26.5.12

Bà Hoàng Yến bị Quốc hội bãi nhiệm



BBC - Quốc hội Việt Nam đã chính thức bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến tại phiên họp kín sáng nay 26/5.

Truyền thông trong nước cho biết có 473 trên tổng số 500 đại biểu tham gia buổi bỏ phiếu.

Theo kết quả công bố, có 457 phiếu tán thành, 16 phiếu không tán thành việc bãi nhiệm.

Như vậy bà Hoàng Yến chính thức không còn lại đại biểu Quốc hội, và Quốc hội hiện nay chỉ còn 499 đại biểu.

Bà là trường hợp thứ ba bị Quốc hội bãi nhiệm.

Năm 2005, ông Lê Minh Hoàng, nguyên Giám đốc Công ty điện lực TP.HCM, bị bãi nhiệm do có sai phạm trong vụ điện kế điện tử.

Năm 2006, ông Mạc Kim Tôn, nguyên giám đốc Sở Giáo dục Thái Bình, bị bãi nhiệm vì tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Phát biểu lần cuối

Theo trang VietnamNet, bà Hoàng Yến, phát biểu lần cuối cùng, nói: "đã có sơ xuất, dù không cố ý, nhưng cũng đủ để dẫn đến việc ngày hôm nay".

"Đến giờ phút này, tôi thực sự không oán trách bất cứ ai; tôi chấp nhận mọi quyết định của tổ chức," bà cho biết.

Bà biện luận rằng sau thời gian ngắn ngủi ở Quốc hội, bà sẽ tiếp tục cố gắng vì "đã may mắn có một tầm nhìn, một trách nhiệm của Người đại biểu nhân dân dù chỉ trong một thời gian rất ngắn ngủi".

Nữ doanh nhân Hoàng Yến bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận là không trung thực trong khi khai hồ sơ ứng cử.

Bà bị cho là không khai việc đã từng là đảng viên và không khai có chồng, một Việt kiều, đang bị công an Việt Nam truy nã.
"Đến giờ phút này, tôi thực sự không oán trách bất cứ ai; tôi chấp nhận mọi quyết định của tổ chức."
Bà Đặng Thị Hoàng Yến
Dư luận trở nên ồn ào sau khi bà trúng cử Đại biểu Quốc hội, cùng với em trai Đặng Thành Tâm năm ngoái.

Báo Người cao tuổi và Cựu chiến binh Việt Nam là hai trong số các tờ báo phê phán bà Hoàng Yến nặng nề nhất.

Tháng Chín năm ngoái, hai tờ báo này cùng viết kiến nghị yêu cầu xem xét tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Lá thư đồng kính gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Việc vắng tên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong lá thư làm tăng thêm đồn đoán trong dư luận rằng ông Trương Tấn Sang là người gần gũi với chị em bà Hoàng Yến, và vì thế hai tờ báo công kích đã cố ý không nhắc tên ông.

Đến tháng 12/2011, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vẫn nói rằng “cơ bản không có vấn đề gì” với bà Hoàng Yến.

Nhưng đến ngày 18/4, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị bãi miễn tư cách đại biểu của bà Hoàng Yến.

Ngày 5/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề nghị bãi nhiệm đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến.

Sau một thời gian lùm xùm thông tin, bà Hoàng Yến đã viết đơn xin từ nhiệm vào tháng Năm.

Nhưng Quốc hội Việt Nam chỉ cho phép đại biểu từ nhiệm vì l‎ý do sức khỏe, vì thế bà Yến đã phải tiếp tục trải qua sự phán xét của Quốc hội.

Không có nhận xét nào: