Thu, 03/15/2012 - 17:55 — tuongnangtien
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Ở trang 83, trong cuốn Hai mươi năm miền Nam 1955–1975 (Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2010) Nguyễn Văn Lục ghi: “Vào những năm đầu của chính thể ông Diệm, có thể đi suốt ngày đêm từ Cà Mau đến Bến Hải một cách an toàn.” Qua trang 231, tác giả thêm: “Tóm lại, ổn định an ninh và phát triển giáo dục là hai thực tế miền Nam đã đạt được ngay thời gian đầu của chế độ Đệ nhất Cộng hoà.” Tới trang 489, ông viết tiếp: “Đây là những ngày miền Nam bừng lên một không khí đượm nhiều hứng khởi.”
Ông Nguyễn Văn Lục không phải là người đầu tiên, và cũng không phải là người duy nhất, đã khẳng định những điều như thế. Có vị còn nằng nặc thêm rằng sở dĩ miền Nam được sống trong cảnh thanh bình (“bốn bề phẳng lặng hai kinh vững vàng”) là nhờ vào sự anh minh của Ngô Tổng thống.
Tuy sinh trưởng ở miền Nam nhưng vì sinh sau đẻ muộn nên tôi không dám nói ra (hay) nói vô gì ráo, về những sự kiện vừa nêu. Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe. Tui vừa nghe, vừa không khỏi (trộm) nghĩ là ông Diệm không những đã hay mà còn… hên dữ lắm. Và hên (e) mới là chủ yếu!
Những người nắm quyền bính ở miền Nam, thời Đệ nhị Cộng Hoà (ông Khánh, ông Kỳ, ông Thiệu, ông Minh hay ông Khiêm… gì đó) đều là những kẻ tài mỏng, và đức bạc. Họ không hay, và cũng không hên – như người tiền nhiệm.
Coi: Ngày 20 tháng 12 năm 1960 Mặt trận Giải phóng miền Nam mới được nặn xong. Hai tháng sau, ngày 15 tháng 2 năm 1961, Giải phóng Quân mới ra đời.
Trước đó, đám phù thủy ở Hà Nội đâu đã kịp xua âm binh vào quậy phá miền Nam. Do đó, những năm đầu của chế độ ông Diệm, an bình là phải!
Trận Ấp Bắc xẩy ra vào tháng Giêng năm 1963, với hàng trăm binh sĩ (của cả hai bên) bị thương vong. Từ đó, chuyện “có thể đi suốt ngày đêm từ Cà Mau đến Bến Hải một cách an toàn” – kể như – đã… xa như dĩ vãng!
Nói chi xa xôi, chỉ riêng tình trạng Quốc lộ 20, khi tôi vừa lớn, cũng đã lôi thôi và nhiêu khê lắm. Khi thì bị đào đường, lúc thì bị đắp mô.
Mô, thường khi, giản dị chỉ là mấy cành cây lớn chăng ngang, với lá cờ Mặt trận bên trên, và vài trái lựu đạn (gài) bên dưới. Chỉ có vậy thôi nhưng đủ để tạo ra một đoàn xe dài vài cây số đứng chờ, chờ cho đến khi lính Quốc gia đến phá mô (xong) mới có thể tiếp tục cuộc hành trình.
Cũng có khi cầu hay cống bị giật mìn. Nếu là cầu lớn, thời gian nghẽn đường có thể kéo dài đến vài hôm.
Cảnh nghẽn xe trông cũng vui (thôi) nhưng hậu quả thì không. Giá cả rau quả ở Sài Gòn tăng vụt. Cùng lúc, nhiều nông dân ở Đà Lạt phải lâm vào cảnh khốn cùng. Nông phẩm của họ thu hoạch xong không đưa được đến nơi tiêu thụ, và cũng không biết… đổ đi đâu cho hết!
Hệ thống đường sắt cũng đã bị quân Giải phóng tháo gỡ, và trở thành bất khiển dụng, từ lâu. Còn phuơng tiện hàng không thì chỉ có thể chuyên chở một số hành khách, cũng như rau quả (giới hạn) cho những người giầu có.
Sự bất ổn và xáo trộn không chỉ xẩy ra ở Quốc lộ 20, và cũng không chỉ giới hạn trong lãnh vực giao thông/vận tải. Miền Nam không cách nào giữ gìn được hàng chục ngàn cầu cống trên toàn lãnh thổ, cũng không bảo vệ được dân chúng và những viên chức ở những xã ấp xa xôi – sau khi ấp chiến lược bị tháo gỡ. Họ có thể bị sách nhiễu, khủng bố hay thủ tiêu (dễ dàng) vào đêm tối.
Với thời gian, đô thị cũng trở nên bất an không kém vì những hoạt động khủng bố của biệt động thành. Nay plastic đặt nổ ở chỗ này, mai đạn pháo rơi vào chỗ nọ. Hầm trú ẩn, bằng bao cát, được làm ngay trong phòng khách của nhà dân giữa Thủ đô. Và cũng giữa Sài Gòn, bất cứ ai (chính khách, sinh viên, nhà báo…) cũng đều có thể bị ám sát bởi đặc công.
Trong thời chiến, mọi chiến thuật đã được nhà đương cuộc Hà Nội tận dụng để đạt được chiến thắng. Cứu cánh có thể biện minh cho phương tiện, cho dù là… hạ tiện!
Tâm trạng hoang mang và lo sợ của người dân miền Nam, khi phải thường trực đối diện với mọi hình thức khủng bố kéo dài từ năm này sang năm khác – chắc chắn – đã góp phần không nhỏ cho việc kết thúc cuộc chiến (nhanh chóng và bất ngờ) vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngay hồi đầu tháng Ba, dân quân nhiều nơi ở vùng địch tạm chiếm đã hốt hoảng tháo chạy – trước khi kịp thấy bóng dáng của những đoàn quân giải phóng.
Hơn ba mươi lăm năm, sau ngày đất nước hoà bình và thống nhất, sáng hôm mùng 4 tháng 9 năm 2010, tôi dụi mắt (đến mấy lần) khi đọc những dòng chữ sau – trên diễn đàn talawas:
“Nối tiếp vào danh sách các trang mạng và blog bị tin tặc tấn công từ giữa tháng Tám, những nạn nhân mới nhất của tin tặc là:
- Trang Đối Thoại: bị tấn công ngày 02/9/2010, nay đã chuyển sang địa chỉ mới:www.doithoaionline.net.
- Blog Lê Diễn Đức: bị tấn công ngày 04/9/2010, hiện treo Sinh Tử Lệnh.
- Blog Anhbasg: bị tấn công nhiều đợt, hiện treo Sinh Tử Lệnh, nhưng hiện còn một phiên bản tại: http://anhbasg.wordpress.com/.
Cho đến nay, các trang mạng và blog bị xóa hẳn, hoặc chưa có địa chỉ mới, hoặc chưa được phục hồi là:
- Thông Luận: Vẫn tiếp tục bị cảnh báo nhiễm virus;
- Free Lê Công Định: Bị xóa hẳn, nhưng đã được thay thế bằng trang Dân Làm Báo: http://danlambao.wordpress.com/;
- Thông tấn xã Vàng Anh.
Các trang Dân Luận và X-Cafe đã trở lại hoạt động bình thường ít ngày sau khi bị tấn công, Tiền Vệ đã lấy lại được tên miền cũng sau ít ngày, Đàn Chim Việt bị mất tên miền, chuyển sang địa chỉ mới: www.danchimviet.info, talawas đã được khôi phục và sắp trở về nhà cũ, tiếp tục hoạt động tại ngôi nhà tạm trú với địa chỉ truy cập chính thức www.talawas.org như thường lệ.”
Ủa, sao mà y chang như một bản tin báo chí (về tình hình an ninh cầu đường) của miền Nam, vào thời chiến vậy cà? Coi: cầu này vừa bị đánh sập, đoạn đường kia mới bị đắp mô, quốc lộ nọ đã được khai thông, liên tỉnh lộ X… tuy sắp được khôi phục nhưng vẫn còn ở trong tình trạng nghẽn xe!
Sự khác biệt bây giờ chỉ là vai trò của đặc công đã được thay thế bởi tin tặc, và mục tiêu là làm nghẽn mạch, chứ không phải nghẽn đường – như thưở xa xưa nữa!
Trước khi từ trần – vào năm 1997 – bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã đề cập đến “một cuộc kháng chiến mới.” Trong cuộc chiến mới này, rõ ràng, dân làng Ba Đình vẫn sử dụng chiến thuật và vũ khí (y như) cũ: du kích và khủng bố!
Nói nào ngay thì chiến thuật và vũ khí nào cũng tốt (thôi) miễn là mang lại chiến thắng. Cứu cánh luôn luôn có thể biện minh cho phương tiện, cho dù là… hạ tiện! Câu hỏi đặt ra là cách đánh du kích và khủng bố (“đương đại”) liệu có mang lại những thành quả mà nhà đương cuộc Hà Nội mong muốn hay không?
Đợt tổng công kích vào những trang mạng vừa qua, xem ra, không đạt được những thành tích vẻ vang gì cho lắm. Gài mìn, phá sập cầu, làm nghẽn đường… có thể làm xáo trộn sinh hoạt xã hội, gây thiệt hại về kinh tế, và khiến cho dân chúng sống trong vùng địch tạm chiếm phải sống trong tình trạng hoang mang hay lo sợ. Còn cài mã độc, chiếm tên miền, hay gây ra cảnh nghẽn mạch… thì không thể tạo ra sự bất ổn hay thiệt hại gì đáng kể, và cũng không gây hoang mang hay lo sợ gì hết trơn hết trọi – cho bất cứ ai!
Sau “ba ngày đóng cửa”, Dân Luận thản nhiên trở lại với thái độ “khinh bạc” và xem thường (đối phương) thấy rõ:
“Đột nhập và phá hoại các trang web ‘lề trái’ có thể giúp các anh trì hoãn được vài ba ngày, nhưng chắc chắn không thể đảo ngược được tiến trình tiến bộ của cả một dân tộc dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Chúng tôi giữ vững niềm tin rằng sự thật và chính nghĩa sẽ chiến thắng giả dối và bạo lực. Thời điểm mà các anh sẽ phải thừa nhận mình đã sai có lẽ cũng sắp tới rồi, hãy cùng chờ xem!”
Đã thế, tính liên đới của cư dân mạng còn được phát huy mạnh mẽ sau khi bị tấn công. Họ xích lại gần nhau hơn, và cũng nhận biết rõ ràng hơn vị thế cũng như vai trò của mình trong “cuộc kháng chiến mới” này – theo như quan điểm của Blog Dân Làm Báo:
“Chúng ta là một phần của talawas, X-cafe, Dân Luận, của Đàn Chim Việt, Thông Luận, Tiền Vệ… nơi mà cả một hệ thống với những con người máy, vô cảm, nhắm mắt theo lệnh cấp trên, ngày đêm rình rập để phá rối, phá hoại, tấn công và đánh sập.
Không phải chỉ đơn giản một trang nhà bị tấn công. Chính mỗi người chúng ta, những bạn đọc, những người dân đang bị tấn công. Chính chúng ta đang bị bịt mồm, bịt mắt, bịt tai. Chính chúng ta đang bị cướp mất cơ hội tìm hiểu, trình bày, góp ý, phê bình, đóng góp vào sự phát triển của đất nước bằng sự quan tâm, trí tuệ và lòng nhiệt thành của chúng ta mà những trang nhà thông tin này đã tạo một diễn đàn chung cho tất cả.”
Đánh lén hay khủng bố, nghĩ cho cùng, là chiến thuật và vũ khí của kẻ yếu, ở thế hạ phong. Khi quyết định tuyên chiến, đối đầu, và gây hấn với cả một dân tộc – bất kể thành phần xã hội, tín ngưỡng, hay nguồn gốc sắc tộc… – nhà đương cuộc Hà Nội đã lựa (hay lọt) vào cái thế hạ phong, do chính họ tạo ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét