nghề nghiệp tại Việt Nam. Do đó về tình hình tuyển dụng thợ lò, Chủ tịch Công đoàn mỏ than Mạo Khê cho biết:
“Tuyển thợ lò khó lắm, nó rất khó. Với lý do là bây giờ cuộc sống của người dân Việt Nam cũng khá lên rồi. Thứ hai là làm cái nghề thợ mỏ vất vả, cái độ rủi ro cao. Nhưng vì nền kinh tế của quốc dân, ta vẫn phải tiếp tục sản xuất than. Cho nên phải động viên công nhân, cho nên toàn ngành than hiện nay là riêng tuyển thợ lò cũng rất là, hơi hơi khó.”
Chính vì vậy, việc tuyển thợ lò đáp ứng đủ các yêu cầu đã trở thành một nỗi lo thường trực với các công ty than. Thậm chí, có nơi phải hạ mức chuẩn mới tuyển được người. Còn vài năm nữa, toàn bộ công nhân khai thác sẽ xuống các hầm lò sâu. Bài toán nhân lực và chuyển dịch lao động quả là nan giải đối với ngành than.
Với hoàn cảnh làm việc của lực lượng lao động chủ lực như vậy, quả là hoạt động của ngành than Việt Nam khó có nhiều lạc quan. Những ảnh hưởng đến môi trường trong hiện tại và tương lai của ngành than sẽ ra sao, một khi kế hoạch phát triển gắn liền với trữ lượng của bể than đồng bằng sông Hồng? Đây là nội dung sẽ được gửi đến quí thính giả trong phần trình bày tiếp theo.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: