Việt-Long, RFA
Hội nghị Thượng đỉnh về Hạt nhân tại Seoul, Hàn quốc, quy tụ trên 50 nhà lãnh đạo trên khắp thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Mục đích chính của thượng đỉnh, thể hiện trong nghị trình chính thức, là xây dựng một chính sách đồng thuận trên bình diện quốc tế về vấn đề an toàn hạt nhân cho cả thế giới. Tuy đạt nhiều tiến bộ, vấn đề an toàn hạt nhân cho mọi quốc gia trên thế giới vẫn hàm chứa những mối quan ngại canh cánh bên lòng.
Một nguy cơ lớn
Vấn đề an toàn hạt nhân vẫn là một vấn đề nghiêm trọng cho cả thế giới, thể hiện trong hội nghị thượng đỉnh tại Washington hai năm về trước. Lần này tại Seoul hội nghị vẫn theo đuổi mục tiêu bảo đảm cho vũ khí hạt nhân hay vũ khí dùng vật liệu hạt nhân không lọt vào tay các tổ chức khủng bố quốc tế hay quốc gia.
Nguy cơ này rất lớn vì hiện có tới 32 quốc gia có vật liệu để chế tạo bom hạt nhân, mà các biện pháp an ninh để bảo vệ cho vật liệu đó ở nhiều nước không được bảo đảm, nghĩa là uranium cao cấp hay plutonium có thể lọt ra ngoài, vào tay quân khủng bố. Hoa Kỳ là nước thực hiện những biện pháp bảo vệ vật liệu hạt nhân kỹ lưỡng nhất, như nhiều nước công nhận. Liên Bang Nga cũng đã có nhiều nỗ lực để kho vũ khí và vật liệu chế bom hạt nhân không lọt ra ngoài, sau khi một vài vụ buôn lậu bị bắt và ngăn chặn. Tuy nhiên Liên Bang Nga có quá nhiều vũ khí và vật liệu hạt nhân chứa trong vô số những toà nhà trên khắp nước, nên nạn tham nhũng cùng quy chế an ninh của Nga vẫn là một mối lo cho thế giới.
Ngoài ra những nước bị coi là có nguy cơ vật liệu hạt nhân bị tuồn ra ngoài là những quốc gia có bom hạt nhân mà cũng có mối liên lạc nào đó với lực lượng khủng bố, hay quy trình chế tạo và bảo vệ vật liệu của họ không chặt chẽ.
Điển hình là Pakistan và Ấn Độ. Pakistan có hệ thống an ninh chặt chẽ cho số lượng vật liệu hạt nhân ít ỏi của họ, nhưng nạn tham nhũng có thể làm cho các viên chức tham tiền mà có cảm tình với phe Hồi giáo cực đoan sẽ đưa những thứ nguy hiểm đó vào tay kẻ xấu.
Ấn Độ thì luôn luôn cam kết là bảo vệ rất chặt chẽ, nhưng thực ra quy chế bảo vệ và sử dụng còn nhiều thiếu sót. Đã hai lần vật liệu phóng xạ của một nhà thương và một phòng thí nghiệm đại học ở Ấn Độ bị đem bỏ rác và bán cho tiệm buôn đồ cũ… may mà tìm lại được.
Con đường sống: hợp tác và hợp tác
Thêm vào đó Interpol cho biết đã có tới 3 ngàn trường hợp xảy ra tại 119 quốc gia trong đó vật liệu hạt nhân bị mất biến không biết đi đâu, vào tay ai và dùng làm gì.
Riêng hai nước gây sôi nổi nhất về vấn đề vũ khí hạt nhân là Iran và Bắc Hàn thì thực ra lại không bị coi là nguy hiểm, tuy rằng bị quan ngại vì chính sách phổ biến vũ khí hạt nhân. Bắc Hàn có một số plutonium để chế bom hạt nhân nhưng được bảo vệ an toàn rất chặt chẽ, trong khi Iran thì vẫn chưa chế tạo được vật liệu tinh luyện tới mức làm vũ khí hạt nhân.
Mối nguy hiểm không phải chỉ từ những nước có vũ khí hạt nhân, mà còn nằm ở chỗ một trái bom nguyên tử cỡ như trái thả xuống Hiroshima là thứ mà một tổ chức khủng bố quốc tế quy mô có thể làm được khi có đủ vật liệu.
Ngoài ra một trái bom bẩn cũng là một nguy cơ rất lớn, trong khi vật liệu hạt nhân ở những cơ sở nghiên cứu và nhà máy năng lượng của nhiều quốc gia bị coi là những nguồn kém bảo đảm an toàn nhất. Chỉ một va li đựng uranium cấp thấp, ở giữa là một trái nổ mạnh bằng TNT hay plastic, nặng chừng 50-100 kilôgram, mà cho nổ tung ở chỗ thành thị như Washington, New York, hay Bắc Kinh, Tokyo, MátX-Cơ-Va, thậm chí Sài Gòn hay Hà Nội… cũng đủ làm thiệt mạng hằng chục ngàn cho đến hằng trăm ngàn người và biến nơi đó thành chốn không người ít nhất trong cả năm bảy năm cho đến hằng chục năm trời.
Để chống nguy cơ đó, thế giới chỉ có cách duy nhất là hợp tác, hợp tác và hợp tác. Các quốc gia không phân biệt chính kiến phải hợp tác với nhau trong các kế hoạch tình báo, chia sẻ mọi thông tin về những biện pháp an toàn trong việc luân chuyển, giao nhận các vật liệu hạt nhân, kể cả những thành phần phế thải.
Interpol và các cơ quan tình báo quốc gia phải phối hợp để chặn bắt tận gốc những nguồn xuất bất hợp pháp mọi vật liệu hay nguyên liệu hạt nhân như uranium, plutonium, ở mọi cấp tinh luyện, từ dưới 1% trở lên. Người ta từng có và vẫn duy trì những kế hoạch tình báo gián điệp xâm nhập những đường giây buôn lậu vũ khí và vật liệu nguy hiểm, nay phải tăng cường thêm và tinh vi hoá hệ thống đó hầu mong chống lại những kế hoạch của những lực lượng khủng bố khát khao vật liệu hạt nhân và hoá học để giết được càng nhiều người càng tốt.
Ít nhất đã có 4 tổ chức tôn giáo cực đoan và khủng bố quốc tế, bao gồm Al-Qaeda và giáo phái tận thế Aum Shinrikyo của Nhật, từng công khai bày tỏ dã tâm thủ đắc một vũ khí nguyên tử, hạt nhân.
Gần đây một tổ chức xã hội đen ở châu Âu bị nghi là có âm mưu bán plutonium tinh luyện tới mức làm bom hạt nhân cho những kẻ khủng bố ở Bắc Phi. Viên chức tình báo quốc tế nói với hãng thông tấn AP là có 1 kilogram plutonium tinh luyện hiện nằm trong tay những kẻ ác, có thể ở một quốc gia khác. Cuộc điều tra cho thấy bằng chứng khá mới mẻ về một thị trường chợ đen của những loại vật liệu dành cho vũ khí hạt nhân, có thể được lấy ra từ một kho tàng trữ kém an ninh của một nước nào đó thuộc Liên Bang Xô Viết cũ.
Hội nghị thượng đỉnh Seoul lần này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả thế giới và nhận định vấn đề an toàn hạt nhân đã đạt nhiều tiến bộ trong hai năm qua, nhất là đã tiến bộ rất xa trong mười năm qua. Tuy vậy, tình hình thực tế cho thấy người ta chưa khắc phục được những sơ xuất đã qua, tuy có kế hoạch cho một tương lai an toàn hơn.
Một thành quả cụ thể mà Hoa Kỳ đạt được qua Thượng đỉnh An toàn Hạt nhân Seoul 2012, là ba nước hàng đầu cung cấp chất đồng vị trong y khoa là Pháp, Bỉ, Hoà Lan công bố kế hoạch giảm dần đi đến ngưng sử dụng uranium tinh chế cao cấp trong tiến trình sản xuất những chất đó, theo một thoả thuận với Washington.
Chuyện bên lề
Bên lề thượng đỉnh vấn đề Bắc Hàn cũng gây chú ý khi Tổng thống Obama kêu gọi Bình Nhưỡng đừng phóng vệ tinh. Tuy vậy chắc chắn Bắc Hàn sẽ phóng, vì Bình Nhưỡng đã vặn lại từng lời của ông Tổng thống Mỹ.
Ông Obama khuyên lãnh đạo Bắc Hàn hãy có can đảm theo đuổi hoà bình, và sự khiêu khích sẽ không được phần thưởng nào nữa, thì phát ngôn viên bộ ngoại giao Bắc Hàn trả lời rằng nhà lãnh đạo Hoa Kỳ hãy có can đảm nhìn nhận quyền phóng vệ tinh của Bắc Hàn cũng giống như các nước khác, và nếu Hoa Kỳ nói không có ý thù nghịch với Bắc Hàn thì nên bỏ cái định kiến đối đầu cản trở Bình Nhưỡng. Bắc Hàn còn nói sẽ mời quan sát viên, trong đó có cả cơ quan NASA của Hoa Kỳ.
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã đáp lại lời mời này, khi phát ngôn viên Victoria Nuland tuyên bố cơ quan NASA không thể tham dự một sự kiện trong chương trình vệ tinh gây tốn kém từ 750 đến 800 triệu đô la cho Bắc Hàn, trong khi xứ sở nghèo đói này chỉ cần 200 triệu đô la mỗi năm để tránh cho dân không những đói nghèo mà còn chết đói không được ai biết tới.
Một chuyện bên lề khác là chuyện Tổng thống Obama trò chuyện riêng với Tổng thống Medvedev trong lúc tưởng là micro đã tắt nhưng chẳng may báo chí nghe được hết. Ông Obama nói là Nga hãy thêm kiên nhẫn và chờ cho xong cuộc bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ, để sau khi đắc cử nhiệm kỳ cuối này của ông, Tổng thống Obama sẽ được linh động hơn, có thêm chỗ xoay sở trong vấn đề lá chắn hoả tiễn của Mỹ đặt tại Ba Lan và Cộng Hoà Tiệp.
Phe Cộng hoà tại Hoa Kỳ liền nắm lấy ngay câu này như một vũ khí tranh cử chống lại ông Obama. Các ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hoà nhất loạt chỉ trích ông Obama là kém trung tín với các đồng minh NATO, khi một mặt ông nói nhất quyết sẽ dựng bằng được hệ thống lá chắn hoả tiễn ở Ba Lan và Cộng Hoà Tiệp, mặt khác ông ngụ ý hứa hẹn sẽ nương tay trong vấn đề này đối với Nga. Ban tham mưu tranh cử của ứng cử viên Mitt Romney còn đặt câu hỏi: liệu ông Obama còn “linh động” tới đâu trước lời hứa chỉ tăng thuế người giàu, hạn chế công chi, giảm nợ công cho nước Mỹ, không áp đặt nền hoà bình bất lợi cho Israel…?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét