17.3.12

Những mưu toan ngay trong lòng quyền lực Trung Quốc



Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai tại lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 03/03/2012.
Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai tại lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 03/03/2012.
REUTERS/Jason Lee

Minh Anh
Cuối cùng mọi người ai cũng biết được số phận của ông Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Hôm qua, thứ năm 15/03/2012, Tân Hoa Xã loan báo Ban Tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra quyết định cách chức ông Bạc Hy Lai. Sự kiện này đã được các báo Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm đến. Theo nhận định của các báo Pháp, ông Bạc Hy Lai là nạn nhân của một cuộc « đấu đá nội bộ ».

« Đấu đá bè phái dậy sóng ngay trong lòng Đảng Cộng sản Trung Quốc » là nhận xét của nhật báo công giáo La Croix. Tờ báo cho rằng « việc loan báo chính thức cách chức ông Bạc Hy Lai hôm qua « đã gây ra nhiều tác động », « làm dậy sóng những lời đồn thổi về một một sự tăng cường đấu đá nội bộ trong lòng Đảng cộng sản ». Nhận định về sự kiện này, tờ báo cho rằng có hai luồng ý kiến khác nhau. Một số nhà quan sát thì cho rằng đấy chính là thành quả của những người ủng hộ cải cách, mong muốn chống lại trường phái « cánh tả bảo thủ mới » mà ông Bạc Hy Lai là một trong những người đại diện rõ nét. Còn đối với một số khác, thì lại nghĩ rằng đó chẳng qua chỉ là sự trả thù từ những quan chức bị vạ lây do cuộc chiến chống tham nhũng của người đàn ông đầy quyền lực nhất tại Trùng Khánh.
Sự kiện này cũng lộ rõ là « Hệ thống chính trị Trung Quốc là một trong những hệ thống mập mờ nhất trên thế giới sau Bắc Triều Tiên. Một điều chắc chắn là sự kiện này chứng tỏ rằng vấn đề kế thừa vẫn chưa được giải quyết xong và tình thế bên trong vẫn chưa ổn định ».
Theo nhật báo kinh tế Les Echos, sự kiện này cũng giúp cho giới quan sát hiểu rõ phần nào lời kêu gọi cải cách chính trị của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đưa ra hôm thứ Tư 14/3 vừa qua. Ông cảnh báo về nguy cơ « thảm kịch lịch sử giống như thời Cách mạng Văn hóa » có thể quay trở lại. Les Echos cho rằng sai lầm của Bạc Hy Lai là đã khiến cho giới truyền thông chú ý đến mình một cách quá lộ liễu qua việc định tìm cách quay về những giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội và tìm cách đề cao những giá trị thời Mao Trạch Đông.
Nhận định này cũng được báo Le Monde đồng chia sẻ. Dưới danh nghĩa khám phá lại « những giá trị của chủ nghĩa xã hội », ông Bạc Hy Lai nuôi dưỡng một kiểu « chủ nghĩa Mao ngoại lai » : làm sống lại nhiều vở kịch lớn thời cách mạng huy hoàng và cho hát lại bài hát « Đông phương hồng » tại Trùng Khánh. Tên tuổi của ông xuất hiện hầu như khắp nơi trong làng báo chí đến mức thêu dệt thành một huyền thoại. Ông chính là người đã đáp trả được một số căn bệnh trầm kha tại Trung Quốc ngày nay : bất công ngày càng tăng, thiếu một Nhà nước pháp quyền và trống vắng về tinh thần. Nói tóm lại, một mô hình phát triển kinh tế - chính trị - xã hội công bằng nhưng dưới sự bảo hộ của nhà nước, một kiểu Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, mô hình của Bạc Hy Lai lại đối lập với mô hình « tự do » về kinh tế và chính trị của ông Uông Dương tại Quảng Đông, thành phố biển phía Nam của Trung Quốc, một trong những thành phố giàu có nhất và đông dân nhất.
Cũng liên quan đến quan điểm này, Le Figaro có cái nhìn sâu sắc hơn. Nhà bình luận Arnaud De La Grange, trong bài viết đề tựa « Những mưu toan ngay trong lòng quyền lực Trung Quốc », cho rằng bối cảnh của những vụ chạm trán đang diễn ra có thể được diễn giải theo hai khía cạnh chính : tranh giành quyền lực giữa hai phe và quan điểm nhìn về mô hình phát triển kinh tế-chính trị.
Thứ nhất là tính tập đoàn quyền lực, mà trung tâm chính là Ban Thường vụ Bộ Chính trị, gồm chín thành viên, thường được mệnh danh là « chín vị hoàng đế ». Vị trí này thường được thông qua bằng một thỏa thuận. Tác giả cho rằng, nền chính trị của Trung Quốc không hoàn toàn là một khối nguyên vẹn, mà bao gồm một bên là phe bảo thủ nhất và bên kia là phe cải tiến.
Cứ liệu thứ hai chính là vị chủ tịch sắp mãn nhiệm nhất thiết phải bảo vệ cho bằng được những vây cánh quyền lực, khi nhận thức được rằng thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc sẽ phải lãnh đạo đất nước cho một thời hạn là mười năm, tức là đến tận năm 2022. Giống như ông Giang Trạch Dân, ông Hồ Cẩm Đào cũng phải sắp đặt càng nhiều người của mình vào ngay trong vòng quyền lực cao nhất để có thể giữ được tầm ảnh hưởng.
Theo Arnaud De La Grange, vụ ông Bạc Hy Lai có thể được hiểu theo nhiều cách. Đấy vừa là một cuộc chiến giữa hai phe, một bên là Đoàn Thanh niên Cộng sản và bên kia là « những ông hoàng ». Hay cũng có thể được hiểu là một cuộc chiến giữa « mô hình Trùng Khánh », thuộc phe bảo thủ và « mô hình Ô Khảm » của những người ủng hộ cải cách.
Như vậy, trong trường hợp đầu tiên, đấy sẽ là một cuộc đọ sức của con người vì quyền lực. Trường hợp thứ hai, chính là sự đối đầu giữa hai tầm nhìn về một Trung Quốc cho tương lai.
Đấu đá nội bộ, chính là cú sốc của giới viên chức chống lại phe những ông hoàng. Nghĩa là, một bên là Đoàn Thanh niên Cộng Sản, mà lãnh tụ chính là ông Hồ Cẩm Đào. Đấy chính là những người xuất thân từ thành phần trung lưu và được thăng tiến nhờ vào tài năng. Còn phía bên kia là « những ông hoàng » trong đó có ông Tập Cận Bình, là con cháu của những quý tộc đỏ, những người có công lao to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước Trung Hoa.
Một học giả uyên thâm về Trung Quốc nhận xét, việc ông Bạc Hy Lai bị gạt ra khỏi cuộc chiến đặt ra vấn đề xem xét lại thỏa thuận đạt được hồi năm rồi, vốn được dựa trên nguyên tắc « quyền lực chia ba » : tức là, ba ghế cho Đoàn Thanh niên Cộng sản, ba ghế cho phe « ông hoàng » trong đó có Bạc Hy Lai và ba ghế cho các nhóm khác. Như vậy, vấn đề còn lại là thỏa thuận để tìm một tên khác để thay thế ông Bạc Hy Lai.
Về mặt cơ bản, đấy chính là sự đối lập giữa hai mô hình phát triển kinh tế-chính trị-xã hội giữa một bên là thành phốTrùng Khánh do Bạc Hy Lai làm đại diện và bên kia là tỉnh Quảng Đông của ông Uông Dương.
Mô hình Trùng Khánh khêu gợi lại những giá trị chủ nghĩa Mao, xác lập một chủ nghĩa quân bình và mở cửa kinh tế dưới sự kiểm soát của chính phủ. Trong khi đó, ông Uông Dương, Bí thư tỉnh Quảng Đông, người đã quản lý thành công các cuộc khủng hoảng vừa qua, nhất là vụ « Ô Khảm » lại chủ trương cần phải mạnh dạn cải cách khi cho rằng nên giảm bớt vai trò của Đảng và nới lỏng hơn xã hội dân sự.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thì vụ án Bạc Hy Lai chứng minh cho thấy « mô hình Trùng Khánh » đã bị phá sản và đã bị gạt ra ngoài cuộc chơi, nó « hé mở một hướng cải cách mới hiện đại hơn mà không quá rẽ sang trái ». Như vậy, « các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới sẽ có nhiều quyền tự do hơn để tìm kiếm một sự đồng thuận và thúc đẩy nhanh các biện pháp cải cách ».
Quân đội Syria sử dụng máy bay không người lái để chống lại phe nổi dậy
Về thời sự vùng Cận Đông, báo Le Monde vẫn tiếp tục quan tâm đến diễn biến tình hình tại Syria. Dựa trên những ghi nhận của một phóng viên Tây Ban Nha, Javier Espinosa, thuộc tờ báo El Mundo, các chuyên gia vũ khí và phe đối lập nghi ngờ « Quân đội Syria sử dụng máy bay không người lái để chống lại phe nổi dậy ».
Le Monde cho rằng có lẽ quân đội Syria đã sử dụng máy bay không người lái để hướng dẫn vụ pháo kích, tấn công vào trung tâm báo chí tạm thời của phe nổi dậy làm thiệt mạng hai nhà báo phương Tây và hai người khác bị thương nặng.
Theo Le Monde, cho đến giờ các chuyên gia vẫn chưa thể nào xác định được nguồn gốc của những chiếc máy bay không người lái này. « Chính quyền Syria đã tự sản xuất hay là mua chúng ở đâu ? Và nếu là mua thì mua của ai ?» vẫn còn là một câu hỏi đầy bí ẩn, chưa có lời giải đáp.
Tuy nhiên, cũng đã có nhiều giả thuyết được đưa ra. Theo một nguồn tin từ Israel, Syria đã tự sản xuất ra loại máy bay này, nhờ vào sự trợ giúp về mặt công nghệ của Iran, cũng là một chuyên gia trong lãnh vực này. Teheran đã sản xuất ra nhiều loại máy bay không người lái, như chiếc Mohajer-4 được quan sát trên không phận Syria, chiếc Mirsad-1 và chiếc Pahpad.
Bài báo cho rằng đây không phải là lần đầu tiên công nghệ quân sự của Iran được triển khai trong khu vực. Trước đó vài năm, người ta đã từng thấy Hezbollah đã thám thính thành công không phận phía Bắc Israel với chiếc Mirsad-1. Tiếp đến, vào năm 2005, họ còn chặn được liên lạc giữa một chiếc máy bay không người lái của Israel với căn cứ của mình. Vì vậy, rất có thể là chính các chuyên gia Iran hay Liban đã vận hành máy bay không người lái tại Syria.
Thế nhưng, báo chí Ả Rập, nhất là trên trang web của phe đối lập all4syria, lại đưa ra một giả thuyết khác là chính Nga đã giao cho Syria những chiếc máy bay này, vốn được mua từ Israel. Tuy nhiên, giả thuyết này đã bị nhiều chuyên gia phụ trách về vấn đề an ninh Cận Đông gạt bỏ. Họ cho rằng hành động này có thể làm tổn hại hình ảnh của nước Nga trên chính trường quốc tế.
Còn theo một số tờ báo Ả Rập thù nghịch với chế độ Assad, và nhất là theo nhiều chuyên gia quân sự Pháp, thì có khả năng các thiết bị này đã được mua trực tiếp từ Israel, dù rằng nước này vẫn luôn trong tình trạng chiến tranh với Syria. Nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng Israel là quốc gia chính trên thế giới chuyên sản xuất loại máy bay này.
Tuy nhiên, Le Monde cũng thắc mắc tại sao chính quyền Al Assad lại sử dụng máy bay không người lái trong khi họ sở hữu rất nhiều tiêm kích và trực thăng. Một chuyên gia nhận định rằng, rút kinh nghiệm bài học từ Kadhafi « chính việc sử dụng máy bay quân sự để chống lại thường dân đã làm dấy lên làn sóng phản ứng của quốc tế. Do đó, chính quyền Syria cần phải cẩn trọng hơn ». Về mặt chiến lược, phe nổi dậy cũng có thể hạ gục được một chiếc trực thăng chiến đấu, và như vậy sẽ để lại hậu quả khôn lường về mặt tinh thần cho quân đội.
Hạn hán bất thường tại Châu Âu
Về thời sự châu Âu, Le Monde báo động « Hạn hán bất thường tại châu Âu ». Theo bài báo, tháng Hai vừa qua là tháng khô hạn nhất tại nhiều vùng từ hơn nửa thế kỷ nay.
Tờ báo ghi nhận khô hạn mùa đông bất bình thường đã xảy ra ở Tây Âu và vùng biển Địa Trung Hải. Theo kết quả đo lượng mưa do Cơ quan dự báo thời tiết Pháp công bố cho biết tháng Hai vừa qua là tháng khô hạn nhất kể từ năm 1959. Lượng mưa đo được trên hầu hết toàn bộ lãnh thổ Pháp không đạt được một phần tư của mức trung bình đo được trong tháng hai của năm 1971 và năm 2000.
Tình hình này cũng xảy ra tương tự tại các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và miền Nam của Anh quốc, trong suốt mùa đông từ tháng 12 năm rồi cho đến hết tháng Hai năm nay. Tuy nhiên, báo Le Monde cho biết, tại một số vùng khác tình thế ngược lại hoàn toàn. Lượng mưa cao hơn mức trung bình như các vùng phía Nam của Ý và Hy Lạp.
Trung tâm dự báo thời tiết Pháp báo động nguy cơ hỏa hoạn có thể xảy ra. Hiện tại, một số khu vực thuộc Tây Ban Nha đã hứng chịu nhiều trận cháy rừng gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp và chăn nuôi.
Trong khi đó tại Pháp, khô hạn xảy ra chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, nhất là vùng Languedoc-Roussillon. Các con sông đã cạn xuống đến mức đang báo động. Theo ghi nhận của các chuyên gia khí tượng thì tại các tỉnh Perpignan, Sete và Montpellier, lượng mưa đo được trong suốt mùa đông sụt giảm xuống dưới 10mm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khô hạn lần này không nằm trong xu hướng lâu dài có liên quan đến biến đổi khí hậu.
TAGS: CHÂU Á - CHÍNH TRỊ - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: