Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Sáu, 16 tháng 3 2012
Viết xong bài “Trung Quốc và siêu quyền lực mềm”, tôi mới sực nhớ một bài báo khá thú vị đọc được trên chuyến bay từ Bangkok đến Bắc Kinh vào ngày 10/2. Bài báo nhan đề “Can China win its culture war?” đăng trên tờ The Nation của Thái Lan số ra ngày Thứ Sáu 10/2/2012. Có hai điều thú vị: Thứ nhất, ở thời điểm và địa điểm đọc bài báo. Giá như tôi đọc ở Úc hay ở đâu khác: nó rất bình thường. Trên thế giới, không hiếm những bài báo phê phán Trung Quốc với những lập luận tương tự.
Nhưng đọc một bài báo phê phán Trung Quốc ngay trên đường đi sang Trung Quốc lại khác. Nó giống như một lời cảnh giác. Thứ hai, ở tác giả: Frank Ching, một nhà báo ở Hồng Kông, tác giả cuốn Ancestors: 900 Years in the Life of a Chinese Family. Giới cầm bút Tây phương vạch trần các âm mưu của Trung Quốc không ít. Nhưng một tiếng nói cất lên từ Hồng Kông, hiện nay nằm dưới quyền cai trị của Trung Quốc, lại khác: Đó là tiếng nói xuất phát từ kinh nghiệm của người trong cuộc.
Hình: REUTERS |
Mở đầu bài báo, Frank Ching cho biết chính quyền Trung Quốc xem văn hóa như một mặt trận lớn, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Về đối nội, chỉ trong tháng 1 năm 2011, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cắt bỏ hai phần ba chương trình giải trí trên các kênh truyền hình trong nước với lý do chúng ‘thô tục” để thế vào đó bằng các chương trình nặng tính tuyên truyền về đạo đức truyền thống cũng như các giá trị xã hội chủ nghĩa phù hợp với các chính sách của Đảng. Về đối ngoại, họ bỏ ra cả hàng tỉ đô la để thành lập các Viện Khổng Tử cũng như các chương trình dạy tiếng Hoa, liên kết với các viện đại học ở nước ngoài. Họ cũng sản xuất vô số phim ảnh, mua lại các hãng truyền thông ngoại quốc, quảng cáo ầm ĩ một số thành tựu về văn hóa, xã hội cũng như thể thao của Trung Quốc. Tất cả đều nhằm một mục đích: khắc họa hình ảnh một Trung Quốc văn minh, văn hóa và hòa bình.
Tuy nhiên, Frank Ching vạch ra ngay một số nghịch lý trong trận chiến văn hóa ấy:
Thứ nhất, trong khi ở Tây phương, các hoạt động văn hóa liên quan đến quyền lực mềm như vậy đều được tiến hành bởi xã hội dân sự và là kết quả của sự phát triển của văn hóa dân sự, ở Trung Quốc, ngược lại, tất cả đều nằm trong tay nhà nước, do nhà nước chỉ đạo và thực hiện từ đầu đến cuối. Nghịch lý nằm ngay chính chỗ ấy: chính quyền Trung Quốc cố gắng củng cố quyền lực mềm của họ cùng lúc với việc áp chế một phần lớn xã hội dân sự vốn là cơ sở của quyền lực mềm.
Thứ hai, một mặt họ muốn chứng tỏ là họ đồng hành với thế giới, thậm chí, dẫn dắt thế giới, nhưng mặt khác, họ lại phủ nhận, thậm chí, chà đạp lên các bảng giá trị phổ quát được cả thế giới nhìn nhận: dân chủ và nhân quyền. Cái gọi là Viện Khổng Tử mà họ đổ bao nhiêu tiền bạc ra để xây dựng và quảng bá chỉ lặp đi lặp lại những bài học cũ kỹ và lỗi thời, từ cả mấy ngàn năm trước. Trong khi đó, những việc họ làm trong nước lại hoàn toàn đi ngược với xu thế chung của thế giới: bóp nghẹt mọi quyền tự do, đặc biệt, tự do ngôn luận của dân chúng. Mọi hình thức truyền thông đại chúng đều bị kiểm duyệt. Nhiều nhà báo và những người bất đồng chính kiến bị bắt bớ và trấn áp. Cả thế giới đều biết những chuyện ấy, nhưng các cơ quan truyền thống chính thức của đảng và nhà nước thì một mực chối bỏ và tiếp tục ra rả nói dối.
Với hai nghịch lý như thế, liệu trận chiến văn hóa để giành giật quyền lực mềm của Trung Quốc có thể thành công hay không?
Để trả lời câu hỏi ấy, Frank Ching lấy trường hợp của Hồng Kông làm ví dụ.
Hồng Kông, ai cũng biết, thuộc lãnh thổ Trung Quốc, bị Anh chiếm đóng một phần từ năm 1841, sau đó, từ năm 1898, trở thành nhượng địa của Anh. Ngày 1 tháng 7 năm 1997, Anh trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc sau khi chính quyền Trung Quốc đồng ý với điều kiện do Anh đưa ra: “một quốc gia, hai thể chế”. Nghĩa là, khác với Trung Hoa lục địa vốn theo chế độ độc đảng, Hồng Kông vẫn tiếp tục thể chế dân chủ do Anh xây dựng và kéo dài cả một thế kỷ. Tiếng Anh vẫn được giảng dạy ở mọi cấp bên cạnh tiếng Hoa (chủ yếu là tiếng Quảng Đông). Các quyền tự do, đặc biệt quyền tự do ngôn luận, cần được tôn trọng. Người dân Hồng Kông có loại hộ chiếu riêng để dễ dàng đi nước ngoài. Các văn kiện được ký kết giữa Hồng Kông và các nước khác trên thế giới vẫn tiếp tục có hiệu lực, v.v…
Từ đó đến nay, chính quyền Trung Quốc không ngừng tìm mọi cách chinh phục trái tim và khối óc của 7 triệu dân Hồng Kông. Đối với Hồng Kông, lúc nào họ cũng thân thiện và mềm mỏng. Họ hiểu được một điều: quyền lực mềm của họ, nếu có hiệu quả, hiệu quả ấy phải được thấy, trước hết, ở Hồng Kông, nơi đang được/bị mọi người trên thế giới chăm chú theo dõi.
Nhưng kết quả thế nào?
Kết quả một cuộc điều tra mới đây cho thấy: Đa số người Hồng Kông vẫn xem họ là người Hồng Kông chứ không phải người Trung Hoa, đặc biệt Trung Hoa lục địa. Số người muốn khẳng định bản sắc của mình như người Hồng Kông, độc lập với người Trung Quốc, cao gấp đôi số người tự đồng nhất mình với người Trung Quốc. Đặc biệt, cũng theo các nhà điều tra và quan sát, số người trên càng ngày càng tăng, nghĩa là, càng sống lâu và càng gần gũi với chính quyền cũng như với người Trung Quốc lục địa, người Hồng Kông càng có khuynh hướng ít ngưỡng mộ Trung Quốc và càng muốn tách rời ra khỏi Trung Quốc.
Người Hồng Kông vốn là những người cùng chủng tộc, cùng ngôn ngữ và cùng văn hoá với người Trung Quốc mà còn thế, huống gì dân chúng ở các nước khác trên thế giới? Triển vọng thành công trong trận chiến văn hoá nhằm chinh phục trái tim của thế giới do Trung Quốc thực hiện, do đó, chắc là còn lâu.
Lâu lắm.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét