Tại cuộc họp báo ở Manila hôm thứ sáu (20-04-2012), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Fernandez nói rằng việc Trung Quốc phái chiếc tàu tuần tiểu thứ 3 đến bãi đá Scarborough làm leo thang vụ đối đầu giữa hai nước trong vùng biển mà đôi bên đều tuyên bố có chủ quyền. 


Ông cho biết Philippines sẽ yêu cầu Trung Quốc giải thích tại sao họ vi phạm một thỏa thuận trước đó là không làm cho tình hình phức tạp thêm. 


Người phát ngôn này nói thêm rằng Manila chuẩn bị đưa vụ tranh chấp ra trước tòa án quốc tế mặc dù ý kiến đó đã bị Bắc Kinh bác bỏ vài ngày trước đây.


Tố cáo của Philippines được đưa ra trong lúc một bản tin của Tân Hoa Xã cho hay Bắc Kinh phái tàu “Ngư chính 310” đến vùng biển quanh hòn đảo mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, vì Philippines không chịu rút đi chiếc tàu tuần duyên của họ ra khỏi lãnh hải của Trung Quốc. 


Trong khi đó, dư luận Trung Quốc tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với thái độ cứng rắn của Bắc Kinh trong vụ đối đầu với Philippines. 


Ông Trương Vũ Quyền, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Trung Sơn ở Trung Quốc, cho biết nhiều người nước ông đang hô hào cho việc “đánh Philippines”. Ông nói thêm như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho ban Hoa Ngữ đài VOA:


"Những phát biểu của tờ Hoàn cầu Thời báo thật ra cũng đại diện cho ý kiến của một bộ phận tương đối lớn trong dân chúng. Trong quân đội Trung Quốc có rất nhiều người nghĩ rằng đã tới lúc tiến hành một cuộc chiến tranh qui mô nhỏ. Đó là một lời hô hào có âm thanh khá cao. Còn có một điều nữa là nếu quí vị chú ý thì quí vị sẽ thấy chẳng riêng tờ Hoàn cầu Thời báo mà các tờ báo khác của Trung ương Đảng, như tờ Nhân dân Nhật báo, tất cả đều nói tới việc Trung Quốc cần phải phát động chiến tranh nếu Philippines có thái độ gây hấn quá mức."


Giáo sư Hoàng Tĩnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á châu và Toàn cầu hóa của Đại học Quốc gia Singapore, cũng có một nhận định tương tự. Ông cho biết như sau:


"Ở Trung Quốc hồi gần đây, cả chính phủ lẫn người dân đều cho rằng thái độ quá mềm yếu đối với vấn đề Nam Hải có thể gây ra những tác dụng tiêu cực. Tác dụng tiêu cực đó có thể gây bất ổn cho cuộc diện chính trị trong nước. Như quí vị đã biết, Trung Quốc hồi gần đây xảy ra rất nhiều vụ việc không tốt, và có lẽ vì vậy mà họ muốn tìm cách phô trương một hình ảnh tốt đẹp nào đó."


Giáo sư Hoàng Tĩnh cho rằng những áp lực từ những yếu tố chính trị quốc nội của cả Trung Quốc lẫn Philippines làm cho tình hình khó giải quyết. Ông nói:


"Nếu đặt mình vào vị thế của Philippines chúng ta sẽ thấy Philippines làm như vậy là hợp lý. Lý do thứ nhất là họ lâu nay vẫn xem vùng biển này là của mình, là Biển Tây Philippines. Thứ nhì là họ nghĩ rằng tàu đánh cá Trung Quốc không ngớt vào hoạt động trong khu vực đặc quyền kinh tế của họ mà họ không có cách ngăn chận hữu hiệu. Lý do thứ ba là tình hình quốc nội của Philippines hiện nay cũng có vấn đề cho nên họ không có đủ khả năng để nhượng bộ trong lãnh vực ngoại giao. Họ cần phải tỏ ra cứng rắn."


Ông Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái bình dương của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Honolulu, cho rằng Trung Quốc chính là nước đã làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp trong vài năm gần đây, khi sức mạnh kinh tế và quân sự của họ không ngừng gia tăng một cách nhanh chóng. Ông Cossa nói thêm như sau:


"Chúng ta sẽ thấy vấn đề này không ngừng xuất hiện. Không bên nào muốn xảy ra chiến tranh hay khủng hoảng, nhưng không bên nào chịu lùi bước. Đó là một phần của vấn đề. Bên nào cũng muốn củng cố đòi hỏi chủ quyền của mình. Hiện giờ Trung Quốc đang đổ lỗi cho Hoa Kỳ làm cho Philippines có thêm sức mạnh hoặc khuyến khích Philippines cương quyết hơn trong việc đòi chủ quyền. Nhưng rõ ràng là trong vụ này Trung Quốc chính là nước làm cho vấn đề nảy sinh và gây ra những mối quan tâm."


Vụ đối đầu ở bãi cạn mà Philippines gọi là Panatag, hay Đảo Bình Yên, đang làm cho nhiều người, đặc biệt là các chuyên gia quốc phòng Hoa Kỳ, lo ngại về việc Washington có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột. Về việc này, ông Cossa cho biết ý kiến như sau:


"Hoa Kỳ muốn đứng ngoài vụ tranh chấp chủ quyền. Nhưng Hoa Kỳ là đồng minh có ký kết hiệp ước của Philippines. Cho nên trong trường hợp Trung Quốc hay bất kỳ một nước nào khác trở thành một kẻ xâm lăng và thực hiện những hoạt động quân sự nhắm vào những cơ sở, thiết bị hay giàn khoang do Philippines sở hữu hoặc thuê mướn, thì điều đó rất dễ làm cho Hoa Kỳ bị lôi kéo vào cuộc xung đột."


Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang lâm vào một tình huống khó xử ở Biển Đông. Tiến sĩ John Blaxland, chuyên gia về tình báo và an ninh của Học viện Á châu Thái bình dương của Đại học Quốc gia Australia, cho biết ý kiến như sau:


"Trung Quốc biết rằng nếu họ quá mạnh tay trong vụ việc này thì điều đó sẽ làm cho họ bị xa cách thêm nữa với các nước ASEAN. Các nước này mới họp với nhau ở Kampuchea và trong ASEAN ngày càng có nhiều mối quan tâm về thái độ hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông."


Trong bài viết trên tờ Asia Times, số ra ngày thứ 6 vừa qua (20 -04-2012), một chuyên gia Đông Nam Á của Đại học Mahidol ở Bangkok, ông George Amurao, trích lời các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc có lẽ đang tự đặt mình vào một thế bí ngoại giao qua việc đòi hỏi chủ quyền đối với phần lớn khu vực Biển Đông, và Bắc Kinh đang phải đối mặt với mối rủi ro bị mất đi những thành quả về “quyền lực mềm” mà họ đã có được nhờ các mối liên hệ thương mại với các nước trong khu vực.