Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ... trong nước phải bán tháo máy móc, thậm chí phải vay với lãi suất “khủng” 10%/tháng để duy trì hoạt động sản xuất…
Theo một phóng sự đăng trên báo TT, từ đầu tháng 3 đến nay HTX mành trúc xuất khẩu Bình Minh (quận Phú Nhuận, Sài Gòn) chỉ xuất khẩu cầm chừng vì “chẳng còn đồng vốn nào mà làm” - ông Nguyễn Văn Nguyên, chủ nhiệm HTX nói. Ông Nguyên cho biết hầu hết ngân hàng đều từ chối cho HTX vay vì lý do không có tài sản thế chấp. Trước đây khi HTX gặp khó có thể đến “gõ cửa” tiền quỹ của Liên minh HTX, nhưng mới đây chính liên minh cũng từ chối cho HTX vay với lý do tương tự.
Nguồn vốn không tiếp cận được, trong khi chi phí sản xuất tăng, giá nguyên vật liệu, nhân công, tiền thuê mặt bằng đều tăng gấp đôi buộc ông Nguyên phải đi vay mượn tiền từ bạn bè, người thân quen với lãi suất có khi đến 10%/tháng để sản xuất cầm chừng. “Đơn hàng không thiếu nhưng vốn không có làm sao dám nhận?” - ông Nguyên phân trần. Ông khẳng định trong vài tháng tới nếu tình hình căng thẳng không giảm bớt, chắc chắn HTX buộc phải giải thể vì thiếu vốn.
Hay tại Bình Dương, xưởng sản xuất guốc mộc xuất khẩu Hùng Thái (thuộc làng nghề sản xuất guốc Bình Nhâm) hiện cũng cắt giảm từ 200 lao động xuống còn 50 người. Ông Thái Văn Anh Hùng, giám đốc công ty, cho biết tình hình kinh tế có chiều căng thẳng nên xưởng đã hạn chế mua gỗ nguyên liệu, nhưng không ngờ đơn đặt hàng năm nay lại quá hiếm hoi. “Thông thường đến thời điểm này, chúng tôi đã có đơn hàng làm guốc mộc xuất qua châu Âu, Nhật đến hết quý 2 nhưng hiện nay chưa thấy động thái đặt hàng của đối tác. Năm nay, lượng hàng chỉ được khoảng 300,000 đôi thay vì 600,000 đôi như mọi năm” - ông Hùng cho hay.
Đủ thứ đồ gỗ mỹ nghệ.
Ngặt nghèo hơn, chủ một cơ sở sản xuất gỗ xuất khẩu tại Bình Dương mới đây đã thông báo là bán được toàn bộ máy móc, nhà xưởng với giá... lỗ một nửa. Chủ doanh nghiệp này cho biết là ngay từ năm 2008, lúc cơ sở này đổ vào hơn chục tỉ đồng để trang bị máy móc, mở rộng nhà xưởng và đơn đặt hàng từ châu Âu khá đều đặn thì khi tính toán lại các khoản thu chi, trả lãi ngân hàng..., tiền lãi đã không còn. Sang năm 2009, đơn đặt hàng giảm mạnh khiến doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công từ 150 người xuống còn 100 người mà ngày công vẫn liên tiếp giảm, chỉ còn 3- 4 ngày/tuần… Sống thoi thóp cho đến năm 2012 này thì tình hình còn bi đát hơn. Đó là chỉ mới đầu năm, hàng loạt chi phí tăng đến chóng mặt. Chỉ tính riêng giá nguyên liệu gỗ đầu vào đã tăng 30% cùng hàng loạt chi phí khác như lao động, mặt bằng, lãi suất...
Ông Đặng Quốc Hùng, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Sài Gòn (Hawa), cho biết trước tình hình khó khăn, các doanh nghiệp đành chọn giải pháp hoặc quyết định bán máy móc, nghỉ làm luôn hoặc tìm cách xoay xở mọi nguồn lực về vốn để duy trì sản xuất.
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị đình đốn đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người lao động. Anh Nguyễn Văn Thiện, công nhân một xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở quận 12 Sài Gòn, đã hơn một tháng qua không đến xưởng gỗ do không còn việc. Năm ngoái, mỗi tháng anh nhận gần 6 triệu đồng tiền lương và tăng ca nhưng hiện nay con số ấy teo tóp còn... hơn 2 triệu đồng. Anh Thiện cho biết xưởng gỗ nơi anh làm việc gần như chết đứng vì chủ xưởng không còn vốn kinh doanh, đã nợ lương công nhân từ cuối năm ngoái nên gần 100 công nhân đã bỏ xưởng tìm việc khác. Tại một khu nhà trọ (nằm ở khu phố 5, phường Trung Mỹ Tây) nơi rất đông công nhân làm cho xưởng gỗ này tạm trú, mới 7g tối nhưng cả chục dãy phòng vẫn tối om, cửa đóng im ỉm. Dù bị chủ nợ lương mấy tháng, công nhân ở đây cũng bỏ việc gần hết, người về quê, người ra chợ bán rau, bán cá…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét