2.5.12

Đài Loan lập đơn vị không vận phản ứng nhanh hỗ trợ Trường Sa



Vận tải cơ C-130 thả dù các kiện hành nhân cuộc tập trận thường niên tại căn cứ không quân Tân Trúc, thuộc thành phố Tân Trúc, miền Bắc Đài Loan ngày 19/04/ 2012.
Vận tải cơ C-130 thả dù các kiện hành nhân cuộc tập trận thường niên tại căn cứ không quân Tân Trúc, thuộc thành phố Tân Trúc, miền Bắc Đài Loan ngày 19/04/ 2012.
REUTERS/Pichi Chuang

Đức Tâm
Ngày hôm nay, 02/05/2012, bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết có kế hoạch thành lập một đơn vị không vận đặc biệt, có chức năng phản ứng nhanh, nhằm bảo vệ chủ quyền của mình trong khu vực quần đảo Trường Sa, vào lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng.
Theo các quan chức Đài Loan, được AFP trích dẫn, trong báo cáo gửi Nghị viện, lần đầu tiên, bộ Quốc phòng Đài Loan đề cập đến kế hoạch thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm « phản ứng nhanh bằng phương thức không vận và hỗ trợ hải quân ».

Các chi tiết liên quan đến đơn vị đặc nhiệm này không được tiết lộ, nhưng theo báo chí Đài Loan, khi cần thiết, trong khoảng 4 tiếng đồng hồ, máy bay vận tải khổng lồ C-130 của Đài Loan có thể tới Ba Bình, đảo lớn nhất trong khu vực quần đảo Trường Sa (mà Đài Loan gọi là Thái Bình).
Bất chấp sự phản đối của các bên có tranh chấp về chủ quyền, chính quyền Đài Bắc, vào năm 2006, đã cho xây dựng một phi đạo dài 1.150 m trên đảo Ba Bình. Hòn đảo này cách Đài Loan 1.376 km.
Cũng trong ngày hôm nay, lực lượng tuần duyên Đài Loan thông báo là các đơn vị đóng quân trên đảo Ba Bình đã được tranh bị loại pháo có tầm bắn 6.100 mét.
Báo chí Đài Loan, dẫn nguồn tin từ chính quyền, cho biết là các động thái trên đây diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều tàu cá của Việt Nam xâm nhập vào vùng biển mà Đài Bắc cho là thuộc chủ quyền của mình. Cụ thể là trong bốn tháng đầu năm này, đã có 41 tàu cá Việt Nam vi phạm. Năm 2011, 106 vụ và năm 2010, chỉ có 42 vụ.
Từ hơn một tháng nay, tình hình ở vùng Biển Đông lại căng thẳng thêm, sau khi tàu chiến Philippines, ngăn chặn 8 tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào vùng Bãi đá Scarborough mà Manila khẳng định thuộc chủ quyền của Philippines. Sau đó, Trung Quốc điều tàu hải giám và ngư chính đến ngăn cản tàu chiến Philippines chặn bắt tàu cá Trung Quốc ở đây.
Vùng quần đảo Trường Sa rộng khoảng 5 km vuông, có hơn 100 đảo lớn nhỏ, bãi đá chìm, nổi, là nơi có tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Tất cả các bên tranh chấp, ngoại trừ Brunei, đều có lực lượng quân sự hiện diện trên một số hòn đảo ở đây.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - QUỐC PHÒNG - TRƯỜNG SA - ĐÀI LOAN

Không có nhận xét nào: