Phó đô đốch hải quân Philippines Alexander Pama họp báo tại bộ Ngoại giao giới thiệu ảnh tố cáo tàu Trung Quốc gây hấn trong vùng biển thuộc Philippines ngày 11/04/2012.
REUTERS/Romeo Ranoco
Trọng Nghĩa
Bị Trung Quốc lấn lướt trong vụ tranh chấp Bãi Scarborough Shoal ngoài Biển Đông, Philippines vào hôm nay, 22/04/2012, đã lên tiếng cảnh báo các nước khác là không nên thờ ơ trước vụ này, mà phải tỏ rõ lập trường của mình.
Theo lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, nếu không lên tiếng ngay từ lúc này - như Manila đang làm - quyền lợi của các quốc gia khác cũng sẽ bị tác hại do các đòi hỏi chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong một tin nhắn qua điện thoại gửi đến các phóng viên, Ngoại trưởng Philippines khẳng định : « Vì quyền tự do hàng hải và giao thương ở Biển Đông là một điều tối quan trọng cho nhiều quốc gia, cho nên tất cả cần phải xem xét những gì Trung Quốc đang cố gắng làm tại Bãi Scarborough Shoal ».
Ngoại trưởng Philippines nhắc nhở : « Không riêng gì Philippines, mà tất cả nước, rốt cuộc sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu chúng ta không bày tỏ lập trường ». Ông del Rosario nói thêm là việc Trung Quốc cho là toàn bộ Biển Đông thuộc lãnh thổ của họ là một đòi hỏi « rõ ràng là vô căn cứ ».
Tuyên bố của lãnh đạo ngành ngoại giao Philippines được đưa ra vào lúc quan hệ Manila – Bắc Kinh ngày càng căng thẳng sau khi Trung Quốc cho triển khai tàu tuần tra gần bãi Scarborough Shoal ngoài Biển Đông, chỉ cách hòn đảo chính Luzon của Philippines khoảng 140 hải lý. Đối với Manila, bãi đá này (mà họ đặt tên là Panatag), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Đối với Trung Quốc, dù cách xa mũi cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam đến 750 hải lý, bãi đá này (được đặt tên là Hoàng Nham) - cũng như cả Biển Đông - đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc trên cơ sở lịch sử.
Tranh chấp Manila - Bắc Kinh trên bãi Scarborough đã bùng lên trở lại từ ngày 08/04/2012, khi Philippines phát hiện 8 tàu đánh cá Trung Quốc tại bãi Scarborough, và gửi chiến hạm của mình để chận bắt. Trung Quốc nhanh chóng triển khai ba tàu hải giám ‘dân sự’ đến cản đường tàu Philippines.
Trong một nỗ lực làm dịu tình hình, Philippines cho rút tàu chiến đi, thay bằng một tầu tuần duyên. Trong khí đó thì sau khi tàu cá của họ bỏ đi, Trung Quốc vẫn duy trì tầu tuần tra của họ tại chỗ. Cuộc đối đầu tiếp diễn đến nay.
Philippines từng cố gắng đôn đốc các thành viên ASEAN tỏ rõ lập trường cững rắn hơn trước các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - PHILIPPINES - THEO DÒNG THỜI SỰ - TRUNG QUỐC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét