Nền tảng khoa học của Đấu tranh Bất bạo động
Maria J.Stephan và Erica Chenoweth
LTS: Thực tiễn và lý luận luôn có mối quan hệ tương tác hữu cơ với nhau. Có thể khởi phát của một vấn đề bắt đầu từ một thực tiễn nhưng muốn kiểm soát vấn đề đó một cách hệ thống và chủ động thì không thể không tìm hiểu để xây dựng một cơ sở lý luận cho những hành động thực tiễn sau đó.
Các cuộc đấu tranh bất bạo động cũng thế, đã khởi phát một cách tự nhiên, tự phát từ nhu cầu chống lại sự áp bức, nô dịch của các thế lực cường quyền. Nhưng để có những hành động đấu tranh hiệu quả - tránh thiệt hại hay tránh những hành động sai lầm và tập trung vào những hành động có lợi nhất, chúng ta không thể không tìm hiểu để trang bị cho mình một cơ sở lý luận dựa trên những phân tích khoa học thực tiễn và kinh nghiệm của các cuộc đấu tranh bất bạo động đã và đang diễn. Với tinh thần đó, Đối Thoại trân trọng giới thiệu bản chuyển ngữ sang tiếng Việt một công trình nghiên cứu về Phản kháng Dân sự (một cách gọi khác của Đấu tranh Bất bạo động) của hai học giả, Maria J.Stephan và Erica Chenoweth (1). Công trình này được công bố vào khoảng năm 2008 nhưng đến nay vẫn có tính thời sự vì các dữ liệu, phân tích của nó đã đề cập tới nhiều phong trào phản kháng bất bạo động tại châu Á, trong đó có cả Burma (Miến Điện) – một quốc gia độc tài quân sự hiện đang có những biến chuyển khá tích cực về chính trị. Vì đây là một công trình nghiên cứu nên ngôn ngữ và cách thể hiện của văn bản này có phần khô khan, khó đọc (2), nhưng chúng tôi vẫn hy vọng những người quan tâm tới hiện tình đất nước, nhất là những người có tư chất hoặc mong muốn có một tư duy chiến lược, sẽ tìm thấy ở tập nghiên cứu này những điều bổ ích. Trân trọng giới thiệu.
(1) Maria J. Stephan là Giám đốc của Chương trình Sáng kiến Giáo dục tại Trung Tâm Quốc tế về Xung đột Bất bạo động (International Center on Nonviolent Conflict).
Erica Chenoweth là Phó Giáo sư Chính phủ thuộc Đại học Wesleyan và là Nghiên cứu sinh sau tiến sỹ (vào thời điểm 2008) tại Trung tâm Khoa học và các Vấn đề Quốc tế Belfer tại Trường Công John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard.
Nhan đề của bản nghiên cứu này là “Why civil resistance works”
(2) Các chú thích trong bản nghiên cứu này chúng tôi cố gắng chuyển ngữ tối đa sang tiếng Việt nhưng vẫn giữ nguyên các tên tài liệu hoặc sách tham chiếu bằng Anh ngữ để độc giả thuận tiện trong việc tra cứu và tìm hiểu thêm.
***********************************************
************************************
Tại sao Phản kháng Dân sự lại thành công?
Nền tảng khoa học của Đấu tranh Bất bạo động
Maria J.Stephan và Erica Chenoweth
Trong các tranh luận học thuật gần đây về tính hiệu quả của các phương pháp đấu tranh có một ngầm ý cho rằng phương tiện hiệu quả nhất trong các cuộc đấu tranh chính trị cần thiết phải có bạo động (violence)[1]. Trong giới khoa học chính trị cũng có một quan điểm nổi trội cho rằng các phong trào đối lập phải dùng các phương pháp bạo động vì chúng hiệu quả hơn phương pháp bất bạo động trong việc đạt được các mục tiêu chính sách (policy goal)[2]. Nhưng dù cho có những nhận định như thế, từ năm 2000 đến năm 2006, đã có nhiều cuộc phản kháng dân sự có tổ chức đã thành công trong việc sử dụng các phương pháp bất bạo động, như tẩy chay, bãi công, phản đối và bất hợp tác có tổ chức, trong việc đối đầu với các chính quyền lỳ lợm và đã đạt được các nhượng bộ chính trị như ở Serbia (2000), Madagascar (2002), Georgia (Gru-dia) (2003) và Ukraine (2004-2005), Lebanon (Li-băng) (2005), và Nepal (2006)[3]. Thành công của các chiến dịch bất bạo động này – đặc biệt khi chúng lại xuất hiện đồng thời với các hoạt động phản kháng có tính bạo động kéo dài ở ngay tại một số các nước đó – xứng đáng là một vấn đề cần được nghiên cứu một cách bài bản, hệ thống.
Với các công trình nghiên cứu hiện có, chúng ta có thể tìm thấy một vài lý giải cho việc tại sao các chiến dịch phản kháng bất bạo động lại là một cách thức hiệu quả trong việc đối đầu với chính quyền[4]. Tuy nhiên, rất ít tài liệu phân tích được đầy đủ tất cả những gì đã biết về các cuộc nổi dậy bất bạo động và bạo động như các dạng thức phản kháng tương đương nhau (analogous)[5]. Bản nghiên cứu này nhằm mục đích bổ sung vào chỗ thiếu hụt đó bằng cách tìm hiểu, một cách có hệ thống, tính hiệu quả (đạt được mục đích) chiến lược của các chiến dịch bạo động và bất bạo động trong các cuộc xung đột giữa một bên là các lực lượng của chính quyền và bên kia là các lực lượng không thuộc chính quyền, thông qua các dữ liệu gộp của các chiến dịch phản kháng bạo động và bất bạo động xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 1900 đến năm 2006.[6] Và để hiểu rõ hơn các cơ chế nhân quả tạo ra các kết quả đó, chúng tôi cũng so sánh các phát hiện có tính thống kê với các sự kiện lịch sử trong các thời kỳ có cả hai loại đấu tranh bạo động và bất bạo động.
Các phát hiện của chúng tôi cho thấy các chiến dịch phản kháng bất bạo động lớn đã đạt được tỷ lệ thành công là 53% so với 26% đối với các chiến dịch phản kháng bạo động.[7] Có hai lý do cho sự thành công đó. Thứ nhất, sự cam kết với các phương pháp bất bạo động của một chiến dịch đã làm tăng cường tính chính đáng cho chiến dịch đó ở cả trong nước và quốc tế, đồng thời động viên được sự tham gia rộng lớn hơn của nhiều thành phần, tầng lớp trong xã hội cho công cuộc đấu tranh – điều này sẽ chuyển thành các áp lực lớn hơn giáng xuống chính quyền (là mục tiêu của sự phản đối). Việc chứng kiến các bất bình, đau khổ của những người phản kháng có thể chuyển thành những ủng hộ lớn hơn từ bên trong và bên ngoài cho những người phản kháng và gây ra sự chia rẽ trong chính quyền, gây tổn hại tới các nguồn lực chính yếu của chính quyền ở góc độ kinh tế, chính trị và thậm chí cả quân sự. Thứ hai, trong khi chính quyền rất dễ biện hộ cho những hành động bạo lực trong việc trấn áp các hoạt động phản kháng có vũ trang thì việc dùng bạo lực để chống lại các phong trào bất bạo động sẽ có nhiều khả năng khiến cho chính quyền bị tác dụng ngược, “gậy ông đập lưng ông”. Hơn nữa, công chúng dễ coi những nguời đấu tranh vũ trang như những người cực đoan hoặc đòi hỏi quá thực tế, nhưng người dân lại nhìn nhận các nhóm phản kháng bất bạo động là những người ít cực đoan hơn. Do đó sức thu hút, thuyết phục công chúng của những nhóm phản kháng bất bạo động mạnh hơn và dễ đạt được các nhượng bộ qua đàm phán hơn.[8]
Những phát hiện của chúng tôi cũng khác với một nhận thức phổ biến cho rằng dùng bạo lực chống lại các đối thủ lớn hơn là cách thức hiệu quả nhất để các nhóm chống đối đạt được các mục tiêu chính sách. Nghiên cứu của chúng tôi xác nhận rằng đấu tranh bất bạo động là một giải pháp đủ sức mạnh để thay thế cho cách thức bạo động trong việc đối đầu một cách hiệu quả với các đối thủ cả dân chủ và phi dân chủ, và nhiều khi hiệu quả lớn hơn nhiều so với cách thức đấu tranh dùng bạo động.
Bài viết dưới đây được trình bày làm 03 phần. Phần một trình bày cơ sở lý luận của chúng tôi. Phần hai giới thiệu các tập dữ liệu, các phát hiện thực nghiệm sơ bộ. Trong phần ba, chúng tôi xem xét ba trường hợp điển cứu (case study) thuộc phong trào đấu tranh bạo động và bất bạo động ở vùng Đông Nam Á. Cuối cùng là phần kết luận với một số khuyến nghị có tính lý thuyết và chính sách được rút từ các phát hiện, đánh giá vừa nêu.
Loại nào đấu tranh nào sẽ thành công?
Đấu tranh bất bạo động là một phương pháp có nền tảng dân sự nhằm gây ra xung đột thông qua các phương tiện chính trị, kinh tế và tâm lý mà không đe dọa hay sử dụng bạo lực. Phương pháp đó bao gồm các hành động không thực hiện (omission), hành động thực hiện (commission) hoặc sự phối hợp cả hai.[9] Các nghiên cứu đã cho thấy có tới hàng trăm các cách phản kháng bất bạo động khác nhau – từ những phản đối có tính tượng trưng cho tới các hoạt động tẩy chay kinh kế, bãi công, bất hợp tác trong lĩnh vực dân sự hay chính trị cho tới các hành động can thiệp không dùng bạo lực – nhằm để huy động quần chúng chống lại hay ủng hộ các chính sách, làm mất tính chính đáng của đối thủ và loại bỏ hoặc làm thu hẹp các nguồn lực của đối thủ.[10] Đấu tranh bất bạo động là một dạng thức đấu tranh diễn ra ngoài khuôn khổ các kênh chính trị truyền thống, khác biệt hẳn với các hoạt động chính trị bất bạo động khác như vận động hành lang, các kỹ thuật vận động trong quá trình bầu cử hay các hoạt động của cơ quan lập pháp.
Đấu tranh bất bạo động chiến lược khác với tinh thần bất bạo động (principled nonviolence) có nền tảng tôn giáo hoặc đạo đức không sử dụng bạo lực. Mặc dù đã có nhiều người có tinh thần bất bạo động đã tham gia vào các cuộc đấu tranh bất bạo động như Gandhi và Martin Luther King Jr., nhưng đa phần những thành viên của các cuộc đấu tranh bất bạo động không phải là những người sùng bái tinh thần bất bạo động.[11] Sự phối hợp giữa đấu tranh bất bạo động với tinh thần bất bạo động, tinh thần hòa bình (pacifism), sự thụ động, tính yếu ớt hoặc các cuộc biểu tình riêng lẻ là những sự kiện làm tăng thêm sự hiểu sai về bản chất của một cuộc đấu tranh bất bạo động.[12] Đúng là các chiến sỹ bất bạo động là những người tránh việc đe dọa hay sử dụng bạo động, nhưng danh hiệu “hòa bình” thường dành cho các phong trào bất bạo động lại không nói lên được khả năng (thường có ở mức cao) gây gián đoạn sự vận hành của chính quyền, của xã hội của cách thức đấu tranh bất bạo động có tổ chức. Những người đấu tranh bất bạo động đạt được các yêu sách của họ đối với một đối thủ (chính quyền) bằng cách giành được sự kiểm soát xung đột thông qua sự mở rộng các hoạt động bất hợp tác và bất chấp.[13] Trong khi sự áp đặt bằng bạo lực lại dễ gây ra bạo lực phản lại chính người áp đặt bạo lực.[14]
Có một số học giả thường cho rằng các phương pháp đấu tranh bạo động là những phương pháp có khả năng áp đặt nhất hoặc có khả năng tạo ra sự chấp nhận nhất và, do đó, sẽ tạo ra các thay đổi mong muốn về chính sách.[15] Ví dụ, một số người lập luận rằng khủng bố là một sách lược hiệu quả, đặc biệt để buộc các chế độ dân chủ phải nhượng bộ về lãnh thổ[16]. Nhưng ngược lại, Max Abrahams lại chứng tỏ rằng tỷ lệ thành công của lực lượng khủng bố là hết sức thấp, chỉ đạt được các mục tiêu chính sách trong 7% các lần thực hiện.[17] Tuy nhiên Abrahams cũng kết luận rằng những người chọn lựa phương pháp khủng bố chỉ vì nó vẫn còn hiệu quả hơn phương pháp bất bạo động.[18]
Chúng tôi lại cho rằng một cuộc đấu tranh bất bạo động có thể có lợi thế chiến lược hơn hẳn đấu tranh bạo động, vì hai lý do:
Thứ nhất, việc đàn áp những cuộc đấu tranh bất bạo động có thể gây tác dụng phụ “gậy ông đập lưng ông” cho bên đàn áp. Một hành động bất chính – thường là đàn áp bằng bạo lực - sẽ gây hoảng sợ cho chính những người chủ trương đàn áp, thường đưa đến mất sự tuân phục ở những người ủng hộ chế độ, làm cho quần chúng chống lại chế độ nhiều hơn và dẫn đến sự lên án của cộng đồng quốc tế.[19] Vì thế các chi phí, trả giá ở trong và ngoài nước cho một việc trấn áp bằng bạo lực các phong trào phản kháng bất bạo động sẽ cao hơn hẳn so với sự trấn áp các phong trào phản kháng bạo động. Tác dụng phụ đó còn dẫn đến những xoay chuyển quyền lực do sự gia tăng tính đoàn kết nội bộ của phong trào phản kháng, tăng cường trợ giúp từ bên ngoài cho phong trào phản kháng và làm giảm các trợ giúp từ bên ngoài cho chế độ. Các xung động đó dễ dàng xảy ra hơn khi bạo lực của chế độ không bị đáp trả bằng bạo lực từ phong trào phản kháng và khi điều đó được thông tin cho dư luận trong và ngoài được biết.[20] Những hệ lụy trong nước và quốc tế của một trấn áp bạo lực đối với những người đã thể hiện rõ sự cam kết bất bạo động của họ sẽ nghiêm trọng hơn so với hệ lụy của việc trấn áp những người có thể dễ dàng bị gán cho là “những kẻ khủng bố” hoặc những “kẻ nổi loạn bạo lực”.[21]
Ở nội bộ bên trong chế độ, từ những công chức dân sự, nhân viên an ninh và các nhân viên tư pháp có nhiều khả năng chuyển sự gắn bó của họ sang phía các nhóm đối lập bất bạo động hơn là các nhóm bạo động. Sức mạnh áp đặt của bất kỳ phong trào chống đối nào cũng sẽ được gia tăng bởi xu hướng bất phục và ly khai của các thành viên trong lực lượng an ninh – những người dễ phải cân nhắc những hệ quả xấu cho sinh mạng chính trị và đời sống của họ khi họ phải trấn áp những người biểu tình tay không hơn là đối với những kháng chiến quân có vũ trang.[22] Các chia rẽ dễ xảy ra trong thành phần lão thành của chế độ vì họ thường chuẩn bị để đối phó với những người phản kháng có vũ trang hơn là những phong trào quần chúng phản đối bất bạo động.[23] Trấn áp cũng có thể bị “gậy ông đập lưng ông” khi số lượng dân chúng ủng hộ đã tăng lên. Việc chủ động làm nhiều người tham gia vào phong trào chống đối bất bạo động cũng có thể tạo ra áp lực lớn hơn và bền hơn lên các đối tượng bị phản đối cho dù công chúng không sử dụng bạo lực là vì đã xác định một tinh thần bất bạo động hoặc chỉ vì không có khả năng dùng phương tiện bạo lực.
Từ bên ngoài, cộng đồng quốc tế cũng dễ lên án và trừng phạt các chính quyền đã trấn áp phong trào bất bạo động hơn là phong trào bạo động. Khi các tổ chức phi chính phủ (NGO) có thiện cảm với công cuộc đấu tranh, các phong trào bất bạo động sẽ có khả năng lớn hơn trong việc thuyết phục, kêu gọi sự trợ giúp từ bên ngoài.[24] Các thiệt hại về đối ngoại có thể cao hơn đối với một cuộc trấn áp phong trào bất bạo động, đặc biệt khi trấn áp bị truyền thông ghi lại. Các tổ chức, cá nhân và các quốc gia trên thế giới có nhiều khả năng hợp tác với nhau để trừng phạt các chế độ luôn trấn áp những người phản đối không có vũ trang.[25] Mặc dù trừng phạt cũng có thể được áp đặt khi chính quyền trấn áp những người phản kháng có vũ trang nhưng khả năng đó thấp hơn. Ngược lại, thực tế đã cho thấy có một số chính quyền nước ngoài trợ giúp cho một chính quyền để dập tắt các chống đối có vũ trang. Và tương phản với điều này, lại cũng có một số quốc gia khác đã trợ giúp vật chất cho các cuộc kháng chiến có vũ trang để tăng khả năng chống lại chính quyền. Tuy nhiên, việc trợ giúp ở mức chính phủ cho các cuộc nổi dậy có vũ trang hay cho các nhóm khủng bố là một vấn đề khó xử trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia từ vài thập niên trở lại đây.[26] Nhưng liệu các nhóm chống đối bạo động được chính phủ các quốc gia khác hỗ trợ có thành công hay không vẫn là điều không rõ ràng.
Thứ hai, các phong trào đấu tranh bất bạo động thể hiện được khả năng để ngỏ lớn hơn cho những đàm phán, thỏa thuận với chính quyền vì những phong trào đó không đe dọa mạng sống hay sự yên ổn của các nhân viên phục vụ chế độ. Những người ủng hộ chế độ cũng dễ có xu hướng hơn để đi tới sự mặc cả, thỏa thuận với các nhóm chống đối không giết hay gây tổn thương cho những đồng đội của họ.
Thuyết suy luận tương xứng giải thích tại sao các phong trào bất bạo động có khả năng kêu gọi được quần chúng tốt hơn và có sức thuyết phục hơn đối với những người ủng hộ chế độ. Thuyết này cho rằng cách mà một người định phản ứng lại với một đối thủ phụ thuộc vào cách hành động của đối thủ, vì vậy mà đấu tranh bất bạo động có hai lợi thế lớn.[27]
Thứ nhất, sự ủng hộ của công chúng luôn có vai trò cốt yếu cho bất kỳ cuộc đấu tranh nào, trong khi công chúng coi các cuộc đấu tranh bất bạo động lại không có tính đe dọa về vật chất, sinh mạng như đối với các cuộc đấu tranh vũ trang, bạo động.[28] Các phong trào bất bạo động luôn tỏ ra dễ chấp nhận đàm phán hơn các phong trào bạo động mà không tùy thuộc vào mức độ gây gián đoạn chính trị của chúng. Trước sự đàn áp của chính quyền, công chúng ít có xu hướng ủng hộ một phong trào bạo động có nguy cơ gây ra những trấn áp, đổ máu giống như chính quyền hoặc một phong trào bạo động không quan tâm tới các thiệt hại về nhân mạng.[29]
Thứ hai, khi các kháng chiến quân vũ trang đe dọa sinh mạng các thành viên chính quyền và các nhân viên an ninh của nó, họ đã tự làm giảm đi rất nhiều khả năng gây ra sự ly khai trong chính quyền. Abrahams đã nhận thấy các nhóm khủng bố nhằm vào các mục tiêu dân sự đều mất đi sự ủng hộ của công chúng so với các nhóm giới hạn mục tiêu tấn công chỉ là các cơ sở quân sự hay trụ sở cảnh sát của chính quyền.[30] Đầu hàng hay đào thoát sang các phong trào bạo động luôn là việc rủi ro hơn nhiều vì các nhóm chống đối bạo động có thể giết hoặc tra tấn họ trong khi chính quyền lại cũng có thể tìm cách trừng phạt những người ly khai. Hơn nữa, vì các phương pháp bất bạo động đã thể hiện rõ việc không đe dọa về sinh mạng lực lượng an ninh hoặc các công chức của chính quyền nên các thành viên của chính quyền dễ chuyển cảm tình hay sự gắn bó về phía phong trào bất bạo động hơn. Một khi chính quyền không còn trông cậy được vào sự hợp tác của lực lượng an ninh hay các lực lượng nòng cốt trong việc kiểm soát xã hội nữa thì khả năng bám vào quyền lực của nó sẽ bị suy yếu.
Tuy nhiên sự trấn áp một phong trào bạo động cũng có thể gây ra hậu quả “gậy ông đập lưng ông”. Sự tàn nhẫn của lực lượng quân đội Anh ở Bắc Ai-len đã mang lại nhiều lợi thế chiến lược lâu dài cho Quân đội Cộng hòa Lâm thời Ai-len (một tổ chức có vũ trang nhằm đòi độc lập cho Bắc Ai-len khỏi chính quyền Anh. ND) do số người ủng hộ phong trào này tăng lên. Song, chúng tôi vẫn cho rằng khả năng “gậy ông đập lưng ông” từ việc trấn áp một phong trào bạo động ít xảy ra hơn và cho dù có những bước lùi tạm thời thì một phong trào bất bạo động vẫn dễ thu được các lợi ích lâu bền hơn khi bị chính quyền trấn áp.
Toàn bộ các thiệt hại trong và ngoài nước do sự đàn áp liên tục thường buộc một chính quyền phải chấp nhận các phong trào bất bạo động hơn là phong trào bạo động.
Phần tiếp theo sẽ trình bày việc kiểm định những nhận định này.
(Còn nữa. Xin xem tiếp kỳ tới 07/04/2012)
Đấu tranh bất bạo động (1) (2) (3)
Đấu tranh bất bạo động (4)
[1] Robert A. Pape, Dying to Win: The Strategic Logic of Suicide Terror (New York: Random House, 2005); Robert A. Pape, Bombing to Win: Air Power and Coercion in War (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1996); Daniel L. Byman and Matthew C. Waxman, “Kosovo and the Great Air Power Debate,” International Security, Vol. 24, No. 4 (Spring 2000), pp. 5–38; Daniel L. Byman, Matthew C.Waxman, and Eric V. Larson, Air Power as a Coercive Instrument (Washington, D.C.: RAND, 1999);Daniel Byman and Matthew Waxman, The Dynamics of Coercion: American Foreign Policy and the Limits of Military Might (New York: Cambridge University Press, 2002); Michael Horowitz and Dan Reiter, “When Does Aerial Bombing Work? Quantitative Empirical Tests, 1917–1999,” Journal of Conflict Resolution, Vol. 45, No. 2 (April 2001), pp. 147–173; Max Abrahms, “Why Terrorism Does Not Work,” International Security, Vol. 31, No. 2 (Fall 2006), pp. 42–78; Gary Clyde Hufbauer, Jeffrey J. Schott, and Kimberly Ann Elliott, Economic Sanctions Reconsidered: History and Current Policy (Washington, D.C.: Institute of International Economics, 1992); Robert A. Pape, “Why Economic Sanctions Do Not Work,” International Security, Vol. 22, No. 2 (Fall 1997), pp. 90–136; Lisa L. Martin, Coercive Cooperation: Explaining Multilateral Sanctions (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1992); Jaleh Dashti-Gibson, Patricia Davis, and Benjamin Radcliff, “On the Determinants of the Success of Economic Sanctions: An Empirical Analysis,” American Journal of Political Science, Vol. 41, No. 2 (April 1997), pp. 608–618; A. Cooper Drury,“Revisiting Economic Sanctions Reconsidered,” Journal of Peace Research, Vol. 35, No. 4 (July 1998), pp. 497–509; Ivan Arreguín-Toft, How the Weak Win Wars: A Theory of Asymmetric Conºict (New York: Cambridge University Press, 2005); Gil Merom, How Democracies Lose Small Wars: State, Society, and Failures of France in Algeria, Israel in Lebanon, and the United States in Vietnam (New York: Cambridge University Press, 2003); and Donald Stoker, “Insurgencies Rarely Win—And Iraq Won’t Be Any Different (Maybe),” Foreign Policy, No. 158 (January/February 2007).
[2] Xem Pape, Dying to Win; and Arreguín-Toft, How the Weak Win Wars. International Security, Vol. 33, No. 1 (Summer 2008), pp. 7–44
[3] Robert L. Helvey định nghĩa phương pháp bất bạo động là “một hành động cụ thể với các kỹ thuật không dùng đến các hành vi bạo lực”, bao gồm phản đối và thuyết phục, bất hợp tác và can dự. Xem Helvey, On Strategic Nonviolent Conflict: Thinking about the Fundamentals (Boston: Albert Einstein Institution, 2004), p. 147.
[4] Gene Sharp, The Politics of Nonviolent Action, 3 vols. (Boston: Porter Sargent, 1973); Peter Ackerman and Christopher Kruegler, Strategic Nonviolent Conflict: The Dynamics of People Power in the Twentieth Century (Westport, Conn.: Praeger, 1994); Adrian Karatnycky and Peter Ackerman, How Freedom Is Won: From Civic Resistance to Durable Democracy (Washington, D.C.: Freedom House, 2005); Kurt Schock, Unarmed Insurrections: People Power Movements in Nondemocracies (Minneapolis: University of Minnesota Press, 2005); Paul Wehr, Heidi Burgess, and Guy Burgess, eds., Justice without Violence (Boulder, Colo.: Lynne Rienner, 1994); Stephen Zunes, “Unarmed Insurrections against Authoritarian Governments in the Third World: A New Kind of Revolution,” Third World Quarterly, Vol. 15, No. 3 (September 1994), pp. 403–426; Stephen Zunes, Lester Kurtz, and Sarah Beth Asher, eds., Nonviolent Social Movements: A Geographical Perspective (Malden, Mass.: Blackwell, 1999); and Vincent Boudreau, Resisting Dictatorship: Repression and Protest in Southeast Asia (New York: Cambridge University Press, 2004).
[5] Một ngoại lệ nổi tiếng là Karatnycky và Ackerman trong How Freedom Is Won.
[6] Từ “phản kháng” được chúng tôi sử dụng nhằm để chỉ các cuộc nổi dậy của người dân, cả loại có vũ trang và không vũ trang. Thay cho việc sử dụng các dữ liệu về lượng, chúng tôi qui định các phong trào (campaign) – với nghĩa bao gồm một loạt các sự kiện nhìn thấy, có tổ chức, kéo dài và được lặp lại nhằm vào một mục tiêu rõ ràng để đạt được một mục đích – làm đơn vị chính cho sự phân tích. Chúng tôi đo lường “tính hiệu quả” bằng cách so sánh các mục tiêu của nhóm đã công bố với các kết quả về chính sách đã đạt được (vd. Chính quyền có ý định nhượng bộ trước sức ép của phong trào đối lập). Sự phân biệt có tính phân tích này không hoàn hảo nhưng nhiều nhà nghiên cứu khác đã sử dụng chúng một cách thành công. Xem thêm Abrahms, “Why Terrorism Does Not Work.”
[7] Các nhóm khủng bố còn thất bại tồi tệ hơn nhiều. Xem thêm sách đã dẫn (Sđd.), tr. 42; và Stoker, “Insurgencies
Rarely Win.” Nghiên cứu của chúng tôi không chú ý so sánh giữa hoạt động khủng bố với phản kháng bất bạo động, nhưng các phân tích của chúng tôi cũng mang lại một số lý giải cho việc tại sao hoạt động khủng bố lại không thành công như thế.
[8]Xem Abrahms, “Why Terrorism Does Not Work.” Điều này đặc biệt đúng cho hoạt động khủng bố. Nhưng chúng tôi thấy rằng hoạt động khủng bố cũng có thể được dùng trong một số dạng đấu tranh vũ trang khác để giành quyền lực. Đôi khi các phong trào bạo động cũng có thể tự kiềm chế được trong việc lựa chọn các mục tiêu tấn công, nhưng những kiềm chế như thế đòi hỏi khả năng kiểm soát rất cao. Về sự tranh luận đối với các vấn đề này, xem thêm Jeremy Weinstein, Inside Rebellion: The Politics of Insurgent Violence (New York: Cambridge University Press, 2007).
[9]Gene Sharp, ed., Waging Nonviolent Struggle: 20th Century Practice and 21st Century Potential (Boston: Porter Sargent, 2005), pp. 41, 547.
[10]Xem Sharp, The Politics of Nonviolent Action, vol. 2, trong tác phẩm này Sharp liệt kê 198 cách thức đấu tranh bất bạo động và mỗi cách đều được minh họa bằng các sự kiện lịch sử.
[11] George Lakey, ed., Powerful Peacemaking: A Strategy for a Living Revolution (Philadelphia, Pa.: New Society, 1987), p. 87. Xem thêm Doug Bond, “Nonviolent Direct Action and Power,” in Wehr, Burgess, and Burgess, Justice without Violence.
[12] Sharp, The Politics of Nonviolent Action, 3 vols.; Ackerman and Kruegler, Strategic Nonviolent Conflict; and Schock, Unarmed Insurrections.
[13] Sharp, The Politics of Nonviolent Action, 3 vols. Việc duy trì được một phong trào có mục đích và kỷ luật là vấn đề liên quan tới tinh thần làm việc tập thể - đây sẽ là chủ đề của những nghiên cứu khác. Xem thêm Weinstein, Inside Rebellion; và Elisabeth Jean Wood, Insurgent Collective Action and Civil War in El Salvador (New York: Cambridge University Press, 2003).
[14] Byman and Waxman, The Dynamics of Coercion, pp. 30, 50.
[15] Pape, Bombing to Win; Pape, “Why Economic Sanctions Do Not Work”; and Horowitz and Reiter, “When Does Aerial Bombing Work?”
[16] Pape, Dying to Win; Ehud Sprinzak; “Rational Fanatics,” Foreign Policy, No. 120 (September/ October 2000), pp. 66–73; David A. Lake, “Rational Extremism: Understanding Terrorism in the Twenty-first Century,” Dialogue-IO, Vol. 1, No. 1 (Spring 2002), pp. 15–29; Andrew H. Kydd and Barbara F. Walter, “The Strategies of Terrorism,” International Security, Vol. 31, No. 1 (Fall 2006), pp. 49–80; and Alan M. Dershowitz, Why Terrorism Works: Understanding the Threat, Responding to the Challenge (New Haven, Conn.: Yale University Press, 2002).
[17] Abrahms, “Why Terrorism Does Not Work,” p. 42.
[18] Sđd., tr. 41–42.
[19] “Đạo đức jiu-jitsu,” “chính trị jiu-jitsu,” và “gậy ông đập lưng ông”, chúng đều có liên quan tới nhau nhưng là những khái niệm riêng biệt. Xem Richard B. Gregg, The Power of Nonviolence, 2d ed. (New York: Schocken, 1935), pp. 43–65; Sharp, The Politics of Nonviolent Action, p. 657; và Brian Martin, Justice Ignited: The Dynamics of Back-fire (Lanham, Md.: Rowman and Littleªeld, 2007), p. 3.
[20] Anders Boserup và Andrew Mack, War without Weapons: Nonviolence in National Defence (London: Frances Pinter, 1974), p. 84. Một số học giả khác cho rằng sự kết hợp giữa đối đầu bền bỉ với đối thủ và việc duy trì được một kỷ luật bất bạo động cùng với việc có một công chúng có thiện cảm là những điều kiện cần để tạo ra được jiu-jitsu. Xem Brian Martin and Wendy Varney, “Nonviolence and Communication,” Journal of Peace Research, Vol. 40, No. 2 (March 2003), pp. 213–232; và Martin, Justice Ignited. Martin ghi nhận hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông” có thể xảy ra khi truyền thông có khả năng ghi lại được sự trấn áp của lực lượng an ninh đối với những người chống đối bất bạo động. Bên cạnh đó, các chính quyền đàn áp luôn triển khai các chiến lược nhằm tránh sự phẫn nộ của công chúng để giảm thiểu tác động của hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông” hoặc nhằm không cho hiệu ứng đó xảy ra.
[21] Anika Locke Binnendijk and Ivan Marovic, “Power and Persuasion: Nonviolent Strategies to Influence State Security Forces in Serbia (2000) and Ukraine (2004),” Communist and Post- Communist Studies, Vol. 39, No. 3 (September 2006), p. 416.
[22] Đào ngũ hay ly khai là việc rút lại sự ủng hộ, trợ giúp cho chế độ hiện hành. Lực lượng an ninh hay dân sự đào ngũ (ly khai) là khi, ví dụ, họ không thực hiện các mệnh lệnh của cấp trên hoặc họ rời bỏ công việc đang làm cho chính quyền.
[23] Xem Zunes, “Unarmed Insurrections against Authoritarian Governments in the Third World”; Ralph Summy, “Nonviolence and the Case of the Extremely Ruthless Opponent,” Paciªca (xl) Review,Vol. 6, No. 1 (May 1994), pp. 1–29; and Lakey, Powerful Peacemaking.
[24] Trợ giúp từ bên ngoài cũng có thể gây bất lợi cho một phong trào phản kháng, nhưng điều này cũng có thể xảy ra cho cả phong trào bạo động và bất bạo động. Xem Clifford Bob, The Marketing of Rebellion: Insurgents, Media, andInternational Activism (New York: Cambridge University Press, 2005).
[25] Chúng tôi sử dụng danh mục các loại trừng phạt đã được tổng hợp bởi Hufbauer, Scott, và Elliott, Economic Sanctions Reconsidered.
[26] Daniel Byman, Deadly Connections: States That Sponsor Terrorism (New York: Cambridge University Press, 2005). See also Jeffrey Record, “External Assistance: Enabler of Insurgent Success,” Parameters, Vol. 36, No. 3 (Autumn 2006), pp. 36–49.
[27] Abrahms, “Why Terrorism Does Not Work.”
[28] James DeNardo, Power in Numbers: The Political Strategy of Protest and Rebellion (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1985).
[29] Kết luận này có thể phụ thuộc vào “khoảng cách xã hội” giữa phong trào phản kháng với các đối thủ (chính quyền), ví dụ như các khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa và xã hội giữa hai bên có thể làm giảm đi sức ép của phong trào phản kháng đối với chính quyền. Xem See Johan Galtung, Nonviolence in Israel/Palestine (Honolulu: University of Hawaii Press, 1989), p. 19.
[30] Abrahms, “Why Terrorism Does Not Work.”
Góp Ý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét