22.4.12

Miến Điện: Đối lập không tham dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội



Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi rời trụ sở Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tại Rangoon sau cuộc họp ngày 21/04/2012.
Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi rời trụ sở Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tại Rangoon sau cuộc họp ngày 21/04/2012.
REUTERS/Soe Zeya Tun

Thụy My
Lãnh tụ đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi và các dân biểu thuộc đảng của bà mới được bầu vào Quốc hội, sẽ không tham gia phiên họp đầu tiên vào ngày mai, thứ Hai 23/04/2012 vì không đồng ý về câu tuyên thệ. Đây là dấu hiệu rạn nứt đầu tiên giữa đối lập với chính phủ Miến Điện, kể từ khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung.


Giải Nobel hòa bình hôm nay sau cuộc họp với Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã khẳng định :« Chúng tôi không tẩy chay, nhưng chỉ chờ đợi thời điểm thuận lợi để tham dự họp Quốc hội ».
Bà Aung San Suu Kyi đã giành thắng lợi vinh quang với chiếc ghế dân biểu đầu tiên, trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung hôm 1/4, và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà đã trở thành lực lượng đối lập quan trọng nhất trong Quốc hội Miến Điện.
Các dân biểu mới đắc cử phải rời Rangoon hôm nay để tham dự kỳ họp đầu tiên tại thủ đô Naypyidaw ngày mai. Nhưng phát ngôn viên Ohn Kyaing của LND nhấn mạnh : « Chắc chắn là hôm nay chúng tôi sẽ không đi ».
Các đại biểu đối lập từ chối đọc câu tuyên thệ « duy trì » bản Hiến pháp năm 2008, mà họ muốn thay đổi. Hiến pháp này được thông qua bằng cuộc trưng cầu dân ý diễn ra một tuần sau trận bão Nargis (làm cho 138.000 người chết và mất tích), đã trao quyền hành hết sức rộng rãi cho quân đội và nhất là dành một phần tư số ghế Quốc hội cho các quân nhân.
Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã kiến nghị lên Hội đồng Bảo hiến và Tổng thống Thein Sein hiện đang công du Nhật Bản, đề nghị thay thế hai từ « duy trì » bằng « tôn trọng », nhưng đã không được đáp ứng.
Trước khi tham gia kỳ bầu cử bổ sung, bà Aung San Suu Kyi cũng đã nhiều lần nói rằng một trong những ưu tiên của bà là sửa đổi bản Hiến pháp này. Kết quả là luật lệ về bầu cử đã được sửa đổi, cho phép thảo luận công khai về Hiến pháp, nhưng lời tuyên thệ của các dân biểu được ghi trong bản Hiến pháp thì vẫn giữ nguyên.
Quyết định của phe đối lập không đến tham dự phiên họp khai mạc Quốc hội ngày mai diễn ra ba tuần sau kỳ bầu cử lịch sử, được xem là thử nghiệm cho ý hướng cải cách thực sự của chính phủ Miến Điện. Cuộc bầu cử được tiến hành suông sẻ, đã được thế giới hoan nghênh và khiến phương Tây bắt đầu giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.
Các nước Liên hiệp châu Âu hôm thứ Năm 19/4 đã đạt đến một thỏa thuận nguyên tắc về việc tạm ngưng mọi trừng phạt trong vòng một năm, trừ việc cấm vận vũ khí. Quyết định này sẽ được thông qua vào ngày mai.
Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ trong tuần này cũng đã loan báo việc bà Aung San Suu Kyi, lần đầu tiên kể từ 24 năm qua, sẽ đi thăm Na Uy và Anh vào tháng Sáu. Lãnh tụ đối lập từng bị quản thúc suốt 15 năm trời, cho đến nay chưa bao giờ muốn rời đất nước vì sợ bị buộc phải sống lưu vong. Các nhà quan sát cho rằng chuyến xuất ngoại đầu tiên của bà là dấu hiệu tin tưởng đối với chủ trương cải cách của chính phủ mới tại Miến Điện.
Tân chính quyền đã khuyến khích bà quay lại với chính trường, trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị, và bắt đầu đối thoại với các nhóm nổi dậy thiểu số. Theo một viên chức Nhật Bản, trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Nhật hôm qua, Tổng thống Thein Sein đã cam kết Miến Điện tiếp tục cải cách « qua việc tập trung hơn nữa vào tiến trình dân chủ hóa, bảo vệ các quyền của nhân dân và hòa giải ».
TAGS: CHÂU Á - CHÍNH TRỊ - MIẾN ĐIỆN - ĐỐI LẬP

Không có nhận xét nào: