Nguyễn Trung Lương - Procontra
Tập Hồi ký của Trần Đức Thảo (1917-1993), hoàn thành vào năm 1989, được nhà nghiên cứu triết học Cù Huy Chử, người thân cận của tác giả, công bố và giới thiệu trên mạng cuối năm 2010[1]. Ông Chử gọi là “bản” Hồi ký có lẽ vì tác phẩm chỉ gồm vỏn vẹn 20 trang giấy in máy tính, nhưng theo ông thì Hồi ký có thể xem “gần như là sự tổng kết quá trình hoạt động sáng tạo khoa học của ông (Trần Đức Thảo) từ những năm 40 của thế kỷ XX đến năm 1989”.
Ông Chử còn cho biết thêm là toàn bộ nội dung của Hồi ký được chính “Trần Đức Thảo dùng làm phần mở đầu cho các tác phẩm Sự hình thành con người, Những nghiên cứu về biện chứng học và Logic sống động của thời hiện tại”, tức là những tác phẩm cuối đời ông.
Ông Chử còn cho biết thêm là toàn bộ nội dung của Hồi ký được chính “Trần Đức Thảo dùng làm phần mở đầu cho các tác phẩm Sự hình thành con người, Những nghiên cứu về biện chứng học và Logic sống động của thời hiện tại”, tức là những tác phẩm cuối đời ông.
Như mọi người biết, Trần Đức Thảo là triết gia mác-xít Việt Nam độc nhất, trong thế hệ ông, có con đường học vấn triết học thực thụ. Trước khi đến với chủ nghĩa Marx ông được đào tạo chính quy tại một trường đại học nổi tiếng tạiParisvào cuối những năm 30 và đầu những năm 40 thế kỷ trước. Trong thời gian học tập và nghiên cứu tại đây ông có cơ hội hoạt động trong một môi trường trí thức tinh hoa Pháp và có liên hệ gần gũi với nhiều triết gia có ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt triết học như Jean-Paul Sartre, Maurice Merleau-Ponty, Alexandre Kojève, những nhân vật hàng đầu của trào lưu hiện tượng học, hiện sinh luận. Trước khi về đến Việt Nam năm 1952 ông đã đạt được một uy tín học thức nhất định và đặc biệt được cảm phục bởi ông trội ra là một nhà tư duy phản biện dòng chủ lưu: Ông công kích và chấn chỉnh hiện tượng học bằng chủ nghĩa Marx.
Hơn thế nữa, trong thời gian hoạt động tại Pháp, Trần Đức Thảo đã chứng tỏ là người rất thức thời, không phải là một học giả ngồi trong tháp ngà. Những năm 1945-47 ông đã xuống đường tham gia, tổ chức và giữ một vai trò chính trong cuộc vận động chống lại chính sách thuộc địa của Pháp, ủng hộ phong trào đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam. Cuối năm 1951 ông tình nguyện rời bỏ con đường danh vọng hàn lâm đã vạch sẵn, lên đường về Việt Nam tham gia kháng chiến, một bước ngoặt đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ, một quyết định cá nhân, tất nhiên, nhưng chứa đựng không khí triết học của một thời đại, văng vẳng Luận đề về Feuerbach (thứ 11) của Marx: “Các nhà triết học chỉ diễn giải thế giới theo nhiều cách khác nhau; vấn đề là phải thay đổi thế giới”. Trần Đức Thảo đã xem quyết định của ông xuất phát từ nhu cầu: “Cần phải gắn cuộc sống với triết học”[2]. Tất nhiên Luận đề về Feuerbach của Marx hoàn toàn không có nghĩa là triết học đã đến lúc cáo chung, bởi lẽ đơn giản: Quan điểm của Marx cũng chỉ là một cách diễn giải.
Trần Đức Thảo về Việt Nam với hoài bão thực hiện “cái dự kiến của tôi từ năm 1948 là đi vào bề sâu quá trình phát sinh và phát triển của ý thức, xuất phát từ sự biện chứng của sản xuất vật chất”. Ông đánh giá dự kiến này như sau: “Sự phát sinh ý thức là cơ sở khoa học để giải đáp cụ thể ‘vấn đề cơ bản lớn của triết học’(Marx) ‘Giữa vật chất với ý thức, cái nào là cái có trước’(Lenin)”. Như trong các nhà nước xã hội chủ nghĩa toàn trị khác, tại Việt Nam triết học bị đồng hóa với chủ nghĩa Mác-Lê ,và chủ nghĩa Mác-Lê thì nằm dưới quyền quản lý chặt chẽ và thanh tra nghiêm ngặt, với cả quyền sinh tử, của Đảng Cộng sản.
Tư tưởng của Trần Đức Thảo đã được phát huy trong và qua thực tiễn xã hội chủ nghĩa Việt Nam như thế nào? Ông không có địa vị trong Đảng, thậm chí chưa “đáng” được làm đảng viên. Dưới mắt của Đảng ông hoàn toàn không có thẩm quyền tư tưởng. Đấy là hoàn cảnh chính trị ông đã lâm vào và chắc chắn là để biến hoài bão triết học của mình thành hiện thực ông phải biết nhân nhượng; đức tính cấp thiết và cập nhật của thời cuộc là nhẫn nhục. Theo tôi, đây chính là khởi điểm của con đường triết học bất hạnh của họ Trần mà ta có thể nhận ra được qua thổ lộ của ông trong Hồi ký.
Điều đáng kinh ngạc là Trần Đức Thảo, xuất xứ từ hiện tượng học, một phương pháp tư duy có tính phê phán triệt để với chủ trương bác bỏ mọi tiền kiến, đã nhanh chóng thích nghi với cách ứng xử của một tín đồ thường tình của chủ nghĩa Mác-Lê. Ông viết: “…khi về tới Việt Bắc [đầu năm 1952], tôi đã trấn an những mối lo lắng lý luận của tôi bằng cách tiếp nhận chủ nghĩa Marx theo những sự kiện biểu hiện trên thực tế, và tôi đã tự nhủ rằng tất cả các vấn đề đã được giải quyết xong cả rồi.” Theo lời của Lenin được lưu truyền lại thì chủ nghĩa Marx có thể trả lời mọi câu hỏi, kể cả những câu hỏi chưa đặt ra! Trần Đức Thảo “đã tự nhủ rằng tất cả các vấn đề đã được giải quyết xong cả rồi”(!). Trong một quan niệm triết học vừa lạc quan vừa hồn nhiên như thế thì làm sao có thể có chỗ cho những nỗi trăn trở triết học; triết học tất nhiên phải thoái vị, triết gia xuống cấp thành quản lý viên triết học.
Nhưng may mắn cho Trần Đức Thảo là “…đến năm 1956, tiếng vang của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô đã kéo tôi ra khỏi tư tưởng giáo điều“. Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, diễn ra vào đầu năm 1956, tức là ba năm sau khi Stalin mất, đã tiết lộ nhiều sai lầm, tội ác của vị lãnh tụ tối cao này của Liên Xô và của phong trào cộng sản toàn thế giới, tức là của cả Việt Nam, mà cao điểm là tội sát nhân hàng loạt! “Tư tưởng giáo điều” mà Trần Đức Thảo đã sa lầy là những công thức tư duy được Stalin quy định trong tiểu chương nổi tiếng cũng như khét tiếng Về chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử trong bộ Lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô. Khóa huấn luyện ngắn hạn, công bố năm 1938. Từ khi ra đời tiểu luận này đã thường xuyên là đối tượng hâm mộ cũng như mổ xẻ của các nhà mác-xít và chống mác-xít, tuy nhiên ta phải ghi nhận rằng đây là một kiệt tác, nhưng không phải kiệt tác triết học mà là kiệt tác tiếp thị tư tưởng. Trên khoảng 30 trang giấy in, sự phát sinh và phát triển của thiên địa vạn vật nhân sinh đã được diễn đạt cô đọng, có cơ cấu chặt chẽ với một hệ thống phạm trù nhất quán, và điều quan trọng hơn hết là mạch lạc dễ hiểu, biến chủ nghĩa Mác-Lê thành triết học thường thức, thích hợp dùng làm tài liệu chỉnh huấn cho mọi tầng lớp xã hội, không những chỉ cho tầng lớp bổ túc công nông, mà là, như trong trường hợp Trần Đức Thảo cho thấy, cho cả tầng lớp trí thức cao cấp. Trong Hồi ký Trần Đức Thảo đã gọi là “triết lý chính quy” và thú nhận rằng sự “bóp méo“ chủ nghĩa Marx này “đã được đúc thành giáo điều năm 1938”.
Tuy nhiên quan điểm của Trần Đức Thảo bao hàm một sự hiểu lầm về giáo điều. Giáo điều không phải là thuộc tính của nội dung tư tưởng mà là thuộc tính của hành vi tư tưởng. Quan điểm của Stalin, cũng như của bất kỳ ai, có thể thô thiển, máy móc, giản lược, nhưng không phải vì thế mà là giáo điều. Giáo điều là những hành vi biến quan điểm của Stalin thành tín điều. Giáo điều tức là hành vi thay thế lý trí bằng uy thế, thay thế tri thức bằng cuồng tín. Cũng từ đây mới sinh ra những thánh giáo như “chủ nghĩa Stalin”, “tư tưởng Mao Trạch Đông”, “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Chống giáo điều vì thế không có nghĩa là phê phán nội dung tư tưởng của Stalin hay Mao Trạch Đông, như Trần Đức Thảo đã lãng phí rất nhiều thời giờ và công lao thực hiện, mà là triệt để tự phán đả phá hành vi phục tùng tuyệt đối tư tưởng của các vị này. Ngắn gọn: giáo điều là phản nghĩa của khai minh.
Tất nhiên sự thỏa hiệp với lối ứng xử giáo điều là một nỗi băn khoăn thường trực đối với một triết gia như Trần Đức Thảo và ông phải luôn luôn tự đấu tranh với chính bản thân mình, cho nên ông cảm thấy nhẹ nhõm khi: “Đại hội XX đã mang lại một sự giải phóng tư tưởng và như thế là làm cho tôi có đủ tinh thần trở lại nghiên cứu triết học“. Tuy trong thời gian tiếp đó, tức là từ khoảng cuối những năm 50 và đầu những năm 60 thế kỷ trước, ông bắt tay đi vào thực hiện dự án nghiên cứu triết học của mình, nhưng ông vẫn chưa trấn an được tinh thần mình. Tâm trạng hoang mang tư tưởng còn tiếp tục kéo dài, giày vò ông dằng dai hơn 20 năm nữa! “Đến năm 1983, khi có bài của Andropov kỷ niệm 100 năm ngày mất của Marx, thì tôi tự cảm thấy được giải phóng khỏi những điều kiêng cấm của triết học của thời sùng bái cá nhân và thời đình đốn“. Ông tiếp tục: “Mãi đến năm 1985-1986 tôi mới vượt qua được những giới hạn hẹp hòi như thế, nhờ phong trào cải tổ, đổi mới trong các nước xã hội chủ nghĩa…”
Những điều thổ lộ này cho ta thấy Trần Đức Thảo một mặt là người biết thành khẩn tự phán, một mặt khác ông đã chịu tác động nặng nề của lối ứng xử giáo điều. Không có dấu hiệu gì trong tư duy của ông cho ta thấy là ông tự nỗ lực tìm đường thoát ra khỏi vòng suy nghĩ luẩn quẩn tự trói trong nội bộ mác-xít Việt Nam. Ngược lại, ông thức tỉnh nhờ tác động từ bên ngoài, của những uy thế như Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên xô, của Andropov (1914-1984), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô (1982-1984), của chính sách cải tổ, đổi mới. Trần Đức Thảo, tự mình, cảm thấy được giải phóng ra khỏi giáo điều, nhưng xét một cách khách quan thì đấy không phải là một sự giải phóng thực sự, bởi lẽ trước sau ông vẫn là kẻ đội ơn, sùng bái uy thế. Cho nên ta không còn ngạc nhiên chi nữa khi năm 1989 toàn thế giới chứng kiến sự suy tàn của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự phá sản của hệ tư tuởng Mác-Lê thì ông đơn độc hoan hỉ chào đón biến cố này là sự ra đời “một thời đại Phục hưng mới, khôi phục và phát triển tư tưởng nhân bản chân chính của các nhà kinh điển Marx-Lenin, sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học.“(!)
Rõ ràng, giấc ngủ giáo điều đã hoàn toàn làm lu mờ tính nhạy cảm của Trần tiên sinh đối với thời cuộc, vốn đã từng là động cơ thúc đẩy ông đi theo chủ nghĩa Marx. Không những thế. Thê thảm hơn cả là ông đã tự phủ định quá khứ của chính mình. Đối với quảng đại quần chúng Việt Nam, trong đó có người viết bài này, tên tuổi của Trần Đức Thảo từng gắn liền với những đóng góp của ông vàoNhân văn-Giai phẩm (1955-1958), một phong trào phản biện chế độ toàn trị có tác động lịch sử lớn với sự tham gia đông đảo của trí thức văn nghệ sĩ Miền Bắc. Sau khi bị chính quyền đập tan (1958), ông cũng như những người tham gia phong trào bị áp chế và trừng trị, nhiều người trọn đời. Nhưng tinh thần Nhân văn-Giai phẩm vẫn còn truyền lại rất sinh động đến ngày hôm nay và đã trở thành thước đo lương tâm trí thức Việt Nam. Trong Hồi ký họ Trần không hề đả động đến sự tham gia tích cực của ông vào biến cố lịch sử này!
Tất nhiên tính giáo điều không thể tách rời ra khỏi sự nghiệp triết học của Trần Đức Thảo mà là một bộ phận cấu thành tác phẩm của ông. Như đã nhắc đến ở trên, dự án triết học của ông là nghiên cứu “bề sâu quá trình phát sinh và phát triển của ý thức, xuất phát từ sự biện chứng của sản xuất vật chất”. Nghiên cứu ý thức vốn là sở trường của hiện tượng học, “xuất phát từ sự biện chứng của sản xuất vật chất” là lập luận mác-xít. Nội hàm triết học của dự án tổng hợp hiện tượng học/mác-xít này của Trần Đức Thảo là khắc phục quan điểm nhị nguyên cổ điển vật chất/tinh thần, duy vật/duy tâm mà theo ông – và trung thành với quan điểm chính thống Mác-Lê – “chỉ có thể được giải quyết theo phép biện chứng duy vật”.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học tự nhiên từ cuối thế kỷ thứ 19 đến nay là hậu thuẫn hỗ trợ lập trường duy vật. Đặc biệt những thành tựu đạt được trên lãnh vực sinh học, thần kinh học, tâm lý học phát triển, và sự tiếp nhận và công nhận phổ quát thuyết tiến hóa đã khích lệ một số trường phái triết học duy vật/duy khoa học quy giảm vấn đề vật chất/tinh thần, vốn là siêu hình, thành vấn đề khoa học duy nghiệm thực chứng về quan hệ giữa trạng thái thần kinh và trạng thái tinh thần, giữa trạng thái óc não và trạng thái ý thức. Từ những năm 60 thế kỷ trước quan điểm này cũng là cơ sở lập luận của trào lưu triết học tinh thần (Philosophy of Mind), một khuynh hướng tư duy rất cập nhật đang phát huy ảnh hưởng, đặc biệt trong khu vực Anh Mỹ. Điểm khởi hành của Trần Đức Thảo cũng tương tự: Ông sử dụng thành tựu khoa học và tiến hóa luận để xác minh quá trình “thiên nhiên, vật chất sinh ra ý thức, tâm thần.”
Tuy nhiên ở đây có sự khác biệt cơ bản: Vấn đề triết học “hóc búa” trong liên quan này là tính ý hướng (Intentionalität) của tinh thần và tính chủ thể/chủ định (Subjektivität) của ý thức; cả hai được khai triển trong hiện tượng học, được xem như là bất khả quy giảm và qua đó là chướng ngại vật mà mọi trường phái duy vật phải khắc phục. Chúng cũng chính là chủ đề nghị luận trong triết học tinh thần (Philosophy of Mind). Trần Đức Thảo đã tránh né vấn đề này qua việc biến dự án khảo cứu triết học của ông thành một dự án khảo cứu tổng kết thành tựu khoa học trên cơ sở phương pháp duy nghiệm. Trong phần triết học còn lại thì ông lập luận bằng phép biện chứng. Ta phải ghi nhận ngay rằng những kết luận của Trần Đức Thảo thiếu tính thuyết phục bởi lẽ ông lập luận – ngược với tính kiểm chứng nghiêm túc của phương pháp duy nghiệm – trên cơ sở võ đoán, mạo danh là biện chứng, đặc biệt rất phiền toái là khi ông võ đoán định lượng của “năng lượng thần kinh” để biện hộ cho sự hình thành “năng lượng tinh thần” từ vật chất. Như trong truyền thống mác-xít đã lỗi thời, được truyền lại từ thời Engels, ông xem biện chứng như là quy luật tự nhiên độc lập với ý thức, và ông thường dựa vào những “công thức biện chứng” để lập luận. Có lẽ cũng cần nhắc lại là động cơ khai triển biện chứng luận vốn không phải là nhu cầu đòi hỏi một công cụ nhận thức chính xác mà là một phương pháp áp cận thực tại nhân sinh sinh động bị tư duy hình thức nắm bắt bởi một hệ thống phạm trù cứng đờ, bất di bất dịch. Tư duy biện chứng như thế vốn là phương pháp chống lối tư duy công thức, kể cả “công thức biện chứng”. Cũng không có chi đáng ngạc nhiên là Trần Đức Thảo đã phát hiện ra trong “chiều sâu của ý thức” lắng đọng “tính tập đoàn, tính giai cấp, tính dân tộc, tính người ngày nay”(!). Tóm lại, kết quả khảo cứu của họ Trần ta đã nghe đi nghe lại tự đâu rồi!
Một số học giả có uy tín trong nước đã xem “Trần Đức Thảo là nhà triết học lớn của thế kỷ” (Huy Cận); “Trần Đức Thảo là nhà triết học lỗi lạc của Việt Nam và của thế giới” (Vũ Khiêu); “Việt Nam chỉ có một nhà triết học duy nhất là giáo sư Trần Đức Thảo” (Trần Văn Giàu). Hai nhà nghiên cứu triết học Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà, trong những bài viết công bố gần đây, đã gọi Trần Đức Thảo là nhà sáng lập “chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản”[3]. Nhà nghiên cứu (ở ngoài nước) Phạm Trọng Luật cũng “chắc chắn rằng ông đã có tầm vóc ít nhất ngang bằng với các triết gia… như György Lukács, Maurice Merleau-Ponty, Lucien Goldmann…”[4]. Theo tôi những lời phán thân thiện này không có cơ sở hiện thực, và chắc chắn không được chứng thực bởi Hồi ký, hơn nữa, có phần không công bằng đối với công lao của bao nhiêu học giả khác trong sự nghiệp khơi nguồn cho tư duy triết học Việt Nam, đặc biệt tại Miền Nam trong giai đoạn 1954-1975[5].
Để minh họa chức năng của triết học, nhà triết học và xã hội học Đức Georg Simmel (1858-1918) thường hay kể giai thoại này: “Trước khi qua đời một nông dân nói với mấy đứa con là ông có chôn cất một bảo vật trong thửa đất ông để lại. Mừng quá các con ông liền thi nhau đào xới mảnh đất; họ cứ đào đi xới lại từng phân từng tấc nhưng chẳng tìm thấy bảo vật đâu cả. Một năm sau mảnh đất trở nên phì nhiêu, hoa quả được mùa gấp bội so với những năm trước.”[6] Quả thực, bảo vật mà Plato hay Aristoteles, Descartes hay Hume, Kant hay Hegel để lại cho đời chính là những mảnh đất tư duy màu mỡ phì nhiêu, dinh dưỡng bởi những nỗi trăn trở triết học, chớ đâu có phải là chân lý này hay chân lý nọ. Cho nên việc tìm được chân lý hẳn không phải là điều may mà là điều họa cho triết học: Mảnh đất tư duy trở nên cằn cỗi.
Ai tò mò muốn tìm hiểu nỗi trăn trở triết học của Trần Đức Thảo trong Hồi ký sẽ chỉ tìm thấy những lời phân trần của một quản gia triết học.
Bài đăng ngày 09.3.2012
© 2012 pro&contra
___________
[1] Trần Đức Thảo: Hồi ký. Trên mạng: http://www.viet-studies.info/TDThao/HoiKy_TDThao.htm
[2] Trần Đức Thảo: Tiểu sử tự thuật. Trên mạng: http://www.viet-studies.info/TDThao/TranDucThao_TieuSuTuThuat.htm
[3] Cù Huy Chử/ Cù Huy Song Hà: “Giáo sư Trần Đức Thảo – Nhà trí thức yêu nước, nhà triết học lỗi lạc, người sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản”. Trên mạng: http://www.viet-studies.info/TDThao/CuHuyChu_TranDucThao_TieuSu.htm
[4] Phạm Trọng Luật: “Triết lý của Trần Đức Thảo đã đi đến đâu?” Trên mạng:http://www.viet-studies.info/TDThao/TDThao_PTLuat.htm
[5] Trịnh Nữ: “Phê bình hiện tượng học ở Việt Nam”. Trên mạng:http://www.tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p7/c98/n9830/PHE-BINH-HIEN-TUONG-HOC-O-VIET-NAM.html
[6] Georg Simmel: Philosophische Kultur (Văn hóa triết lý). Wagenbach (Nxb Wagenbach), Berlin 1983, trang 23.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét