Nguyễn Minh Cần (Danlambao) - Phe đối lập gọi cuộc bầu cử tổng thống Nga là “trò hề”. Vì sao? Vì cuộc bầu cử không công bằng, không trung thực! Vì thế người được “bầu” lên trong cuộc bầu cử đó không thể coi là chính thống được! Cuộc bầu cử không công bằng, không trung thực, vì thủ tướng-ứng viên tổng thống – thông qua bộ máy bầu cử do tay sai của ông là Churov cầm đầu – đã loại bỏ các đối thủ có khả năng cạnh tranh với ông ra khỏi danh sách ứng viên, đáng chú nhất là ông Yavlinski, người đứng đầu đảng dân chủ liberal “Yabloko”.
Không công bằng, vì ông thủ tướng đương quyền dùng toàn bộ ưu thế hành chính của ông và tiền của nhà nước để phục vụ cho cuộc vận động bầu ông; vì đảng của ông huy động các cơ quan công sở nhà nước, đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là đài truyền thanh, truyền hình trung ương có khả năng phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Nga chỉ để quảng cáo cho ông, còn các ứng viên khác không được hưởng những điều kiện đó. Trong mấy buổi tranh luận của các ứng viên, thủ tướng-ứng viên tổng thống không chịu đích thân đến dự, viện cớ là bận việc nhà nước, cử người khác đi thay, nên những cuộc đó trở thành trò diễn nhạt nhẽo, vô vị. Có nhà báo hỏi: ông thủ tướng-ứng viên bảo là ông bận, nhưng sao ông lại có thì giờ lặn xuống biển Đen để mò được cái bình hai quai cổ vật lên để khoe, và sau đó hóa ra là... chuyện làm trò cười cho thiên hạ?
Cuộc bầu cử không trung thực, vì “người ta” đã dùng biết bao cách gian lận trắng trợn để thực hiện cho được ý muốn của thủ tướng-ứng viên là ông ta phải “thắng” ngay trong vòng đầu. Ngày 4.3, người viết bài này theo dõi tin tức từ trung tâm thu nhận báo cáo của các quan sát viên ở các khu vực bầu cử (đây là một tổ chức phi chính phủ không vụ lợi) thì có thể xác nhận kết luận của tổ chức theo dõi bầu cử là đã có hàng nghìn vụ gian lận. Có vài vụ nghiêm trọng đến mức trưởng ban bầu cử ở khu vực bỏ phiếu phải xác nhận và chịu ký biên bản để cấp trên coi việc bỏ phiếu ở khu vực đó là không có giá trị.
Đu quay, trò chơi trẻ con, trong tay tên bợm
Sau đây là những kiểu gian lận đã được “người ta” dùng đến. Kiểu thứ nhất mà người Nga gọi là "karusel" (đu quay) – nghĩa là “người ta” dùng giấy chứng nhận cho hàng loạt “cử tri” (đã được chọn) rút tên khỏi danh sách cử tri ở địa phương để đưa đi bỏ phiếu ở nơi khác, đặc biệt là về Moskva, nơi vị thế của ông Putin suy yếu. Hôm 4.3, quan sát viên cho biết có 100 xe buýt chở đầy người đưa từ các nơi khác về đậu ở quảng trường Bolotnaya tại Moskva, ở đây có cảnh sát canh gác chung quanh. Theo dõi biển số của các xe, quan sát viên biết rõ xe từ những nơi nào đến, trên mỗi xe có 50 người (tổng số người trong các xe đó khoảng 5000 người). Các xe buýt chia nhau đưa các “cử tri” đó đến các khu vực bầu cử (cố nhiên, người trưởng ban bầu cử ở đấy phải là người tin cậy của đảng cầm quyền) đăng ký tên, lĩnh phiếu và bỏ vào thùng. Xong rồi, xe buýt lại chở cũng những “cử tri” đó đến các khu vực bầu cử khác bỏ phiếu, rồi lại đến khu vực khác nữa, cứ quay vòng như vậy nên gọi là "đu quay". Cứ tưởng tượng trong ngày bầu cử 4.3, “người ta” có thể gian lận biết bao nhiêu lá phiếu bầu ?! Theo nhận xét của tổ chức “Công dân quan sát viên” thì kiểu gian lận "karusel" là phổ biến nhất ở Moskva, đặc biệt nghiêm trọng ở hai quận Nam Tushino và Stroghino.
Ở nhiều nơi không có quan sát viên, như trong quân đội, cảnh sát, bộ đội đặc nhiệm, nhà tù, cũng như ở các nước cộng hòa dân tộc, như vùng Caucasia, ở vùng nông thôn xa xôi... thì “người ta” muốn làm gì mà chẳng được ! Nực cười nhất là ở Chechnya, nơi mà ông Putin đã từng đem quân đánh dẹp cái gọi là quân “khủng bố”, nơi đã diễn ra hàng nghìn trận càn quét, vây ráp gây biết bao đau thương cho người dân địa phương, hàng nghìn thanh niên vô tội bị bắt, rồi mất tích... không bao giờ trở về nhà, lòng dân ở vùng đó như thế nào tưởng cũng dễ đoán được, vậy mà... trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 12 năm ngoái cũng như cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi, tỷ lệ cử tri đi bầu là... 99,96% và 99,98%, còn tỷ lệ bỏ phiếu cho đảng cầm quyền vào Quốc hội là... 99,94%, cho ông Putin làm tổng thống là... 99,95%. Thử hỏi, có ai tin được con số đó không?
Một cách gian lận nữa là “người ta” bỏ thêm phiếu vào các hòm phiếu lưu động đưa đến các vùng biên địa xa xôi, đến các tàu biển ra khơi được bỏ phiếu từ mười ngày hay nửa tháng trước, hoặc đưa đến nhà cho người già, người khuyết tật bỏ phiếu trong ngày bầu cử... Lối gian lận này thì chẳng ai kiểm soát được cả! Đó là nói một vài lối gian lận mà người Nga gọi là “gian lận ban ngày”, còn lối “gian lận ban đêm” nữa thì mới thật khó gay go cho quan sát viên: đêm 4.3, sau khi đã kiểm phiếu xong, đã làm biên bản, ký tên đóng dấu hẳn hoi rồi, nhưng người trưởng ban bầu cử của đảng cầm quyền cũng có thể... chữa lại con số! Điều này về nguyên tắc quan sát viên có thể phát hiện được, nhưng mà cực kỳ khó.
Chính vì có nhiều sự gian lận trắng trợn như vậy nên phe đối lập không thể tin cái tỷ lệ 63, 6 % là sự thật! Alexei Navalny, nhà đấu tranh chống tham nhũng nổi tiếng đã nói với phóng viên BBC:“Sự gian lận diễn ra trên quy mô lớn. Vladimir Putin không thắng trong cuộc bầu cử. Ông ta đã tự cử mình làm tổng thống”. Vladimir Ryzhkov cũng nói: “Sự gian lận rất nhiều... Ở khu bầu cử 3182 ở gần khách sạn trong vùng chợ radio Mitinski, địa chỉ Pyatniskoe shosse, 18, các quan sát viên phát hiện nhiều vi phạm trắng trợn, đòi phải tuyên bố coi cuộc bỏ phiếu ở khu 3182 là không có giá trị”...
Có một người bạn ở Pháp viết thư cho chúng tôi nêu ra thắc mắc của chị “... mình không thể nói có sự gian lận trong cuộc bầu cử này với hệ thống caméra kiểm soát như thế!” Chúng tôi có trình bày với chị rằng ở Pháp chắc là camera có thể kiểm soát được, chứ ở Nga dưới chế độ toàn trị thì việc đặt camera chỉ để đánh lừa dân mà thôi: camera quay đâu tùy “người ta” (nhiều quan sát viên cho biết camera quay những chỗ không cần mà nơi đáng quay thì không hướng đến), nó làm việc lúc nào, nghỉ lúc nào tùy “người ta” (nhiều quan sát viên báo cáo có nơi định giờ cho máy nghỉ rồi kéo dài giờ nghỉ, khi quay khi nghỉ...), quay xong, nếu có điều gì "không tốt" “người ta” có thể xóa, v.v... Camera nằm trong tay “người ta” cơ mà ! Khi Putin tuyên bố sẽ đặt camera ở tất cả các nơi bỏ phiếu, phe đối lập liền báo ngay đó là thủ đoạn lừa dân. Và sự thật đã diễn ra đúng như vậy.
Hôm nay (7.3), “Liên đoàn cử tri” ra tuyên bố: cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã làm mất uy tín các thể chế chính quyền nhà nước và không thể nào công nhận là chính thống được. “Trong tình hình có những vi phạm trên quy mô rộng lớn, Liên đoàn không thể công nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Nga 2012”... Liên đoàn “lấy làm tiếc phải xác nhận rằng ngày 4.3, xã hội dân sự Nga đã bị lăng nhục, các thể chế tổng thống Nga, hệ thống bầu cử Nga và nói chung toàn bộ chính quyền nhà nước Nga đã bị mất uy tín” (dịch từ nguyên văn).
Hai thủ đô nước Nga đang tuột khỏi bàn tay ông Putin
Nhà vô địch thế giới về môn cờ vua, Garry Kasparov, vừa đưa ra một bài báo với tựa đề “Một lần nữa về những con số”. Theo ông, toàn bộ ưu thế hành chính được sử dụng một cách công nhiên cốt để “bơm” cái kết quả mà Kremli đã muốn. Cái tỷ lệ 63,6% mà Churov đưa ra phải biểu dương được sự ủng hộ cao nhất đối với Putin và phá vỡ niềm tin vào thắng lợi của những ai mong muốn sự đổi thay ở nước Nga. Theo Kasparov, dù với chiếc đũa thần, Churov cũng không giúp cho Putin vượt qua được con số 50% ở thủ đô! Việc ủy ban bầu cử Nga chính thức công bố con số 47% ở Moskva, mặc dù đã dùng đủ kiểu gian lận nói lên nhiều điều.
Trước ngày bầu cử, Moskva “Nối vòng tay lớn” trên đường dài 16 km với 35 nghìn người đeo dải băng trắng biểu thị ý chí làm trong sạch nước Nga – 26.2.2012
Nối vòng tay lớn – Vòng đai trắng quanh điện Kremli – ngày 26.2.2012
Vòng đai trắng quanh điện Kremli – ngày 26.2.2012
Kasparov kể rằng ông ngồi ở khu vực 165, ở đấy khi tổng kết thì Putin được 32,65%, còn Prokhorov thì vượt lên trên Putin một tí. Ở khu vực 1232 ở Sokolniki, Putin được 43,61%, còn Prokhorov 22,56%, nhưng ở đây có một đoàn “cử tri” 160 người ngoài danh sách bầu cử đến bỏ phiếu, luật sư của Kasparov đã làm đơn kiện về tình hình này nhưng chẳng ai trả lời gì cả. Nếu trừ 160 người này ra thì kết quả ở đây sẽ là: Putin 37,8%, còn Prokhorov 27%. Kasparov dẫn chứng báo cáo của những quan sát viên khác: Yulia Latynaya, ở khu vực chị quan sát ở Moskva, Putin được khoảng 34%, thua Prokhorov; ở khu vực Boris Nemtsov quan sát, Putin được 38,29%, nhưng ở đây trong số 898 phiếu thì lại có 116 phiếu do đám người có tổ chức thuộc đoàn thanh niên thân Putin “Nashi” (Những người của chúng ta) đến bỏ phiếu; nếu trừ số phiếu này ra thì Putin được dưới 30%, kém thua Prokhorov. Cũng có nơi ở Moskva, Putin được trên 40%, nhưng theo nhận xét của Kasparov, tính trung bình ở Moskva, Putin không thể được trên 35%.
Phân tích kết quả cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi, chúng tôi thấy rõ rằng cư dân các đô thị, nhất là hai thủ đô Moskva và St.Petersburg, có tinh thần phản đối chế độ Putin mạnh nhất. Sự chống đối đó có thể có nhiều nguyên nhân, cả về ý thức chính trị, cả về kinh tế, cả về văn hóa. Dân các đô thị, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, được tiếp cận văn minh của thế giới, họ cảm thấy ngột ngạt, tù túng trong cái chế độc đoán toàn trị của Putin, do đó lòng khao khát tự do, dân chủ ngày càng mạnh, ý thức chính trị càng sâu sắc hơn. Vả lại, về mặt kinh tế, tầng lớp trung lưu cảm thấy mình độc lập, không phụ thuộc vào đồng lương nhà nước, mà lại thấy bộ máy nhà nước quan liêu, tham nhũng nặng nề, cản trở việc kinh doanh của họ, ngăn cản con đường tiến lên của họ, chính vì thế họ càng ngày càng chán ghét chế độ quan liêu, tham nhũng và vô pháp luật đang đè nặng trên họ. Về văn hóa thì khi tiếp cận dễ dàng với nền văn minh thế giới, trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, càng thôi thúc họ đòi hỏi một sự thay đổi rõ rệt của hệ thống chính trị.
Vì thế, nếu quan sát kỹ tình hình của nước Nga rộng lớn mênh mông, trải dài từ bờ Thái bình dương đế bờ Đại Tây dương, ta cảm thấy dường như có một sự phân liệt nào đó trong nước Nga giữa cư dân các đô thị - họ bỏ phiếu cho sự thay đổi, họ chống Putin và chế độ toàn trị - và bộ phận còn lại của đất nước hình như còn chưa tỉnh thức hẳn. Chúng tôi nghĩ rằng, ở đây chính là điểm bắt đầu của sự biến đổi chính trị ở nước Nga. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy: những biến đổi tiến bộ bao giờ cũng bắt đầu từ các đô thị, sau đó lan dần ra các vùng phụ cận, rồi đến các vùng xa xôi. Hiện nay, tình hình này rõ nét nhất ở Moskva, St. Petersburg và các thành phố lớn khác. Sở dĩ chúng tôi nói nhiều về kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở Moskva, chính là để thấy hai thủ đô Moskva và St. Petersburg đang tuột dần khỏi bàn tay của ông Putin. Và có nhà bình luận Nga viết một bài báo với tựa đề mỉa mai: “Tổng thống không có thủ đô”. Câu đó cũng phán ánh một phần sự thật mà chính bản thân người viết đã có nhiều lần chứng nghiệm: những người quen biết khi nói chuyện thân tình, họ thú thật là khi thấy mặt hay nghe giọng nói ông Putin trên màn hình thì họ chuyển ngay sang kênh khác hoặc tắt máy để không nghe, không thấy con người mà họ không ưa. Mà hình của ông Putin thì xuất hiện hàng ngày trên kênh nhà nước đến hàng chục lần làm người ta phát ngấy! Ngày càng có nhiều chuyện tiếu lâm chế giễu ông ta lan truyền trong dân gian, không ít hơn dưới thời ông Brezhnev trị vì. Cố nhiên, chung quanh ông, đám nịnh thần vẫn rất đông, họ quấn quít, xun xoe, nịnh nọt, tâng bốc ông để kiếm lợi lộc, nhưng trước mắt người dân thủ đô, bộ mặt, tiếng nói của ông không còn có sức hấp dẫn nữa. Làm tổng thống sống và làm việc ở thủ đô của đất nước mà đa số cư dân nơi đó lại thờ ơ, lạnh nhạt với mình thì chẳng khác gì “người lạ” sống ở thủ đô một nước nào đấy!
Biểu tình ngày 5.3.2012 với khẩu hiệu “Putin hãy ra đi!”
Phản ứng của xã hội dân sự
Cũng chính vì thấy cuộc bầu cử gian lận, không trung thực, không công bằng, nên nhân dân ở Moskva, St. Petersburg... nổi giận. Ngay sau ngày bầu cử người ta đã xuống đường mit tinh, biểu tình rầm rộ trên quảng trường Pushkin ở Moskva và trên quảng trường Isaakievskaya ở St. Petersburg. Trong cuộc mít tinh ở Moskva mọi người đã nhất trí thông qua quyết nghị: 1. Nhận định cuộc bầu cử không công bằng, không trung thực, có nhiều gian lận, nên tổng thống được bầu không có tính chính thống; 2. Đòi cải cách chính trị, gồm có việc a) bỏ kiểm duyệt, b) khôi phục lại việc bầu cử thị trưởng Moskva và các tỉnh trưởng, c) đăng ký các đảng đối lập, d) khôi phục lại việc bầu cử theo các khu được bầu một dân biểu, e) phải có tranh luận công khai giữa các ứng viên; 3. Sau khi thực hiện những điều nói trên thì bầu lại Quốc hội và tổng thống.
Cảnh sát và quân đặc nhiệm vây quanh cuộc mít tinh ngày 5.3.2012
Hàng trăm quân Bộ đội nội địa đứng canh giữ Moskva – ngày 5.3.2012
Cảnh sát dồn những người biểu tình còn nán lại ở bể vòi phun nước – ngày 5.3.2012
Quân đặc nhiệm xông vào đàn áp hung bạo những người tay không – ngày 5.3.2012
Quân đặc nhiệm lôi người ra khỏi chỗ vòi phun nước – ngày 5.3.2012
Tiếp tục lôi kéo người ra khỏi bể vòi phun nước – ngày 5.3.2012
Bắt bớ người biểu tình – ngày 5.3.2012
Bắt bớ, đánh đập người biểu tình tay không – ngày 5.3.2012
Bắt anh Navalny – ngày 5.3.2012
Kéo lê người biểu tình – ngày 5.3.2012
Bắt phóng viên báo Moskovskie novostu – ngày 5.3.2012
Ngay sau đó đân chúng vẫn kéo nhau đi trên đường phố - ngày 5.3.2012
Vẫn reo hò, chẳng sợ ai – ngày 5.3.2012
Sau đó, cuộc mít tinh giải tán, nhưng có khoảng ba nghìn người (trong tổng số chừng 25 nghìn người tham dự mít tinh) còn nán lại để gặp vị dân biểu Quốc hội Ilya Ponomarev thuộc đảng “Nước Nga công bằng” (điều này hoàn toàn hợp pháp), thế mà “cấp trên” xuống lệnh (hôm nay, 7.2., phát ngôn viên của cảnh sát chối rằng không biết ai đã ra lệnh này ?!) cho quân đặc nhiệm xông vào đánh đập, bắt gần 200 người trong đó có các anh Udaltsov, Yashin, Navalny. Trận đàn áp rất hung bạo đến nỗi bà Alena Popova, một doanh nhân, trợ lý của dân biểu Quốc hội Ponomarev, bị đánh gãy tay và một vài người nữa bị thương phải đưa vào bệnh viện, trong số đó có hai nhà báo – một chị ở tờ “Kommersant” bị đánh gậy vào đầu và một anh ở tờ “Moskovski novosti”. Sáng 6.3, nhiều người đã được trả tự do nhưng một số sẽ bị tòa án xét xử. Các nạn nhân đã đưa đơn kiện. Ở St. Petersburg, trận đàn áp cũng rất ác liệt, 270 người bị bắt, bị đánh chỉ vì hô khẩu hiệu “Nước Nga không có Putin”; đến hôm nay (7.3.2012) vẫn còn 10 người bị giam! Đây là những tín hiệu đáng ngại, chứng tỏ ông tổng thống sắp nhậm chức sẽ dùng “bàn tay sắt” để cai trị dân!
Nhưng phe đối lập không nao núng, họ quyết định ngày 10.3 lại mít tinh, biểu tình, diễu hành ở Moskva với số lượng 50 nghìn người. Hôm nay, sau cuộc thương thảo với tòa thị chính Moskva, chính quyền đã chịu để cho phe đối lập diễu hành và mít tinh ngày 10.3 trên đường phố Arbat Mới.
Chiến thuật của đối lập là sẽ kiên trì biểu tình ôn hòa và đông đảo để đạt cho được những mục tiêu đã được thông qua tại cuộc mít tinh hôm 5.3. Trong phe đối lập, cũng có người không đồng tình làm biểu tình ôn hòa mà đòi phải có hành động mạnh hơn, nhưng cũng có người thấy sự đàn áp hôm 5.3 đâm ra e ngại. Nhưng, nói chung, chiến thuật này của ban tổ chức được nhiều người ủng hộ.
Khách quan mà xét, việc ông Putin lên làm tổng thống với “bàn tay sắt” thì sẽ càng tạo thêm sự không ổn định trong nước Nga, dù có thể có một số người yếu bóng vía run sợ và nhụt chí, nhưng nói chung khi xã hội dân sự đã mạnh lên rồi - cũng giống như thuốc đánh răng trong ống tuýp đã phụt ra rồi thì khó mà đút lại vào được - thì là không thể dùng sức mạnh cưỡng ép cư dân “cứng đầu” ở hai thủ đô và các thành phố lớn được, mà phải có chính sách mềm dẻo, nhân nhượng, chịu làm cải cách mới có thể giữ được ngôi vị lâu dài. Vả lại, những dấu hiệu về kinh tế và xã hội chắc phải làm cho chủ nhân bị dân coi là không chính thống của điện Kremli phải suy nghĩ: 1. trong năm 2011 đã có 85 tỷ tư bản tư nhân ở Nga chạy ra nước ngoài và trong 20 ngày đầu tháng 1.2912 đã có 17 tỷ tư bản tư nhân chạy ra nước ngoài nữa; 2. làn sóng trí thức, chuyên gia cao cấp và doanh nhân di cư ra nước ngoài sinh sống. Đó là chưa nói đến việc các nhà đầu tư ngoại quốc e sợ nước Nga có ông tổng thống với “bàn tay sắt”.
Có thể hình dung tình trạng kinh tế của nước Nga sẽ ra sao nếu cứ tiếp tục giữ chính sách cứng rắn với nhân dân nước mình, dù cho giá dầu và khí đốt chưa xuống thấp? Đó là chưa nói đến hình ảnh nước Nga sẽ biến dạng thế nào trước con mắt của thế giới, khi tổng thống Nga dùng “bàn tay sắt” đàn áp dân nước mình?! Cho nên chúng tôi nghĩ rằng chiến thuật kiên trì đấu tranh ôn hòa nhằm những mục tiêu cụ thể nói trên mà phe đối lập đưa là đúng, đặc biệt là cần tránh khiêu khích hoặc không rơi vào âm mưu khiêu khích của kẻ cầm quyền. Vì thế chúng tôi viết: “Trò hề đã hạ màn, nhưng vở kịch còn tiếp diễn”. Bi kịch hay hài kịch? Hay là bi hài kịch ? Chưa ai biết được! Nhưng ngay bây giờ cũng đã thấy có những yếu tố của hài kịch rồi. Đúng như Kasparov viết: “Cái lối tuyên truyền của Putin ngày nay dùng ngôn ngữ Orwell (trong truyện “Trại Súc Vật” của George Orwell - nmc). Đó là thứ tiếng của mọi kẻ độc tài: cuộc biểu tình ôn hòa của công dân thì gọi đó cuộc khiêu khích, còn việc đàn áp hung bạo của quân đặc nhiệm đối với những người phản kháng thì gọi đó là giữ gìn trật tự. Đòi hỏi phải có bầu cử trung thực và tự do thì Putin coi đó là âm mưu tiếm đoạt quyền lực, còn cái mưu đồ đặc biệt của ông ta để thiết lập nền độc tài cá nhân ông ta suốt đời thì lại coi là biện pháp cần thiết để cứu nguy đất nước. Cho nên chẳng có gì lạ cả khi cuộc bầu cử được long trọng tuyên bố là trung thực nhất và trong sạch nhất lại kèm theo những trò gian lận quy mô lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước Nga.” Đúng là hài kịch!
Hình ảnh các bà vợ quân nhân biểu tình-tuyệt thực nhày 8.3.2012
Nhưng dầu sao đi nữa, Putin năm 2012 không còn là Putin năm 2004. Vì những lời hứa hẹn hồi năm 2004 tăng lương cho các giáo sư, giáo viên, các bác sĩ, y sĩ, y tá... đã không thực hiện, lời hứa hẹn đến năm 2008 giải quyết nhà ở cho quân nhân, cho nhân dân cũng không thực hiện dù tiền bội thu của nhà nước về dầu khí rất lớn.
Xin dẫn ra vài chuyện đang xảy ra ở Nga hiện nay: từ ngày 23.2, một nhóm sĩ quan đã giải ngũ, đòi bộ trưởng quốc phòng phải cấp nhà ở như chính phủ đã hứa, không được trả lời họ đã tuyên bố tuyệt thực, và nhân ngày Phụ nữ quốc tế 8.3, một số bà vợ của các sĩ quan đã giải ngũ đang biểu tình và tuyệt thực trước trụ sở bộ quốc phòng Nga để đòi cấp căn hộ đã hứa bao năm rồi. Putin, Medvedev đã nhiều lần hứa hẹn bài trừ nạn tham nhũng mà nạn ấy lại trầm trọng và tràn lan chưa từng thấy, đặc biệt là ở các quan lớn nhất!
Trước cuộc bầu cử hồi năm 2003, đảng “Nước Nga Thống nhất” của ông Putin đã đưa ra cái gọi là “Kế hoạch Putin” trong đó có một điểm vô cùng “hoành tráng” là ...“năm 2008, mỗi gia đình, không tùy thuộc vào mức thu nhập hiện nay, đều sẽ có nhà ở khang trang của mình xứng đáng với thiên niên kỷ thứ ba” (dịch từ nguyên bản), đến bây giờ đã thực hiện (!) đến đâu rồi, chắc ông Putin không còn nhớ! Như vậy ông tổng thống sắp lên nhậm chức đứng trước nhân dân là một con người thất hứa, thất tín.
Như vậy, Putin năm 2012 không còn uy tín như những năm đầu của nhiệm ký đầu, dù muốn hay không ông cũng bị xã hội dân sự Nga cũng như dư luận quốc tế kìm chế không thể “tung hoành” như trước được. Ông càng hung hăng thì xã hội dân sự Nga và thế giới tiến bộ sẽ càng cô lập ông. Tóm lại, cái thế của ông ta đã suy yếu nhiều rồi dù ông có cố sức “lên gân” gì đi nữa. Nếu ông không nhận rõ tình thế hiện nay thì cái đường lối cứng rắn về đối nội, đối ngoại của ông có thể đưa ông đi theo con đường của những Lukashenko, Assad, thậm chí của những Mubarak, Kadhafi. Chúng ta cầu mong cho ông tổng thống sắp nhậm chức đủ sáng suốt để đối thoại và thỏa thuận với xã hội dân sự Nga để tránh xa con đường của những kẻ độc tài vừa nói trên./.
Ngày 7.3.2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét