25.3.12

Trung Quốc bị các tin đồn chính trị khuấy động





Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai tại phiên bế mạc khóa họp Quốc hội Trung Quốc ngày 14/03/ 2012.
REUTERS/Jason Lee
Minh Anh
Nhân vật số một tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc bị thất sủng Bạc Hy Lai vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của báo Le Figaro số ra hôm nay. Trong bài viết đề tựa « Trung Quốc bị khuấy động bởi các tin đồn chính trị », Arnaud de la Grange, thông tín viên Le Figaro tại Trung Quốc, cho biết tại Bắc Kinh hiện nay đang xầm xì nhiều tin đồn về các vụ đấu đá và những thủ đoạn chính trị giữa hai phe chính trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc



Arnaud de la Grange nhận xét « cơn bão chính trị Trung Quốc mạnh nhất kể từ hai thập niên nay, với sự sụp đổ của ông Bạc Hy Lai, vẫn chưa chấm dứt». Các tin đồn cho biết đang diễn ra cuộc chiến giành quyền kế vị, thậm chí là tin đồn đảo chính, đang làm khuấy động cư dân mạng, bất chấp biện pháp kiểm duyệt để xoa dịu tình hình.
Tác giả cho biết, vài thông tin hay nhiều câu chuyện ngồi lê đôi mách lan truyền chủ yếu qua báo chí Hồng Kông hay các trang mạng Trung Quốc tại nước ngoài. Theo nhận định của một vị giáo sư đại học, « có nhiều câu chuyện chắc chắn là phóng đại, nhưng mọi sự xáo động bất thường này cũng cho thấy có chuyện gì đang xảy ra. »

Theo các tin đồn, từ đầu tuần này dường như đã xảy ra một « cú đảo chính » do ông Chu Vĩnh Khang cầm đầu. Ông này là người thân cận của Bạc Hy Lai, vốn được ông Giang Trạch Dân, cựu chủ tịch nước bảo hộ. Chu Vĩnh Khang đã dựa vào lực lượng công an vũ trang nhân dân (PAP), một lực lượng bán quân sự. Chu Vĩnh Khang cũng chính là người phụ trách bộ máy an ninh của Ban thường vụ Bộ Chính trị, gồm 9 thành viên chủ chốt. Thậm chí, tin đồn còn cho biết đọ súng đã diễn ra ngay tại Trung Nam Hải, một Tử cấm thành mới của Trung Quốc, nơi đặt trụ sở chính của Đảng cộng sản Trung Quốc và của chính quyền Bắc Kinh.

Nhận định về tin đồn này, tác giả cho rằng « cũng có thể ». Nhưng tác giả cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không phải Bamako, khó có thể thấy kiểu đảo chính như vậy diễn ra tại Trung Quốc. Nhưng Arnaud de la Grange nghĩ rằng « các cuộc đọ kiếm giữa hai phe chính trị chính thì rất có thể là thật ». Một cuộc đọ sức giữa phe chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và những người được cựu chủ tịch nước Giang Trạch Dân bảo hộ.

Nhiều nguồn tin chưa được xác nhận một lần nữa khẳng định rằng một cuộc chạm trán dữ dội có lẽ đã diễn ra giữa ông Chu Vĩnh Khang và thủ tướng Ôn Gia Bảo xung quanh việc xử lý số phận ông Bạc Hy Lai. Tin đồn còn nói rằng người ta có lẽ đã đề nghị ông « Sa hoàng an ninh » (từ trong nguyên văn) nên thận trọng, thậm chí là mọi hành vi và cử chỉ của ông ta có lẽ bị « giám sát chặt chẽ ». Ông Ôn Gia Bảo có lẽ cũng đối đầu với các thành viên trong Ban Thường vụ khi đề nghị xét lại sự kiện Thiên An Môn năm 1989.

Theo tác giả, nhiều người tại Trung Quốc vẫn tò mò muốn tìm hiểu các « bí ẩn Trùng Khánh ». Nhiều sự kiện vẫn chưa được chứng minh cho thấy rằng Bạc Hy Lai và nhiều người thân cận có lẽ đã là đối tượng điều tra trước khi sự kiện chính xảy ra. Dường như chính ông Bạc Hy Lai đã can thiệp vào một vụ điều tra có dính dáng đến một người thân trong gia đình ông. Chính ông Vương Lệ Quân là người đã cung cấp thông tin này đến Bạc Hy Lai.

Và cũng chính vị « siêu công an » (từ trong nguyên văn) đã khuyên Bạc Hy Lai đừng nên dính vào. Có lẽ vì giận dữ nên ông Bạc Hy Lai đã rút Vương Lệ Quân ra khỏi vị trí phụ trách an ninh, giao cho nhiệm vụ quản lý giáo dục. Có lẽ chính vì vậy mà Vương Lệ Quân cảm thấy bị đe dọa, nên mới dẫn đến chuyện ông ta chạy đến xin tỵ nạn tại lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô.

Theo tác giả, nhiều tin đồn còn đi xa hơn cho rằng vợ của Bạc Hy Lai cũng nằm trong tầm ngắm của cuộc điều tra, rằng bà ấy đã bị nhiều an ninh dẫn đi, cả hai vợ chồng Bạc Hy Lai đang bị quản thúc tại gia và nhiều người thân cận của ông ta trong quân đội đang bị giám sát chặt chẽ.

Các tin đồn giải thích rằng chính các thủ đoạn và cách hành động của Bạc Hy Lai, bị cho là cắt đứt với lề thói của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã khiến ông bị thất sủng. Người ta nghi ngờ rằng chính ông và Chu Vĩnh Khang đã bơi móc những « hạt sạn » về con trai của thủ tướng Ôn Gia Bảo và những liên hệ của anh ta với nhiều vụ việc. Có lẽ cũng chính hai người này đã tìm cách « thọc gậy bánh xe » cản trở ông Tập Cận Bình, khi tỏ vẻ ngờ vực khả năng lãnh đạo của ông này.

Một nhà quan sát nhận định « trong chiều hướng này, việc gạt bỏ Bạc Hy Lai, nhân vật khó có thể kiểm soát được, có thể sẽ làm nhẹ gánh cho rất nhiều người, ở cả hai phía ».

Từ Lâm Bưu đến Bạc Hy Lai

Cũng liên quan đến chủ đề này, nhà bình luận Alexandre Adler của Le Figaro có bài nhận định khá lý thú khi so sánh sự thất sủng của Bạc Hy Lai với một nhân vật tiếng tăm của Trung Quốc thời Cách Mạng Văn hóa,Lâm Bưu.

Theo tác giả, điểm khác biệt chính giữa hai người này, đó là ông Lâm Bưu là một vị tướng lãnh xuất chúng đã chính thức giữ vị trí số hai của đất nước và quyền lực của ông ta đã giang rộng đến cả quân đội, đến mức mà ông Bạc Hy Lai vẫn chưa thể nào bằng được. Bởi lẽ, cho đến giờ Bạc Hy Lai vẫn chưa là một trong chín thành viên của Ban thường vụ Bộ Chính trị.

Thế nhưng, tác giả cho rằng giữa hai nhân vật này có một điểm chung. Lâm Bưu và Bạc Hy Lai là hai nhân cách mạnh mẽ, có nhiều quan niệm độc đáo và mất kiên nhẫn về cơ chế. Ông Lâm Bưu trong giai đoạn 1970-1971, đã tin chắc vào sự hão huyền hoàn toàn của cuộc Cách mạng văn hóa và tìm cách thoát ra khỏi bằng sự xảo quyệt và sự mưu phản. Thậm chí, ông ta đã bí mật nối lại liên lạc với các tướng lãnh thời Xô-viết, những người luôn đánh giá cao ông ta và với người bạn cũ Tưởng Giới Thạch, nhằm thuyết phục ông này rằng Trung Quốc sẽ mở cửa với Đài Loan.

Tuy nhiên, những mưu toan của Lâm Bưu đã bị công an của Mao Trạch Đông phát hiện, ông này phải chọn cách duy nhất là đào thoát, để rồi cuối cùng mất mạng trên bầu trời Mông Cổ. Thế nhưng, chính sự thất bại của Lâm Bưu lại là cơ hội để cho ông Chu Ân Lai có điều kiện thực hiện giải pháp triệt để hơn, đó là việc hòa giải với Hoa Kỳ.

Thế thì, trong trường hợp mới đây, sự ra đi của Bạc Hy Lai dường như sẽ có lợi cho những người luôn đòi dân chủ hóa và mở cửa. Tác giả bài viết cho rằng trong vụ này, người chiến thắng có lẽ là ông Uông Dương, bí thư tỉnh Quảng Đông, người đã nhượng bộ nông dân nổi dậy chống tham nhũng, cũng như ngầm ủng hộ công nhân đình công.

Ông Uông Dương cũng từng là Bí thư tỉnh Trùng Khánh, trước khi ông Bạc Hy Lai đến. Nhiều lời bóng gió cho rằng một số bản án dành cho "những kẻ mafia" trong chiến dịch truy lùng tội phạm do ông Bạc Hy Lai thực hiện còn là nhằm bôi nhọ thanh danh ông Uông Dương, vốn được xem là người bảo hộ thực thụ của ông Tập Cận Bình.

Trong chiến dịch vận động để thăng chức, Bạc Hy Lai đã khôi phục các bài ca cách mạng. Nhưng theo tác giả bài viết, thủ thuật này đã không che khuất kế hoạch cải cách thật sự của ông ta. Ông Bạc Hy Lai vốn chủ trương tự do hóa nền kinh tế theo hướng mở cửa vào thị trường thế giới. Và điểm độc đáo nhất chính là thực hiện chiến lược ưu tiên cho quan hệ với Nhật Bản, một quan niệm khiến cho phái chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa Mao phải hoảng sợ. Đấy chính là điểm giống một cách kỳ lạ với Lâm Bưu, người đã từng, dưới vỏ bọc của một quân nhân, thực hiện chính sách mở cửa theo cách của ông.

Cuối cùng tác giả kết luận, duy chỉ có một điểm khác biệt cơ bản nhất: dù bị quản thúc tại gia và bị đe dọa một phiên xử chính trị, Bạc Hy Lai thực sự vẫn còn sống. Và ở đây, số phận của ông ta cũng khiến người ta nhớ đến giai đoạn vắng bóng ngắn ngủi và có tính chất quyết định của Đặng Tiểu Bình vào những năm 1975-1976.

Dạy trẻ em Nhật thắt lưng buộc bụng

Trong lãnh vực xã hội, báo Le Monde có bài nhận định đang chú ý về tình hình giáo dục ở Nhật Bản trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Trong mục lá thư Châu Á, Philippe Pons cho biết « Trẻ em Nhật Bản học cách thắt lưng buộc bụng từ ghế nhà trường ».

Xuất phát từ một ghi nhận rất đơn giản, đó là nền kinh tế sẽ tiếp tục ảm đạm, các bậc cha mẹ Nhật Bản nghĩ rằng nên dạy con cái học cách sống tiết kiệm hơn. Tác giả cho biết, chỉ trong vòng có hai thập niên, Nhật Bản trải qua hai giai đoạn cực kỳ khó khăn : thứ nhất là bong bóng địa ốc bị vỡ năm 1990 và kế đến là tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ.

Theo tác giả bài viết, hệ quả của hai cuộc khủng hoảng là sự bấp bênh ngày càng tăng (1/3 số người phải làm các công việc tạm bợ), tỷ lệ thất nghiệp cao, hai triệu người phải sống nhờ trợ cấp xã hội … Nhìn chung, tầng lớp trung lưu Nhật Bản ngày càng nghèo và một tương lai đen tối đang chờ đón nhiều thế hệ sắp lớn.

Từ những tranh luận về cái được và không của mô hình tư bản, các trường học Nhật Bản đề cập đến vấn đề « thắt lưng buộc bụng ». Họ dạy cho trẻ hiểu như những gì mà các bậc cha mẹ trên thế gian này vẫn thường nói : « Tiền không phải từ trên trời rơi xuống ». Tác giả cho biết, một kết quả điều tra do báo Asahi thực hiện ở các trường tiểu học và trung học cơ sở trên cả nước đã nêu bật mối bận tâm mới của các bậc phụ huynh.

Theo điều tra của nhật báo, những đứa trẻ trong xã hội phồn vinh có một khái niệm rất mơ hồ về « đồng tiền ». Với việc sử dụng điện thoại di động như là một ví tiền điện tử, trẻ không có một chút gì khái niệm về giá trị số tiền mà trẻ tiêu dùng. Ví dụ, khi được hỏi « Tiền ở đâu mà có ? », câu trả lời sẽ là « Ở ngân hàng ». Hay khi được hỏi « Con sẽ làm gì khi con hết tiền ? » Trả lời « Con sẽ đến ngân hàng ».

Tác giả cho biết, từ lâu Bộ giáo dục và các hiệp hội phụ huynh học sinh vẫn ngại đưa khái niệm « đồng tiền » thành một môn học, do họ e ngại sẽ gợi cho trẻ ý tưởng « tôn thờ đồng tiền ». Tuy nhiên, với khủng hoảng tài chính, nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng có lẽ tốt hơn hết nên dạy cho trẻ một chút kiến thức cơ bản về « đồng tiền », để sau này khi lớn trẻ có thể tránh được những vụ lừa đảo mà nhiều người ký gởi tiền tiết kiệm vẫn luôn là nạn nhân. Chính vì điều này, một bộ sách giáo khoa về hệ thống tài chính và tư bản sẽ được phổ biến vào tháng tư năm nay tại các trường cấp II Nhật Bản.

TAGS: CHÂU Á - CHÍNH TRỊ - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: