Nhân Khánh, thông tín viên RFA
2012-03-22
Các sự cố liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2 đang khiến không chỉ mấy chục ngàn người dân mà cả chính quyền địa phương nơi có công trình đó hết sức lo ngại.
Photo courtesy of vov
Nước rò rỉ tại đập thủy điện Sông Tranh 2, Quảng Nam hôm 19-03-2012.
Sẽ ảnh hưởng 4 huyện
Dung tích hồ chứa nước của thủy điện Sông Tranh 2 thuộc vào loại lớn nhất miền Trung với sức chứa khoảng 730 triệu m3 nước, được thiết kế cao hơn vùng hạ lưu khoảng 100m. Thân đập công trình thủy điện này đang xuất hiện nhiều vết nứt. Có nhiều quan điểm trái chiều nhau trong nhận định về hiện tượng này. Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì những vết nứt trên đều ở vị trí các khe nhiệt của khối bê tông bờ đập. Hiện tượng thấm nước qua khe nhiệt bị nứt nằm trong tầm kiểm soát. Cơ quan đầu tư đã phát hiện các vết nứt, rò rỉ trên thân đập từ cuối năm ngoái.
Trước hiện tượng thân đập thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt, chúng tôi tìm hiểu qua chính quyền sở tại. Theo ông Lê Văn Tuấn, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Trà My cho biết như sau:
Nó sẽ ảnh hưởng ít nhất phải là 4 huyện: huyện Bắc Trà My, huyện Tiên Phước, huyện Hiệp Đức… và có thể ảnh hưởng một số vùng đồng bằng sẽ ngập lũ.
Ô. Lê Văn Tuấn
“Hiện nay là vì hồ mới tích nước được khoảng 1 năm nhưng mà có hiện tượng hiện tượng như thế, thì các cơ quan nhà nước ở cấp địa phương cũng lo ngại. Cho nên chúng tôi có văn bản kiến nghị các ngành chức năng, đặc biệt kiến nghị các nhà khoa học để người ta kiểm tra, xác định. Sau đó đề ra giải pháp xử lý.
Về mặt địa phương là cũng thể hiện đầy đủ trách nhiệm, cho nên không có vấn đề chi. Nói chung là các cơ quan chức năng của địa phương cùng với các nhà khoa học cũng sẽ phối hợp và hiện nay đang đi khảo sát.”
Từng biết qua các đợt động đất kèm tiếng nổ làm rung chuyển nhà cửa, đồ đạc hồi năm ngoái, nay lại chứng kiến các vết nứt bất thường trên thân đập thủy điện Sông Tranh. Một người dân vùng Bắc Trà My hết sức quan tâm đến các cơ quan chức năng trong các hoạt động nghiên cứu những bất thường ở thủy điện Sông Tranh 2 cho biết:
“Nghe nói là nghiêm trọng đó. Mấy bữa nay, mấy người ở dưới kia họ lên họ điều tra. Mấy bữa nay cũng rung miết nhưng mà nhẹ hơn hồi trước, hồi đợt đó.”
Đập chính thủy điện Sông Tranh 2 đang bị rò rỉ chảy nước, ảnh chụp hôm 19-03-2012. Courtesy bee.vn
Là người từng so sánh thủy điện Sông Tranh 2 giống như một quả bom nước, đang treo lơ lửng trên đầu người dân vùng hạ lưu, ông Chánh Văn phòng Lê Văn Tuấn đưa ra tình huống giả sử xảy ra sự cố vỡ đập Sông Tranh 2 thì nhiều vùng hạ lưu nằm dọc theo ven sông Thu Bồn sẽ bị xóa sổ là điều khó tránh khỏi. Theo ông Tuấn, cụ thể phạm vi bị ảnh hưởng sẽ gồm như sau:
“Nó sẽ ảnh hưởng ít nhất phải là 4 huyện: huyện Bắc Trà My, huyện Tiên Phước, huyện Hiệp Đức… và có thể ảnh hưởng một số vùng đồng bằng sẽ ngập lũ. Có thể sẽ ngập lụt ở vùng Tam Kỳ, Thăng Bình.”
Với câu hỏi chính quyền địa phương đã có những phương án chuẩn bị gì cho tình hướng xấu nhất là vỡ đập, chúng tôi cũng được ông Tuấn cho biết:
“Hiện nay các Bộ của cấp trung ương đang thành lập các đoàn chuyên gia đi vào khảo sát để xác định cái nguyên nhân, cũng như đưa ra giải pháp xử lý. Sau khi có kết luận đó thì mình mới xây dựng phương án mà như anh vừa đặt vấn đề.”
Chưa rõ nguyên nhân
Người ta phải đi khảo sát cách nghiêm túc, để xem thử cái nguyên nhân nào nó gây ra như vậy. Rồi bắt đầu có những biện pháp xử lý một cách rất khoa học.
GS Nguyễn Thế Hùng
Khi đề cập đến hiện tượng sao các vết nứt lại có dạng nứt kiểu chân chim với dấu vết rất mới, mà không là vệt thẳng như khe nhiệt theo ý đồ nhà thiết kế, thì ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 cũng thừa nhận chưa biết nó là cái gì cả.
Để rộng đường dư luận, thính giả Đài Á Châu Tự do có thể nghe ý kiến từ Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học thủy khí Việt Nam, Tổ trưởng bộ môn Cơ sở kỹ thuật Thủy lợi của Đại học Bách khoa Đà Nẵng như sau:
“Sông Tranh đây là đập bê tông đầm lăn. Tức là cái ruột của bê tông là nó làm mác thấp, cỡ 150-170. Trộn vữa bê tông mác thấp rồi nó lăn kỹ thuật cho nó nhanh. Ở cái vỏ, bê tông rất là cao, tối thiểu cũng phải mác 250.
Dọc theo đập, phân khoảnh ra những cái khe gọi là khe nhiệt, để khi nhiệt độ thay đổi. Nó có thể giãn tới giãn lui, khỏi gây những ứng xuất lớn trên đập để nó làm hư đập. Không biết là nó thi công không đúng chất lượng, hoặc là những trận động đất vừa rồi ảnh hưởng đến. Có thể nó làm những cái khe nhiệt rộng ra thêm. Hoặc là bản thân thi công làm cho những cái khe, những cái vật chống thấm qua cái khe nhiệt nó hư đi.
Người ta chụp ảnh đi quan sát là thấy là có nứt cái đập nữa. Trong đập bê tông, người ta tối kỵ là cho nước nó thấm qua đập.”
Những công nhân đang xử lý rò rỉ nước ở thủy điện Sông Tranh 2 hôm 19-03-2012. Photo courtesy of vov.
Vậy đâu là nguyên nhân gây ra vết nứt trên đập, hiện vẫn là câu hỏi treo lơ lửng! Nếu ý kiến chính thức cho rằng 4 trận động đất hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến kết cấu đập, nhưng trong thực tế đập vẫn nứt. Vậy có phải là do chất lượng công trình? Theo Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, vấn đề cần được giải quyết triệt để hơn:
“Vấn đề này, tôi đề xuất là cần phải có những nghiên cứu thận trọng. Tức là những chuyên gia nhiều lãnh vực về công trình, về động đất, về thấm. Người ta phải đi khảo sát cách nghiêm túc, để xem thử cái nguyên nhân nào nó gây ra như vậy. Rồi bắt đầu có những biện pháp xử lý một cách rất khoa học.
Chớ không được làm như cái tình trạng hiện nay. Họ cho công nhân khoan, rồi nhét những cái… bơm phụt những ấy… ở phía hạ lưu thì nó không có ý nghĩa gì hết.”
Xem ra cách dùng vải bạt, túi ni lông nhét vào rãnh bê tông bị nứt mà các công nhân thủy điện Sông Tranh 2 đang thực hiện chỉ là biện pháp chữa cháy thuần túy. Cách lý giải về các vết nứt trên thân đập chỉ là khe nhiệt thiết kế khó có thể thỏa đáng, vì nước đang tuôn chảy như suối qua các đoạn vỡ này. Trong lúc chờ đợi kết luận cuối cùng và cách xử lý của các cơ quan chức năng thì tâm trạng người dân địa phương Bắc Trà My quả là có nhiều băn khoăn:
“Dạ sợ, sợ bể đập. Mấy người kêu có tiền thì lo ăn hết đi, không thì chết. Đó tại vì hắn tràn ảnh hưởng tới xuống dưới Tam Kỳ luôn đó. Giống như lụt là hắn tràn hết luôn. Rứa là hắn trôi người, trôi hết nhà cửa xuống sông Thu Bồn, ra ngoài biển. Vì cái đập, hắn lớn mà.
Dạ lo chớ, ở dưới thị trấn này mà còn lo. Ở chi trên đó mà không lo.”
Xen lẫn lo âu của những người dân sống gần thủy điện Sông Tranh 2 là những bức xúc chính đáng. Họ có quyền được biết nguyên nhân và biện pháp xử lý triệt để các vết nứt trên thân đập Sông Tranh 2.
Bản tin truyền hình tối 22.03.2012
Theo dòng thời sự:
Nguyên nhân nứt đập thuỷ điện sông Tranh sắp được công bố
Chủ đầu tư nhận lỗi kỹ thuật tại thủy điện sông Tranh
Chủ đầu tư nhận lỗi kỹ thuật tại thủy điện sông Tranh
Vỡ đập thủy điện ở Lâm Đồng, 5 người thiệt mạng
Có nên xây dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A?
Các hồ thuỷ lợi tại Miền trung đã quá đầy
Thực trạng của một số công trình thủy điện
ĐB quốc hội yêu cầu ngừng xây thêm đập thủy điện
Thủy điện lấy đất rừng
Lợi hại của thủy điện Việt Nam
World Bank hỗ trợ nhà máy thủy điện cho Việt Nam
Các dự án thuỷ điện vùng cao có thể gây thiệt hại lớn
Phản đối việc xây đập thủy điện trên thượng nguồn Mêkong
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
In bản tin này Email bản tin này
Ý kiến của Bạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét