2.4.12

Nhiệm vụ nhiều bất trắc của dân biểu đắc cử Aung San Suu Kyi




Bà Aung San Suu Kyi đến thăm một phòng bỏ phiếu ở Kahwmu, nơi bà ra ứng cử đại biểu quốc hội, 01/04/2012.
REUTERS/Damir Sagolj
Tú Anh
Miến Điện vừa chứng kiến một sự kiện chính trị lịch sử. Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đắc cử dân biểu qua cuộc bầu cử bổ khuyết hôm chủ nhật, một năm sau khi chính quyền « dân sự » ra đời. Sau 15 năm bị tù đày và quản thúc, vai trò chính trị của khôi nguyên Hòa bình 1991 tại quốc hội không phải là dễ dàng.
Theo AFP, thì dù chính quyền Miến Điện chưa công bố kết quả chính thức, nhưng tại Rangun không một ai nghi ngờ kết quả bầu cử hôm qua 01/04/2012. Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đã thành công vượt qua thử thách phòng phiếu : đắc cử dân biểu quốc hội.


Nhưng cuộc chuyển đổi từ tù nhân của chế độ quân phiệt thành dân biểu của lập pháp không hẳn là sẽ mở ra con đường thênh thang cho nhà lãnh đạo đối lập được dân chúng mến yêu, chế độ nể mặt và thế giới ngưỡng mộ.

Trên đôi vai của người phụ nữ mảnh mai này là sự mong chờ lớn lao của một dân tộc. Từ chống đối chế độ một cách triệt để, như qua chủ trương ủng hộ lệnh trừng phạt của quốc tế, bà sẽ phải đóng một  vai trò mới là lãnh đạo một phong trào phản kháng xây dựng, mà cấp bách nhất là mang lại ấm no cho dân nghèo.

Tại nghị trường, bà phải đối phó với nhiều vấn đề then chốt cần quyết tâm chính trị, nhưng cũng vừa hàm chứa khó khăn kỹ thuật như trợ giúp nông dân, giảm thuế và khuyến khích đầu tư.

Theo giới phân tích trong khu vực, thì bài toán khó cho cả đôi bên chính quyền và đối lập là khả năng thỏa hiệp chính trị. Chế độ thì cần sự hợp tác của đối lập để « bảo đảm tính chính đáng » cho tiến trình chuyển tiếp, trong lúc đối lập cần sự hợp tác của chính quyền để thúc đẩy dân chủ hóa sâu rộng hơn.

Giáo sư Renaud Egreteau, đại học Hồng Kông hoài nghi là bà Aung San Suu Kyi ý thức được một cách chính xác vai trò của bà một khi bước vào quốc hội. Cả đối lập và phe chính phủ cần phải đạt được đồng thuận thì cải cách mới tiến triển được.

Từ khi bà Aung san Suu Kyi tuyên bố ra tranh cử thì đã có nhiều phỏng đoán về tương lai chính trị của bà.

Hồi đầu năm, một cố vấn của tổng thống Thein Sein là ông Nay Zin Latt tiết lộ với AFP là, nhà lãnh đạo đối lập có thể tham gia nội các.

Nhưng hai ngày trước bầu cử, khôi nguyên Hòa bình 1991 tuyên bố dứt khoát là « không bỏ quốc hội, sau nhiều năm tranh đấu để được bầu ».

Nhưng khi được đặt câu hỏi về khả năng bà sẽ làm « cố vấn đặc biệt », lãnh đạo đối lập không phủ nhận mà cũng không xác nhận : « tôi không cần vai trò đặc biệt, nhưng nếu hữu ích thì tại sao không ? ».

Dù sao đi nữa thì quan hệ giữa lãnh đạo đối lập và phe quân đội nay đã đổi khác.

Trong thập niên 2010, giữa những thời gian bị quản thúc hay tù giam, bà luôn chọn thái độ phản kháng trực diện với chính quyền quân phiệt. Lúc đó đã có nhiều thành viên đối lập chỉ trích và cho là lập trường cứng rắn của bà gây ra bế tắc chính trị.

Giờ đây, viên tướng già Than Shwe, người xem bà là kẻ thù số một đã về hưu, nhường chỗ cho ban lãnh đạo mới thông thoáng hơn.

Theo nhận định của cựu đại sứ Úc tại Rangun, Trevor Wilson, thì lãnh đạo đối lập Miến Điện không thể chọn tư thế của « một nhà cách mạng » mà phải « biết người biết ta ».

Theo nhà ngoại giao tây phương này, khôi nguyên Hòa bình 1991 sẽ không bị rơi vào bẫy của phe quân đội dù phe này kiểm soát quốc hội. Tuy nhiên bà cần có sự hậu thuẫn của các đồng viện tại nghị trường.

Dù sao đi nữa thì đối lập không còn bị « khóa miệng » như dưới thời Thein Shwe.

Về điểm này có hai khả năng có thể xảy ra song song : một mặt đại biểu của phe quân đội không thể chống lại những đề nghị của đối lập, nếu các dự luật này được sự ủng hộ của dân chúng. Thứ đến, bà Aung San Suu Kyi sẽ nhân thời cơ phát triển lực lượng thành một phong trào đối lập đúng nghĩa và trẻ trung, chuẩn bị cho tương lai lâu dài.

Chuyên gia Thitinan Ponggsudhirak, đại học Chulalongkorn, tại Bangkok tin rằng tương lai của Miến Điện nằm trong tay giới trẻ : « không một chế độ dân chủ nào được xây dựng chung quanh một cá nhân ». Tương lai Miến Điện nằm trong tay « những cán bộ trẻ của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, của các tổ chức và định chế khác, kể cả đảng cầm quyền hiện nay ».

TAGS: CHÂU Á - CHÍNH TRỊ - MIẾN ĐIỆN - PHÂN TÍCH

Không có nhận xét nào: