Vinashin đã trở thành biểu tượng của tập đoàn kinh tế Nhà nước làm tổn hại công quỹ.
DR
Anh Vũ
Hãng thông tấn AFP dẫn nguồn tin của cơ quan tư pháp Việt Nam hôm nay 23/03/2012 cho biết phiên tòa sơ thẩm các quan chức Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sẽ được mở ra tại Hải Phòng vào ngày 27/3. Các bị cáo được đưa ra xét xử với tội danh “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Dự kiến phiên xử sẽ diễn ra trong bốn ngày. Báo chí trong nước có đăng tải thông báo phiên tòa sắp diễn ra nhưng không nói đến chi tiết có bao nhiêu bị cáo sẽ phải ra trước tòa lần này.
Vinashin, là một tập đoàn công nghiệp nhà nước, làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất dẫn đến tình trạng gần như phá sản. Vụ việc bị bung ra từ đầu năm 2010. Đến cuối năm 2011, tư pháp Việt Nam đã truy tố ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cùng 8 quan chức của tập đoàn về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cụ thể như báo chí chính thức trong nước đưa tin, hành vi sai phạm của các bị cáo là « lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước ở năm dự án với tổng thiệt hại trên 910 tỉ đồng».
Tuy nhiên cuộc điều tra mới chỉ liên quan đến thất thoát khoản tiền 43 triệu đô la. Một hồ sơ khác liên quan đến việc biển thủ công quỹ đang được tiến hành điều tra.
Ông Phạm Thanh Bình, bị cáo chính và được giới quan sát nhận định là người thân cận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã bị bắt hồi tháng Tám năm 2010. Hàng loạtcác quan chức trong tập đoàn sau đó đã bị bắt. Trong vụ này, cơ quan điều tra Việt Nam đề nghị truy tố 11 bị can, trong đó có hai bị can đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.
Tổng số nợ của tập đoàn Vinashin được đánh giá chính thức là hơn bốn tỷ đô la Mỹ và tập đoàn hầu như không có khả năng thanh toán. Vụ bê bối ở tập đoàn Vinashin đã không chỉ dừng lại ở phạm vi kinh tế mà còn gây ảnh hưởng chính trị trong lãnh đạo cấp cao của đảng. Tuy nhiên không có một lãnh đạo ở cấp chính phủ hay đảng bị kỷ luật vì trách nhiệm trong vụ đổ bể của tập đoàn nhà nước này.
Từ cuối năm ngoái, chính phủ đã chỉ đạo tái cấu trúc lại tập đoàn. Tuy nhiên từ đó đến nay rất ít thông tin nói về việc trả các khoản nợ đáo hạn cho các chủ nợ nước ngoài. Vụ bê bối tại Vinashin gây nhiều lo ngại trong giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Giới quan sát nước ngoài nhận định vụ Vinhasin đã bộc lộ rõ những yếu kém trong cách quản lý kinh tế ở một nước vừa thoát ra khỏi bao cấp và kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo.
TAGS: PHÁP LUẬT - THAM NHŨNG - VIỆT NAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét