20.5.12

Đài Loan tái khẳng định chủ quyền các quần đảo trên Biển Đông



Ông Mã Anh Cửu trong lễ nhậm chức Tổng thống Đài Loan ngày 20/05/2012.
Ông Mã Anh Cửu trong lễ nhậm chức Tổng thống Đài Loan ngày 20/05/2012.
REUTERS/Hsu Chao-chang/Pool

Trọng Nghĩa
Trong một cuộc họp báo tổ chức tại Đài Bắc vào hôm nay, 20/05/2012, ngay sau khi ông chính thức khai trương nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình, lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã tái khẳng định chủ quyền của Đài Loan tại khu vực Biển Đông.

Tuy nhiên, vào lúc căng thẳng ngày càng tăng trong vùng, đặc biệt là giữa Manila và Trung Quốc, ông Mã Anh Cửu tuyên bố sẽ áp dụng cách tiếp cận hòa bình để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Trả lời câu hỏi của một phóng viên về phản ứng của Đài Loan trước tình hình tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang sôi lên, Tổng thống Đài Loan cho biết là nước ông sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với khu vực này và sẽ áp dụng phương thức tiếp cận hòa bình trong việc giải quyết tranh chấp với các nước khác.
« Chính sách của chúng tôi về khu vực vẫn không thay đổi, đó là ‘bảo vệ chủ quyền, tạm gác tranh chấp, bảo đảm tính chất hợp lý và hòa bình, và cùng nhau thăm dò’ », ông Mã Anh Cửu tuyên bố.

Khu vực Biển Đông được cho là giàu tiềm năng dầu khí hiện bị 6 nước tranh chấp là Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Dù ít được nhắc đến, nhưng Đài Loan và Trung Quốc là những bên đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ khu vực.
Tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mà Trung Quốc hiện dựa vào để khẳng định chủ quyền thực ra là một tài liệu do chính phủ Trung Hoa thời Tưởng Giới Thạch đưa ra vào năm 1947. Đài Loan, cũng lấy tấm bản đồ lưỡi bò đó làm cơ sở cho đòi hỏi của mình.
Bộ Ngoại giao Đài Loan từng xác định trong một tuyên bố ngày 15/06/2011 là họ có chủ quyền trên « Quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa), Quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa), Quần đảo Trung Sa (Bãi Macclesfield phía đông nam Hoàng Sa mà Đài Loan và Trung Quốc coi như là một quần đảo), và Quần đảo Đông Sa (quần đảo Pratas, phía đông bắc Biển Đông, cách Hong Kong 350 km), cũng như các vùng biển xung quanh, đáy biển và lòng đất… ».

Tranh chấp giữa Đài Loan với Việt Nam chủ yếu là trên vấn đề chủ quyền ở Trường Sa nơi mà hòn đảo lớn nhất là Itu Aba (Đài Loan gọi là Thái Bình/Việt Nam đặt tên là Ba Bình) đang đo Đài Loan chiếm đóng.
Mới đây, tuần duyên Đài Loan đã báo động là một tàu tuần tra Việt Nam và nhiều tàu cá nước ngoài đã xâm nhập vào vùng biển gần đảo này vào cuối tháng ba vừa qua. Lực lượng tuần duyên là bộ phận chịu trách nhiệm bảo vệ Thái Bình. Ngoài đảo Thái Bình, Đài Loan cũng có lực lượng trú đóng trên quần đảo Pratas.
Riêng về chủ quyền trên vùng bãi đá Scarborough đang là điểm nóng trong quan hệ Bắc Kinh Manila, Đài Bắc hiện rất kín tiếng cho dù họ cũng đòi hỏi chủ quyền trên khu vực này.
 
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - CHỦ QUYỀN - ĐÀI LOAN

Không có nhận xét nào: