18.3.12

Trung Quốc : Hàng ngàn người Tây Tạng kéo về tỉnh Thanh Hải sau một vụ tự thiêu mới



Tuần hành tại Đài Loan để ủng hộ cuộc đấu tranh của người Tây Tạng (10/03/2012). Người biểu tình mang các mô hình tượng trưng cho linh cữu những người tự thiêu, với dòng chữ : "Tự thiêu cho tự do".
Tuần hành tại Đài Loan để ủng hộ cuộc đấu tranh của người Tây Tạng (10/03/2012). Người biểu tình mang các mô hình tượng trưng cho linh cữu những người tự thiêu, với dòng chữ : "Tự thiêu cho tự do".
REUTERS/Shengfa Lin

Đức Tâm
Hôm nay, 18/03/2012, tổ chức phi chính phủ Tây Tạng Tự do - Free Tibet, trụ sở tại Luân Đôn, Anh Quốc, ra thông báo cho biết, hàng ngàn người Tây Tạng, trong đó có dân thường và nhà sư, ngày hôm qua, đã kéo về huyện Đồng Nhân, tỉnh Thanh Hải, gần khu tự trị Tây Tạng, ở phía tây Trung Quốc, sau khi lại xẩy ra một vụ tự thiêu ở đây.

Theo tổ chức Free Tibet, người tự thiêu ngày hôm qua là Sonam Dargye, 43 tuổi, một nhà nông, có ba con. Đây là vụ tự thiêu thứ ba của người Tây Tạng trong bốn ngày qua, ở Trung Quốc.
Ông Sonam Dargye là bạn thân của nhà sư Jamyang Palden, người đã tự thiêu ngày 14/03 vừa qua, cũng ở huyện Đồng Nhân. Vào ngày này năm 2008, các cuộc nổi dậy của người dân Tây Tạng, đặc biệt là ở thủ phủ Lhassa đã bị chính quyền Trung Quốc trấn áp đẫm máu.
Tổ chức Free Tibet khẳng định là vụ tự thiêu ngày hôm qua của ông Dargye là nhằm thể hiện « sự phản đối chống lại chính quyền Trung Quốc ».
Chính quyền, cảnh sát châu tự trị Hoàng Nam, thuộc tỉnh Thanh Hải, cũng như chủ các cửa hàng ăn uống, khách sạn, đều từ chối trả lời AFP về vụ này. Một chủ nhà hàng nói rằng các cuộc điện thoại bị nghe trộm và do vậy « không tiện » nói chuyện.
Kể từ đầu tháng Ba năm 2011, gần 30 người Tây Tạng, đa số là các nhà sư, đã tự thiêu hoặc có ý định tự thiêu, tại các khu vực có cộng đồng người Tây Tạng sinh sống ở Trung Quốc.
Nhiều người Tây Tạng phản đối chính sách đàn áp tôn giáo và văn hóa, cũng như sự thống trị ngày càng lan rộng của người Hán, sắc tộc chiếm đa số tại Trung Quốc.
Theo giới quan sát, tháng Ba hàng năm là thời điểm nhậy cảm đối với người Tây Tạng. Lãnh tụ tinh thần, Đức Đạt Lai Lạt Ma, tháng Ba năm 1959, đã phải sang Ấn Độ sống lưu vong, sau khi các cuộc nổi dậy của người Tây Tạng chống quân đội Trung Quốc bị thất bại.
TAGS: CHÂU Á - NHÂN QUYỀN - TÂY TẠNG - TÔN GIÁO - TRUNG QUỐC

Không có nhận xét nào: